Nỗi niềm thầy cô nuôi dạy trẻ khuyết tật
“Một sân bóng đá, một thư viện… dành cho trẻ khuyết tật tưởng chừng như đơn giản nhưng bao lâu nay chưa thể thực hiện được…”. Đó là những điều trăn trở, mơ ước của các thầy cô giáo trong Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai.
Học sinh khuyết tật được học tập, sinh hoạt tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai.
Tiền trợ cấp chưa đủ 3 bữa ăn
Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai có trụ sở đặt tại KP.3, ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa). Đây là nơi học tập của hơn 200 em học sinh, mỗi em đều có khiếm khuyết riêng như: câm, điếc, tay chân khó vận động, thiểu năng trí tuệ… Thấy khách đến thăm, một nhóm trẻ vội chạy tới khoanh tay chào đón qua những bộ dạng rất đáng thương khiến mọi người có mặt đều xao lòng.
Hầu như tất cả các em khi vào trung tâm đều thể hiện sự tự tin, thân thiện với mọi người xung quanh. Cuộc sống tưởng chừng như biệt lập trong một khuôn viên ít có người ngoài lui tới; không gian không ồn ào như ngoài đường phố song có lẽ các em tự thấu hiểu hoàn cảnh của mình nên đều thể hiện tình yêu thương nhau rõ rệt. Những lúc được vui chơi dưới sân trường, những đứa trẻ hồn nhiên đùa nghịch rất thân thiết.
Nhìn những “đứa con” của mình ngọng nghịu chào khách, cô Hoàng Thị Vân Nga, Giám đốc trung tâm cho biết toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.800 em bị khuyết tật, nhưng trường chỉ đủ điều kiện nhận dạy hơn 200 em. Lý do là kinh phí eo hẹp và nhân lực cũng như cơ sở vật chất hạn chế nên không đủ để phục vụ các cháu.
Theo cô Nga, cuộc sống của những đứa trẻ kém may mắn sẽ ấm áp hơn khi được nuôi dạy trong môi trường có tổ chức; các cháu sẽ hiểu biết, chia sẻ nhau trong mọi hoàn cảnh. Còn ở bên ngoài xã hội, dù được gia đình chăm sóc, thương yêu nhưng trẻ khuyết tật dễ rơi vào mặc cảm, tự ti so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi.
Cô Nga cho biết Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật được thành lập từ tháng 11/1997 trên khu đất rộng khoảng 1.000m2. Khi mới đi vào hoạt động, trung tâm gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ cán bộ nhân viên vừa thiếu, vừa yếu cả về trình độ lẫn chuyên môn.
Năm 2018, nhà trường được UBND tỉnh cấp kinh phí xây thêm lớp học và các phòng sinh hoạt khác nên tương đối khang trang với 3 dãy phòng học và nhà nội trú nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, học tập của các em.
Video đang HOT
Mức kinh phí lâu nay của Nhà nước trợ cấp không đủ để học sinh nội trú ăn ngày 3 bữa (15.000 đồng/bữa) buộc phụ huynh phải đóng góp để phụ lo bữa sáng cho con em. Nhưng phần lớn hoàn cảnh của gia đình có con gửi vào đây đều khó khăn nên không ít trường hợp phải nợ tiền bữa sáng của nhà trường.
Có những thời điểm, trung tâm phải trích một phần tiền lương của giáo viên để hỗ trợ các em ăn sáng: “Ngoài kinh phí Nhà nước cấp để hoạt động, trung tâm còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các mạnh thường quân như bà Tư ở chợ Biên Hòa suốt 20 năm qua đều gửi cho trung tâm mỗi tháng 20kg gạo; bà Bảy nhà ở Bửu Long (TP Biên Hòa) hỗ trợ mỗi tháng 5 thùng mì gói… Nhờ có sự đóng góp của các nhà hảo tâm, đã tiếp thêm nghị lực cho các thầy cô trong trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh đầy đủ hơn…”, Cô Nga chia sẻ.
Thầy và trò đồng cảnh ngộ
Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Đồng Nai hiện có 14 cán bộ, công nhân viên. Với từng ấy thầy cô mà phải “ôm” hết mọi chuyện trong cuộc sống hàng ngày của hơn 200 trẻ là điều không đơn giản.
Một trong những người đặc biệt ở trung tâm là thầy giáo Đặng Văn Sinh (50 tuổi). Mỗi ngày thấy Sinh đi xe ôm tới làm việc, hết giờ người lái xe lại tới đón về. Nói về hoàn cảnh của mình, thầy Sinh kể cuộc đời ông đến với trung tâm như một giấc mơ.
Thầy Sinh chào đời và lớn lên như mọi người bình thường khác. Đến năm học lớp 9 thầy bị tai nạn khiến đôi mắt bị mù và mất một cánh tay. Sự cố bất ngờ xảy đến đã rẽ cuộc đời thầy đi theo hướng khác. Thế nhưng, không nằm im chịu đựng nghiệt ngã của số phận, sau những ngày hụt hẫng, thầy Sinh đi học chữ nổi. Sau khi “ra trường” bén duyên với nghề giáo.
