Nông dân nhận “quả đắng” vì trồng lạc không có củ chỉ thấy… rễ
Đầu tư vốn liếng, bỏ công sức chăm sóc gần 3 tháng trời nhưng nhiều nông dân tại huyện An Phú, tỉnh An Giang lại nhận “quả đắng” khi hàng trăm ha đậu phộng (lạc) đến ngày thu hoạch mà không có củ.
Theo Phòng NNPTNT huyện An Phú, nguyên nhân ban đầu được xác định là do khi cây lạc đang ở giai đoạn làm củ thì gặp ngay đợt nắng nóng, nhiệt độ cao khiến hoa của cây lạc bị hỏng, dẫn đến không tạo củ được.
Gia đình ông Hùng lỗ đến 80 triệu đồng trong vụ lạc này.
Chỉ tay về hướng 14,5 công (1 công bằng khoảng 1.300m2) lạc xanh tốt đã được 75 ngày tuổi, ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng), ngao ngán nói: “Nhìn vậy chứ nhổ lên thì chỉ thấy toàn rễ, hiếm hoi mới có những bụi chỉ được vài củ, còn lại là củ bị chay hoặc không phát triển. Với 14, 5 công lạc này, chi phí đầu tư và tiền thuê đất hết khoảng 8 triệu đồng/công. Tổng thiệt hại của gia đình tôi khoảng 80 triệu đồng”.
Video đang HOT
Những cây lạc chỉ toàn rễ, hoặc có củ nhưng bị chay, hỏng.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện An Phú, tổng diện tích lạc tại địa phương là 282ha, trong đó có khoảng 240ha bị thiệt hại với tỷ lệ giảm năng suất khoảng 70%. Cụ thể số thiệt hại ở các xã như sau: Xã Phú Hữu 200ha, xã Phước Hưng 18ha, Vĩnh Lộc 21ha, Đa Phước 1,2ha.
Bà Bùi Thị Thủy, ấp Phước Hòa trên cánh đồng lạc khô lá và đang chết dần.
Củ lạc không phát triển hoặc bị hỏng dù đã 75 ngày tuổi.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Mai Văn Bộ – Trưởng Phòng NNPTNT huyện An Phú, cho biết: “Chúng tôi đã gửi mẫu về Sở NNPTNT để kiểm định và đang đợi kết quả chính thức. Hiện phòng cũng đang tổng hợp danh sách để đề xuất Sở có hướng hỗ trợ, giúp đỡ đối với những hộ nghèo bị thiệt hại nặng nhằm ổn định sản xuất”.
Theo Danviet
Nhiều lợi ích từ mô hình thâm canh lạc
Vụ hè thu 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, Trạm khuyến nông huyện Phù Cát phối hợp Hội ND huyện thực hiện mô hình "Trồng lạc thâm canh trên đất lúa chuyển đổi". Đây là 1 trong những mô hình trình diễn nhằm giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật thâm canh cây lạc trên đất lúa chuyển đổi, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước.
Mô hình được thực hiện tại thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát trên diện tích 2ha, với 22 hộ hội viên, nông dân tham gia. Mô hình sử dụng giống lạc mỏ két. Đây là giống lạc cho năng suất cao, chịu được hạn và dễ chăm sóc, thu hoạch...
Cán bộ khuyến nông huyện Phù Cát kiểm tra mô hình thâm canh lạc tại xã Cát Nhơn.
Ảnh: L.N.T
Mặc dù thời tiết vụ hè thu 2016 diễn biến có những bất lợi, nhưng nhờ sự quan tâm của cán bộ kỹ thuật, sự quyết tâm của nông dân trong đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên kết quả đạt khá tốt. Với mật độ gieo trồng 29 cây/m2, bình quân số củ chắc đạt 13 củ/cây, trọng lượng 100 củ khô đạt 130 gam, năng suất thực thu đạt 31,3 tạ/ha, giá bán thời điểm hiện tại 25.000 đồng/kg; lợi nhuận nông dân thu về đạt 33.860.000 đồng/ha. So với lạc trồng đối chứng ngoài diện tích, lạc mô hình tăng giá trị hơn 48,7 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, lạc thâm canh của mô hình còn giúp nông dân tiết kiệm được nguồn nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh, bảo đảm môi trường trong sản xuất nông nghiệp...
Theo Hội ND huyện Phù Cát, sự thành công của mô hình thâm canh lạc đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả tại xã Cát Nhơn; hướng tới có thể nhân rộng ra các địa phương khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu...
Sự thành công của mô hình thâm canh lạc còn giúp nông dân nâng cao kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tạo được điểm đến cho nông dân tham quan học tập và nhân rộng theo quy hoạch chuyển đổi cây trồng cạn của địa phương trong thời gian tới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường...
Theo Danviet