Nỗi sợ khi nghe tiếng Anh
Thầy giáo Quang Nguyen khẳng định rất nhiều người đang sợ nghe tiếng Anh do không thích cảm giác thất bại hay không muốn thua kém bạn bè.
Nếu muốn giao tiếp tiếng Anh, bạn phải nghe. Muốn học phát âm, từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt thì nghe cũng là một nguồn đầu vào quan trọng. Thế nhưng, rất nhiều người lại ngại, sợ nghe tiếng Anh. Tại sao vậy?
Có nhiều lý do, từ kinh nghiệm của bản thân, Quang thấy có 3 nguyên nhân chính khiến người học dễ “ngại” nghe tiếng Anh.
Lý do hàng đầu là bạn không thích cảm giác thất bại. Tâm lý chung của người luyện nghe là đặt kỳ vọng tương đối cao về bản thân. Do đó, khi nghe không được, bạn sẽ cảm thấy mình thật kém cỏi, và cảm xúc này chẳng dễ chịu chút nào.
Thầy Quang Nguyen hiện là giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, có 20 năm giảng dạy ngôn ngữ này.
Lý do thứ hai là bạn không muốn “thua bạn kém bè”. Mỗi người khi tham gia cộng đồng học đều có “áp lực đồng lứa”, và khi thấy người bên cạnh nghe quá tốt, bạn không muốn tỏ ra mình thua kém. Cách dễ dàng nhất là không tham gia luyện nghe nữa. Như vậy, sẽ không ai biết là bạn nghe không được tốt và (bạn nghĩ) chẳng có ai coi thường được mình.
Lý do thứ ba bắt nguồn từ nền giáo dục khoa cử của Việt Nam. Từ nhỏ, chúng ta không được làm quen với việc giao tiếp và sử dụng tiếng Anh. Thay vào đó là các bài kiểm tra. Nếu trong giao tiếp, việc mắc lỗi (try and fail) là đương nhiên, là quá trình tất yếu của việc học ngôn ngữ thì trong bài kiểm tra mắc lỗi đơn giản có nghĩa là điểm kém.
Video đang HOT
Khi tiếp cận bài nghe với tư tưởng “testing”, bạn không được mắc bất kỳ một lỗi nào nếu như không muốn bị mất điểm. Mỗi bài test là một cuộc đua căng thẳng, và bạn cố gắng kiểm soát bài nghe, cố gắng đạt được 100% số điểm.
Trong thực tế thì ngược lại. Điều quan trọng không phải là bạn mắc bao nhiêu lỗi, và không nghe được bao nhiêu từ. Cái bạn cần nhớ là mình học được điều gì từ bài nghe, và bạn đã tiến bộ như thế nào so với ngày hôm qua. Nếu bạn nghĩ “mỗi bài nghe là một bài vui”, nơi bạn sẽ học được một thứ gì đó, thay vì sợ “mắc lỗi” và “bị trừ điểm”, chẳng mấy chốc mà bạn sẽ thành một “cao thủ”.
Cuối cùng, Quang muốn nhắn nhủ với các bạn, tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của bạn và việc mắc lỗi là bình thường, đương nhiên. Người mắc nhiều lỗi nhất chính là người giỏi nhất vì chính qua việc mắc lỗi bạn mới học được nhiều điều mới. Và cách duy nhất để không mắc lỗi là chẳng làm gì cả.
Nghe tiếng Anh là chặng đường gian nan và dài hơi, vậy nên hãy đeo tai nghe lên và tận hưởng những điều thú vị mà bạn học được hàng ngày. Đó là con đường ngắn nhất và duy nhất để làm chủ được nghe – kỹ năng “đáng sợ” nhất với nhiều người học tiếng Anh.
Bí quyết cải thiện kỹ năng Listening
Trước khi vội vàng với những bài nghe khó, bạn nên xác định trình độ của mình để chọn ngữ liệu đơn giản và thực hành một cách chủ động, tập trung.
Tự học IELTS khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Hoàng Ngọc Quỳnh, 31 tuổi, nắm bắt cơ hội du học thạc sĩ trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh, sau đó tiếp tục giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster, Anh. Nhờ kinh nghiệm tự học và thành lập trung tâm luyện IELTS, chị Quỳnh rút ra bí quyết để cải thiện trình độ Listening.
Luyện nghe là một trong những khó khăn lớn nhất của người học khi mới bắt đầu đến với tiếng Anh. Mình sẽ chia sẻ các bước trong việc nên bắt đầu luyện nghe từ đâu, cần học những gì để xây dựng nền tảng cho việc nghe hiểu để kỹ năng này không còn là trở ngại khi bạn chinh phục tiếng Anh.
