Nỗi sợ khi học giáo dục giới tính ở Trung Quốc
Du đươc đưa vao giang day chinh khoa, giơi tinh va tinh duc vân la chu đê nhay cam vơi giơi tre xư ty dân.
Sau nhiều thập kỷ, các nhà chức trách Trung Quốc đang thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho người trẻ, theo Sixth Tone .
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ đã sửa đổi luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đưa vấn đề giới và tình dục vào giảng dạy một cách “phù hợp với lứa tuổi”.
Biện pháp này nhằm nâng cao nhận thức, khả năng tự bảo vệ bản thân khỏi nạn xâm hại ở thanh thiếu niên.
Luật Bảo vệ Trẻ vị thành niên Trung Quốc sửa đổi yêu cầu nhà trường thực hiện giáo dục giới tính cho trẻ em một cách “phù hợp với lứa tuổi”. Ảnh: Sixth Tone.
Mới đây, tại diễn đàn do tổ chức Girls’ Protection thực hiện, một số đại biểu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân đề xuất ý tưởng dạy phòng chống tấn công tình dục trong chương trình học của học sinh xứ tỷ dân.
Những giải pháp trên hoàn toàn cần thiết trước tình trạng tỷ lệ trẻ em bị quấy rối, xâm hại ngày càng tăng.
Dữ liệu mới nhất từ Girls’ Protection cho thấy năm 2020, có 332 trường hợp tấn công tình dục trẻ em được trình báo, với hơn 840 nạn nhân.
Đáng nói, con số trên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” do nhiều vụ việc không được đưa ra ánh sáng.
Dù vậy, hoạt động giáo dục giới tính và tình dục ở Trung Quốc lại chưa được quan tâm đúng mức. Do định kiến xã hội, vấn đề này vẫn là chủ đề quá nhạy cảm để đưa ra giảng dạy, thảo luận trên lớp.
Nhấn mạnh vào nỗi sợ
Dưới áp lực từ nhà trường và phụ huynh học sinh, các tiết học giáo dục giới tính tại xứ tỷ dân vẫn chịu nhiều hạn chế, theo Sixth Tone .
Trong những buổi thực nghiệm do tổ chức Girls’ Protection điều hành, giảng viên thường tránh nói về các hành vi tình dục và không đề cập tới xu hướng tính dục.
Video đang HOT
Khi giảng về các bộ phận sinh dục trên cơ thể người, học sinh chỉ được dạy rằng đó là “vùng riêng tư”, không có hình ảnh minh họa hay thuật ngữ chính xác.
Các thầy cô giáo tránh gọi tên các bộ phận sinh dục, né tránh các hành vi tình dục do phản ứng mạnh mẽ từ nhà trường và phụ huynh. Ảnh: China Daily.
Thay vì nắm bắt kiến thức cụ thể về giới tính và tình dục, thanh thiếu niên được huấn luyện cách tự bảo vệ bản thân, tránh sự đụng chạm từ “người xấu” – những kẻ có ý đồ quấy rối tình dục.
Kết thúc tiết học, trẻ em có thể không nắm vững các vấn đề giới tính, sinh sản. Tuy nhiên, đa số đều hiểu rằng “người xấu” có thể bắt cóc, đánh đập, chuốc thuốc hay giết hại nếu họ lơi là cảnh giác.
Dù đem lại hiệu quả, hình thức giáo dục này cũng vô tình gieo rắc nỗi ám ảnh cho người trẻ, khiến các em lầm tưởng tình dục là đề tài nhạy cảm, sai trái, đáng xấu hổ.
Năm 2014, chuyên gia Fang Gang từng chia sẻ suy nghĩ của học sinh Trung Quốc về thuật ngữ “tình dục” trong thư ngỏ kêu gọi thay đổi phương thức giáo dục giới tính.
Cụ thể, đa số các em đều liên tưởng cụm từ này với “ hiếp dâm”, “quấy rối tình dục”, “đau đớn” và “phá thai” chứ không phải tình yêu hay sự thân mật.
