Nông dân các xã nghèo hưởng lợi từ dự án “Nước sạch và công nghệ 4.0″
Dự án “Nước sạch và công nghệ 4.0″ do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và các đối tác Việt Nam, được tài trợ bởi Chính phủ Australia, đã được khởi động thành công tại 4 xã vùng đồng bằng sông Hồng, giúp loại bỏ arsen và các tạp chất khỏi nguồn nước sinh hoạt cho nông dân.
Nước sạch cho trường mới
Nhân khai giảng năm học mới 2020 – 2021, cùng với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng ngôi trường mới khang trang, Trường Mầm non xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, lần đầu tiên được lắp đặt 2 hệ thống lọc nước hiện đại, hiệu quả, có khả năng lọc arsen và các chất ô nhiễm khác trong nước ngầm.
Hệ thống lọc này do dự án “Nước sạch và công nghệ 4.0″ tài trợ nhằm ứng dụng những kết quả nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và các đối tác Việt Nam về lọc nước nhiễm arsen và các chất ô nhiễm khác để cung cấp nước sạch cho người nghèo.
Là xã ngoại thành Hà Nội, từ nhiều năm nay, xã Phương Tú vẫn chưa có nước sạch để dùng. Theo các nghiên cứu của UNICEF, một số quận, huyện phía nam Hà Nội, trong đó có Ứng Hòa, cũng như ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, nước ngầm bị nhiễm arsen rất nặng, trong khi công trình nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế rất thấp. Người dân trong xã phải dùng nước ngầm chỉ được lọc thô qua cát cho sinh hoạt hàng ngày và mua nước đóng bình để ăn uống.
Các cô giáo Trường Mầm non xã Phương Tú kiểm tra hệ thống lọc nước cho bếp ăn của trường.
Video đang HOT
Hệ thống lọc nước sinh hoạt có công suất 5m3/h và hệ thống lọc nước uống liền công suất 250l/h sẽ cung cấp nước sạch và an toàn cho khoảng 800 em học sinh cùng hàng chục cán bộ, giáo viên của trường.
Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Nhung cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi trường có nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn và tốt cho sức khỏe của các em nhỏ. Bố mẹ các em cũng sẽ yên tâm khi gửi con đến trường”.
Hàng trăm hộ nông dân được cấp nước sạch
Ông Phạm Văn Đoàng – Trưởng thôn Ngọc Động, xã Phương Tú – là một trong 2 người đầu tiên được lắp thử nghiệm hệ thống lọc cho hộ gia đình từ tháng 6/2020. Sau 2 tháng sử dụng, ông cho biết: “Tôi cảm thấy rất yên tâm. Khác với trước đây, bây giờ đi làm về, hoặc khi các cháu nhà tôi đi học về, chúng tôi có thể uống nước sạch từ vòi”.
Bên cạnh xã Phương Tú, dự án đang được thực hiện ở 3 xã tại tỉnh Hà Nam nhằm lắp đặt hệ thống lọc cho 300 gia đình và 3 cơ sở công cộng như trường học, trạm y tế và có thể mở rộng tiếp, đem lại nguồn nước sạch cho hàng nghìn người dân tại các địa phương này.
Tại Hà Nam, nước sông Nhuệ được sử dụng để xử lý làm nước máy cấp cho người dân. Song theo số liệu quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy có chất lượng môi trường nước từ xấu đến rất xấu với 13 điểm ô nhiễm, chiếm 62% số điểm quan trắc.
Dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ thông qua Chương trình Aus4Innovation nhằm tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và được quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST).
Đây là bước phát triển tiếp theo từ một dự án nghiên cứu hệ thống lọc nước nhiễm arsen được thực hiện từ năm 2017, cũng do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thông qua chương trình InnovationXChange tài trợ.
Ở đồng bằng sông Hồng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Thuỵ Sĩ kết hợp với Đại học Khoa học tự nhiên xuất bản năm 2011, khoảng 1 triệu người phải dùng nước nhiễm arsen (cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới 0,01mg/l).