Xác định trình độ nghe của mình đang ở mức nào
Để tìm ra phương pháp phù hợp, trước hết bạn cần trả lời câu hỏi "Bạn mới học tiếng Anh, bắt đầu luyện hay đã nghe tiếng Anh lâu rồi nhưng vẫn cảm thấy khó khăn với kỹ năng này?".
Nếu mới học, việc bạn nghe gần như không hiểu gì là đương nhiên và bạn nên bắt đầu từ các bài dạy từ vựng cơ bản. Trường hợp đã học tiếng Anh lâu nhưng khả năng nghe vẫn hạn chế, bạn cần thay đổi phương pháp.
Bắt đầu bằng những bài nghe đơn giản
Bạn có thể chọn video dạy các câu giao tiếp cơ bản, hội thoại theo tình huống hàng ngày, video dạy từ vựng cơ bản theo chủ đề hoặc các phim hoạt hình đơn giản. Những bài nghe này cần có tốc độ chậm, phát âm rõ ràng, sử dụng từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp đơn giản. Mỗi ngày, bạn nên nghe hoặc xem các video đều đặn, ghi chú từ mới và nói theo để kết hợp vừa luyện nghe, nói và học cả từ vựng.
Lưu ý rằng, vốn từ vựng sẽ ảnh hưởng tới việc bạn nghe hiểu được bao nhiêu, vì thế luôn kết hợp luyện nghe nói và từ vựng hàng ngày. Một vài trang luyện nghe cơ bản như BBC Learning English, Spotlight English rất hữu ích, tuy nhiên bạn cũng cần vốn từ vựng nhất định để học theo các kênh này.
Hoàng Ngọc Quỳnh, hiện sống và làm việc tại Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lên thời gian biểu và lộ trình rõ ràng
Việc duy trì luyện nghe đều đặn rất quan trọng, vì vậy bạn nên lập thời gian biểu và lộ trình học nghe để tránh việc từ bỏ giữa chừng. Giả sử, mỗi ngày bạn nghe tập trung ít nhất một tiếng và dành thêm buổi trưa hoặc tối để tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Anh.
Thay vì ngồi vào bàn học trong tâm thế mệt mỏi và chán nản, bạn nên kết hợp xem phim hoạt hình, các kênh Youtube nói tiếng Anh dễ nghe, nghe nhạc và dịch lời bài hát... miễn là bạn nghe tiếng Anh và thấy yêu thích nó nhiều hơn mỗi ngày. Việc cải thiện khả năng nghe tiếng Anh đòi hỏi nhiều thời gian, vì vậy đừng bỏ cuộc giữa chừng khi bạn cảm thấy nghe tiếng Anh thực tế mà hầu như không hiểu gì mấy.
Thực hành nghe tiếng Anh tập trung, chủ động
Bạn nên chọn không gian yên tĩnh để nghe tiếng Anh tập trung, chủ động. Khi nghe, bạn cần thực sự nhập tâm để nắm được các ý chính, thậm chí hình dung được ngữ cảnh, những gì đang diễn ra. Bạn có thể kết hợp nghe với việc ghi chép lại từ khóa, đây cũng là cách giúp bạn tập trung tối đa vào những gì bài nghe đang nói đến.
Nếu đã cố gắng nhưng vẫn không thể hiểu được quá khoảng 50% nội dung bài hội thoại, bạn nên chọn nguồn tài liệu dễ hiểu hơn để luyện nghe và tiếp tục tập trung cải thiện từ vựng thật tốt.
Đa dạng nguồn tài liệu nghe
Khi trình độ nghe đã cải thiện hơn, bạn có thể đa dạng hóa nguồn tài liệu nghe để tránh cảm thấy nhàm chán. Youtube có nhiều kênh thú vị để học như Ted Talks hay Discovery Channel . Ngoài ra, các kênh luyện nghe tiếng Anh khác như Elllo , This American Life hay Luke's English, Engvid là nơi bạn có thể cải thiện khả năng nghe tiếng Anh nâng cao theo nhiều chủ đề và không cảm thấy nhàm chán.
Nam sinh lớp 8 tự học đạt 8.0 IELTS, thi chỉ để thử sức mình Đạt thành tích 8.0 IELTS nhưng Ngô Anh Kha cho biết, em không bất ngờ với kết quả thi, chỉ tham gia kỳ thi để thử sức mình. Vượt qua kỳ thi với kết quả 8.0 IELTS nhưng Ngô Anh Kha (học sinh lớp 8 tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ bản thân không thấy bất ngờ với kết...