Thầy Sinh nhớ lại, khi mới nhận công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, cảm xúc khi vào môi trường mới vừa mừng vừa lo. Mừng vì xin được việc làm đúng với chuyên ngành, nhưng lo bởi đối với trẻ khuyết tật người bình thường dạy đã khó, còn khiếm thị như thầy còn vất vả gấp ngàn lần. Dù không nhìn thấy học trò, nhưng qua thời gian tiếp xúc với các em thầy cảm nhận những đứa trẻ cũng như mình, luôn khát khao được sống hòa nhập cộng đồng.
Hơn 30 năm sau ngày bị tai nạn, đến nay thầy Sinh sống bình thường như mọi người, vẫn hàng ngày dạy học trò những điều lễ nghĩa để sau này khi các em lớn lên sẽ thành người có thể đóng góp hữu ích của bản thân người khuyết tật cho xã hội.
Khi tâm sự với chúng tôi, thầy Sinh cho rằng bản thân thầy đã từng có những lúc khắc khoải về đời sống, nhưng khi tiếp cận với học trò đã giúp thầy lấy lại cân bằng trong tâm thức, coi đó như một động lực để tiếp tục vững bước trong cuộc đời.
Trước lúc rời trung tâm, khi biết khách đến thăm chuẩn bị chụp ảnh mình, các em nhỏ liền rối rít… tạo dáng và cười rất tươi. Em Bảo Thi (14 tuổi) ú ớ nắm tay khách đưa ra chỗ khuôn viên sân trường chụp ảnh.
Chỉ bằng hành động ra hiệu trên đôi bàn tay, em muốn nói “Chụp đi cô, chụp đẹp vào”. Nhìn em cười, ánh mắt sáng ngời đầy thích thú, tôi không khỏi chạnh lòng rơi nước mắt khi biết rằng một đứa trẻ ngây thơ như vậy mà bị câm, điếc từ nhỏ; em chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Mỗi người sinh ra, lớn lên ai cũng đều mong muốn cơ thể được lành lặn, thế nhưng vì lý do này khác có những trường hợp bất hạnh khi bản thân bị dị tật. Chính vì thế, cần lắm những tâm hồn đang cần mẫn phục vụ trẻ khuyết tật như cô Nga, thầy Sinh…
Chỉ có những thầy cô tận tâm với học trò của mình mới từng bước giúp các em lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Song như Giám đốc Hoàng Thị Vân Nga trăn trở: “Trung tâm nhận nuôi dạy trẻ khuyết tật từ 6-17 tuổi. Các em vào đây đều học văn hóa theo chương trình của Bộ GDĐT và các môn năng khiếu như: nhạc, hát, múa, vẽ; trẻ lớn còn được học may quần áo, uốn tóc. Giá như trung tâm có điều kiện thuận lợi, cơ sở vật chất đầy đủ; có nơi sinh hoạt, vui chơi rộng rãi hơn thì việc dạy học cho các em sẽ đạt hiệu quả như mong đợi”.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang, trung tâm ban đầu được xây dựng theo mô hình làng trẻ SOS với chức năng nuôi dạy trẻ khuyết tật và tiếp nhận thêm các trường hợp trẻ tự kỉ, chậm phát triển nên đến nay đã quá tải.
Vì vậy, Sở đang tiến hành lập đề án để chuyển đổi Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành Trường phát triển và giáo dục trẻ khuyết tật nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, các thủ tục hiện đang vướng về vấn đề pháp lý nên chưa trình UBND tỉnh để thông qua được.
Minh Nguyệt – Mai Toàn
Theo baophapluat
Cô giáo mỉm cười khi bị... học trò đánh
Ở các ngôi trường phổ thông khác, cô giáo bị học trò đánh là 'chuyện động trời' nhưng với cô Phạm Thị Thảo (giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai Huế) lại là chuyện thường ngày. Và mỗi lần như vậy, cô chỉ mỉm cười dỗ dành các em...
Cô giáo Phạm Thị Thảo cùng những học trò đặc biệt - BÙI NGỌC LONG
Lớp học không tuổi
Bước chân vào lớp học của cô giáo Phạm Thị Thảo ở Trường chuyên biệt Tương Lai Huế (thuộc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Thừa Thiên- Huế), chúng tôi gặp ngay những học sinh đặc biệt với đủ tư thế. Lớp học có 8 học sinh, em nhỏ nhất 6 tuổi, em lớn nhất 17 tuổi. Trong khi em nhỏ nhất vẫn nằm u ơ với ánh mắt vô hồn khi có khách lạ, ở một góc khác, em lớn tuổi nhất lại ngồi xếp bằng cứ như một "thiền sư", miệng nở nụ cười vô cảm. Ở đây, trường xếp lớp không theo độ tuổi mà theo nhận thức và tri giác của trẻ.
Cô Thảo là một trong những giáo viên có thâm niên công tác và vẫn "bám trụ" với nghề ở đây. Tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục mầm non từ năm 2004, đến năm 2006, cô Thảo xin vào làm hợp đồng tại trường. Trường hoạt động từ kinh phí đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua một dự án của Văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật - Trường ĐH Y Dược Huế, nên lương của giáo viên cũng không theo ngạch bậc của nhà nước.
