Nội quy, cái thòng lọng loằng ngoằng bủa vây giáo viên
Thầy cô không chỉ chịu nhiều quy định bủa vây từ nhà trường mà còn luôn bị phụ huynh giám sát một cách quá khắt khe.
LTS: Chia sẻ về việc có quá nhiều nội quy của trường học đang ràng buộc, bủa vây người giáo viên, cô Phan Tuyết đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Câu chuyện phạt học trò vi phạm của một giáo viên của Trường trung học cơ sở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã làm dư luận xôn xao trong những ngày vừa qua.
Theo tường trình của giáo viên, nguyên nhân là do hai học sinh nói chuyện riêng trong lớp, bị ghi sổ đầu bài khiến lớp bị trừ điểm thi đua.
Giáo viên vì nôn nóng thành tích đã phạt các em lên đứng trên bục giảng để kiểm điểm trước lớp. Giáo viên đã sử dụng hình phạt bắt học trò vi phạm tát nhau đến sưng má.
Trường trung học cơ sở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: vietnammoi.vn
Tiếp theo câu chuyện trên, nhiều phụ huynh học sinh của lớp 2/1 thuộc Trường tiểu học Nguyễn Hiền (phường Bình An, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã lên tiếng kiến nghị tới Ban Giám hiệu nhà trường liên quan đến những cách dạy học sinh lạ lùng của cô giáo D.
Như việc cô D. hay la mắng học sinh khi các bé viết sai chính tả, chữ xấu; dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay, cổ tay hay ngón tay của học sinh ngay trước lớp, khi các em làm bài chưa đúng hay xả rác ra lớp.
Ngoài ra, cô còn phạt học sinh úp mặt vào tường nơi cuối lớp học, đứng khoanh tay ngoài hành lang lớp trong điều kiện thời tiết nắng nóng; cô dùng từ ngữ thiếu thiện cảm, không mang tính giáo dục hay mắng học sinh.
Dư luận lên án, bất bình với kiểu dạy học đòn roi. Nhiều thầy cô giáo cũng bị mất việc hoặc bị khiển trách, cảnh cáo. Thế nhưng dường như câu chuyện nhiều giáo viên vẫn sử dụng biện pháp mạnh với học trò phạm lỗi. Vì sao lại thế?
Nhiều kênh theo dõi hoạt động của học sinh
Video đang HOT
Trường nào cũng có quy định về quản lý học sinh cả về chất lượng học tập cũng như về nề nếp. Giáo viên cảm thấy thoải mái hay áp lực là do quy định riêng của từng trường.
Nếu trường càng khắt khe, thầy cô càng phải nghiêm khắc (thậm chí hà khắc) với các em và ngược lại.
Trường nào cũng có một đội cờ đỏ chuyên đi theo dõi những học sinh các lớp vi phạm quy định. Học sinh nào có tên trong sổ cờ đỏ tùy từng mức độ để trừ điểm cả lớp.
Ví như đi học trễ trừ 5 điểm, mặc sai đồng phục trừ 5 điểm, không mang khăn quàng trừ 2 điểm, mua quà ngoài cổng trường trừ 5 điểm…có hàng chục những điều cấm kị buộc phải trừ điểm học sinh vi phạm hàng ngày.
Ngoài sổ cờ đỏ, còn có sổ giám thị, sổ đầu bài có tên những học sinh vi phạm (nhiều học sinh gọi vui là sổ thiên tào).
Cuối tuần, tất cả những cuốn sổ trên đều được tập hợp để lấy minh chứng trừ điểm thi đua của cả lớp. Lớp nào vi phạm nhiều sẽ bị tụt hạng thi đua, lớp không vi phạm sẽ được vinh danh và nhận cờ luân lưu.
Về nề nếp đã thế, về học tập cũng quá nhiều áp lực. Học sinh thường xuyên không học bài, quên sách vở, bút viết, chất lượng học tập giảm sút, thường xuyên bị điểm kém…tất cả đều đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm lớp.
Thầy cô đang chịu quá nhiều quy định bủa vây
Lớp chủ nhiệm tụt hạng đương nhiên giáo viên chủ nhiệm cũng lãnh đủ. Có trường không nặng nề nhiều chuyện này nên thầy cô cũng bớt căng thẳng. Có trường đưa luôn vào thi đua của giáo viên.
Công tác chủ nhiệm đóng vai trò khá quan trọng, nếu chủ nhiệm xếp trung bình thì thi đua của giáo viên không thể tốt.
Đâu chỉ có thế, hàng tuần nếu lớp không cải thiện về vị trí thì thầy cô cũng được hiệu trưởng nhắc nhở, răn đe.
Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng hợp tác với giáo viên trong việc giáo dục học sinh.
Một số gia đình còn có suy nghĩ đem con đến lớp là xong trách nhiệm, việc dạy dỗ là của giáo viên, của nhà trường.
Nhiều học sinh nếu chỉ nhắc nhở thôi cũng chẳng có biến chuyển. Có những em thường xuyên vi phạm hết lần này đến lần khác. Vì muốn thay đổi các em theo chiều hướng tốt nên không ít giáo viên đã nóng nảy trong cách ứng xử.
Thầy cô không chỉ chịu nhiều quy định bủa vây từ nhà trường mà còn luôn bị phụ huynh giám sát một cách quá khắt khe.
