Nông dân lao đao vì “bão giá”
Giá nhiều mặt hàng đầu vào của ngành nông nghiệp đang tăng như diều gặp gió. “Cơn bão giá” đã làm sản xuất, đời sống của người nông dân khắp 3 miền lao đao.
Nhà nông sợ… ruộng
“Bão giá” đang đẩy nông dân nhiều vùng quê ở miền Trung, trong đó có Thừa Thiên-Huế rơi vào cảnh cùng cực. Bữa ăn của họ vắng bóng thịt cá, nhiều người đâm sợ… làm ruộng, nên kéo nhau vào miền Nam làm thuê.
Sợ ra chợ
Bà Phạm Thị Chanh (64 tuổi, thôn Xuân Thượng, Vinh Xuân, Phú Vang) vừa làm thịt con gà bị lũ chuột cống ăn hết gần nửa, vừa liên tục than thở. Thằng cháu 5 tuổi của bà thì cứ nhìn chăm chăm vào con gà đang được làm thịt với vẻ thèm thuồng. Đây là con gà thứ 4 trong đàn gà 10 con mà bà Chanh mua về nuôi để bán kiếm tiền mua gạo đã bị lũ chuột “hóa kiếp”.
“Nuôi gà mà không dám giết thịt, vì giá bữa ni, bán một con gà mua được gần 2 yến gạo chứ có ít mô. Nếu nó không bị chuột cắn thì đâu dám ăn”- bà Chanh chua xót.
Ông Nguyễn Y – chồng bà Chanh, hì hục thổi cơm bằng củi trong bếp. Nhà có nồi cơm điện nhưng ông bà không dám dùng. “Giá điện sắp tăng, tiền mô mà theo nổi. Không chỉ cất nồi cơm điện, mà cái chi có điện là không dám dùng. Điện thắp sáng cũng chỉ dám thắp 1 bóng thôi”- ông Y nói.
Bữa ăn dọn ra, có nồi thịt gà lõng bõng nước. Ông Y bảo rằng, đây là bữa ăn sang trọng nhất của gia đình trong mấy tháng nay. Ngoài ngày Tết, nhà mua được 2 cân thịt lợn, còn lại đều phải ăn cơm rau và nước mắm vì giá thịt, cá tăng quá cao, không mua nổi. “Nhiều lúc ghé chợ nhưng hỏi mua chi giá cả cũng tăng ngất ngưởng nên tần ngần một lúc rồi ngậm ngùi về tay không, rứa là cả nhà lại ăn cơm với rau và nước mắm trường kỳ”- bà Chanh kể.
Trong số 4 người con của ông bà thì 2 người bị bệnh thần kinh, nằm viện trường kỳ không khỏi nên phải đưa về nhà. Thời gian gần đây, thuốc tây tăng giá chóng mặt nên vợ chồng bà Chanh phải cắt giảm việc mua thuốc chữa bệnh cho con, do tiền thuốc vượt quá khả năng tài chính của gia đình.
Video đang HOT
Ở thôn Xuân Thượng có hơn 150 nông dân bỏ ruộng vườn vào miền Nam làm thuê. Các làng khác cũng vắng lặng vì thiếu nông dân
Sợ… làm ruộng
Chồng qua đời sớm, cả 5 người con đều vắng nhà, nên hàng ngày bà Lê Thị Túc (gần nhà bà Chanh) lủi thủi như cái bóng. “Làm ruộng không đủ ăn, nên chúng vừa bỏ đi miền Nam làm thuê kiếm sống cả rồi”- bà Túc cho biết. Hiện mấy sào ruộng gia đình bà đã cho người khác thuê lại, mỗi năm được trả gần 2 tạ lúa.
Theo bà Túc, ruộng nhà bà thuộc dạng ruộng “nhất điền”, trước đây nhà khấm khá cũng nhờ số ruộng này. Nhưng gần đây, giá giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu không ngừng leo thang nên trừ các khoản chi phí, tiền lãi từ làm ruộng hầu như không đáng kể. Trong khi đó, các mặt hàng tiêu dùng khác ngày càng tăng giá chóng mặt, nên cuộc sống mẹ con bà túng quẫn.