Giáo dục chưa toàn diện
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới đang thay đổi các thức giảng dạy giới tính và đề cập thêm đến cảm xúc, tâm sinh lý, sự đồng thuận và chuẩn mực xã hội.
Năm 2020, Bộ Giáo dục New Zealand đã sửa đổi chương trình Giáo dục Tình dục và Quan hệ Quốc gia, nhấn mạnh không nên chỉ dạy về hậu quả, rủi ro và bạo lực tình dục.
Thay vì thế, các cơ sở giáo dục nên tập trung giúp học sinh nâng cao nhận thức, kỹ năng để xây dựng mối quan hệ tích cực, bảo vệ an toàn cho bản thân.
Thực tế, những phương pháp trên chưa được các nhà chức trách và người dân tại xứ tỷ dân chấp thuận.
Phương pháp giáo dục giới tính tại Trung Quốc chưa toàn diện, chỉ nhấn mạnh hậu quả do nạn xâm hại tình dục. Ảnh: Sixth Tone.
Năm 2017, Liu Wenli, giáo sư tại ĐH Sư phạm Bắc Kinh, biên soạn loạt sách giáo khoa dành cho cấp tiểu học với tựa đề Cherish Life . Cuốn sách chứa hình ảnh và thông tin về các bộ phận sinh dục, hành vi và xu hướng tính dục.
Song, bộ sách nhanh chóng bị thu hồi sau khi nhận về phản ứng dữ dội từ công chúng.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, đại diện Girls’s Protection thừa nhận dù đã tránh nói về các hành vi tình dục hay gọi tên “bộ phận riêng tư”, tổ chức này vẫn vấp phải nhiều phản đối từ phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường.
Những đột phá ban đầu của chính phủ Trung Quốc trên khía cạnh giáo dục giới tính là một dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giới chức nước này nên thúc đẩy giáo dục giới tính toàn diện hơn, tránh tạo nên hiểu lầm và nỗi sợ tình dục ở giới trẻ.
Giáo dục giới tính theo phương thức cấm đoán không còn phù hợp
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay chương trình giáo dục vẫn còn lỗ hổng lớn về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, dẫn đến nhiều học sinh thiếu hiểu biết về vấn đề này, để lại những hậu quả đáng tiếc.
Mới đây, vụ một nữ sinh lớp 7 tự sinh con trong nhà vệ sinh khiến dư luận không khỏi giật mình. Điều đáng nói, chỉ khi nữ sinh này sinh xong, gia đình và nhà trường mới hay biết sự việc. Câu chuyện được coi như một hồi chuông cảnh báo với không ít phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên.
Từ câu chuyện này cũng đặt ra những băn khoăn rằng phải chăng, công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn hiện nay tại các cấp học còn quá nhiều lỗ hổng, và phải chăng, khoảng cách giữa các thế hệ thầy cô, cha mẹ và học sinh đang dần xa cách, để lại những sự việc không mong muốn.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chia sẻ với phóng viên VOV về vấn đề này.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đang rất hạn chế.
PV: Từ những trường hợp trẻ dưới tuổi vị thành niên phải làm cha, mẹ bất đắc dĩ xảy ra trong thời gian qua, phải chăng công tác giáo dục về giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản trong nhà trường hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh: Thực trạng giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đang rất hạn chế. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có môn học này trong chương trình giáo dục của các cấp bậc đào tạo. Những kiến thức này mới chỉ bắt đầu được lồng ghép vào một số môn học ở các bậc đào tạo, như môn Khoa học của bậc Tiểu học, môn sinh học của bậc Trung học cơ sở hay một số buổi sinh hoạt ngoại khóa của bậc Trung học phổ thông...Tuy nhiên, mức độ lồng ghép những kiến thức này vẫn còn rất hạn chế, chưa được đầy đủ, toàn diện và mang tính hệ thống.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy nhiều thầy cô vẫn e ngại và không muốn lồng ghép giảng dạy, chia sẻ về những kiến thức liên quan đến giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản. Khi tôi học lớp 8, môn Sinh học có bài về cơ thể người nói đến cấu tạo của bộ phận sinh dục và các hiện tượng kinh nguyệt của nữ giới, xuất tinh của nam giới, cô giáo đã ngại không giảng mà cho chúng tôi về nhà tự đọc và nghiên cứu.
