Nông thôn dùng điện mặt trời phục vụ tưới tiêu
Nông dân ở nhiều khu vực xa điện lưới bắt đầu sử dụng các hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tưới tiêu.
Ông Trần Long, huyện Cư Jút (Dak Nông) vừa đầu tư hệ thống tưới cỡ nhỏ để phục vụ vườn cây ăn quả của gia đình. Hệ thống của ông gồm một bơm chìm dạng trục đứng (bơm hỏa tiễn) dùng điện một chiều 24V công suất 370W giá 4 triệu đồng, hai tấm pin năng lượng mặt trời 350W (tổng công suất 700W) giá 4,5 triệu đồng và dây dẫn. Tổng chi phí gần 10 triệu đồng. Ông cũng đầu tư 5 triệu đồng để khoan giếng lấy nước.
Do khu vườn xa khu dân cư, trước đây, ông Long thường phải tưới nước thông qua nguồn điện của máy phát điện, với chi phí khoảng 250.000 đồng cho mỗi lần tưới. Mùa mưa, mỗi tuần ông tưới một lần, vào mùa khô là 2 lần. Ông từng tính đến phương án kéo điện lưới, nhưng sau đó chuyển sang điện năng lượng mặt trời. “Chi phí kéo điện lưới đến khu vực này cũng xấp xỉ 10 triệu đồng, lại phải trả tiền điện hàng tháng. Cách lắp điện mặt trời có lợi về lâu dài hơn, nhất là việc chủ động thời gian, không phụ thuộc vào các yếu tố khác”, ông Long tính.
Một hệ thống bơm dùng pin năng lượng mặt trời và hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho trang trại
Anh Phan Sơn ở huyện Krông Búk (Dak Lak) cũng đầu tư hệ thống tưới nước dùng điện mặt trời cho vườn tiêu của mình với tổng giá trị khoảng 150 triệu đồng và đưa vào sử dụng hơn nửa năm qua. Hệ thống điện năng lượng mặt trời của anh Sơn gồm 10 tấm pin với công suất 530 W mỗi tấm (tổng công suất hơn 5 KW), Inverter chuyên dụng cho bơm nước (Inverter Solar Pump), ba máy bơm bề mặt loại 2 HP (1 HP = 746 W), pin lưu trữ loại 200 AH cùng dây dẫn, cảm biến mực độ nước, giàn đặt tấm pin mặt trời. Số tiền trên chưa bao gồm chi phí đào hồ chứa nước và hệ thống ống dẫn nước.
Theo tính toán của anh Sơn, việc đầu tư hệ thống bơm tưới dùng điện mặt trời cho trang trại cao hơn khoảng 20% so với một hệ thống dùng điện lưới hoặc máy phát điện. Tuy nhiên, anh cho rằng về lâu dài hệ thống sẽ tránh phụ thuộc. Sau nửa năm sử dụng, anh Sơn hài lòng với quyết định của mình. Điện sinh ra không chỉ đủ duy trì hệ thống tưới, mà còn đủ phục vụ các nhu cầu khác, chẳng hạn thắp sáng hoặc chạy một số thiết bị điện tại trang trại của anh – cách hơn 5 km so với đường điện gần nhất.
Thời gian qua, tại nhiều vùng nông thôn phía Nam, người dân đã bắt đầu sử dụng các hệ thống bơm tưới sử dụng năng lượng mặt trời (Solar Pump). Điểm chung của các mô hình này là phục vụ các khu vực điện lưới chưa thể tiếp cận, hoặc nơi nguồn điện không ổn định, bị cắt điện thường xuyên.
Theo những người đã lắp đặt, các thiết bị điện năng lượng không tiết kiệm chi phí hơn cách truyền thống như dùng điện lưới hay chạy máy phát điện, nhưng chúng giúp việc bơm tưới chủ động hơn.
Video đang HOT
Máy bơm trục đứng và Inverter trong hệ thống tưới dùng năng lượng mặt trời.
Theo ông Nguyễn Hiệp, Giám đốc công ty Đầu tư và Xây dựng Điện miền Trung, các hệ thống tưới tiêu hiện nay có thể chia làm hai loại, dựa trên công suất bơm. Đầu tiên là hệ thống công suất bơm dưới 1 HP, chủ yếu phục vụ các mục đích tưới tiêu nhỏ lẻ. Loại thứ hai là hệ thống công suất bơm trên 1 HP dùng cho những nơi rộng lớn hơn như trang trại, vườn cây ăn quả, tắm rửa cho vật nuôi. Hoặc cũng có thể phân loại theo công suất pin mặt trời: dưới 1 KW cho mục đích tưới nhỏ lẻ và trên 1 KW cho các khu vực rộng lớn hơn.
