Nóng với “ma trận” tiền trường
Sau khi khai giảng năm học mới, các trường lại tổ chức họp phụ huynh để thông báo chuyện đóng góp. Ngoài các khoản phí có tên, các trường đều đưa ra những khoản phụ thu như quỹ lớp, quỹ trường, tiền đồng phục, tiền học phụ đạo… với số tiền dao động 300.000 – 700.000 đồng/học sinh một kỳ.
Ngậm ngùi nộp khoản không tên
Chị Trần Thị Mận, mẹ em Lê Công Bằng, học sinh lớp 6 Trường THCS Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, ngoài 4 sào rộng khoán, hai vợ chồng chị phải làm phụ hồ kiếm sống. Vợ chồng chị phải bán 2 tạ lúa mới thu hoạch cộng với tiền tích cóp để lo sách vở và học phí cho hai con nhập học đầu năm. Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm thông báo ngoài tiền học phí, nhà trường thu thêm tiền một số quỹ như quỹ lớp, quỹ trường, quỹ học phụ đạo thêm giờ, quỹ vệ sinh.
“Mỗi khoản quỹ chỉ vài chục ngàn, cao nhất là khoản quỹ phụ đạo 100 ngàn đồng/học sinh/kỳ, thế nhưng nếu tính ra mỗi phụ huynh đóng khoảng 600 ngàn đồng. Phụ huynh thắc mắc chi tiêu thế nào thì cô giáo chủ nhiệm chỉ nói chung chung là cuối học kỳ sẽ báo với phụ huynh sau”, chị Mận nói. Tuy thắc mắc là vậy nhưng cuối cùng thì 40 phụ huynh đều tặc lưỡi đóng.
Trẻ em nặng vai, cha mẹ oằn lưng. Ảnh: Hồng vĩnh.
Chị Nguyễn Thị Tươi (Biên Hòa, Đồng Nai) có con học lớp 3, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Tiền quỹ đầu năm nhà trường giao cho cô giáo chủ nhiệm thu, tiền quỹ lớp hay các đóng góp khác, hội trưởng hội phụ huynh thu. Nói là không bắt buộc thế nhưng phụ huynh nào cũng phải đóng, nếu chưa đóng kịp thì hội trưởng hội phụ huynh gọi điện nhắc nhở. Nhưng khi nộp tiền thì không ai giải thích về các khoản phí đó, chỉ có họp cuối năm mới được giáo viên và hội trưởng hội phụ huynh đọc cho một dãy các mục chi quỹ”.
Cũng theo chị Tươi, kết thúc năm học trước, cô giáo tổng kết các khoản chi gồm quà, hoa cho giáo viên 20/10, ngày 20/11, thăm cô ốm, mua đồ dùng mới cho các cháu, tổ chức sinh nhật, trung thu, hỗ trợ mua ghế… Thế nhưng lớp học xuống cấp rất nhiều, bàn ghế cũ kỹ mà nhà trường thu khoản xây dựng trường lại không sửa chữa, vậy mà tổng kết lại quỹ không thừa một đồng nào.
“Có nhiều phụ huynh muốn làm rõ những khoản nào nhà trường trích từ tiền cơ sở vật chất, tiền học phí, tiền nhà trường… ra mua bàn ghế sửa chữa lại trường thì đều bị gạt đi. Sau đó thì ai cũng tặc lưỡi cho qua vì sợ bị thầy cô “đánh giá”, chị Tươi nói.
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai nói đầu năm ngoài tiền học phí, phụ huynh còn phải đóng 150 ngàn đồng gồm các khoản quỹ hội phụ huynh, bảng tên, logo, đồng phục… Những khoản này cuối kỳ học sẽ được công bố đầy đủ cho phụ huynh nhưng hầu như đầu kỳ được chi hết, nếu thừa thì kỳ sau phụ huynh sẽ đóng ít hơn.
Video đang HOT
Hội phụ huynh nắm, hiệu trưởng không biết
Rất nhiều hiệu trưởng khi được hỏi về các khoản phụ thu của trường đều trả lời không rõ, vì cái này do hội phụ huynh, ban giám hiệu không quản lý. Mới kết thúc buổi họp phụ huynh đầu năm, chị Trương Thị Lan, hội trưởng hội phụ huynh Trường tiểu học Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TPHCM nói: “Tiền quỹ là hội đưa ra từ trước, năm nào cũng đóng chứ có phải mình tự đưa ra để phụ huynh đóng theo đâu. Vậy mà cứ mỗi kỳ họp phụ huynh là lại như cuộc chiến hai phe, ban phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm, bên kia là phụ huynh muốn làm rõ các khoản thu chi”.