"Ngày mới vào dạy, lương của em 600.000 đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà đã là 500.000 đồng/tháng. Chừng ấy tiền làm sao mà sống, nhưng vì cái nghiệp với nghề và được chồng động viên, giúp đỡ nên em mới bám trụ đến hôm nay", cô Thảo chia sẻ. Sau hơn 12 năm công tác, đến nay lương của cô giáo Phạm Thị Thảo cũng chỉ được 3.170.000 đồng/tháng.
Chỉ có thể là tình yêu
Dạy một đứa trẻ bình thường đã vất vả, dạy các trẻ bị khiếm khuyết càng khó gấp nghìn lần. Ở đây, bữa cơm trưa của cô giáo chỉ đến khi các cháu đã say giấc. Nhưng không có bữa cơm trọn vẹn, vì bất ngờ có cháu bật dậy tung cửa chạy ra sân, bộ áo quần của cô thay vì thơm hương xà phòng lại lấm lem mùi mồ hôi...
"Mỗi em mỗi kiểu hành vi và cảm xúc khác nhau. Các học sinh ở đây đều mắc các chứng khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, tự kỷ nặng... nên hành vi cũng muôn kiểu kỳ lạ", cô Thảo nói. Chỉ vào một học sinh cao lều khều ngồi trong góc và luôn miệng ú ớ, cô tiếp: "Như em này, rất thích âm thanh. Chỉ cần tiếng gõ bàn, vỗ tay hay nghe nhạc là em đều bị kích động mạnh. Còn em ngồi trong góc như "thiền sư" có thân hình mập mạp kia thì không làm chủ được đại tiểu tiện. Bởi vậy, nhiều em đã hơn 10 tuổi nhưng phải mang bỉm cả ngày. Có em đi vệ sinh xong còn bôi lên đầy áo quần, mặt mày... Cả 8 học sinh hiện tại khi ăn đều phải đút, đi vệ sinh các cô phải rửa".
Cô Thảo kể, trong lớp có một học sinh bị tự kỷ nặng quá, không dạy được nên đã phải đến bệnh viện điều trị. Em ấy mới 14 tuổi nhưng cân nặng hơn 70 kg, lại rất thích ăn. Do vậy, khi thấy người khác cầm bánh, kẹo hay thức ăn gì là lập tức lao vào đánh để giành phần. "Cứ mỗi bữa ăn, em đều lao vào đánh cô, dùng ghế hay bất cứ thứ gì có thể tấn công cô giáo để tranh phần. Tôi bị trò đó đánh thường xuyên nhưng cũng chỉ biết mỉm cười vì thương em", cô nói.
Niềm vui của các cô giáo dạy trẻ khuyết tật đôi khi chỉ là tiếng cười òa sung sướng khi học sinh tự đút được cơm ăn, và nhẹ lòng khi nhìn cháu bé viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết. Đôi khi lại mãn nguyện khi nghe tiếng gọi bi bô "Cô ơi!" từ một học trò đã hơn 10 tuổi. "Buồn có, nghĩ ngợi cũng có, nhưng nhìn vào ánh mắt vô tư, tiếng cười hồn nhiên của các cháu và lòng tin mà phụ huynh đã gửi gắm thì tất cả đều bỏ lại sau lưng. Chúng tôi chỉ biết một điều là cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa mà thôi", cô Phạm Thị Thảo trải lòng.
Là mẹ của 3 con nhỏ, nhưng cô Thảo dành thời gian nhiều hơn cho những học trò kém may mắn ở lớp. Cô bảo, càng gần và biết rõ bệnh tật của các em, càng thấy thương hơn. "Ẩn sâu bên trong con người thiểu năng, bệnh tật của các em đều có tâm hồn và trái tim biết yêu thương. Bởi vậy, khi gần các em, chúng tôi cảm nhận các em rất cần tình thương và cũng có cách thể hiện tình cảm đặc biệt đối với những người yêu thương mình. Chỉ có tình yêu thương thực sự mới giúp chúng tôi có đủ sức mạnh để kiên trì dạy dỗ cho các em tiến bộ", cô Phạm Thị Thảo nói.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" dự kiến tổ chức lễ tuyên dương vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN (20.11), tại Hà Nội. Mỗi thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương sẽ nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; bằng khen của T.Ư Hội LHTN VN, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT.
Theo thanhnien
Bài luận về trang điểm đưa nữ sinh 9X Việt tới ĐH Cornell danh tiếng Nguyễn Đỗ Quyên, nữ sinh 9X Việt cho rằng thích làm đẹp, mê trang điểm không phải quá tệ, ngược lại nó còn mang lại sự tự tin để năng lực tỏa sáng. Chính vì chủ đề khá lạ như vậy mà hội đồng tuyển sinh trường ĐH Cornell (xếp thứ 16 trong nhóm những trường ĐH tốt nhất nước Mỹ niên khóa...