Đối với các hệ thống dưới 1 KW, thiết bị thường khá đơn giản với pin năng lượng mặt trời, bơm chìm (dùng đặt dưới giếng khu vực ao, suối có độ sâu lớn) dùng điện một chiều và hệ thống dây dẫn. Việc lắp đặt khá đơn giản, người dùng có thể tự mình thực hiện.
Với các hệ thống công suất cao hơn, việc lắp đặt phức tạp và cần đến nhiều thiết bị hơn. Ngoài tấm pin mặt trời, hệ thống còn dùng bộ Inverter Solar Pump để chuyển đổi dòng điện từ một chiều sang xoay chiều, kết hợp bộ điều khiển bơm để điều chỉnh các chức năng của máy bơm và pin trữ điện. Do hệ thống dùng bơm công suất lớn, tốc độ hút nước nhanh, người dùng cần trang bị thêm cảm biến đo mực nước đặt dưới hồ để hệ thống có thể tự ngắt nếu cạn nước.
Ông Hiệp khuyến cáo việc lắp đặt cần lưu ý đến tấm pin mặt trời bởi chúng quyết định đến việc sản sinh ra dòng điện phục vụ cho máy bơm. “Tấm pin cần phải lắp đặt những vị trí hấp thụ được ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt, tránh bóng râm của cây cối nhà cửa và cần vệ sinh thường xuyên”, ông Hiệp khuyến cáo.
Ngô Thu, một người có nhiều năm kinh nghiệm về điện năng lượng mặt trời, đánh giá các hệ thống bơm tưới dạng này có nhiều ưu điểm, như khả năng chủ động bơm nước bất cứ thời điểm nào trong ngày miễn có nguồn nước, sử dụng nhiên liệu sạch, chi phí vận hành thấp. Tuy vậy, nhược điểm của mô hình này là chi phí đầu vào cao, cũng như nguy cơ thải các tấm pin và ac-quy lưu trữ sau khi sử dụng có thể gây ô nhiễm môi trường. Anh Thu cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp dùng cho các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi chưa tiếp cận điện lưới, không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế ở các khu vực có điện lưới ổn định.
Theo anh Thu, khi mua các thiết bị tưới tiêu dùng năng lượng mặt trời, người dùng nên lựa chọn các nhà cung cấp hoặc đơn vị thi công đã có tiếng trên thị trường. Bên cạnh đó, cần xem xét về thời gian áp dụng chính sách bảo hành, cũng như những hỗ trợ kỹ thuật sau lắp đặt.
Đầu tư 400 triệu đồng vào điện mặt trời để đào tiền số
Duy Quân, 33 tuổi, đầu tư 400 triệu đồng vào hệ thống năng lượng mặt trời và gió để đào tiền số mà không cần dùng điện lưới.
Anh Nguyễn Duy Quân vào TP HCM học tập và lập nghiệp từ năm 2006 trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh từng có ý định định cư lâu dài ở TP HCM, nhưng dịch bệnh bùng phát, công việc tại thành phố khó khăn. Năm ngoái, anh quyết định chuyển gia đình về Dak Lak.
Duy Quân tìm hiểu và yêu thích tiền điện tử từ năm 2013, anh nhận thấy rằng với mỗi hệ thống khai thác tiền số, hàng tháng người "đào" phải bỏ ra một khoản phí để duy trì và vận hành. Quan trọng nhất là tiền điện tiêu thụ. "Phương án sử dụng điện lưới sẽ rất khó thu hồi vốn khi giá các đồng coin xuống thấp", anh Quân tính toán.
Nhận thấy Tây Nguyên là nơi "có cái nắng, có cái gió", anh cho rằng mảnh đất này rất tiềm năng để đầu tư khai thác tiền điện tử bằng hệ thống năng lượng tái tạo. "Ngày nắng nhiều thì ít gió, chiều tối không có nắng thì gió lại nổi lên. Từ đây, mình nghĩ đến việc tận dụng chúng để sản xuất điện", anh Quân nói.
Đầu năm 2021, anh Quân bắt tay thực hiện hệ thống điện mặt trời và gió. Toàn bộ công đoạn lên ý tưởng, tìm kiếm giải pháp và chọn đơn vị thi công lắp đặt được thực hiện trong một tháng. Anh tận dụng nhà kho cũ làm nơi lắp đặt "trâu cày" và hệ thống Inverter, dùng máy lạnh cũ của gia đình để làm mát hệ thống.
Bên ngoài, anh xây dàn trụ cho tua-bin gió cao 9 mét. Tuy nhiên, hệ thống điện gió hiện chưa hoạt động do thiếu một số chi tiết nhập khẩu tại nước ngoài chưa về kịp. Mái nhà được dùng để đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Hệ thống điện mặt trời áp mái và "trâu cày" của anh Quân.
