Nông dân tiếp sức sĩ tử
Cận kề ngày thi ĐH, nhiều nông dân vùng ven thành phố Huế lại lên lịch đón tiếp sĩ tử và phụ huynh. Từ việc dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm phục vụ đến việc đưa đón thí sinh tới các điểm thi…, tất cả đều miễn phí.
Buổi trưa nắng chang chang, bà Lê Thị Diệu Hiền ở xã Hương Chữ (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) lại tất tưởi lên điểm tiếp sức mùa thi gần hội đồng thi trường tiểu học Phú Mỹ để đón sĩ tử về nhà mình. 8 năm qua, năm nào bà và các gia đình trong làng đều đón thí sinh về trọ miễn phí.
Bà Hiền kể: “Ngày trước tui đi làm trên Huế, mỗi mùa tuyển sinh học trò ở các vùng khác về dự thi đi thuê phòng trọ bị lừa vào ở những phòng giá cao, có em bị lừa mất tiền rất tội nghiệp”. Từ đó mỗi mùa thi bà lại lên chợ mua mùng mền, chiếu, gối mới để đón sĩ tử.
Ông Bích (bên trái) cho biết ở xã Hương Chữ, bất cứ nhà nào cũng sẵn sàng cho thí sinh ăn ở trong các kỳ thi đại học. Ảnh: Văn Nguyễn.
Năm nay, ông Nguyễn Văn Bích ở xã Hương Chữ xây hẳn hai căn phòng để đón được nhiều sĩ tử. Ông còn trồng một vườn rau xanh để lo cơm cho thí sinh. “Cơm ở thôn quê đạm bạc thôi, quan trọng là đủ chất, nấu hợp vệ sinh để các em có sức khỏe tốt khi làm bài thi”, ông Bích chia sẻ.
Video đang HOT
Ngồi trong căn nhà thoáng mát của ông Bích, em Ngô Hoàng Anh, thi vào ngành Tin học, ĐH Khoa học Huế, tâm sự: “Em thực sự bất ngờ và thấy yên tâm trước kỳ thi đại học khi được chú Bích giúp đỡ như con cái trong nhà. Em sẽ cố gắng thi thật tốt để không phụ lòng mọi người”.
Năm nay, địa điểm thi trường THCS Hương Chữ có gần 500 thí sinh về dự thi. Đây là vùng nông thôn nên hầu hết người dân làm ruộng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng 6 mùa thi đại học, cả làng cùng nhau tiếp sức sĩ tử.
Mệ Ngô Thị Nghệ, 71 tuổ, xã Phú Mỹ đang sắp xếp lại gối, mền chuẩn bị đón sĩ tử. Ảnh: Văn Nguyễn.
Không chỉ Hương Chữ, những ngày này người dân xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang lại rộn ràng đón sĩ tử. Mặc dù là tiếp sức cho sĩ tử thi đại học đợt hai, nhưng đến chiều 2/7, hầu hết gia đình đăng ký cho sĩ tử trọ đã chuẩn bị sẵn sàng. Nghĩa cử cao đẹp này được nông dân nơi đây duy trì suốt 7 năm nay.
Ban đầu, khi có địa điểm thi đại học tại xã, chỉ một vài phụ huynh đăng ký cho thí sinh ở. Nhưng rồi con số ngày một đông. Đến giờ, hầu như nhà nào trong xã cũng đăng ký cho sĩ tử ở trọ, nhà nhiều thì 15-20, nhà ít cũng 5-10 em. Ngoài nơi ăn nghỉ, nếu em nào thi ở xa thì được mượn xe đạp, ai có người nhà thì cho mượn xe máy chở thí sinh đến địa điểm thi.
Ngôi nhà chị Phan Thị Thanh Ái nằm khuất sâu bụi tre, mỗi mùa thi đại học đến lại rộn rã. “Mình ở nông thôn, nhà cửa rộng rãi đón các cháu về ở để thoải mái làm bài thi cho tốt. Các em như con cháu mình vậy, lần đầu xa nhà, đứa nào cũng bỡ ngỡ. Nhà ăn gì nuôi các cháu vậy, giúp học trò nghèo ai nỡ lấy tiền”, chị Ái chia sẻ.
Các thí sinh may mắn có được không gian học tập thoáng mát cùng sự chăm lo tận tình của những người nông dân. Ảnh: Văn Nguyễn.
