Nơi “thần chết” chực chờ gõ cửa
Thoạt nhìn vào xã Định Liên, huyện Yên Định, Thanh Hóa yên bình như những làng quê khác, nhưng khoảng chục năm trở lại đây số người mắc và chết do căn bệnh ung thư tăng lên chóng mặt khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Mỗi năm hàng chục người chết do ung thư
Theo con số thống kê từ Trạm y tế xã Định Liên, trong vòng 7 năm qua (2005 – 2011) tổng số người chết là 291, trong đó số người chết do mắc ung thư là 82 người, chiếm 28,2%. Con số này liệu có bất thường? – tôi hỏi. Ông Lê Văn Ngợi, Trạm trưởng Trạm y tế nói: Không bất thường sao được khi tỷ lệ người chết do ung thư năm nào cũng trên dưới 30%. Nói xong ông dẫn chứng bằng việc đưa chúng tôi xem cuốn sổ “thiên tào”. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã đã có 39 người chết, trong đó có 8 người chết vì ung thư và hiện còn 3 người đang nằm chờ chết.
Xã Định Liên có 3 thôn gồm Bái Thủy, Duyên Thượng và Vực Phát với tổng cộng 9 xóm. Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân căn bệnh ung thư không ai biết rõ. Nó chỉ rộ lên khoảng 10 năm trở lại đây thì dân mới tá hỏa. Trong 3 thôn, Bái Thủy được xem có tỷ lệ người ung thư nhiều nhất. Trong 10 năm (1998 – 2007), Bái Thủy có tới 32 người chết do mắc ung thư trong tổng số toàn xã là 41 người, chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 đến 60 với chứng ung thư dạ dày, phổi, gan, vòm họng…
Theo giới thiệu của ông Ngợi, chúng tôi xuống thôn Bái Thủy, nơi được gọi “thôn thần chết”. Tôi hỏi, sao lại gọi thần chết? Người dân bảo: Không gọi thần chết là gì khi có nhà 5 người thì 3 người chết do ung thư.
Trong căn nhà cấp 4 trống trải, bà Lưu Thị Ân (84 tuổi) không giấu được những giọt nước mắt mặn chát trên khuôn mặt già nua mỗi khi nhắc đến người chồng và hai đứa con trai chết trẻ bởi căn bệnh ung thư quái ác. Nhìn vào di ảnh của các con trai, bà khóc, cô đơn ai oán: “Sao chúng mày cứ lần lượt bỏ mẹ mà đi, ông trời sao không bắt tôi chết thay chúng nó, nó còn trẻ sao phải ra đi sớm để lại người mẹ già đơn côi này”.
Bà Ân vẫn còn bàng hoàng trước cái chết của chồng con do bệnh ung thư
Chẹn lẫn những tiếng nấc cụt, bà kể lại chúng tôi nghe quá khứ hạnh phúc của mình như để quên đi sự đau đớn thực tại. Cái thời gian đấy đã trôi quá lâu, bà và ông Nguyễn Gia Cát bén duyên cùng lần lượt những đứa con kháu khỉnh ra đời. Bi kịch ập đến lúc chồng bà lâm bệnh chết do ung thư dạ dày. Nỗi đau thêm chồng chất khi các con của bà cũng lần lượt ra đi. Đầu tiên là anh Nguyễn Văn Dũng, con trai cả của bà chết cũng bởi căn bệnh ung thư dạ dày, con thứ Nguyễn Văn Phượng chết cách đây 3 năm do ung thư phổi.
Quá sợ hãi “thần chết” rình rập, cô con dâu khuyên bà bán nhà lên thị trấn ở, nhưng bà không chịu, thế là hai mẹ con họ bồng bế nhau đi, bỏ mình bà hàng ngày lủi thủi bên căn nhà trống vắng. “Chẳng hiểu vì sao mảnh đất này người chết do ung thư lại nhiều đến như vậy. Trong làng có người chết y như rằng do ung thư. Tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, chỉ mong sao con cháu trong làng không phải chết trẻ trong sự đau đớn của căn bệnh quái ác này”, bà Ân tâm sự.