Tiền phụ thu mỗi học kỳ đều được Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM công bố rõ. Ảnh: Gia Huy.
Theo chị Lan, tiền quỹ của trường một kỳ khoảng 600 ngàn đồng, trong đó có các khoản xây dựng trường, tiền quỹ phụ huynh, tiền bảo hiểm… Tiền này do ban đại diện hội phụ huynh thu, chi, các khoản chi sẽ được công khai vào cuối kỳ hoặc cuối năm học. Thực sự các khoản này nếu sử dụng không hết sẽ dành để mua quà cho nhà trường và thầy cô cho hết nhưng “phụ huynh không hiểu những điều đó mới thắc mắc”.
Khi được hỏi về việc thu chi của ban đại diện hội phụ huynh các lớp, ông Lâm Viết Tường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Biên Hòa, Đồng Nai) nói không hề nắm các khoản quỹ này vì do phụ huynh “tự thống nhất thu, chi”.
Tại cuộc họp mới đây của Trường tiểu học Ngô Thời Nhiệm, quận Gò Vấp, TPHCM, phụ huynh phản ứng trước việc trường vừa xây mới, cơ sở vật chất đầy đủ mà sao lại phải đóng thêm tiền mua máy lạnh, ti vi, tiền cây cảnh… Hội phụ huynh nhà trường và giáo viên giải thích khoản phí mua những thứ này để phục vụ cho việc học tập của học sinh.
“Năm nay con tôi học lớp 5, sang năm lên lớp 6, vậy nếu đóng 500 ngàn đồng mua ti vi, mua máy lạnh… rồi học được mấy tháng. Năm sau học trường khác lại phải đóng mua mới thì sao được”, chị Phạm Huyền Trang, ngụ quận Gò Vấp có con học tại trường này bức xúc.
Cũng theo chị Trang, nếu nhà trường và hội phụ huynh minh bạch trong các khoản thu thì phụ huynh cũng vui vẻ đóng, thế nhưng ở đây năm nào cũng đóng các khoản mới mà chẳng biết hội và nhà trường chi vào những việc gì mà cuối năm vẫn thông báo hết quỹ.
Hà Nội: Nhiều trường vẫn lạm thu
Theo phản ánh của một phụ huynh có con học khối 5 một trường tiểu học Hoài Đức, Hà Nội, đầu năm học này số tiền mà con chị buộc phải đóng là 1.807.000 đồng với gần hai chục khoản. Cụ thể: Nước 54.000 đồng/9 tháng; Học buổi thứ 6 là 270.000 đồng/năm; Đặt báo 25.000 đồng/ năm; Sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất 50.000 đồng/năm;
Khuyến học khuyến tài 50.000 đồng/năm; Hỗ trợ các hoạt động giáo dục 60.000 đồng/ năm; Thuê quét lớp, mua giấy vệ sinh 50.000 đồng/ năm; Sổ theo dõi sức khỏe, sổ liên lạc, khám sức khoẻ 15.000 đồng/năm; Quỹ từ thiện, kế hoạch nhỏ, hỗ trợ hoạt động Đội 50.000 đồng/năm; In đề kiểm tra đầu năm, định kỳ, học kỳ 20.000 đồng/năm;
Hội phụ huynh 150.000 đồng/năm; Quỹ lớp 100.000 đồng/ năm; Bảo hiểm y tế 290.000 đồng/ năm; Bảo hiểm thân thể 90.000 đồng/năm; Tin học 360.000 đồng/năm. Ngoài ra chị phải đóng các khoản trong hè như vở luyện chữ, vở bài tập toán tiếng Việt… là 170.000 đồng nữa.
Một số phụ huynh khác của trường này còn phản ánh, khi thu tiền buổi học thứ 6, nhà trường giải thích là học 180 phút/buổi. Như vậy một buổi các cháu phải học tới 5 tiết (vì học sinh tiểu học chỉ học 35 phút/tiết). Theo các phụ huynh, bắt các cháu học nhiều tiết trong một buổi như thế cố tình vẽ ra để đày đọa học sinh và để có cớ thu tiền.
Các vị phụ huynh này còn cho biết, nhà trường cũng thông báo sẽ tổ chức lớp học tương tác với mức đóng góp 4 triệu đồng/ học sinh. Em nào không có nhu cầu học thì phải chuyển qua lớp khác.
