“Nóng” gian lận thi cử: Lãnh đạo ngành giáo dục nên đứng ra xin lỗi nhân dân!
Bức xúc gian lận thi cử đang nóng trên các mặt báo và dư luận xã hội, GS. TS Phạm Tất Dong cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương có gian lận nên đứng ra xin lỗi nhân dân may ra mới “hạ hỏa” được.
Sức nóng về gian lận nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đang bị xã hội lên án mạnh mẽ khi lộ ra số điểm thí sinh được nâng khống từ 0 lên 9 điểm, lộ ra đó là con nhiều quan chức lãnh đạo.
Để giảm nhiệt sức nóng này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương có gian lận nên đứng ra xin lỗi nhân dân may ra mới “hạ hỏa” được.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Văn Điệp – TTXVN)
Ngành giáo dục nên xem lại mình
Phóng viên: Thưa GS, hiện nay, danh tính phụ huynh có con được sửa, nâng điểm thi trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia khủng khiếp năm 2018 đang dần lộ diện trên báo chí khiến dư luận xã hội bất bình, bởi có rất nhiều người đang là lãnh đạo, quan chức ở các ngành giáo dục, công an, thuế, tỉnh ủy, thành phố… Vậy theo ông, những cán bộ liên quan này có bị xử lý không?
GS Phạm Tất Dong: Gian lận thi cử là một dạng tham nhũng. Theo tôi phải kỷ luật hết, không bỏ qua ai. Nếu tha thì xã hội không yên và sẽ có người tiếp tục gian lận.
Gian lận này không phải vùng cấm. Trong đấu tranh tiêu cực nếu có vùng cấm là hỏng. Bất cứ ai liên quan tới gian lận thi đều phải công khai danh tính rõ ràng.
Theo tôi, trong vụ mua – bán điểm thi này, tội lớn nhất là phụ huynh. Bởi vì nhiều bố mẹ biết con học dốt, họ lẳng lặng, ngấm ngầm mua điểm; người con đó đi thi chưa chắc đã biết bố mẹ làm như vậy, nhưng thấy điểm mình cao vọt lên so với năng lực sẽ biết bố mẹ giúp đỡ thì lại im lặng. Như vậy là tòng phạm với bố mẹ vì các em đã 18 tuổi.
Tôi thấy, mấy năm nay, năm nào thi cử cũng có chuyện nhưng năm 2018 đã “đẻ” ra chuyện gian lận to quá. Tôi nghĩ các tỉnh khác chưa phanh phui ra, nếu điều tra chắc sẽ có nhưng công an làm đến đâu thì truy tố đến đó.
Để xảy ra việc này, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm bởi không phải do một số tiêu cực xã hội làm lũng đoạn giáo dục. Nếu ngành giáo dục tốt thì tiêu cực không thể xâm phạm. Giáo dục không thể trách xã hội bên ngoài mà hãy xem lại chính mình.
Video đang HOT
Phóng viên: Vậy ngành giáo dục phải thay đổi như thế nào để khắc phục những gian lận, những tiêu cực trong nhà trường, học sinh hiện nay thưa GS?
Tôi nghĩ những năm tới, giáo dục có đổi mới gì thì đổi mới nhưng trước hết là phải nghiêm túc xem lại giáo dục đạo đức cho giáo viên, cán bộ quản lý và cho học sinh.
Hiện tượng khác như học sinh đánh nhau, xâm hại tình dục, đánh học sinh… đã gây bức xúc xã hội nhưng những bức xúc ấy không bằng gian lận thi cử.
Chính gian lận thi cử làm hàng trăm thí sinh giỏi bị mất chỗ vào đại học mà họ yêu thích; tạo ra sự mất công bằng và làm cho chính sách tài năng của đất nước bị méo mó. Thất thoát tài năng như vậy là không được.
Ví dụ, như báo chí đã phản ánh trường hợp một Thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm đã gửi thư cầu cứu Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh mong muốn được đi dạy. Trong khi đó, chính con Bí thư này lại được nâng điểm.
