Nông thôn, thành thị đều cần dạy học trên truyền hình lúc này
Theo nhà giáo Đậu Xuân Thoan, mỗi địa phương đều có đài phát thanh truyền hình nên có thể tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh nghỉ học tránh dịch Corona.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch đến hết tháng 2, có địa phương còn kiến nghị cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3.
Nhưng vấn đề đặt ra, trong thời gian học sinh được nghỉ học việc ôn tập kiến thức cho các em được triển khai như thế nào thì mỗi địa phương một kiểu. Đối với học sinh thành phố, đô thị… trung tâm có điều kiện hơn học sinh ôn tập, học trực tuyến, nhưng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại không thể.
Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm ngành giáo dục địa phương cần phối hợp với kênh truyền hình địa phương tổ chức ôn tập cho học sinh.
Các đài phát thanh, truyền hình địa phương vốn được ngân sách địa phương chi trả, lúc này cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình bằng việc phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh thay những chương trình thuần túy giải trí như chiếu phim nước ngoài.
Tính đến thời điểm này đã có tỉnh Đồng Nai tổ chức sản xuất và phát sóng trên đài phát thanh truyền hình tỉnh chương trình ôn tập kiến thức học kỳ I năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 9 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và học sinh lớp 12 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân).
Chương trình được phát sóng vào lúc 07 giờ 30 phút và 13 giờ 30 phút hàng ngày trên kênh truyền hình Đồng Nai 1 và sau đó phát lại vào lúc 08 giờ 35 phút và 14 giờ trên kênh truyền hình Đồng Nai 2 (ĐN2).
“Không chi nông thôn ma thanh phô luc nay co chương trinh truyên hinh day hoc cho hoc sinh thơi điêm nay se rât tôt va cân thiêt”, chi Y. Hiêu trương trương tiêu hoc tai quân Ha Đông, Ha Nội noi.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc dạy học trên truyền hình, nhà giáo Đậu Xuân Thoan, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý – Giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng:
“Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, các địa phương hoàn toàn có thể phát sóng ôn tập kiến thức trên truyền hình cho học sinh.
Mỗi địa phương đều có đài phát thanh truyền hình sao không dùng kênh này để tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh địa phương mình khi thời gian trở lại trường có thể còn kéo dài.
Tại thành phố, trung tâm, đô thị, học sinh có điều kiện ôn tập bằng nhiều hình thức như học trực tuyến qua máy tính, điện thoại thông minh thì không vấn đề gì.
Còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa số gia đình có máy tính kết nối internet cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì việc học sinh nghỉ dài ngày mà được ôn tập kiến thức cũng rất đáng lo”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, học sinh vùng khó khăn có thể ôn tập kiến thức hiệu quả qua kênh truyền hình địa phương trong thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch Covid-19. Ảnh minh họa, nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.
Video đang HOT
Nói về việc chọn kênh truyền hình địa phương để dạy học trên truyền hình, thầy Đậu Xuân Thoan cho rằng:
“Có thể nói tivi thì gần như nhà nào cũng có, từ đô thị đến vùng khó khăn nhất. Hơn nữa, địa phương nào cũng có đài phát thanh truyền hình của tỉnh là điều rất thuận lợi.
Như vậy chọn kênh truyền hình địa phương để phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh trong lúc này và ngay cả khi học sinh đi học trở lại vẫn rất cần thiết và hiệu quả đối với học sinh vùng khó khăn. Điều quan trọng là quyết tâm của lãnh đạo và ngành giáo dục địa phương có muốn làm hay không”.
Nhà giáo Đậu Xuân Thoan cũng chỉ ra: “Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương hoàn toàn có thể kết hợp với Đài phát thanh truyền hình để mời những thầy cô giáo giỏi dạy các môn cơ bản các khối lên sóng giảng bài, ôn tập kiến thức cho học sinh.