Trong thời gian từ năm 2017 – 2019, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Australia) và Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công một loại vật liệu lọc arsen trong nước ngầm rất hiệu quả từ các nguyên liệu địa phương có nguồn gốc từ đá ong, giá thành hợp lý, thân thiện với môi trường, đảm bảo loại bỏ được arsen trong nước xuống dưới 0,01mg/l, đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN.
Trong dự án “Nước sạch và công nghệ 4.0″, UTS đã hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam, như Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và chuyển giao công nghệ cho Công ty Công nghệ Môi trường Quang Minh để chế tạo các hệ thống lọc mới, quy mô phù hợp hộ gia đình và công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa. Ngoài arsen, hệ thống lọc mới có thể xử lý các chất ô nhiễm khác như amoni, chất hữu cơ, vi khuẩn mầm bệnh, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đáp ứng tiêu chuẩn nước uống của Việt Nam.
Australia hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Có 5 dự án vừa nhận được nhận tài trợ từ Chương trình tài trợ đối tác Đổi mới Sáng tạo (vòng 2) thuộc Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia đã được công bố.
Các dự án này là những sáng kiến nổi bật nhất trong số 82 sáng kiến tham dự Chương trình sẽ được triển khai bởi Australia và Việt Nam. Với tổng ngân sách tài trợ hơn 2 triệu đô la Úc, các dự án sẽ có cơ hội nhân rộng những ý tưởng sáng tạo và tạo ra tác động cả về kinh tế và xã hội.
Các dự án sẽ sử dụng công nghệ và kinh nghiệm từ Australia kết hợp với hiểu biết thực tế tại Việt Nam để phát huy những kết quả nghiên cứu và thử nghiệm có được trong các lĩnh vực công nghệ và phát triển.
Trong số các dự án nổi bật, Hệ thống cảm biến theo dõi ngập lụt tại TP HCM do Đại học Griffith và Trung Tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao TP HCM cùng phát triển nhận hỗ trợ 400.000 đô la Úc.
Thời gian qua, TP HCM chưa tìm được giải pháp phù hợp để cải thiện tình trạng ngập úng kinh niên.
Dự án về Hệ thống quan trắc môi trường trong rừng ngập mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau do Đại học Queensland và một đơn vị từ Việt Nam triển khai được hỗ trợ 500.623 đô la Úc.
Chúc mừng các dự án, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh: "Trong một giai đoạn nhiều biến động như hiện tại, tôi rất trân trọng nỗ lực cùng nhau hợp tác, nghiên cứu đổi mới sáng tạo, triển khai và nhân rộng những ý tưởng tuyệt vời này của các tổ chức Australia và Việt Nam, trong đó có các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.Tôi tin rằng những sáng kiến này sẽ tạo ra những tác động kinh tế xã hội lâu dài, cũng như tạo tiền đề cho những quan hệ đối tác sâu rộng giúp Australia và Việt Nam cùng tiếp cận được nhiều cơ hội trong tương lai.".
Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo tiếp nối từ thành công của vòng đầu tiên được tổ chức vào năm 2019. Ba dự án thắng cuộc năm 2019 đã được nhận tổng số tiền tài trợ hơn 1,63 triệu đô la Úc.
Các Chương trình tài trợ này là một cấu phần quan trọng trong chương trình hợp tác 4 năm (2018-2022) giữa Australia và Việt Nam với tổng ngân sách 11 triệu đôla Úc nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Australia chuẩn bị đưa 24.000 công dân về nước trước Giáng sinh Chính phủ Australia đang lên kế hoạch đưa 24.000 công dân đang mắc kẹt ở nước ngoài về nước trước dịp Giáng sinh năm nay. Quyết định mới được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần 2 tại nước này đang dần được kiểm soát và nhiều địa phương tiếp tục nới lỏng các hạn chế đi lại bắt đầu...