Chị C.H, phụ huynh có con học khối 1 của một trường tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, trong cuộc họp phụ huynh gần đây ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thông báo trường có chủ trương lắp thiết bị tương tác cho mua thiết bị tương tác gồm máy chiếu, máy tính xách tay, máy đa vật thể… với chi phí gần 80 triệu đồng/lớp. Nếu kể cả điều hoà, mỗi lớp cần chi 108 triệu đồng. Lớp của con chị C.H có 55 học sinh, vị chi mỗi cháu sẽ phải đóng khoảng 2 triệu đồng.
Một phụ huynh khác cũng của trường này thì phàn nàn: “Con lớn của tôi năm ngoái cũng là học sinh của trường. Hồi mới vào lớp 1, các cháu cũng từng phải đóng các khoản để mua máy chiếu, điều hoà… Khi các con ra trường, phụ huynh lớp đã tặng lại cho nhà trường tất cả những thiết bị đó. Đáng lẽ các thiết bị này phải được dùng cho các lớp sau nhưng trên thực tế đứa sau nhà tôi khi vào lớp 1 vẫn phải mua toàn bộ thiết bị mới. Không rõ các thiết bị này đã đi đâu?”.
Một phụ huynh lớp 6H một trường THCS quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng phản ánh ngoài các khoản nghe nói là phải đóng theo quy định (như học phí, bảo hiểm y tế…), chị phải đóng 2.635.000 đồng/học sinh tiền mua máy chiếu và một số thiết bị dạy học. Chị nói: “Phụ huynh không nhận được bản kê đầy đủ các khoản tiền phải nộp nên không thể biết được khoản thu nào trái với các quy định”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Nam – Chánh thanh tra Sở GD&ĐT TPHCM cho biết giữa tháng 10 này sau khi các trường hoàn tất các khoản thu, sở sẽ tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm những trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu, đồng thời nếu là các khoản tạm thu, sở cũng yêu cầu làm rõ.
Theo TNO
Tiền trường "xé" nhỏ vẫn to
Hai ngày cuối tuần vừa qua là thời điểm hầu hết các trường học ở Hà Nội đều họp phụ huynh khiến tiền trường lại trở thành vấn đề nóng. Nhiều nơi, dù đã xé nhỏ các khoản thu hoặc thu trước ngày họp nhưng phụ huynh vẫn thấy rõ sức ép khi phải rút ví tiền triệu...
Cộng nhiều khoản: Ít thành nhiều
Sau khoảng thời gian chờ đợi hướng dẫn thu chi đầu năm, ngày 15, 16-9 là thời điểm hầu hết các trường đều tổ chức họp phụ huynh triển khai năm học mới, trong đó, vấn đề không thể thiếu là thu tiền đầu năm. Tham khảo thông tin tại một số trường học của Hà Nội, đối với các khoản thu hộ, thu thỏa thuận, do đã có hướng dẫn khá rõ, bao gồm mức trần cho các khoản này như tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền học 2 buổi/ngày ... đều không gây thắc mắc gì từ phía phụ huynh.
Đưa con đi học trong nơm nớp nỗi lo tiền trường (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một khoản nhỏ như tiền nước uống theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội là không quá 12.000 đồng nếu phụ huynh có nhu cầu sử dụng nước uống tinh khiết ở một số nơi lại được thay đổi ở mức khác hẳn. Không chỉ dừng lại ở nhu cầu sử dụng bình nước tinh khiết, một phụ huynh tại trường Tiểu học Ngọc Hà cho biết, phụ huynh phải đóng thêm tiền cây nước nóng lạnh. Ngoài tiền nước tinh khiết 60.000 đồng, phụ huynh lớp này phải đóng 473.000 đồng gồm tiền điều hòa, cây nước và máy chiếu. Theo phụ huynh này, thì các khoản thu đều được xé nhỏ, có tên gọi riêng và nếu tính riêng lẻ thì không đáng bao nhiêu. Có điều khi cộng lại, vị phụ huynh này phải rút ví ra gần 1,4 triệu đồng cho 10 khoản tiền khác nhau, chưa kể tiền ăn, chăm sóc bán trú, học 2 buổi/ngày, đồng phục... "Với một trường công lập, không phải đóng học phí mà phụ huynh phải chi cho một cháu từng này tiền là không nhỏ, chưa kể nhiều gia đình đều có 2 con đi học thì cả tháng lương cũng chỉ đủ để đóng tiền trường đầu năm, chưa kể tiền học thêm, thăm nom thầy cô dịp Tết Trung thu sắp tới" - vị phụ huynh này lo lắng tính toán.