Để tìm hiểu sâu hơn về vùng đất, chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn 5 Lưu Thị Minh. Bà Minh năm nay ngoài 50 tuổi. Lấy tuổi của bà so với số người chết do bệnh hiểm nghèo 10 năm trở lại đây cũng xấp xỉ. Điển hình như năm 2007, cả làng Bái Thủy chỉ tính sơ sơ đã hơn 10 người chết. Gia đình bà Minh cũng có hai người chết do ung thư là ông ngoại (u phổi), người cậu (u gan).
Mong chờ nước sạch
Dẫn chúng tôi ra bể nước nhà mình, bà Minh chỉ tay vào vết nước úa vàng đang bám trên thành bể đặc quánh, bảo: “Cứ một tháng phải đánh bể một lần, nhưng thành bể lúc nào cũng vàng như nước phù sa vậy. Bình thường nước bơm lên có vẻ trong, song chỉ để 2 – 3 tiếng đồng hồ là chậu nước nổi lên hạt li ti màu vàng đục như gạch cua bám vào vành chậu. Nhiều đến nỗi bể lọc nước nhà tôi bị tắc không tài nào chảy được”.
Video đang HOT
Nghe nói, mấy năm trước khi số người trong xã mắc bệnh ung thư chết nhiều, đã có đoàn kiểm tra trên tỉnh về lấy mẫu nước của những gia đình có người bệnh thấy hầu hết nước các hộ dùng đều một màu vàng xỉn, đổ vào xô, chậu một lúc là kết tủa lại.
Nước trên bể tràn xuống tạo vệt vàng đặc quánh
Không dám dùng trực tiếp nước giếng, gia đình bà Minh đã phải đầu tư bộ máy nước lọc với số tiền gần 5 triệu đồng. Bà bảo, đâu phải ai cũng có tiền để mua bộ lọc nước. Ở cái mảnh đất thuần nông này người dân chỉ biết sớm tối với đồng ruộng, chật vật từng bữa ăn thì làm sao có một số tiền lớn như vậy. Chấp nhận, cam chịu, phó mặc số phận đó là cách nghĩ đơn giản nhất của người làng. “Biết là do nước bị nhiễm chất gây ung thư, nhưng bây giờ chúng tôi phải làm thế nào đây, không lẽ không dùng nước nữa, hay cả làng dời đi nơi khác định cư, sinh sống?”, bà Minh cay đắng.
Nói về thực trạng nguồn nước, Trạm trưởng Lê Văn Ngợi cho biết: “Tháng 7/2007, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành lấy 8 mẫu nước tại đây đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, có 6/8 mẫu bị nhiễm Asen vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 4,4 lần, hầu hết tập trung ở làng Bái Thủy, trong đó nhiễm nặng nhất là mẫu nước hộ bà Lê Thị Ân với nồng độ 0,044 mg/l (TCVN là 0,01 mgl). Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Thanh Hóa kết luận nguồn nước ở Định Liên nhiễm Asen quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần và có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư”.
Sau đó, Sở TN&MT Thanh Hóa đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để xử lí nguồn nước nhiễm Asen cho Định Liên, đồng thời trình Bộ TN&MT giúp Thanh Hóa hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lí Asen. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ TN&MT vẫn chưa có động thái nào khiến người dân Định Liên vô cùng hoang mang, lo lắng.
Mấy năm trở lại đây, cái tên làng “thần chết” không chỉ còn ở thôn Bái Thủy mà đã lan ra toàn xã Định Liên. Theo con số thống kê của Trạm y tế xã, chỉ trong hai năm 2010 – 2011 toàn xã có 87 người chết, trong đó 31 người mắc bệnh ung thư, chiếm tới 35,6%, tập trung nhiều ở thôn Duyên Thượng. Ông Ngợi nói, đây là con số thống kê mà xã thấy được, còn thực tế số người mắc bệnh còn nhiều hơn nữa. “Vì sao ông khẳng định như vậy?”, tôi hỏi. Ông giải thích: “Dân nghèo, bình thường có ai đi khám định kỳ đâu mà phát hiện bệnh. Đến khi bệnh phát nặng người dân mới đến viện thì đã quá muộn, chỉ còn nằm chờ chết”.
