Nơi sinh viên “đua” nhau nộp đề tài nghiên cứu về môi trường
Phòng thí nghiệm khoa Môi trường luôn mở của để cán bộ, sinh viên vào làm thí nghiệm
GD&TĐ – Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo giúp các sinh viên tiếp cận với việc nghiên cứu, thực hành các đề tài liên quan đến môi trường.
Niềm vui mỗi kỳ đăng kí đề tài nghiên cứu
Qua thống kê sơ bộ, trong số hơn 350 SV đang theo học các ngành đã có đến hơn 10% SV khoa Môi trường thường xuyên đăng ký đề tài NCKH theo nhóm, cá nhân.
Trong khi kinh phí nhà trường hỗ trợ cho các đề tài NCKH của SV khoa mỗi năm chỉ có hơn 3 triệu đồng cho 3 đề tài nghiên cứu cấp trường, nhưng trong năm học 2014 – 2015 đã có 12 đề tài của SV nghiên cứu gửi lên khoa.
Với điều kiện cho phép, khoa chỉ xét duyệt chọn 6 đề tài để gửi lên trường.
Là người có kinh nghiệm lâu năm phụ trách NCKH tại khoa Môi trường, TS Trần Anh Tuấn luôn trăn trở với các đề tài NCKH của SV:
Video đang HOT
“Mặc dù khó khăn về kinh phí để hỗ trợ các em thực hiện đề tài, nhưng niềm vui nhất của người làm thầy chính là nhận thức của các SV trong khoa đã thay đổi.
Các SV năm nào cũng “đua” nộp đề tài, rồi chủ động xin đi cùng các thầy cô thực địa, lấy mẫu; đi đầm phá, nghiên cứu trồng cây xanh ngập mặn. Điều này rất bổ ích cho SV sau khi ra trường”.
Xác định NCKH là hoạt động thường niên, SV của khoa dưới sự hướng dẫn của các thầy cô thường tổ chức thành các nhóm nghiên cứu độc lập.
Một số đề tài đang triển khai có tính ứng dụng cao, như đề tài Đánh giá các ảnh hưởng đến môi trường từ tập tục đốt vàng mã và đề xuất giải pháp duy trì phù hợp do SV Phan Anh Tuấn – lớp KHMT K36B làm chủ đề tài với sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm là Huỳnh Thị Thanh Thủy – sinh viên KHMT K36 A, Hà Phước Phú – sinh viên KHMT K36B; đề tài Đánh giá sự phát sinh khí sinh học từ quá trình phân hủy kỵ khí rơm rạ do SV Lê Ánh cùng hai bạn khác của lớp KHMT K36A là Ngô Văn Lực và Dương Trần Ý Ly cùng thực hiện.
Hay đề tài Hiện trạng tiêu dùng xanh tại các hộ gia đình ở phường An Cựu, TP Huế – công trình của SV Hà Thị Ngọc An cùng 4 thành viên ở lớp KHMT K36 A,B nghiên cứu.
Nói về đề tài của mình, Phan Anh Tuấn chia sẻ: Đốt vàng mã là tập tục ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, ăn sâu vào tâm thức mọi tầng lớp nhân dân, là nghi lễ dựa trên tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam từ nhiều đời nay.
Qua tìm hiểu em cũng được biết tại TP Huế hiện có trên 226 cơ sở sản xuất và kinh doanh vãng mã, thu hút khoảng 356 lao động, doanh thu hàng năm ước tính khoảng 50 đến 60 tỷ đồng. Do đây là địa phương tiêu thụ hàng mã lớn của cả nước nên bọn em chọn đề tài này.
Nội dung nghiên cứu nhóm em dừng lại ở mức độ đánh giá các tác động môi trường từ việc đốt vàng mã trên quy mô TP Huế, từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động đốt vàng mã.
Đề tài Đánh giá sự phát sinh khí sinh học từ quá trình phân hủy kỵ khí rơm rạ được các thầy cô đánh giá cao vì khả năng ứng dụng.