Khi tôi học đại học ngành Luật có những bài giảng về tội phạm xâm hại tình dục nói đến các hành vi hiếp dâm, giao cấu... bản thân nhiều thầy cô đại học cũng ngại giảng hay nói sâu về những tội này, sinh viên thì thẹn thùng và ngại nghe những kiến thức này. Hoặc, trong một chủ đề nào đó được thảo luận công khai nơi công cộng, nếu đề cập đến các vấn đề này thì thường mọi người sẽ lảng tránh, không dám chia sẻ thật sự các suy nghĩ quan điểm của mình, thậm chí có người còn gạt đi không muốn đề cập đến vì xấu hổ hoặc cho rằng không tốt. Nếu ai đó mà hưởng ứng, hoặc hào hứng nghe hoặc nói về những chủ đề này đặc biệt nữ giới thì ngay lập tức sẽ bị những người xung quanh bàn tán.
Sở dĩ có những hiện tượng này là bởi người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan niệm và văn hóa của một nền phong kiến lâu đời.
Đáng buồn là trong những năm gần đây Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ nạo hút, phá thai ở tuổi vị thành niên và truy cập vào các các website sex; các tội phạm xâm hại tình dục cũng gia tăng, thiên biến vạn hóa về thủ đoạn phạm tội, phong phú, đa dạng, phức tạp về chủ thể phạm tội cũng như nạn nhân bị xâm hại... Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn trên là những lỗ hổng trong việc giáo dục giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản.
PV: Thực tế nhiều bậc phụ huynh vẫn dùng cách ngăn cấm, thay vì dạy con hiểu đúng, đủ về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản. Nhịp sống công nghiệp nhanh cũng đang khiến nhiều bậc phụ huynh ít có thời gian quan tâm đến con cái hơn. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh: Thực tế cho thấy, do sự hổng khuyết về những kiến thức này trong các cấp bậc đào tạo từ trước nên không phải chỉ các con bị hạn chế về kiến thức giới tính, tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản mà chính các bậc phụ huynh cũng bị hạn chế những kiến thức này nên việc giáo dục giới tính và các kiến thức liên quan cho con còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhiều gia đình bị cuốn vào cuộc sống công nghiệp, bố mẹ mải mê kiếm tiền cả ngày, hầu hết các gia đình chỉ sinh hoạt chung với nhau vào buổi tối hoặc cuối tuần. Ngoài ra, còn nhiều bậc phụ huynh mắc bệnh thành tích nên chỉ chăm chú vào việc bồi dưỡng kiến thức cho con, ban ngày con đi học, tối đến lại tiếp tục đi học thêm, dẫn đến việc cha mẹ và con cái không gần gũi, gắn kết, cũng có thời gian chia sẻ, tâm sự. Thậm chí nhiều phụ huynh vô tâm tới mức không nhận diện được việc con cái thay đổi về tâm lí, sinh lí, và cơ thể. Nên vụ việc nữ sinh lớp 7 chỉ đến khi sinh con, gia đình mới biết không còn là chuyện hiếm hoi.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, giáo dục theo phương thức cấm đoán không còn phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội ngày nay. Việc người lớn cấm đoán sẽ càng khiến trẻ tò mò và kích thích trẻ lao vào tự tìm hiểu những việc bị cấm đoán. Đặc biệt, đối với những trẻ đang ở lứa tuổi dậy thì, bắt đầu có sự thay đổi và chưa ổn định về cả sinh lí, tâm lí. Trẻ sẽ xuất hiện các cảm nhận về giới tình và giới rõ nét, thậm chí hình thành những cảm xúc khác giới như thích, yêu... Nếu thấy trẻ thích hoặc yêu nhau, gần gũi, thân thiết nhau mà phụ huynh cấm đoán, sẽ dẫn đến những phản ứng ngược, trẻ sẽ hình thành tâm lý và các biện pháp phòng ngừa đối với với bố mẹ, thầy cô. Thậm chí trẻ sẽ có xu hướng nói dối, khiến bố mẹ khó nhận diện tình trạng thực tế để có những phân tích, chia sẻ và định hướng với con kịp thời, đúng đắn.