Khác với việc thu ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm như trường Ngọc Hà, phụ huynh một số trường khác cho biết thay vì phải rút ví một lần thì các vị phụ huynh này lại nơm nớp trước khoản thu "treo" sau này với tiền mua máy chiếu hay thiết bị lớp học tương tác... được giáo viên thông báo sẽ thu vào tháng sau với mức tiền chắc chắn không ít bởi máy chiếu cũng vào cỡ trên dưới 20 triệu đồng, còn thiết bị lớp học tương tác thì mức giá thấp nhất cũng phải 40, 50 triệu đồng, chưa kể các thiết bị khác với tổng chi phí trên 100 triệu đồng như kinh nghiệm của các trường đã triển khai mô hình này.
Quỹ phụ huynh nhiều nơi lên đến tiền triệu
Một trong những khoản khá "nặng" với phụ huynh khi đóng tiền đầu năm chính là quỹ phụ huynh. Đây là khoản thu mà phụ huynh tự đứng ra thu và chi không do nhà trường quản lý nên có rất nhiều mức khác nhau. Thực tế, như nhiều trường Giảng Võ, Trung Tự, Lý Thường Kiệt... mức thu được Ban giám hiệu nhà trường giới hạn không quá 300.000 đồng. Tuy nhiên, không ít trường mức thu này lên tới tiền triệu. Chị Hoàng Anh, phụ huynh trường Tiểu học Thực nghiệm cho biết, quỹ phụ huynh học kỳ này của lớp chị đóng tròn 1 triệu đồng. Mức thu này ở một lớp 7 trường THCS Việt Nam - Algeria, lên tới 1,1 triệu đồng, nâng tổng số tiền phải đóng góp trong ngày họp phụ huynh đầu năm gần 2 triệu đồng. Phụ huynh trường Đặng Trần Côn A cũng cho biết, mức thu mà ban phụ huynh đưa ra trong buổi học này cũng là 1,1 triệu đồng chưa kể các khoản thu thỏa thuận, thu hộ khác. Theo một phụ huynh trường Trung Tự thì với mức thu 300.000 đồng/học kỳ mà để chi tiêu đủ thứ trong thời buổi bão giá hiện nay thì sớm muộn gì phụ huynh cũng bị "truy thu" vào học kỳ II, vậy nên, ban phụ huynh ở đây cứ mạnh dạn thu lên 500.000 đồng.
Thực tế, dù các hoạt động của quỹ phụ huynh theo điều lệ hoạt động do Bộ GD-ĐT quy định thì chủ yếu để phục vụ trực tiếp cho học sinh nhưng thực tế, các khoản này vẫn được trích ra phần nhiều để thăm hỏi thầy cô vào các dịp lễ tết.
Một điều cũng khiến nhiều phụ huynh thắc mắc là theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, các khoản thu đều phải công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh, đặc biệt là khoản thu tự nguyện phải lên kế hoạch, niêm yết trước 1 tuần để lấy ý kiến phụ huynh để minh bạch thông tin. Tuy nhiên, sau buổi họp phụ huynh, các phụ huynh đều ra về tay không, chỉ biết mình đóng bao nhiêu tiền chứ không thể nhớ chi tiết là đóng những khoản gì, cụ thể bao nhiêu. "Ít nhất như năm học trước, không phát văn bản, giấy tờ thì cô giáo cũng ghi lên bảng các khoản thu, năm nay ngay cả ghi lên bảng cũng không, khiến các vị phụ huynh nháo nhác ghi chép, tính toán"- phụ huynh trường Ngọc Hà cho biết. Vậy là yêu cầu minh bạch thông tin với các khoản thu đầu năm đều bị những trường này "quên" không thực hiện.
Theo Bảo Anh
An ninh thủ đô
Những vị phụ huynh... trời ơi Trong khi đời sống các gia đình đã khấm khá hơn rất nhiều, hầu hết các bậc phụ huynh đều chăm lo cho con cái đầy đủ, đặc biệt là ở thành thị, thì vẫn có những cha mẹ không bao giờ nghĩ rằng hành xử vô tâm của mình ảnh hưởng tới tâm lý, cảm xúc của các con như thế nào....