Điều khiến người dân Định Liên phó mặc số phận, theo cách giải thích của họ thì thời gian qua đã có nhiều đoàn nghiên cứu về lấy mẫu nhưng rồi… mất tăm hơi. Người dân than phiền, ít nhất họ cũng phải thông báo cho địa phương kết quả những lần đo đạc ấy để có kế hoạch phòng tránh. Đằng này, họ không thông báo gì, người dân cũng không thể biết được rằng, nguồn nước sinh hoạt có nhiễm độc hay không, độc ra sao và phải phòng tránh thế nào?
Việc tù mù thông tin, bán tín bán nghi về nguy cơ nhiễm bệnh đã diễn ra nhiều năm nay ở Định Liên. Nếu nguồn nước ở đây nhiễm độc thật thì hóa ra, người dân đang hàng ngày uống chất độc hủy hoại sức khỏe. Ung thư, bệnh tật nhiều quá, dân không ai dám đi khám bệnh vì hoang mang lo sợ. Họ cứ thế sống, ai có chết vì ung thư lại đổ cho số phận, do trời hành!
Theo 24h
Chuyện ở làng... tử thần!
Chỉ trong phạm vi 1 ngôi làng nhỏ mang tên An Hội thuộc xã Bình Tân (Tây Sơn - Bình Định) mà trong thời gian qua đã xảy ra hơn 30 trường hợp chết do nhiều căn bệnh ung thư khác nhau. Sự thể trên đã khiến người dân quá bất an, nghĩ đến chuyện bỏ làng ra đi để trốn tránh căn bệnh chết người.
"Tử thần" rình rập
Có lẽ không vùng quê nào có không khí nặng nề, ảm đạm như ở làng An Hội. Cảnh vật đã buồn, gương mặt của những người dân ở đây càng buồn hơn. Hỏi ra thì biết, từ đầu làng đến cuối làng, đi đâu cũng nghe chuyện chết chóc do căn bệnh ung thư gieo rắc. Có nhiều gia đình xảy ra đến 3-4 trường hợp. Điều mà người dân lo lắng nhất là càng ngày, người chết vì ung thư càng trẻ.
Trưởng thôn An Hội, ông Dương Thành Công cho hay: "Ngay cha tui (cụ Dương Đặc) cũng bị bệnh ung thư phải vào tận TP.HCM chữa trị. Sau 1 thời gian nằm viện, bác sỹ bảo có cố gắng đến mấy cũng không qua khỏi. Tui đưa cụ về nhà được nửa tháng thì mất. Chuyện người chết về bệnh ung thư ở đây rất nhiều, được như cha tui còn may, bây giờ bị toàn người trẻ".
Rồi ông Công lên cho tôi 1 danh sách khá dài. Theo chỉ dẫn của ông Công, đi chừng 100 mét, tôi đến nhà anh Đặng Minh Dũng, người có vợ (chị Phan Thị Minh Lộc) vừa chết vì bệnh ung thư vào năm ngoái bỏ lại 2 đứa con nhỏ là Đặng Thị Bích Trâm (11 tuổi) và Đặng Thu Trà (9 tuổi).
2 đứa con của vợ chồng cùng bị bệnh nan y Vương Định Hoa và Phùng Thị Bông đang cho bò ăn
"Vợ tui chết mới giáp năm, các cháu còn quá nhỏ nhưng giờ chúng phải tự chăm sóc mỗi ngày để tui đi làm thuê kiếm tiền về nuôi chúng. Tiền bạc vợ chồng làm ăn dành dụm bao nhiêu năm giờ đi theo căn bệnh của vợ hết rồi", anh Dũng than thở.
Từ trường hợp của vợ anh Dũng, tôi được biết thêm, cả ba mẹ của anh cũng đã chết vì ung thư. Và hiện nay, người anh ruột của Dũng là anh Đặng Lực Sĩ cũng đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, đã đi vào TP.HCM chữa trị mấy đợt rồi nhưng không tiến triển, hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Đi thêm chừng 100 mét nữa qua xóm 2, tôi đến nhà ông Vương Đình Hoa (50 tuổi). Căn nhà ông Hoa nằm sâu trong xóm, buồn tênh. Con gái ông Hoa là Vương Thị Kim Nga (18 tuổi) đang cắm cúi chẻ củi. Em trai của Nga là Vương Kim Ngọc (16 tuổi) đang rút rơm cho bò ăn.