Sự nghèo khó thường đẩy con người tới chỗ quẫn trí. Những người con trong gia đình liên tục có mâu thuẫn dẫn đến xô xát, gây gổ, khiến tình cảm rạn vỡ. “Chừ chúng đi làm thuê, thu nhập không cao, nhưng được cái anh em lại đoàn kết và thương yêu, đùm bọc nhau”- bà Túc nói.
Cạnh đó, gia đình ông Lê Viêm có 5 người con trai thì cả 5 người cũng đã đi miền Nam làm công nhân da giày. Vì thế, từ năm nay ruộng vườn của ông cũng cho người khác thuê cày cấy. “Chừ tui còn nợ mấy triệu tiền phân bón và thuốc trừ sâu từ năm trước, mấy đứa con chưa có tiền gửi về, nên vẫn chưa trả được”- ông Viêm vừa kể, vừa ho khùng khục vì bệnh.
Ở thôn Xuân Thượng có hơn 150 nông dân bỏ ruộng vườn vào miền Nam làm thuê. Các làng khác cũng vắng lặng vì thiếu nông dân. Ông Trần Tài – một bô lão giơ chiếc gậy chỉ ra đồng: “Nông dân mà sợ làm ruộng, chuyện ít có lại xảy ra. Anh nhìn kia, nhiều đám ruộng bỏ hoang vì thiếu chủ, nhìn thật xót xa”.
Tiếp xúc với một số hộ dân được coi là khá giả ở Vinh Xuân, tôi mới thấy hết sức tàn phá của bão giá đối với nông dân. Ông Ngô Văn Toàn ở thôn Kế Võ là một hộ có thu nhập khá cao than thở: “Một tháng, nhà tui thu nhập 6 triệu đồng, thuộc diện cao ở địa phương. Nhưng chừng đó vẫn không đủ chi tiêu trong nhà do mặt hàng nào cũng hùa nhau đội giá”.
Vợ chồng ông Toàn có 4 người con đang độ tuổi ăn học. Ông Toàn tính, tiền ăn học, sách vở của 4 người con mỗi tháng tốn ít nhất cũng hơn 3 triệu đồng. Hàng chục khoản chi tiêu còn lại như tiền thức ăn, điện nước, xăng xe cũng tốn gần 3 triệu đồng nữa, vậy là khô túi. Gặp lúc trong nhà có người ốm đau bệnh tật, nếu không vay mượn được đâu thì chỉ còn cách… chờ chết.
(Theo Dân Việt)
Choáng vì thực phẩm 'sáng một giá, chiều một giá'
Ngay sau khi có thông tin tăng giá điện, giá xăng dầu từ tháng 3, người dân Hà Nội đã phải gồng mình chống chọi với "cơn bão" giá mới . Nhiều gia đình đã phải "thắt lưng buộc bụng" để tiết kiệm chi tiêu.
Găm hàng chờ mượn cớ "điện tăng giá"
Tại các chợ: Cống Vị, Chợ Bưởi, Nghĩa Tân (Ha Nôi)...các loại thủy hải sản là mặt hàng tăng giá chóng mặt nhất. Cách đây một tuần, tôm sú có giá 220 - 250 nghìn đồng/kg, nay đã lên 300 nghìn đồng/kg. Cá trình cũng tăng từ 295 nghìn đồng/kg lên 315 nghìn đồng/kg, cá diêu hồng từ 80 nghìn đồng/kg, tăng thêm 20 nghìn đồng/kg. Các loại cá trắm, cá trôi, cá chép cũng tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/kg so với đầu tuần trước.
Giá nhiều loại thực phẩm đang tăng mạnh
Các loại thịt cũng bắt đầu rục rịch tăng giá từ hai hôm nay. Hiện giá thịt nạc thăn dao động từ 100 - 105 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với khoảng 1 tuần trước đây. Tại chợ Nghĩa Tân, thịt lợn nạc thăn có giá 95 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ là 85 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg, thịt nạc mông giá 90 nghìn đồng/kg.
Thịt bò cũng tăng giá, nhưng mức độ tăng thấp hơn so với thịt lợn.