Đề tài nghiên cứu việc thu hồi rơm rạ trên cánh đồng sau mỗi vụ thu hoạch, tận dụng nguồn khí sinh ra trong quá trình phân hủy khí sinh học để sử dụng cho sinh hoạt, tiến tới cung cấp một lượng phân vi sinh phục vụ bà con nông dân trồng trọt…
SV khoa Môi trường đạp xe tuyên truyền bảo vệ môi trường
Phong trào mạnh khi lãnh đạo biết lắng nghe sinh viên
Tuy có “tuổi đời” khá non trẻ nhưng khoa Môi trường lại có sức hút. SV học ở khoa vừa được trau dồi kiến thức vừa tự nghiên cứu, trải nghiệm.
Thông qua những buổi đối thoại với SV, hay qua những kênh giáo viên cố vấn học tập, lãnh đạo khoa thường xuyên có những trao đổi – phản hồi với các bạn SV. Đó chính là chìa khóa giúp công tác NCKH trong SV đem lại nhiều thành công.
TS Lê Văn Tuấn – Phó trưởng khoa Môi trường, đánh giá: Thuận lợi nhất đối với SV trong khoa, đó chính là ngoài việc thực hiện các đề tài độc lập, các em còn được các thầy cô cho tham gia khá nhiều đề tài nghiên cứu trong nước, quốc tế.
Trong những năm vừa qua, ở khoa có khá nhiều đề tài liên quan đến chất thải rác, biến đổi khí hậu, về vệ sinh môi trường…, với các đối tác Nhật Bản, Thái Lan, Bỉ, tất cả đều có sinh viên tham gia.
Chính điều này giúp SV của khoa tự tin, hiểu rõ hơn về mặt lý thuyết cũng như tự hoạch định cho mình những nghiên cứu, thí nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm viết để xuất bản một bài báo.
Ngoài ra, những công trình NCKH của các SV nếu được giải thưởng sẽ rất thuận lợi trong quá trình xin việc sau này.
Bên cạnh việc nghiên cứu, SV khoa Môi trường còn hăng hái tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Với các hoạt động như tổ chức đạp xe tuyên truyền về môi trường, phối hợp với Chi cục Môi trường, Liên chi Đoàn khoa tổ chức, triển lãm tranh ảnh, truyền thông, làm các hoạt động thu nhặt rác… “Đây chính là thương hiệu của khoa” – cả thầy và trò khoa Môi trường đều tự hào chia sẻ.
Đánh giá về hoạt động NCKH trong SV nói chung và khoa Môi trường nói riêng, PGS -TS Hoàng Văn Hiển – Hiệu trưởng trường ĐHKH Huế – cho biết: Trường ĐHKH là một trong những đơn vị có phong trào SV NCKH mạnh của Đại học Huế.
Trong 8 năm qua, đã có 212 đề tài NCKH với tổng kinh phí 486,5 triệu đồng (trung bình mỗi năm 26 đề tài, mỗi đề tài khoảng 2 – 2,5 triệu đồng), không kể các đề tài NCKH mà SV được cấp kinh phí từ các nguồn khác như Quỹ Ford (Hoa Kỳ); Đại học Huế hỗ trợ, các khoa chuyên môn hoặc giáo viên cố vấn hỗ trợ…
Lãnh đạo nhà trường xác định các hướng nghiên cứu ưu tiên, thế mạnh của đơn vị mình, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển KHCN của trường, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và điều chỉnh tiêu chí tuyển chọn đề tài, đầu tư cho phù hợp.
Đặc biệt, chủ động trong việc hướng dẫn các cá nhân và đơn vị nắm bắt, chuẩn bị và sẵn sàng đề xuất các chương trình, dự án, các đề tài có chất lượng, để có nhiều đề tài có tính khả thi được phê duyệt.
Theo GD&TĐ