PV: Vậy theo bà, cần có những thay đổi ra sao trong chính gia đình và nhà trường để nâng cao nhận thức về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn với học sinh hiện nay?
TS Nguyễn Thị Ngọc Linh: Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh nên thay đổi quan điểm giáo dục, không nên cấm đoán. Hiện nay, độ tuổi dậy thì ở cả trẻ em nam và nữ đều sớm hơn rất nhiều so với trước đây, đặc biệt là các bé gái. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần trang bị cho con phù hợp theo từng lứa tuổi các kiến thức rất bài bản, đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn.
Nếu có thể, tôi đề xuất nên đưa những kiến thức này thành môn học trong nhà trường hoặc được lồng ghép đầy đủ, hệ thống và bài bản hơn trong các chương trình giáo dục hiện nay. Thậm chí, ngay từ bậc mầm non, tiểu học, đã cần dạy cho trẻ để nhận diện một cách rất rõ ràng về giới tính. Ở mỗi độ tuổi, cấp học, nên có những cách lồng ghép phù hợp khác nhau. Điều này vô cùng quan trọng, bởi không cha mẹ nào có thể nắm tay đi theo con cả ngày, cấm các con không được yêu đương, quan hệ tình dục. Chỉ khi có những hiểu biết đầy đủ về giới tính, tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản, các em sẽ hình thành nhận thức đúng đắn và cư xử đúng đắn, ngay cả khi bước vào những mối quan hệ tình cảm sâu đậm.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ, phân tích cho trẻ biết rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển, đâu là nhiệm vụ chính của trẻ. Ví dụ, con có thể yêu, có thể có cảm xúc khác giới, khi mẹ bằng tuổi con cũng vậy, nhưng ở giai đoạn này, điều gì mới là quan trọng nhất. Nếu con thi trượt, học lại, thậm chí phải bỏ học thì sau này tương lai con ra sao? Phụ huynh có thể yêu cầu con tự viết ra những điểm lợi, hại của 2 trường hợp, đồng thời phân tích thiệt hơn để trẻ hiểu đúng và có hành vi xử sự đúng đắn. Nếu con tiếp tục muốn phát triển mối quan hệ, thì cha mẹ hãy hướng dẫn, chia sẻ và phân tích cho con để con biết điểm dừng, giới hạn.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn cho các con, đòi hỏi nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ. Để có thể chia sẻ, định hướng và dạy con hiệu quả, trước hết, bản thân mỗi ông bố, bà mẹ cũng cần tự trang bị kiến thức cho mình về vấn đề này. Ngoài việc giảng dạy chính thức hay lồng ghép vào các môn học, các trường cũng có thể tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tư vấn tâm lí... hay các buổi ngoại khóa để học sinh, sinh viên có cơ hội tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ và trang bị những kiến thức này đầy đủ, toàn diện hơn. Điều này, góp phần giúp xã hội, nhà trường và gia đình phát triển bền vững và loại bỏ, hạn chế được những rủi ro liên quan đến lĩnh vực này.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Từ vụ việc nữ sinh lớp 7 tự sinh con, cảnh báo lỗ hổng trong giáo dục giới tính Mới đây, sự việc một học sinh lớp 7 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sinh con trong phòng tắm của gia đình, tự cắt dây rốn gây xôn xao dư luận, không ít phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên hoang mang lo lắng. Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, suốt một thời gian dài chương trình...