Tại chợ Cống Vị, giá thịt bò cũng đã tăng 15-20.000đ/kg so với đầu năm nay. Cụ thể: thịt bò thăn có giá từ 200 - 220 nghìn đồng/kg, thịt bò mông từ 170 - 180 nghìn đồng/kg. Thịt gà ta loại 1 là 150 nghìn đồng/kg, tăng 30 nghìn đồng so với 1 tuần trước, thịt gà ta loại 2 là 120 nghìn đồng/kg, tăng thêm 20 nghìn đồng.
Hầu hết các loại thịt, cá đều tăng giá, riêng giá rau xanh chưa có biến động do đang vào thời gian thuận lợi cho các loại rau mầu phát triển nên nguồn cung khá dồi dào.
Theo đánh giá của một tiểu thương tại chợ Bưởi (Hà Nội), giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang tăng từng ngày, thậm chí sáng một giá, chiều một giá: "Sáng qua tôi mua thịt lợn hơi có giá 49.000 đồng/kg, đến chiều giá đã khác 51.000 đồng/kg. Chưa bao giờ giá thịt lợn lại tăng nhanh như lần này, chẳng cứ người mua, người bán tôi cũng thấy bất ngờ".
Điều đặc biệt là tuy đang được giá nhưng các cửa hàng thịt, cá lại rất ít hàng để bán. Nhiều nơi ngay từ sáng sớm đã không còn các loại cá to để bán, chỉ có các loại cá trôi, trắm nhỏ.
Giải thích về sự tăng giá một cách chóng mặt, chị Nga, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho rằng các đầu mối cung cấp hàng đang cố tình găm hàng thêm một vài ngày nữa, chờ khi giá điện và giá xăng được điều chỉnh sẽ mượn cớ để tăng giá. Do vậy, mấy ngày nay, nguồn hàng về các chợ rất khan hiếm, nên giá đang được đẩy lên rất cao.
Nhịn phở sáng để mua thịt, cá
Xách làn đi chợ với hơn 100 nghìn đồng, chị Hải (Ngọc Hà, Hà Nội) nhẩm tính có thể mua được thức ăn trong một ngày cho gia đình 4 người. Nhưng mấy ngày nay, chị Hải liên tục bị sốc vì cứ mỗi ngày đi chợ số tiền đó lại phải tăng thêm từ 20 - 30 nghìn đồng.
Thịt, cá tăng giá khiến nhiều người nội trợ phải thắt chặt chi tiêu.
"Hơn trăm nghìn đồng trước kia có thể mua được 2 bữa ăn kha khá, nhưng giờ chỉ mang về được vài thứ lèo tèo. Chưa hết, sáng mua cá trắm to có 70.000 đồng/kg, chiều đã lên 80.000 đồng", chị Hải nhăn nhó.
Trước đây, buổi sáng cả gia đình chị thường ăn phở cho tiện, nhưng giờ đây, một phần vì giá phở tăng, phần khác để dành tiền cho 2 bữa chính trong ngày, nên chị chuyển sang nấu mỳ cho cả nhà ăn.
Giống như chị Hải, chị Ánh, cùng khu tập thể với chị Hải cũng nhăn nhó: "Trước đây, tôi thường đi chợ mua thức ăn cho mấy ngày, nhưng giờ mỗi ngày một giá, nên chỉ dám mua trong ngày để còn nghe ngóng xem giá cả thế nào".
Thực phẩm tăng giá, khiến cho nhiều bà nội trợ phải hạn chế một cách tối đa những chi phí không cần thiết như: tiệc tùng, mua sắm, đi du lịch, thậm chí cả đi lễ chùa.
Theo Bee
'Mánh khóe' tiết kiệm của sinh viên "Cho em thêm cọng hành", nói vậy, Minh đưa tay ra với thì cô bán rau hất ra: "Hành mắc lắm, đừng xin em ơi". Nghe vậy, SV nhìn ngang dọc... nhón thêm trái ớt. Mua hàng phải có "tặng kèm" Hình ảnh mua bán kể trên trở nên quen thuộc ở những khu hàng quán khu SV sống trọ từ ngày bão...