Nghe hỏi thăm về bệnh tình của ba mẹ mình, Nga tiếp chuyện trong nước mắt: "Đang khỏe mạnh làm ăn thì năm ngoái mẹ cháu (Phùng Thị Bông - 48 tuổi) phát bệnh ung thư tử cung, vào Sài Gòn khám thì bác sỹ cho nhập viện luôn, ba cháu phải ở lại chăm sóc cho mẹ. Mới đây, ba cháu cũng thấy đau, sẵn ở ngay bệnh viện, ba cháu khám luôn thì cũng đổ bệnh ngặt nghèo nằm viện luôn. Năm ngoái mẹ bệnh, cháu phải bỏ học. Giờ đến ba mắc bệnh, em cháu cũng bỏ học luôn, chứ tiền vay mượn không đủ chữa bệnh cho ba mẹ lấy đâu cho tụi cháu ăn học. Nhà có mấy sào ruộng và mấy con bò, tụi cháu phải ráng làm lụng để kiếm miếng ăn".
Chỉ cách nhà ông Vương Đình Hoa mấy chục bước chân, 1 thảm cảnh khác đang ập xuống gia đình chị Võ Thị Kim Huệ (1980). Chồng chị Huệ là Nguyễn Văn Thức (1979) bị căn bệnh ung thư hành hạ suốt 4 năm mới mất. Khi mới phát bệnh, anh Thức đi TP.HCM khám, bác sỹ chẩn đoán anh bị hạch di căn, sau đó chuyển qua gan rồi mất, bỏ lại người vợ trẻ và 2 đứa con, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi.
Rồi mới 1 tháng nay, đến lượt chị Huệ "dính" phải 1 căn bệnh hiểm nghèo. Khi phát bệnh, chị Huệ đi Sài Gòn khám bác sỹ bảo là bị u do lao. Sau đó chị chuyển về bệnh viện lao ở Quy Nhơn chữa cho đỡ tốn tiền. Tại BV lao ở Quy Nhơn bác sỹ chẩn đoán bị u phổi.
Tôi tìm đến nhà đúng lúc chị Huệ định đi mua vé xe để chiều mai vô lại Sài Gòn khám lại. "Nếu lần này bác sĩ cho nhập viện em phải gửi 2 đứa con và 3 con bò lại cho nhà ngoại chăm dùm. Lỡ em có mệnh hệ gì không biết 2 đứa con em sẽ ra sao", chị Huệ nói trong tiếng nấc nghẹn.
Cuộc sống bất an
Trước những cái chết bi thảm kể trên, người dân ở đây đặt nhiều nghi vấn về nguồn nước sinh hoạt. Cụ Nguyễn Ngọc An (75 tuổi), nói: "Chỉ trong địa bàn 1 thôn mà có nhiều nguồn nước khác nhau. Ở xóm 2 thì mạch nước ngầm được lọc qua 1 lớp sỏi nên khi đào giếng nước trong, uống ngọt. Còn ở phía nam giếng nước nào cũng đục như nước hến, uống vào lờ lợ khó chịu lắm. Có phải do nguồn nước gây ra hay không chưa biết, nhưng ở thôn này có nhiều người mắc bệnh ung thư chết trẻ là sự thật".
Chị Võ Thị Kim Huệ lo lắng nếu mình chết theo chồng không biết 2 đứa con nhỏ dại sẽ ra sao
Cụ Phan Thiềng, ở xóm 3, kể thêm: "Trước ngày giải phóng, người dân ở đây di tản hết vì có đồn Đại Hàn đóng tại núi Đất. Khi ấy nơi đây còn là vùng rừng núi bạt ngàn, để không có chỗ cho bộ đội mình ẩn náu, địch rải thuốc khai hoang cây cối chết sạch".
