Nơi phụ nữ phải vào tù vì sảy thai
Trong một quốc gia có luật chống phá thai hà khắc như El Salvabor, những phụ nữ sảy thai
Bụng của Glenda Xiomara Cruz đau dữ dội và ra máu nhiều vào rạng sáng ngày 30/12/2012. Cô gái 19 tuổi đến từ Puerto El Triunfo, miền đông El Salvador đã tới bệnh viện gần nhất và các bác sĩ nói rằng cô đã sảy thai, BBC đưa tin.
Đó là lần đầu tiên Glenda biết cô có thai vì chu kỳ kinh nguyệt của cô vẫn đều đặn, trọng lượng không thay đổi và xét nghiệm thai hồi tháng 5/2012 cho kết quả âm tính.
Một nhóm phụ nữ đóng giả những phạm nhân vào tù vì sảy thai trong cuộc biểu tình phản đối luật chống phá thai hà khắc tại thủ đô San Salvador của El Salvador vào năm 2012. Ảnh: vice.com.
Bốn ngày sau đó cảnh sát cáo buộc cô tội giết người nghiêm trọng – cố ý giết thai nhi từ 38 tới 42 tuần tuổi – trong phiên tòa mà cô quá ốm nên không thể có mặt. Bệnh viện đã báo cáo trường hợp của Glenda Xiomara Cruz với cảnh sát vì các bác sĩ nghi ngờ cô phá thai.
Sau hai ca phẫu thuật và nằm trong bệnh viện ba tuần, cảnh sát đưa cô đến nhà tù nữ giới Ilopango ở ngoại ô thành phố San Salvador. Tháng trước tòa án tuyên cô 10 năm tù vì cho rằng đáng lẽ, cô đã có thể cứu đứa bé.
“Tôi sẽ không bao giờ hiểu được tại sao họ làm thế với tôi. Tôi đã đánh mất bốn năm cuộc đời”, cô nói.
Luật sư của cô, Dennis Munoz Estanley, nói rằng phụ nữ sảy thai khó có thể chứng minh rằng họ vô tội trong hệ thống luật pháp hiện hành.
Video đang HOT
“Cô ấy tiếp tục là nạn nhân của hệ thống luật pháp bất công và phân biệt, kết tội những phụ nữ trẻ và nghèo. Họ phải chịu đựng những biến chứng sản khoa chỉ vì sợ tội danh giết người dựa trên những bằng chứng mong manh nhất”, ông nói.
Bố của Xiomara miêu tả lời buộc tội dành cho con gái ông là một “sự bất công khủng khiếp”.Ông đã làm chứng trước tòa về việc con gái ông phải chịu đựng sự bạo hành của bạn trai trong nhiều năm. Bên công tố đề nghị mức án 50 năm dành cho cô gái và họ dựa chủ yếu vào những lý lẽ của người bạn trai rằng cô đã cố ý giết chết thai nhi.
Xiomara chưa được gặp lại con gái bốn tuổi từ khi cô sảy thai.
El Salvador,, cùng với Nicaragua, Chile, Honduras và Cộng hòa Dominica nghiêm cấm hoàn toàn việc nạo phá thai. Kể từ năm 1998, luật pháp không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào – thậm chí trong trường hợp người phụ nữ bị cưỡng hiếp, nguy hiểm tới tính mạng khi mang thai hoặc thai nhi dị dạng.
Theo nghiên cứu của Nhóm công dân đấu tranh cho việc phi hình sự hóa hành động phá thai, người ta đã tố cáo hơn 200 phụ nữ sảy thai với cảnh sát từ năm 2000 đến năm 2011 khiến 129 phụ nữ bị truy tố, 49 người bị kết án. Tòa án kết luận26 người trong số đó phạm giết người (mức án 12 đến 35 năm tù) và 23 người còn lại phạm tội tội cố ý phá thai. Thêm 7 phụ nữ khác bị kết án từ năm 2012 tới nay.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng đa số phụ nữ mà tòa án buộc tội là người nghèo, chưa kết hôn và có học vấn thấp – và họ thường bị tố cáo bởi các bệnh viện công. Trong khi đó người ta lại không ghi nhận trường hợp cố ý phá thai nào từ các bệnh viện tư, nơi hàng ngàn ca nạo phá thai diễn ra hằng năm.
Luật sư Munoz đã làm việc với 29 phụ nữ sảy thai bị giam giữ và giải thoát được 8 người trong số đó. “Chỉ một trường hợp trong số đó phá thai có chủ ý, 28 người còn lại sảy thai tự nhiên nhưng đều bị kết tội giết người dù tòa án không có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào,” ông nói.
Năm ngoái, khi Maria Teresa Rivera sảy thai, cô đã nhận bản án 40 năm tù vì tội cố ý giết người.
Giống như Xiomara, Teresa, 28 tuổi, không hề có dấu hiệu mang thai trước khi cô cảm thấy đau bụng đột ngột và chảy máu. Sau đó, bệnh viện công nơi cô tới cấp cứu đã tố cáo cô với cảnh sát.
Các bằng chứng khoa học rất mong manh, ông Munoz nói. Ông cũng sẽ sớm đưa đơn kháng án. Việc truy tố chủ yếu dựa vào một đồng nghiệp của Rivera đã làm chứng rằng cô ấy “rất có thể” đã mang thai đủ 9 tháng trước khi sảy thai.