Với những nông dân ở Phú Mỹ, Hương Chữ, ngoài làm nông họ còn đi phụ hồ, chạy xe ôm, bốc vác kiếm từng đồng nuôi con. Nhưng khi sĩ tử vào dự thi, họ không hề tính toán. Niềm vui lớn nhất với họ là những cuộc điện thoại báo tin đậu đại học của sĩ tử từng trọ nhà mình.
“Bữa nọ tui đang đứng ngoài ngõ thì một cô gái chạy tới ôm chầm lấy mình bảo là con đậu đại học rồi bác ạ, giờ con tới thăm bác đây. Nhìn kỹ mới biết là con Na, ngày trước nó ở nhà mình trọ thi. Thế là hai bác cháu ôm nhau nhảy vòng tròn quanh sân khiến ai cũng cười…”, bà Hà Thị Sáu, xã Hương Chữ, kể lại.
Theo VNE
Phòng trọ thi ĐH: nhà mặt đất, giá trên trời
Giá đắt ngang khách sạn, quảng cáo miễn phí nhưng vẫn thu tiền... là cảnh nhà trọ phục vụ thi ĐH hiện nay ở Hà Nội.
Phòng bình dân sốt giá
Hàng năm, các thí sinh ngoại tỉnh đổ về Hà Nội dự thi ngày một đông, vì vậy chỗ ăn ở và phương tiện đi lại luôn là nỗi lo hàng đầu của các bậc phụ huynh. Các gia đình thường tìm nhà trọ quanh các địa điểm thi đã khiến giá phòng trọ tại đây tăng cao.
Dạo qua khu vực đường Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Đại Cồ Việt, khu vực xung quanh trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, ĐH KHXH&NV... PV "hoa mắt" với những mức giá thuê phòng "cắt cổ".
Đến ngõ 130 Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN), cứ một quãng PV lại bắt gặp đủ kiểu loại biển cho thuê phòng. Dừng chân tại số nhà 10H2, trong vai một người khách, tôi được chủ nhà dẫn lên tầng 3. Căn phòng chật chội và còn ngổn ngang đồ đạc của sinh viên thuê dài ngày được bà chủ "hét giá" 200.000 đồng/người/ngày.
Chỉ với hơn 10m2 nhưng bà chủ dự định sẽ cho ít nhất 4 người thuê. Tổng số tiền thuê cả gian phòng sẽ lên đến 3.200.000 đồng. Một sinh viên hiện đang thuê căn phòng đó cho biết chỉ phải trả 300.000 đồng/người/tháng (10.000/người/ngày). Như vậy muốn có được một chỗ để nghỉ chân trong 3 ngày thi đại học, người thuê sẽ phải trả số tiền gấp gần 10 lần bình thường.
Có mặt tại phố Phương Mai để khảo sát tình hình nhà trọ gần địa điểm thi trường ĐH Xây dựng, PV gặp được hai mẹ con bác Nguyễn Thị Mai quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh lên tìm phòng trọ.
Cầm trên tay mẩu giấy có ghi địa chỉ, bác Mai vẫn lo lắng: "Phố xá đông đúc, tôi không biết đường nên cứ phải hỏi mấy bác xe ôm. Có cái địa chỉ mà bạn của cháu đã thuê được phòng ghi cho, tôi lần tìm đến, chứ tự đi mò nhà thì chắc không tìm được".
Theo chân hai mẹ con bác Mai, sau một hồi lòng vòng, chúng tôi cũng tìm đến được địa chỉ ghi trên tờ giấy.
Bà chủ tên Đông đon đả mời chào: "Bác và cháu tìm đến đây là đúng địa chỉ rồi. Thi ở trường Xây dựng thì ở đây là thuận tiện nhất. Gần trường đi mấy bước là đến, gần chợ, thích ăn gì mua nấy".
Trước khi đề cập đến giá phòng chủ nhà cũng không ngớt lời tiếp thị: "Phòng nhà cô sạch sẽ, thoáng mát, có quạt, có chiếu trải sạch sẽ. Nếu thuê theo đầu người thì cô lấy từ 80 -100.000/người/ngày. Phòng sẽ ở chung từ 6 đến 7 người". Bà Đông cũng cho biết, nếu thuê cả phòng trong 3 ngày giá sẽ là 1,3 triệu đồng.