Có thể mỗi khung giờ dạy các môn cơ bản khác nhau, các khối khác nhau để làm sao các em đều được ôn tập kiến thức. Do thời lượng có hạn nên không thể đòi hỏi giáo viên giảng như trên lớp mà cần sự tổng hợp, khái quát, ngắn gọn, dễ hiểu.
Giờ phát sóng chương trình có thể được thống báo trên truyền hình địa phương, thông báo qua hệ thống loa phát thanh của xã, phường đến từng thôn, xóm”.
Dạy học trên truyền hình đặc biệt trong thời điểm học sinh nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19 cần được nhân rộng. Ảnh: Chụp màn hình truyền hình Đồng Nai.
Nhà giáo Đậu Xuân Thoan thẳng thắn cho rằng: “Có thể nói ngành giáo dục khá bị động và thiếu những phương án, kịch bản khi xảy ra những tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh..
Dịch Covid-19 cho thấy ngành giáo dục khá lúng túng, các địa phương thì mạnh ai nấy làm. Lẽ ra ngành giáo dục cần có những phương án, kịch bản khi học sinh nghỉ học 1 tháng hay dài hơn thì kế hoạch năm học như thế nào, việc ôn tập ra sao, bằng cách nào…
Ngành giáo dục đang bị động ở việc cho học sinh nghỉ học không thống nhất, có địa phương công bố cho học sinh nghỉ theo tuần, có địa phương mạnh dạn hơn cho học sinh nghỉ cả tháng…còn việc ôn tập kiến thức cho học sinh cũng tùy vào từng trường, địa phương”.
Đồng quan điểm với nhà giáo Đậu Xuân Thoan, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không ít chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, trong thời điểm này đài phát thanh truyền hình địa phương nên phát huy vai trò của mình.
Các địa phương cần nhanh chóng tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh như Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đồng Nai.
Còn thầy Q.V. – giáo viên một trường trung học cơ sở của huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: “Sẽ rất tốt nếu học sinh được hướng dẫn, ôn tập kiến thức qua kênh truyền hình của tỉnh.
Thực tế, điều kiện kinh tế của phụ huynh nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Số gia đình có máy tính rất hiếm. Còn tivi gần như nhà nào cũng có, nhà khá giả có tivi màn hình phẳng, mỏng, còn nhà khó khăn có tivi loại cũ.
Bởi vậy, trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19 các em có thể ôn tập qua kênh truyền hình các môn cơ bản sẽ phần nào giúp các em củng cố kiến thức tốt hơn khi đi học trở lại “.
Thầy Q.V. cũng chia sẻ, điều kiện đi lại trên này khó khăn, phụ huynh cũng bận đi nương, đi rẫy nên việc giáo viên hướng dẫn, giao bài cho học sinh rất khó khăn. Giáo viên cũng không thể in tài liệu rồi đến tận nhà các em phát được, khoảng cách nhà các em rất xa.
“Kênh truyền hình địa phương chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả trong những ngày học sinh nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19″, thầy Q.V. nói.
Vũ Phương
Theo giaoduc.net
Nghỉ học dài ngày tránh Covid-19: Cảm động nghe học sinh kể chuyện nhớ trường, nhớ lớp
"Sợ thi rớt đại học vì nghỉ nhiều rớt hết chữ", "Đi học chắc bạn không nhận ra vì số ký cứ tăng dần đều", thậm chí quên luôn đường đến trường... là những chia sẻ "dỡ khóc dỡ cười" của học sinh khi nhớ trường, nhớ lớp.
Đức học bài online ở nhà nhưng anh chàng vẫn muốn mau hết dịch để được đi học vì rất nhớ bạn, nhớ thầy cô - HOA NỮ
Nhớ trường nhớ lớp vì kỳ nghỉ tết huyền thoại
Cách đây hơn 1 tuần, lúc đó mới chỉ có thông báo nghỉ thêm một tuần sau tết vì dịch virus corona, nhưng cô bé Vũ Ngọc Như Quỳnh (học sinh lớp 3 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, Q. Bình Thạnh) đã hồn nhiên chia sẻ là chán ở nhà và nhớ trường, nhớ lớp: "Con chỉ muốn đi học lại, con không muốn ở nhà nữa, con nhớ các bạn vì ở nhà không có các bạn chơi".
