Nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển cao hơn 50% so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp
Nồng độ CO2 trong khí quyển đo được trong tháng 5/2022 cao hơn 50% so với những mức độ đo được trong thời gian tương ứng ở thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và đây cũng là mức cao nhất chưa từng thấy trong khoảng 4 triệu năm qua.
Khí thải phát ra từ một nhà máy điện than ở bang Tây Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra ngày 3/6, tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra, đặc biệt là thông qua các hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giao thông, sản xuất xi măng, hoặc phá rừng, là động cơ chính khiến cho nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục. Tháng 5 thường là tháng ghi được những nồng độ CO2 trong khí quyển cao nhất trong năm. Trong tháng 5/2022, nồng độ chất ô nhiễm trong bầu khí quyển đã vượt ngưỡng 420 ppm. Năm 2021 chỉ số này là 419ppm, năm 2020 là 417ppm.
Các thông số trên được ghi nhận tại trạm quan sát Mauna Loa ở Hawaii, nằm trên một núi lửa, một vị trí lý tưởng giúp các kết quả đo được không bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm tại địa phương.
Theo NOAA, thời kỳ cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển duy trì ổn định ở mức 280ppm trong khoảng gần 6.000 năm tính đến giai đoạn công nghiệp hóa. Nồng độ CO2 ngày nay tương ứng với những mức ghi nhận được trong khoảng từ 4,1-4,5 triệu năm trước khi nồng độ CO2 ở mức gần hoặc trên 400ppm. Vào thời điểm đó, mực nước biển cũng cao hơn từ 5-25cm so với ngày nay, đủ cao để nhấn chìm nhiều thành phố lớn và khi đó, Bắc Cực bị bao phủ bởi nhiều cánh rừng lớn.
CO2 là một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí này tồn đọng trong bầu khí quyển tạo thành bẫy nhiệt và gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Khí CO2 có thể tồn tại trong bầu khí quyển và các đại dương trong hàng nghìn năm.
Video đang HOT
Tình trạng ấm lên toàn cầu đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như những đợt sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt chưa từng thấy. Nhà khoa học Pieter Tans từ Trạm quan sát toàn cầu cho rằng nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở những mức cao chưa từng thấy nhưng lại không phải là điều mới mẻ. Bởi vì, qua nghiên cứu, con người đã hiểu được từ hàng trăm năm nay rằng điều này sẽ xảy ra nhưng lại chưa có hành động ý nghĩa để ngăn chặn.
Không phải CO2, mêtan mới là loại khí quyết định thành bại trong chống biến đổi khí hậu
Mêtan không được nhắc tới nhiều bằng khí CO2 khi nói tới thủ phạm làm Trái Đất ấm lên, nhưng giải quyết loại khí thải này sẽ đóng vai trò quyết định trong chống biến đổi khí hậu thập kỷ tới.
Các bãi rác khắp thế giới là một nguồn mêtan ngày càng nhiều. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Vox, trong các cuộc bàn luận về biến đổi khí hậu, mêtan thường không gây chú ý suốt một thời gian dài. Nhiều người có thể không biết rằng con người đang thải ra khí quyển một loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn mạnh hơn CO2, và tốc độ thải loại khí này nhanh nhất trong ít nhất 800.000 năm trở lại đây. Mêtan gây hại cho không khí và khí này xuất phát từ các nguồn khác nhau, từ đường ống dẫn khí đốt và dầu cho tới bãi rác và bò. Sau một thời gian, mêtan và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác bắt đầu được các nhà khoa học quan tâm xử lý.
Báo cáo mới mang tính bước ngoặt của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), đánh dấu lần đầu tiên Liên hợp quốc dành chú ý đáng kể cho các loại khí thải khác ngoài CO2. Trong báo cáo, có trọn vẹn một chương dành cho các loại khí thải ô nhiễm ngắn hạn như mêtan mà một trong những nguồn phổ biến nhất của khí này là nhiên liệu hóa thạch.
Vì các loại khí thải ô nhiễm ngắn hạn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khí quyển so với lượng carbon mà con người thải vào không khí, nên mêtan luôn đứng thứ hai trong thảo luận về biến đổi khí hậu. Có một lượng mêtan thoát ra khỏi mặt đất ở những nơi như mỏ dầu và băng vĩnh cửu. Các nhà khoa học vẫn đang tìm cách tìm hiểu về các nguồn khác nhau của mêtan.
Báo cáo của IPCC phản ánh những điều chưa chắc chắn này. Các tác giả của chương về mêtan không kể tên nguồn chính thải ra mêtan. Tuy nhiên, báo cáo là một trong những bước phát triển lớn nhất trong nghiên cứu khí hậu kể từ báo cáo gần đây nhất năm 2013.