Tôi nghĩ kỳ thi 2019 chưa chắc đã yên ổn. Nếu Bộ GD&ĐT cứ tiếp tục tổ chức thi như hiện nay thì thủ đoạn gian lận sẽ tinh vi hơn, họ làm rất cả vì tiền.
Ngành giáo dục không nên chủ quan, như Marx đã nói: “lãi suất 300% thì giới tư bản dám cho đầu vào giá treo cổ”.
Cán bộ ngành giáo dục bị bắt vì tham gia sửa, nâng điểm cho thí sinh
Giáo dục tốt, nghiêm minh sẽ xóa đi nhiều tiêu cực
Phóng viên : Gian lận thi cử như giọt nước tràn ly đã làm thêm nhiều người mất niềm tin vào giáo dục, vào thi cử. Theo GS, ngành giáo dục phải làm gì để lấy lại niềm tin trong xã hội?
GS Phạm Tất Dong: Trước hết, những người lãnh đạo ngành giáo dục, từ trung ương đến địa phương mà nhất là những tỉnh có gian lận điểm thi phải đứng ra xin lỗi nhân dân vì đây là lỗi của ngành giáo dục.
Nếu ngành giáo dục đứng ra xin lỗi, sức nóng bức xúc về gian lận thi cử hiện nay mới hạ được.
Thậm chí, cán bộ có liên quan gian lận này có thể thẳng thắn xin từ chức, lúc đó dư luận mới yên. Còn xin lỗi xong đâu lại vào đó thì người ta không tin nữa.
Hiện nay, có một thực trạng, nhiều quan chức cho con đi học ở nước ngoài. Đấy chính là họ không tin vào giáo dục Việt Nam. Còn một số quan chức khác không cho con đi học nước ngoài nhưng mua điểm để chọn cho con trường ĐH tốt nhất, như vậy đã loại trừ con nhà nghèo học giỏi ra khỏi ghế đại học. Cho nên dân rất bức xúc là đúng.
Ông nghĩ sao khi nhiều phụ huynh là lãnh đạo quan chức trong ngành giáo dục, công an, cán bộ tỉnh… biết nhờ vả, mua điểm thi là vi phạm pháp luật nhưng họ lại bất chấp cứ làm?
Đó là do cán bộ suy thoái. Nếu không suy thoái đạo đức thì sẽ không làm như vậy.
Công tác cán bộ hiện nay trong ngành giáo dục phải nghiêm khắc. Ngành giáo dục phải làm lại quy định về đạo đức nhà giáo, phải làm lại quy định bạo lực học đường, phải làm lại giáo dục nhân cách cho học sinh… nếu giáo dục tốt, nghiêm minh sẽ xóa đi rất nhiều tiêu cực.
Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Lần đầu tiên trao học bổng khuyến học trực tuyến tại đất học Nghệ An
Vừa qua, tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện đoàn làm việc của Hội Khuyến học và Bộ GD&ĐT đã làm việc với tỉnh Nghệ An nhằm đánh giá tình hình thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020".
Xây dựng xã hội học tập
Sau 5 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập", bên cạnh việc khuyến học, khuyến tài cho học sinh, tỉnh Nghệ An đã tổ chức được hơn 100 lớp bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng mới trúng cử lần đầu, cán bộ, công chức ở địa bàn khó khăn, còn thiếu và yếu về kiến thức, kỹ năng công tác, chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời Nghệ An cũng đã thực hiện tốt các đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, trong công nhân lao động; đề án "Phát triển đào tạo từ xa" và đề án "Truyền thông về xây dựng học tập suốt đời".
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Phạm Tất Dong đã đánh giá cao về những nỗ lực cố gắng của tỉnh Nghệ An trong công tác xây dựng xã hội học tập. Đồng thời mong muốn, thời gian tới tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập.
Hệ thống Giáo dục HOCMAI trao tặng học bổng cho học sinh Thị xã Cửa Lò. (Ảnh: BTC)
Nhân dịp này, các chuyên gia của Bộ GD&ĐT cũng đã giới thiệu Bộ tiêu chí "Thành phố học tập", hướng dẫn đăng ký tham gia mạng lưới "Thành phố học tập" toàn cầu của UNESCO cho thị xã Cửa Lò, phấn đấu xây dựng Cửa Lò sớm trở thành một "Thị xã học tập", "Thị xã thông minh", trong thời đại công nghệ 4.0.