Ông Nguyễn Trung Kiên, bộ đội thoát ly vào những năm chiến tranh chống Mỹ cho biết thêm: "Hồi ấy đơn vị của tui đóng ở Thuận Ninh, trồng mì để cung cấp lương thực cho bộ đội. Thế nhưng mì vừa lớn bằng vài gang tay là địch thả thuốc khai hoang chết rụi. Tụi tui phải vào rừng đào củ nần, củ mài ăn để có sức chiến đấu. Thuận Ninh chính là đầu nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương này".
Ông Phạm Hùng Anh (60 tuổi) ở xóm 3, thì đặt nghi vấn: "Vào những năm 1961-1962, chuyện bom đạn ở đây diễn ra hàng ngày. Cách đây 1 cánh đồng là dãy núi Đất và núi Đá Vàng với những cánh rừng rậm nhưng địch thả thuốc khai hoang chết rụi. Có thể thuốc khai hoang thẩm thấu qua đất, ngấm vào mạch nước ngầm. Người dân tụi tui uống nước có chứa chất độc vào nên sinh ra những chứng bệnh nan y dẫn đến cái chết".
Cụ Phan Thiềng kể nỗi bi thảm của quê mình
Ông Anh cho biết thêm, gia đình ông cũng có 3 người chết vì bệnh ung thư. Mẹ ông là Nguyễn Thị Điểu bị ung thư vú mất vào năm 1983. Vợ ông Anh là Bùi Thị Mai bị ung thư máu mới mất năm 2010. Chị dâu của ông Anh là bà Đặng Thị Bông (vợ ông Phạm Văn Minh) thì bị lá lách chết vào năm 1986, khi chỉ mới 33 tuổi.
"Những gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo ở đây hầu hết đều tan gia bại sản, tiền dành dụm bấy lâu đổ vào bệnh hết. Ai nằm viện dài ngày phải vay mượn, đến khi người bệnh chết đi người còn sống phải "cắm đầu" làm trả nợ cho người chết thì làm sao đời sống khấm khá lên được", bà vợ của ông thôn trưởng thôn An Hội Dương Thành Công, bộc bạch.
Rồi con gái của ông Mạc Thất, xóm trưởng xóm 3 kiêm y tá thôn An Hội là Mạc Thị Kim Thủy (1978) và con dâu của ông là Nguyễn Thị Hồng Thủy (1976) cũng đang bị u hạch, đang điều trị. Ông Phạm Hùng Anh cho biết thêm: "Không chỉ thôn An Hội có nhiều người bị bệnh nan y, thôn bên cạnh là Mỹ Thạch cũng có nhiều người lâm cảnh tương tự".
Chỉ loanh quanh có mấy hộ mà trong sổ tay của tôi đã có đến hàng chục cái tên đã chết hoặc đang lâm bệnh ung thư. Thế nhưng theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn lại kết luận: "Qua tìm hiểu thực tế và thống kê của Tư pháp xã Bình Tân, trong vòng 10 năm qua, tại thôn An Hội (xã Bình Tân - huyện Tây Sơn) chỉ có 33 trường hợp chết, trong đó có 19 trường hợp không phải nguyên nhân do bệnh nan y và 14 trường hợp không rõ nguyên nhân. Kết hợp với sổ theo dõi tử vong của Trạm Y tế xã Bình Tân thì trong 5 năm gần đây, chỉ có 3 trường hợp chết vì bệnh ung thư".
Trước kết luận trên của Báo cáo số 63/BC-PYT của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn, người dân thôn An Hội đã tỏ ra rất bức xúc. Ông Dương Thành Công, thôn trưởng thôn An Hội, nói: "Người dân ở đây rất hoang mang trước hiện tượng có nhiều người chết vì bệnh ung thư nên đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương có đề xuất để ngành y tế vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân. Thế nhưng y tế thôn báo cáo lên Trạm Y tế xã, xã báo lên Trung tâm Y tế huyện rồi... im ru luôn".
Theo 24h
Truy tìm "thủ phạm" gây ung thư ở mỏ sắt Sau khi chúng tôi đăng tải thông tin người dân sống quanh khu vực mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang sống trong hoang mang, bất an vì có quá nhiều trường hợp chết vì ung thư, cơ quan chức năng đã vào cuộc, lấy mẫu nước kiểm tra. Đáng báo động Sáng 9/10, trao đổi vấn đề mà chúng...