Đến thời điểm hiện tại thì đã qua 3 lần thông báo nghỉ học, nhiều học sinh hài hước khẳng định đây là kỳ nghỉ tết huyền thoại nhất mà sau này các bạn sẽ kể lại với con cháu của mình. Đa phần các bạn đều mong muốn tình hình dịch bệnh được ổn định để được đi học lại.
Lê Diên Minh Hải, lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), đang rất nhớ bạn, nhớ trường lớp, bày tỏ: "Lúc học nhiều quá thì muốn nghỉ nhưng khi nghỉ nhiều quá thì muốn đi học. Ở nhà cũng chẳng có gì để làm, lên trường thì mới có dịp gặp mấy đứa bạn mà chơi. Nhớ những ngày đá cầu và vô căn tin gặp nhau chuyện trò. Còn giờ chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại. Ở nhà thì không được nghe thầy cô la mắng nữa, nên cũng buồn và thấy nhớ vô cùng".
Nhóm của Nhật Linh thường gặp nhau để học nhóm, vừa cùng nhau củng cố kiến thức, vừa để bớt nhớ nhau - NVCC
Rồi Hải hài hước: "Đúng là kỳ nghỉ tết huyền thoại, sau này sẽ có cái để kể lại cho con cháu nghe về kỳ nghỉ tết có 1 không 2 này".
Cùng tâm trạng với Hải, Đào Đình Đức, lớp 12 Trường THPT Marie Curie, chia sẻ: "Nếu được đi học thì có lẽ giờ này em khá bận rộn với bài tập nhưng đổi lại sẽ là những khoảnh khắc rất vui với bạn bè tại cũng là năm cuối của em nữa. Nghỉ riết mà em nhớ tụi nó. Đi học sẽ được và bị đám bạn cà khịa như vậy thì em cảm thấy vui hơn. Em còn nhớ cả những lúc không làm bài tập còn bị thầy cô la, giờ không làm cũng đâu được nghe giọng thầy cô la nữa ạ".
Bạn cùng lớp với Đức, Bùi Thị Trúc Quỳnh, cho rằng nghỉ học mà không được đi đâu, cứ ru rú ở nhà nên rất chán và rất muốn mau hết dịch bệnh để được đi học lại.
"Vì dịch nên cũng không được tụ tập bạn bè. Nguyên ngày em chỉ làm bài, ôn bài chán thì xem phim rồi bấm điện thoại và hầu như ngày nào cũng vậy. Nhiều khi chán lắm mà không có gì làm chỉ loanh quanh trong nhà. Nhớ mấy ngày tới trường có mấy thầy cô dạy hay rồi vui vẻ em cũng vui, hay có nhiều khi ngồi nghe giảng mà trưa buồn ngủ quá giờ ngồi ở nhà nhớ lại vui lắm. Với lớp 12 rồi em cũng muốn có nhiều thời gian hơn ở lớp, tám chuyện với mấy đứa bạn vui lắm ạ, để sau này có cái để nhớ lại", Quỳnh bộc bạch.
Sợ lịch học bù sấp mặt
Nghĩ về viễn cảnh nếu phải nghỉ học dài hơn nữa, Hải hài hước nói: "Em sợ rớt đại học quá vì nghỉ lâu quá rớt hết chữ. Rồi nếu ở nhà riết chắc em đổ bệnh luôn đó ạ. Nhưng buồn cười hơn là nghỉ lâu quá đi học bạn bè sẽ không còn nhận ra được em, vì số cân nặng của em cứ tăng dần đều".
Đức cũng không kém phần dí dỏm, chia sẻ: "Nếu nghỉ thêm nữa chắc em thành người tự kỷ luôn mất. Vừa lo về mảng kiến thức để thi chuyển cấp vừa ru rú trong nhà không được tiếp xúc với bạn bè. Em chỉ mong dịch mau qua đi để em còn được "trở lại với thế giới loài người". Ở nhà nhiều quá em quên đường đến trường luôn rồi chị ơi (cười)".