Theo vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), hiện tại ở Việt Nam có TP Hải Dương và TP Hồ Chí Minh đã tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Các thành phố khác như Hạ Long, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tầu, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ ... cũng đang được đề nghị xem xét, chuẩn bị các điều kiện để đăng ký ra nhập mạng lưới này.
Học trực tuyến là thành phần chủ đạo của học tập suốt đời
Chia sẻ bên lề Hội nghị, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết: Xây dựng xã hội học tập là xây dựng một xã hội mà mỗi người dân phải học suốt đời, muốn làm được như vậy cần phải có một không gian và thời gian thuận lợi nhất cho việc học tập. Tuy nhiên để làm được điều này thì học tập theo phương pháp truyền thống yêu cầu phải có lớp học là rất khó, bởi không phải ở địa điểm nào cũng có thể tổ chức các lớp học và không phải ở thời điểm nào cũng có thể đòi hỏi được phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người học và người dạy. Do đó, việc học tập suốt đời chủ yếu sẽ xoay quanh việc tự học thông qua học tập trực tuyến.
Là đơn vị thường xuyên đồng hành cùng các hoạt động của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nhân dịp này, HOCMAI cũng đã phối hợp cùng Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện trao 100 suất học bổng trực tuyến, trị giá 80 triệu đồng cho Hội Khuyến học thị xã Cửa Lò.
Với những suất học bổng này, các em học sinh có thể chọn các khóa học phù hợp tại hocmai.vn để thực hiện nghiên cứu và học tập. Đây là lần đầu tiên, các học bổng trực tuyến dành cho học sinh phổ thông được cấp cho Hội khuyến học thị xã Cửa Lò - một địa phương du lịch và đang có kế hoạch tham dự Mạng lưới thành phố học tập của UNESCO.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để mỗi người dân có thể sử dụng thành thạo một công cụ hỗ trợ việc học tập trực tuyến hiệu quả, từ đó họ có thể chủ động trong việc chọn thời gian, vấn đề học tập, học bất cứ lúc nào mà họ muốn. Ngoài việc học trực tuyến với học sinh phổ thông thì các trường đại học phải tạo điều kiện để mỗi người dân có thể học được từ xa, học trực tuyến; cán bộ, công nhân viên chức phải biết sử dụng công nghệ thông tin để có thể tự học tập trực tuyến. "Học tập mặt đối mặt trong thời đại hiện nay vẫn là cần thiết nhưng chủ đạo vẫn phải là học trực tuyến" - GS.TS Phạm Tất Dong nhận định
Đồng thời, GS.TS Phạm Tất Dong cũng đánh giá: "Trong những năm vừa qua, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đồng hành cùng Hội Khuyến học Việt Nam mở ra một hướng đi mới đó là học tập trực tuyến và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, khi có hàng chục nghìn người tham gia học tập trực tuyến. Đây là một lợi thế giúp HOCMAI mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng và đóng góp to lớn vào phong trào học tập suốt đời trên cả nước.
Riêng đối với Nghệ An, với lợi thế là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và rất có tiềm năng về du lịch. Việc HOCMAI đến với Nghệ An thông qua hoạt động khuyến học trực tuyến có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nơi đây trở thành một thành phố học tập, đóng vai trò quyết định trong việc chủ động tự học của mỗi người dân".
Đại diện Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong hoan nghênh tinh thần của HOCMAI trong việc đóng góp xây dựng thành phố học tập ở Nghệ An. Đồng thời bày tỏ niềm tin vào sự thành công của dự án và hy vọng nhân rộng ra được nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Theo laodongthudo
Có cần nhiều bộ sách giáo khoa Theo PGS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) cần phải có đội ngũ nắm được tâm lý học sinh và không cần quá nhiều bộ SGK mà nên tập trung vào chất lượng. Việc biên soạn SGK cần phải có đội ngũ nắm được tâm lý học sinh. Ảnh minh...