Rivera là công nhân nhà máy dệt và là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình. Giờ đây, cậu con trai 8 tuổi đang phải sống trong cảnh nghèo túng cùng với bà.
Câu chuyện của Cristina Quintanilla lại khác. Ngày 24/10/2004, cô gái 18 tuổi đến từ vùng nông thôn San Miguel, đang mang thai đứa con thứ hai 7 tháng, sống cùng với mẹ cô ở thủ đô, gần một bệnh viện để chuẩn bị sinh nở.
Bạn trai cô làm việc tại Mỹ, nhưng hai người rất háo hức mua sắm cho đứa bé quần áo và tiết kiệm cả phiếu ăn.
“Khoảng nửa đêm tôi cảm thấy đau khủng khiếp, tôi nghĩ mình sắp chết. Tôi đập cửa nhà tắm để mẹ tôi biết. Điều tiếp theo mà tôi nhớ là tôi tỉnh dậy trong bệnh viện.” Quintanilla nói.
Bác sĩ tiêm chất gây mê cho Quintanilla và cảnh sát thẩm vấn cô khi cô tỉnh lại. Sau đó họ còng tay cô để đưa đến giường bệnh, buộc cô tội ngộ sát và đưa cô đến phòng tạm giam. Phiên tòa đầu tiên bác bỏ cáo buộc, nhưng bên nguyên tiếp tục khởi kiện, nâng mức án cho cô thành tội giết người nghiêm trọng hơn.
Trong phiên xử tiếp theo, tòa án kết luận Quintanilla phạm tội sát nhân và chịu án 30 năm. Con trai cô, khi đó 4 tuổi, đã sống 4 năm cùng bà của cậu bé cho tới khi ông Munoz cố gắng làm việc để bản án của cô giảm xuống 3 năm.
“Những báo cáo y tế không thể giải thích tại sao đứa bé trong bụng chết, nhưng công tố viên vẫn buộc tội tôi. Họ cho rằng đáng lẽ tôi đã có thể giữ được đứa bé mà không cần biết tôi dường như chết vì đau đớn. Tôi không hiểu tại sao họ làm thế với tôi. Tôi đã mất bốn năm trong cuộc đời và vẫn không biết tại sao tôi mất đứa bé,” cô nói.
Morena Herrera, một thành viên của Tổ chức công dân chống hình sự hóa việc phá thai, nói rằng những bản án vô lý dành cho các vụ sảy thai đã gây ảnh hưởng đáng sợ, bởi nhiều phụ nữ nghèo sảy thai hoặc chịu biến chứng thai nghén “quá sợ hãi tới mức không dám tới bệnh viện”.
“Tôi sẽ rất sợ nếu phải đến bệnh viện công vì ở đó tôi chẳng hưởng lợi ích gì. Thậm chí họ nghi ngờ những phụ nữ trẻ cố ý phá thai.
Chúng tôi không tin nhân viên y tế sẽ gạt thành kiến của họ sang một bên và đối xử với chúng tôi một cách công bằng” Bessy Ramirez, một phụ nữ tại San Salvador, nói.
Luật chống phá thai hà khắc còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng với vấn đề nhân quyền.
Tự tử là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho những cô gái độ tuổi 10-19 trong năm 2011 và một nửa trong số họ là những phụ nữ mang thai, theo số liệu của bộ Y tế. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất đối với các bà mẹ.
Trước đó, trường hợp của cô Beatriz 22 tuổi cũng thu hút sự chú ý của quốc tế. Tòa án tối cao đã không cho phép cô phá thai, mặc dù tính mạng của cô đang bị đe dọa và thai nhi có khả năng dị dạng cao do cô mắc bệnh lupus.
Sức khỏe của Beatriz đã xấu hơn trong khi tòa án phải mất vài tháng để xem xét vụ việc. Cô sinh non khi đứa bé được 27 tuần tuổi và nó đã chết sau khi sinh vài giờ.
Nhiều thành viên của chính phủ đương nhiệm – do Đảng giải phóng dân tộc Farabundo Marti (FMLN) lãnh đạo đã chỉ trích luật chống phá thai trong khi cuộc tranh luận về trường hợp của Beatriz diễn ra. Nhưng chính phủ đã không hề nỗ lực để bãi bỏ hoặc làm nhẹ luật này kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 2009, do đa số cử tri bảo thủ vẫn ủng hộ luật. Họ những người sùng kính giáo hội và các nhóm tôn giáo sùng bái sự sống.
Arena, đảng có mối quan hệ cực kỳ khăng khít với giáo hội, có nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Nhưng Esther Major, chuyên gia người El Salvador của Tổ chức Ân xá Quốc tế, mô tả luật chống phá thai của nước này là “tàn bạo và phân biệt đối xử”.
“Phụ nữ và trẻ em gái phải kết thúc cuộc đời trong tù chỉ vì không muốn, hoặc đơn giản là bất hạnh nên không thể giữ lại thai nhi. Điều đó khiến cho việc tìm đến các cơ sở y tế để giải quyết các biến chứng trong thời kỳ mang thai, kể cả việc sảy thai, giống như trò đỏ đen nguy hiểm. Chính phủ không nên vì lợi ích của họ mà biến phụ nữ và trẻ em gái thành tội nhân theo cách này.” bà Esther Major nói.
Theo 2 Sao