Nóng: Bộ GTVT “phanh gấp” cấp phép thí điểm Grab, Uber
Bộ GTVT vừa yêu cầu các địa phương đang tham gia phải thống kê, rà soát chính xác số lượng và dừng cấp phép thí điểm taxi công nghệ. Theo Bộ GTVT, yêu cầu này nhằm hạn chế bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác.
Theo Bộ GTVT, số lượng xe taxi công nghệ đang gia tăng vượt tầm kiểm soát, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và cạnh tranh thiếu công bằng với taxi truyền thống, gây khó cho quản lý.
Đồng thời, hiện các thành phố thí điểm taxi công nghệ cũng đang hướng tới xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng với khối lượng lớn như xe buýt, buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao mà không đặt trọng tâm vào taxi hay xe hợp đồng.
Do vậy, cần thiết phải khống chế số lượng xe và số doanh nghiệp tham gia kinh doanh taxi công nghệ – công văn của Bộ GTVT nêu.
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương tham gia thí điểm loại hình taxi công nghệ tiến hành thống kê, rà soát chính xác số lượng xe tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT cũng đã đưa loại hình taxi Uber, Grab vào đối tượng quản lý. Sau khi sửa đổi nghị định này, việc quản lý các loại hình taxi này sẽ bảo đảm công bằng hơn.
Video đang HOT
Được biết, theo đề án thí điểm taxi công nghệ của Bộ GTVT, tính đến tháng 4/2017, Bộ mới chỉ cấp phép cho khoảng 13.500 xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia, với 235 doanh nghiệp tại 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM và Khánh Hòa.
Tuy nhiên, thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, số lượng xe “taxi công nghệ” tại thành phố đã lên tới con số 7.000 xe, tại TP. HCM là hơn 22.000 xe, gấp đôi số lượng taxi truyền thống, vượt xa sức quản lý của địa phương.
Ngoài ra, với các ưu thế của mình, “taxi công nghệ” và taxi truyền thống đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Trong đó, phần lợi thế đang nghiêng về phía các hãng taxi công nghệ, với các đặc điểm hoạt động là công khai được giá tiền cước cho chặng đường, giá cước hợp lý, xe sạch sẽ, thuận tiện.
Tuy nhiên, đối với các hãng taxi truyền thống và đặc biệt với cơ quan quản lý, taxi công nghệ thực sự là điểm nóng nhức nhối. Các hãng taxi truyền thống bị taxi công nghệ xâm thực thị phần mạnh mẽ, trong khi các cơ quan quản lý chưa có căn cứ pháp lý để quản lý doanh thu và từ đó thu thuế đối với taxi công nghệ.
Hoạt động của taxi công nghệ còn mở rộng thành xe ôm công nghệ, và cạnh tranh thành công với xe ôm truyền thống.
Về quản lý, chiến dịch lobby do các hãng taxi truyền thống tung ra, nhằm hạn chế hoạt động của mô hình taxi công nghệ đã phần nào thành công. Khi các cơ quan quản lý liên tục tổ chức kiểm tra, giám sát, gây khó cho hoạt động của taxi công nghệ. Cao điểm nhất chính là công văn dừng cấp phép thí điểm taxi công nghệ lần này. Tuy nhiên, chưa rõ yêu cầu này có áp dụng với mô hình xe ôm công nghệ hay không.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Grabtaxi với ứng dụng Grabcar, Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội với ứng dụng Thanhcong Car, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh với ứng dụng Mailinh Car, Công ty hợp tác đầu tư và phá triển với ứng dụng Home Car, Công ty TNHH Uber Việt Nam với ứng dụng Uber, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang với ứng dụng LB.Car, Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao với ứng dụng Vic.Car.
Theo Ánh Dương (Vietimes)
Đòi đối xử công bằng trong vận tải
Ngày 27.2, tại TP.HCM, Bộ GTVT tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định (NĐ) 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ảnh minh họa
Tham dự hội nghị ngoài lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải - Bộ GTVT, còn có đại diện 15 sở GTVT phía nam và các doanh nghiệp (DN) vận tải.
Tại hội nghị, ông Phan Thái Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Taxi TP.HCM, kiến nghị Chính phủ cần quy định taxi là vận tải công cộng để có các chính sách đi kèm phù hợp, bởi như hiện nay chính sách về taxi giống như xe cá nhân. Ngoài ra, theo ông Bình, các loại hình vận tải xuất hiện thời gian gần đây như Uber, Grab... là điều tất yếu của sự phát triển, thúc đẩy tính cạnh tranh nên giúp ngành taxi vận tải phát triển, người tiêu dùng được lợi.
Tuy nhiên, xe của các đơn vị này sử dụng phần mềm thông minh để đón khách và tính toán giá cước trên cơ sở phần mềm đó, nên giống như taxi. Thế nhưng, trong khi taxi hiện có đến 13 điều kiện ràng buộc rất chặt chẽ; mỗi lần điều chỉnh giá cước phải liên quan đến rất nhiều thủ tục, kiểm định, phải niêm yết giá tiền trên từng xe... thì các xe vận chuyển theo hình thức Uber, Grab... điều chỉnh giá lúc nào cũng được và các thiết bị tính cước ấy không ai kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, ông Bình cho rằng để công bằng, nên giao cho DN taxi tự chịu trách nhiệm điều chỉnh phần mềm giống như Uber, Grab. "Bản chất 2 loại hình này giống nhau thì nên có những quy định quản lý giống nhau nhằm minh bạch, đảm bảo an toàn cho khách hàng, DN", ông Bình nói.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủng hộ xem taxi là vận tải công cộng, đồng thời đẩy nhanh việc cho phép DN taxi kê khai, công bố giá cước mới qua phần mềm điện tử nhằm đơn giản thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải. Song song đó, DN nào muốn thực hiện điều chỉnh cước theo cách hiện nay thì cứ làm.
Góp ý sửa đổi quy định về điều kiện để cấp phép cho hộ kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, nhiều đại biểu cho rằng NĐ 86 quy định ngoài việc đáp ứng các điều kiện còn phải đáp ứng các yêu cầu về người điều hành vận tải, điều lệnh vận tải. Quy định này thực tế không phù hợp vì đa số các hộ kinh doanh cá thể có từ 3 xe trở xuống, nhất là ở miền Trung, miền Bắc và Tây Bắc, hộ kinh doanh đồng thời là lái xe nên không cần điều lệnh vận tải.
Nếu quy định cứng nhắc như vậy thì chủ xe cũng sẽ tìm mọi cách đối phó, hợp thức hóa. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ khi sửa đổi NĐ 86 nên có quy định đặc thù với các HTX vận tải, vì các HTX đa phần quy mô nhỏ chứ không giống như mô hình DN vốn đã đi vào nền nếp.
Đình Mười
Theo Thanhnien
Thứ trưởng Giao thông muốn siết quản lý thuế của Uber, Grab Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng việc quản lý tài chính của cơ quan nhà nước với Uber, Grab còn mật mờ, gây tranh cãi. Tại dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ Giao thông Vận tải muốn bổ sung quy định cho...