Nếu câu chuyện cô giáo ở Trường trung học cơ sở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho hai học trò vi phạm tát nhau đáng lên án vì cách xử sự thiếu nhân văn, phản giáo dục của giáo viên; thì câu chuyện cô D. Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (phường Bình An, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) cần được cảm thông.
Trò vi phạm, mắc lỗi cô chỉ đánh khẽ thước vào lòng bàn tay hay úp mặt vào tường nơi cuối lớp cũng là cách bất đắc dĩ khi giáo viên chắc chắn đã nói nhiều lần nhưng trò vẫn không nghe.
Thầy cô nào chẳng muốn nói lời nhẹ nhàng, muốn không khí lớp học vui vẻ thoải mái, muốn không bao giờ phải phạt học sinh.
Giá như nhiều phụ huynh hiểu được điều này cùng với giáo viên trong việc nhắc nhở, bảo ban các em thì môi trường giáo dục cũng sẽ bớt đi những chuyện buồn như thế
.
Theo giaoduc.net.vn
GS Hồ Ngọc Đại: "Trong giáo dục không có kiểu phạt học trò tát nhau đến sưng má"
GS Hồ Ngọc Đại phản đối cách giáo dục bằng đòn roi và không chấp nhận kiểu trừng phạt học sinh bằng bạo lực, nhất là hành vi bắt học sinh tự tát vào mặt nhau.
Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - nơi xảy ra sự việc phụ huynh tố giáo viên phạt học sinh tát nhau trong lớp
Hai học sinh nói chuyện riêng trong lớp, bị ghi sổ đầu bài khiến lớp bị trừ điểm thi đua. Giáo viên vì nôn nóng thành tích đã phạt các em lên đứng trên bục giảng để kiểm điểm trước lớp. Học sinh và phụ huynh tố, cô không chỉ "bêu" các em trước lớp mà còn bắt học sinh tự tát vào má nhau để răn đe.
Đây là vụ việc xảy ra ở Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xôn xao dư luận những ngày qua.
Từ vụ việc này, một lần nữa vấn đề nên hay không sử dụng hình phạt trong môi trường giáo dục lại được đặt ra. Phụ huynh bức xúc tố giáo viên vì trong giáo dục không có kiểu phạt bắt học trò tát nhau đến sưng má như thế.
Phạt thế nào để vừa có tính răn đe, không gây phản cảm và không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo là điều không phải giáo viên nào cũng biết.
Là người đề cao chủ trương "mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng", GS Hồ Ngọc Đại - tác giả chương trình "Công nghệ giáo dục" cho biết ông phản đối hình phạt bằng bạo lực mà giáo viên, phụ huynh sử dụng để dạy dỗ học sinh. Kể cả việc giáo viên bắt học sinh đứng trước lớp để bêu tên cũng không nên sử dụng trong môi trường giáo dục.
Ông kể những năm còn công tác tại Trường Thực nghiệm, ông luôn nhắc nhở giáo giáo viên, kể cả phụ huynh không được đánh và cần tôn trọng học sinh.
Có lần, GS Hồ Ngọc Đại chứng kiến việc một bà mẹ đánh con ở ngay trong sân trường. Lý do là học sinh này đến muộn. "Thấy thế tôi giận lắm. Tôi yêu cầu người mẹ phải xin lỗi học trò của tôi ngay. Người lớn không thể cho mình cái quyền được đánh trẻ như thế. Quan điểm của tôi là việc giáo dục bằng quyền uy, áp đặt. giáo dục trẻ bằng hình phạt, đòn roi không nên được khuyến khích" - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Với TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), thì việc sử dụng hình phạt khi học sinh mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải có tính giáo dục, chứ không nên theo kiểu trừng phạt, khiến học sinh sợ hãi.
Bà khuyên các giáo viên trẻ nên áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực khi học sinh mắc lỗi. Chẳng hạn yêu cầu trước hoặc sau buổi học, học sinh phải vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đọc sách, rồi trong giờ sinh hoạt lớp yêu cầu các em phải thuyết trình về ý nghĩa của những việc đó. Hình phạt này được giáo viên nhiều nước sử dụng vì mang tính giáo dục.
Nhiều giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà không biết
Hiện nay nhiều giáo viên, kể cả phụ huynh chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, chính vì vậy vô tình đã có những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ trong việc sử dụng hình phạt để giáo dục.
Để tránh được điều này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm dẫn chứng quy định của pháp luật, để giáo viên và phụ huynh lưu ý trong quá trình dạy dỗ học sinh:
Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phat triên toàn diện của trẻ em".
Theo Điều 4 Luật Trẻ em đã giải thích "Bạo lực trẻ em" là hành vi ngược đãi, gây tổn thương thân thể; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em...
Nếu vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ, người lớn có thể bị xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
BÍCH HÀ
Theo laodong
Vụ cô giáo bắt học sinh tát nhau: Nhà trường thiếu trung thực khi báo cáo Ngày 19/10, UBND huyện, Phòng Giáo dục huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã cung cấp cho báo Dân trí kết quả điều tra lại vụ việc cô giáo bắt học sinh tát nhau ở Trường THCS Thọ Xuân. Theo đó, sự việc đúng như PV Báo Dân trí phản ánh. Nhà trường đã thiếu trung thực khi báo cáo lên cơ quan cấp...