Hệ thống điện của anh Quân có tổng công suất là 11,7 KW. Hệ thống gồm hai Inverter Hybrid giá 175 triệu đồng, một hệ thống lưu trữ gồm 24 bình ắc quy 500 AH giá 55 triệu đồng. Sắp tới, anh sẽ lắp thêm bốn tua-bin gió, mỗi cái giá 45 triệu đồng, công suất 1 KW. Cộng thêm chi phí về UPS, ổn áp, dây dẫn, dàn khung thép..., hệ thống điện năng lượng của anh có tổng chi phí gần 400 triệu đồng.
Anh Nguyễn Duy Quân bên hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời.
Hiện tại, hệ thống này đã hoạt động. Trung bình sản sinh 20 - 30 kWh, đủ vận hành "trâu cày" trong 10 - 12 tiếng. Phần còn lại, anh phải sử dụng điện lưới.
Theo tính toán của anh Quân, sau khi hoàn tất hệ thống điện gió, mỗi ngày hệ thống sản sinh trung bình 60 đến 70 kWh. Vào các ngày nắng hoặc nhiều gió, lượng điện có thể đạt hơn 80 kWh. Vào ngày mưa, công suất chỉ đạt một nửa. Anh kỳ vọng hệ thống điện năng lượng này sẽ đảm bảo có điện 24/24 giờ, phục vụ "trâu cày".
Tuy nhiên, tính toán trên là trong điều kiện lý tưởng. Anh Quân vẫn kết hợp điện lưới bằng Inverter Hybrid. Ban ngày, số điện dư sẽ sạc vào ắc-quy để lưu trữ. Ban đêm, điện này sử dụng để "cày", kết hợp đồng thời với điện lưới nhờ vào Inverter Hybrid để không làm gián đoạn hoạt động 24/7 của "trâu cày".
Về dàn "trâu cày", anh Quân mua hai loại card đồ họa Nvidia Geforce GTX 1660 Super và RTX 2060 với tổng trị giá hơn 530 triệu đồng. Ban đầu, anh chủ yếu "đào" Ethereum (ETH) với doanh thu 80 - 90 USD mỗi ngày. Do hiệu quả kém, anh đã chuyển sang khai thác trên Nicehash, vừa tiết kiệm điện, vừa có thể đào coin dài hạn. Hiện doanh thu mỗi ngày của anh đạt 120 tới 200 USD.
"Tính toán của mình, dự án sẽ thu hồi vốn trong vòng 18 tháng, hoặc có thể sớm hơn tùy vào thị trường tiền số", anh Quân chia sẻ. Hệ thống của anh không ép xung, luôn giữ nhiệt độ và độ ẩm thấp vừa phải để tăng tuổi thọ "trâu cày".
Hệ thống cột được anh Quân lắp đặt sẵn, chuẩn bị ráp tuabin gió.
Anh Lê Thành, một người có nhiều năm kinh nghiệm về điện năng lượng mặt trời tại TP HCM, cho rằng việc kết hợp giữa điện mặt trời và điện gió của anh Quân để khai thác tiền số là hợp lý tại nơi có nhiều nắng và gió như khu vực Tây Nguyên. Nó giải quyết được vấn đề duy trì nguồn điện liên tục và không phụ thuộc quá nhiều vào điện lưới. Bên cạnh đó, đây cũng là hình thức đón đầu xu hướng khai thác tiền số theo hình thức "xanh", giảm phụ thuộc vào các hình thức sản xuất điện hiện tại, vốn chưa thân thiện với môi trường.
Vũ Thông, một người chơi tiền điện tử lâu năm, cho rằng việc chuyển đổi các nguồn điện cần hệ thống chuyên dụng, vì nếu tắt, mở liên tục, tuổi thọ của máy đào sẽ giảm nhanh, hiệu quả không cao. Trước đây, các hệ thống đào coin bằng năng lượng mặt trời chủ yếu hoạt động vào ban ngày, nếu kết hợp với điện gió, nó sẽ hoạt động xuyên suốt ngày lẫn đêm.
Anh Quân cho biết, sau khi thu hồi vốn, anh sẽ trích ra một ít để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp thêm để đảm bảo nguồn thu nhập thụ động và dành thời gian làm việc khác. Ngoài ra, anh cũng nghiên cứu hệ thống điện với công suất lớn hơn để phục vụ cho việc sử dụng của gia đình, giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Ý nghĩa nhãn năng lượng dán trên điều hòa Ngoài số sao trên nhãn năng lượng, người dùng có thể xem điều hòa có tốn điện không dựa vào chỉ số hiệu suất năng lượng. Dán nhãn năng lượng là chương trình được Bộ Công Thương quy định và triển khai tự nguyện từ năm 2008 và bắt buộc thực hiện từ 1/7/2013. Trong đó, với nhóm thiết bị gia dụng, điều...