Nộp 60.000 đồng để được ‘đu dây’ đến trường
Cầu treo trị giá 25 tỷ đồng chưa được phê duyệt xây dựng nên học sinh cách trường 6km ngày ngày đi bè đu dây qua sông Re (Quảng Ngãi). Mỗi em phải trả công cho người kéo bè 2 ang lúa.
Trao đổi với VnExpress.net ngày 16/10, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, đã nhiều lần khảo sát làm cầu treo nối đôi bờ sông Re nhưng do quãng sông rộng hàng trăm mét nên không khả thi. Huyện đã lập dự án xây cầu kiên cố dài 160 mét, rộng 5 mét (bắc qua đoạn sông hẹp nhất), với tổng kinh phí 25 tỷ đồng nhưng ba năm vẫn chưa được duyệt.
Theo UBND xã Sơn Ba, toàn xã có 630 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu ở bảy thôn bên bờ sông Re hàng ngày phải đu dây kéo bè vượt sông. Mỗi tháng, gia đình một học sinh nộp hai ang lúa (tương đương 60.000 đồng) để trả tiền bè đến trường.
Hàng trăm học sinh ở xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà đu dây thừng kéo bè qua sông mỗi ngày. Ảnh: Trí Tín.
Hiện, chỉ có 36 học sinh nhà cách trường 8 km là được ở nội trú, số còn lại cách trường 2 – 6 km phải băng rừng, vượt suối, đu dây kéo bè qua sông. Người dân muốn xin giấy tờ ở xã hoặc lên nương rẫy cũng phải đu dây kéo bè vượt sông sâu.
Video đang HOT
Thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Tiểu học Sơn Ba tâm sự, do đặc thù xã vùng cao còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở nên ngoài điểm trường chính còn có 7 điểm trường lẻ nằm bên kia sông. Tuy nhiên, do điểm trường lẻ chỉ dạy lớp 1 – 2 nên học sinh lớp 3 trở lên phải đu dây vượt sông đến điểm trường chính. Từ lâu, trường đã lập sổ vàng vận động, quyên góp từ giáo viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, quần áo giúp học sinh nghèo nơi đây bám lớp, bám trường.
“Trung bình, mỗi năm các giáo viên ở 7 điểm trường lẻ phải trả cho người kéo bè hàng chục triệu đồng để được đưa qua sông. Khi mực nước lũ trên sông dâng cao thì họ không dám kéo bè, học sinh nghỉ học hàng loạt, giáo viên cũng rơi vào cảnh thất nghiệp vì lớp học trống vắng”, thầy Cương nói.
Theo VNE
'Làng đu dây' qua sông
Cách trở dòng sông Re cuồn cuộn chảy xiết, nhiều năm qua hơn 600 hộ dân ở xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) phải đu dây thừng đi bè qua sông.
Không có cầu bắc qua sông Re, nhiều năm qua, 630 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu ở xã Sơn Ba đi lại làm ăn, học tập phải đu dây thừng kéo bè vượt sông sâu. Chiếc bè dài khoảng 3 mét, rộng 1,5 mét được làm bằng những ruột ôtô bơm căng, bên trên lót gỗ hoặc thân tre nẹp lại.
Học sinh đu dây tinh nghịch trên chiếc bè chòng chành trên dòng nước.
Những bàn tay bé nhỏ nhưng chai sạn của học trò xã Sơn Ba vì thường xuyên đu dây đi bè qua sông.
Mùa lũ tràn về, mực nước trên các sông, suối dâng cao, hàng trăm học sinh bên sông Re nghỉ học 3-4 ngày là chuyện bình thường.
Nhà ở xa trường 4 km, hàng ngày em Đinh Văn Thương (lớp 1A, trường Tiểu học Sơn Ba) phải vượt suối, băng rừng, đu dây đi bè qua sông. Đến được lớp học thì cơ thể lấm lem bùn đất.
22 học sinh thôn Gò Da, xã Sơn Ba cách trường 8 km may mắn được các nhà hảo tâm, thầy cô giáo quyên góp gạo, tiền, quần áo ở nội trú trong trường để theo đuổi con chữ. Số còn lại phải băng rừng, đu dây đi bè qua sông Re 2-6 km đến trường mỗi ngày.
Toàn xã Sơn Ba có 7 điểm người dân thường xuyên đu dây kéo bè qua sông Re dài hơn 350 mét. "Mấy ngày trước nước lũ tràn về cuốn trôi mất hai chiếc bè, may chưa xảy ra chết người. Ước mơ lớn nhất của người dân là có cây cầu kiên cố bắc qua sông để không còn lo sợ nguy hiểm đến tính mạng", ông Đinh Văn Nã, Bí thư xã Sơn Ba bộc bạch.
Theo VNE
Sáng tạo ứng dụng trên thiết bị di động Sáng 17-9, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao TP.HCM đã đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm ứng dụng di động (mLab) có tổng kinh phí đầu tư 380.000 USD. mLab này đặt mục tiêu tạo ra những ứng dụng trên thiết bị di động, tạo ra các dịch vụ mới và giải quyết các vấn đề kinh...