Băn khoăn một hồi, cuối cùng bác Mai cũng chấp thuận đặt cọc 50% số tiền để hôm tới sang là có phòng luôn. "Đắt quá cô ạ! Nhưng thôi thì con gái cả năm mới lên thi một lần, khó khăn thì cũng vẫn phải thuê. Sợ mấy hôm tới lên thì khó mà tìm được phòng".
Khoảng cách giữa phòng trọ đến địa điểm thi dường như cũng tỉ lệ thuận với số tiền thuê. Hỏi giá thuê một người tại số nhà 29 trên đường Trần Đại Nghĩa (gần trường ĐH Kinh tế Quốc dân), chủ nhà cho biết: "Giá phòng rơi vào khoảng 300.000/người/ngày. Một phòng sẽ ở ghép 3-4 người".
Cảnh giác với những chiêu cò mồi, lừa gạt
Những ngày nay, hoạt động của các cò mồi cũng đang "nóng" dần. Dừng chân tại cổng trường ĐH Sư phạm, tôi được một cò mồi tên L đon đả giới thiệu về khu trọ hơn hai chục phòng tại Ngõ 6 phố Đồng Xa (Cầu Giấy, HN).
Bên cạnh những lời giới thiệu có cánh về "tiện nghi và cơ sở vật chất" khu trọ, L còn nhấn mạnh đến dịch vụ đưa đón miễn phí từ khu trọ đến địa điểm thi khu Cầu Giấy - HN.
Để mục sở thị tận nơi "cơ ngơi" mà L giới thiệu, PV đã theo chân L vào khu trọ. Sau khi thăm khu trọ, viện cớ vì đoạn đường xa gần hai cây số cùng với điều kiện phòng ẩm thấp, nấm mốc, PV khéo léo từ chối thì nhận được thái độ quay ngoắt, lạnh lùng của L.
Không lộ diện trực tiếp nhưng nhiều chủ hàng hàng trà đá, quán ăn hay các tay xe ôm... quanh cổng các trường ĐH cũng chực chờ cơ hội để "đong" khách cho nhiều nhà trọ.
Gợi chuyện muốn tìm phòng cho em gái ở quê lên thi trong đợt 1, bà chủ quán trà đá trước cổng trường Đại học KHXH&NV gợi ý khéo: "Cô quen rất nhiều mối nhà trọ gần trường mà giá rẻ, chiều mai cháu qua đây, cô dẫn đi xem phòng. Vào đến nơi cứ ưng phòng nào thì trả giá phòng đó chứ ngồi đây nghe những người khác giới thiệu thì khó tin lắm. Đi với cô, cô giới thiệu là người quen thì chắc giá lại mềm hơn đó".
Gần đến đợt thi đại học, các thông tin về phòng trọ miễn phí được cập nhật liên tục. Lần theo một địa chỉ được cho là "miễn phí" trên một trang báo mạng, PV tìm đến địa chỉ số 4/21 ngõ 6 Phương Mai (Đống Đa, HN). Những tưởng sẽ tìm được một chỗ ở miễn phí nhưng qua trao đổi chúng tôi mới té ngửa với lý do của bà chủ: "Sinh viên tình nguyện nói là miễn phí thôi, nhưng nhà bác là nhà dân thì vẫn phải thu. Ký túc xá thì mới có thể là miễn phí"
Để cho con có được một chỗ ăn nghỉ yên ổn trong mấy ngày thi, không ít gia đình nông thôn đã phải chắt chiu dành dụm những đồng tiền lao động vất vả. Nhiều phụ huynh đành chấp nhận chịu những chi phí đắt đỏ chỉ mong sao con có được kết quả thi thật tốt và thực hiện ước mơ thoát ly, đổi đời.
Theo VTC
HN: Thêm hàng nghìn chỗ trọ miễn phí, giá rẻ cho sĩ tử Nhờ sự giúp đỡ của các bạn sinh viên tình nguyện trên địa bàn Hà Nội, hàng nghìn chỗ trọ miễn phí, giá rẻ tiếp tục chào đón thí sinh và người nhà trong các đợt thi ĐH, CĐ năm 2011. VTC News xin giới thiệu thêm hàng nghìn chỗ trọ miễn phí, giá rẻ để thí sinh và người nhà tham khảo,...