Mặc dù mêtan không được đánh giá đúng như carbon, nhưng loại khí này đóng vai trò lớn trong khủng hoảng khí hậu. Trong một giai đoạn 20 năm, mêtan giữ nhiệt mạnh hơn carbon ít nhất 80 lần, nhưng khí này bắt đầu giảm bớt trong khí quyển trong vài năm. Nếu bây giờ là thập kỷ quyết định để hành động, thì chiến lược mêtan cần phải ở trung tâm chính sách đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Mêtan có thể tạo ra sự khác biệt. Giải quyết vấn đề liên quan mêtan có thể giúp hành tinh có chút thời gian quý giá để xử lý các vấn đề dài hạn do ô nhiễm carbon và nhiên liệu hóa thạch gây ra về lâu dài.
Hoạt động chăn nuôi bò cũng là một nguồn thải khí mêtan. Ảnh: Getty Images
Mêtan có hàng triệu nguồn trên toàn cầu, từ gia súc, vật liệu hữu cơ phân hủy, rác thực phẩm tại bãi rác, khí tự nhiên... Khí tự nhiên thải ít CO2 hơn than đá, nhưng loại khí này không sạch vì đốt cháy mêtan vẫn thải ra carbon và mêtan thoát ra ngoài mà không cần đốt lại càng gây ra tình trạng ấm hơn nhiều hơn.
Ngành dầu mỏ và khí đốt cho rằng mình không chịu trách nhiệm về ô nhiễm mêtan, nhưng giới khoa học lại nghĩ khác. Quỹ Bảo vệ Môi trường giám sát mêtan trên các mỏ dầu và khí đốt ở Texas, Mỹ phát hiện rằng các mỏ dầu ở Mỹ làm rò rỉ lượng mêtan nhiều hơn ước tính tới 60%. Nhà khoa học Eric Kort tại Đại học Michigan phát hiện ra rằng mêtan bốc lên từ giếng dầu ngoài khơi nhiều hơn rất nhiều so với những gì người ta từng nghĩ.
Tổng hợp nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những tiến bộ tối thiểu mà con người đạt được trong giải quyết ô nhiễm carbon không có mấy ý nghĩa vì ô nhiễm mêtan gia tăng đã xóa bỏ một số tiến bộ mà Mỹ đạt được trong làm sạch ngành năng lượng than đá.
Báo cáo của IPCC lưu ý rằng lượng mêtan đã tăng nhanh từ năm 2007 do hoạt động nông nghiệp (Tây Á, Đông Á, Brazil, Bắc Phi) và đốt nhiên liệu hóa thạch (Bắc Mỹ). Nói cách khác, các nhà khoa học tin rằng con người là nguyên nhân chính khiến ô nhiễm mêtan ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các nước chưa làm gì nhiều để giải quyết tình trạng này. Chính quyền Mỹ thời ông Donald Trump đã bỏ quy định yêu cầu công ty dầu mỏ giám sát và giải quyết rò rỉ mêtan. Hầu như không có mấy nền kinh tế lớn đo lường loại khí này. Trung Quốc có hẳn thị trường trao đổi carbon nhưng lại không làm gì mấy để kiểm soát mêtan. Giải quyết ô nhiễm mêtan không đơn giản vì có quá nhiều nguồn.
Các nhà môi trường cho rằng chúng ta phải chuyển đổi từ sử dụng than, khí đốt và dầu sang nhiên liệu sạch càng nhanh càng tốt, nhưng ngăn chặn ô nhiễm không thể chờ đợi quá trình chuyển đổi này.
Một liên minh 134 tổ chức sức khỏe và môi trường đã cùng ủng hộ một mục tiêu cụ thể: cắt giảm 65% ô nhiễm mêtan trong ngành khí đốt và dầu mỏ tới năm 2025 và đã gây áp lực để chính quyền Mỹ thông qua mục tiêu tương tự.
Lợi ích của việc hạn chế mêtan sẽ rất quan trọng khi thế giới tiếp tục "đánh bạc" với khí hậu. Giải quyết khí thải mêtan ở nhiều ngành, gồm khí đốt và dầu mỏ, nông nghiệp, rác thải, có thể làm chậm tốc độ ấm lên của Trái Đất tới 30%. 1/4 độ C tới năm 2025 nghe có vẻ không nhiều nhặn gì nhưng thay đổi nhỏ này có thể kiềm chế một loạt ảnh hưởng cực đoan.
Giảm khí thải CO2 là chưa đủ để bảo vệ Trái Đất Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 23/5, để chống biến đổi khí hậu, thế giới không chỉ phải giảm lượng khí thải CO2 mà còn cần hạn chế các chất gây ô nhiễm ít được biết đến hơn, chẳng hạn như nitrous oxide (N2O) vốn là một tác nhân...