Đức còn lo sợ về lịch học bù sấp mặt khi đi học lại: "Em chỉ sợ viễn cảnh học bù cận kề sắp tới thôi. Giờ thong thả chứ vài bữa đi học lại chắc tụi em và thầy cô "chạy chương trình không thấy mặt trời" luôn quá".
Với Quỳnh nghĩ học mà không được đi đâu, nên cô nàng nhớ những ngày tháng được tụ tập bạn bè, vì năm cuối cấp Quỳnh muốn lưu lại nhiều kỷ niệm bên nhau - HOA NỮ
Nói về ôn thi chuyển cấp, dường như các bạn đều rất lo lắng mặc dù đã được học qua trực tuyến.
"Em thấy nghỉ nhiều quá em hơi lo vì sắp tới em muốn thi kỳ thi đánh giá năng lực mà giờ chưa ôn được gì hết. Do có vài môn xã hội mà không có thầy cô dạy online nên em khá lo cho kỳ thi sắp tới. Và học trực tuyến thì cũng thật sự không thể nào bằng được đến trường và nghe thầy cô giảng trực tiếp, nên chỉ mong dịch mau hết", Quỳnh giãi bày.
Hải thì cho rằng chưa quen với việc học trực tuyến và nhiều khi làm Hải thấy nhức đầu: "Học online em khó kiểm soát được lượng thông tin. Có nhiều môn không có được dạy mà chỉ gửi bài tập cần làm, rồi môn nào cũng tạo nhóm trên mạng xã hội, mỗi nhóm là trăm thứ nên rất khó kiểm soát. Nói chung em chưa quen nên nhiều khi bị rối đó ạ".
Đức cũng khá lo lắng, bày tỏ: "Thật ra ban đầu cho nghỉ thêm 1 tuần, em không có gì chán cả vì em cũng còn khá nhiều bài tập trong Tết mà làm chưa kịp. Nhưng sau đó, em khá bất ngờ là được nghỉ thêm, nghỉ thêm và giờ là nghỉ tận hết tháng, nhưng chưa chắc có phải nghỉ thêm nữa không. Nói thật thì lúc này em thấy hoang mang tại năm nay em là học sinh lớp 12. Em nghĩ nếu năm nay em không phải thi chuyển cấp thì nghỉ cũng không sao chỉ mỗi tội là nhớ trường nhớ lớp thôi".
Riêng với Nguyễn Kiều Nhật Linh, học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) mặc dù cũng nhớ trường nhớ lớp nhưng Linh cho rằng đây cũng là cơ hội để Linh tự rèn cho mình lối sống biết tận dụng thời cơ, nên Linh chia sẻ: "Đối với em, khi đã yêu thích những việc nhất định thì em có thể làm nó ở bất cứ đâu, kỳ nghỉ này cũng là cơ hội cho em có nhiều thời gian hơn thực hiện nó và hoàn thiện (lối sống biết tận dụng thời cơ và cơ hội).Đồng thời mỗi ngày em dành ra 1 khoảng thời gian (sáng hoặc trưa) ra quán hoặc sang nhà các bạn em và học nhóm như vậy sẽ không mất kiến thức và cũng không chán, giáo viên cũng thường xuyên giao bài tập trực tuyến nữa nên em không lo bị chậm bài".
Theo Thanh niên
Hoán đổi thời gian hè để nghỉ dài ngày tránh dịch bệnh... không hề đơn giản Việc học sinh nghỉ vài tuần sau Tết chỉ là tình huống bất khả kháng mà thôi chứ không thể hoán đổi với toàn bộ khoảng thời gian nghỉ hè được. Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều ý kiến là ngành Giáo dục nên cho học sinh nghỉ dài ngày vào dịp này và sẽ bù vào 3 tháng...