Nỗi niềm những sĩ tử đi thi cho biết
“Khối A có 3 môn thì em chỉ học khá được môn Lý. Chính vì thế khi làm hồ sơ dự thi, nói thật là em cũng chỉ muốn thi cho biết chứ dự định của em là tập trung cho năm sau nên em sẽ tiếp tục ôn luyện thật tốt”.
Đó là chia sẻ của em Thanh Liêm (ngụ Thới Bình, Cà Mau) sáng nay khi chờ xe về quê sau khi dự thi ĐH đợt 2 tại TP Cần Thơ.
Sáng sớm nay 11/7, cũng như Thanh Liêm, nhiều sĩ tử từ trong khu ký túc xá của Trường ĐH Cần Thơ tay xách tay mang cuốc bộ ra cổng trường để đón xe về quê. Những sĩ tử này đa số là đi thi cùng bạn hoặc đi một mình. Còn những sĩ tử được phụ huynh “hộ thống” thì trở về quê sau khi thi xong môn cuối cùng sáng qua.
Lần đầu tiên lên thành phố, với nhiều sĩ tử thì sự ngơ ngác trước giảng đường ĐH rộng lớn cũng là một kỷ niệm.
Video đang HOT
Một sĩ tử đứng chờ ngay trước cổng A – ĐH Cần Thơ cho biết, sau khi thi xong muốn được ở lại Cần Thơ chơi cho biết đó đây vì đây là lần đầu tiên lên Cần Thơ. Một số sĩ tử khác thì cho biết do hôm qua xe cộ đi lại khó khăn nên hôm nay về sẽ thoải mái hơn.
Một nhóm sĩ tử ngồi gần cổng B – ĐH Cần Thơ đang trò chuyện khá rôm rả khi chờ xe đò để về Cà Mau. Tôi đến thăm hỏi tình hình thi cử thì nhiều sĩ tử mới bày tỏ nỗi niềm của mình khi đi thi ĐH. Hòa (ngụ Cái Nước, Cà Mau) nói thật lòng: “Hồi học phổ thông, kết quả học tập của em chỉ ở mức trung bình. Dù vậy, em cũng làm hồ sơ thi 2 khối A và B như các bạn bè trong lớp khác. Làm thì làm vậy thôi, chứ với sức học của mình, em chắc rằng khó mà thi đậu ĐH”.
Cũng như Hòa, khi chúng tôi hỏi một nhóm sĩ tử khác đang ngồi chờ mua vé xe về quê, hầu hết các em cũng cho biết là làm bài không tốt vì đề khó quá. Một sĩ tử thi khối B còn khẳng định là khi mở đề môn Toán ra em chẳng biết làm gì. 180 phút trong phòng thi em chỉ biết ngồi chờ cho hết thời gian mà thôi. “Thôi thì cứ thi thử một lần cho biết vậy, giờ em chưa có dự định gì nhưng nếu năm sau em đăng ký đi thi nữa thì ít ra cũng đã có chút kinh nghiệm”- sĩ tử này nói.
Chờ đợi trước khi vào phòng thi trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp là một cảm giác khó quên của nhiều sĩ tử ở kỳ thi ĐH
Một nữ thí sinh khác thì chia sẻ là sau khi thi xong tốt nghiệp phổ thông, em định sẽ thi CĐ chứ không thi ĐH vì biết sức học của mình có hạn. Nhưng vì bạn bè “rủ rê” nên em cũng xiêu lòng. Em cũng đăng ký thi 2 khối A và D vào Trường ĐH Cần Thơ.
“Hôm thi xong khối A, em lên mạng xem đáp án các môn thì thấy đáp án của Bộ GD-ĐT và của em khác một trời một vực, điều đó có nghĩa thế là hết. Nhưng dù sao thi ĐH cũng có cái hay, thi cho biết cảm giác thế nào là “tuyển chọn ngặt nghèo”- thí sinh này nói.
Theo Dân Trí
Bộ GD&ĐT lý giải về việc loạn giá đề thi
Trước một thực tế là các trường ĐH phải mua lại đề thi với nhiều mức giá khác nhau tại các cơ sở được phép in sao đề, bộ GD&ĐT đã có trả lời chính thức về việc này.
Đề thi mỗi trường mua 1 giá
Theo khảo sát của PV VTC News, trong 2 đợt của kỳ thi ĐH vừa qua, các trường ĐH đã phải mua đề thi với những mức giá khác nhau từ 14-19 nghìn/bộ đề. Vì vậy, cùng với sự trượt giá, năm nay các trường đã phải bỏ thêm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để phục vụ công tác mua đề thi.
PGS.TS Phan Trọng Phức, hiệu trưởng trường ĐH Đại Nam thông báo: "Năm nay, nhà trường phải dành hơn 14.000 đồng để mua một bộ đề trong khi năm 2010 chỉ là 11 -12.000đ/bộ đề".
Cũng phải mua đề với giá cao hơn nhiều năm trước, GS.TS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, riêng đề thi khối A trường Ngoại thương phải trả 15.500đ/đề thi, khối D là 11.500đ/đề thi.
Ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học mở Hà Nội cho rằng riêng tiền bù lỗ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 nhà trường khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó phí thuê lực lượng cho việc áp tải đề và làm đúng theo quy chuẩn bảo mật khá tốn kém như tiền thuê xe, tiền thuê công an áp tải, tiền cho cán bộ phục vụ của trường... cũng là một trong nguyên nhân khiến cho các trường lỗ càng lớn.
"Năm nay, tiền đề được đẩy lên 15-20%. Viện Đại học Mở lấy đề từ nhiều trường, vì Đại học Mở thi đa khối, đa ngành, tổng tiền mua đề hết khoảng 300 triệu đồng". Ông Thanh cho biết thêm.
Trong khi đó, trường ĐH Giao thông vận tải cũng phải mua đề thi khối A với giá 18.000đ/bộ đề. Trường ĐH Mỏ địa chất thậm chí lại phải chi 19.0000đ/bộ đề khối A.
Lý giải điều này, nhiều lãnh đạo cho rằng đề này chính là do Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự quyết về giá dịch vụ cho các trường được phép in sao đề.
Lý giải của Bộ GD&ĐT
Trả lời những băn khoăn, thắc mắc của PV xung quanh vấn đề này, ông Ngô Kim Khô, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH giải thích: "Có những cơ sở in sao chỉ in sao môn tự luận và những môn này đề chỉ có 1 trang, nhưng cũng có những cơ sở in sao môn trắc nghiệm có tới 5-7 trang giấy thì giá in sao phải khác nhau"
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm: "Giá in sao đề cũng phụ thuộc vào số lượng in sao. Ví dụ như một cơ sở nhận in sao cho 20 trường, số lượng đề in khác nhau dẫn đến giá cả khác nhau. Nhưng cũng có những cơ sở in sao phải đi thuê địa điểm vì không đảm bảo quá trình bảo mật thì phải bù vào nhiều khoản, như vậy giá đề cũng khác nhau".
Ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng ĐH Mở cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT nên ưu tiên việc in sao cho những trường có lượng thí sinh dự thi đông, tránh trường lượng thí sinh ít vẫn được in sao rồi bán lại cho trường đông thí sinh dự thi để kiếm lời.
Được biết, cả nước có 25 cơ sở in sao, đủ điều kiện về cơ sở vật chất để in đề liên tục trong nhiều năm. Danh sách các cơ sở này được bảo vệ và không tiết lộ.
Theo VTC
Cho PV "leo cây" vì không chấp nhận thẻ báo chí Bộ GDĐT Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011, đã xảy ra nhiều trường hợp cản trở phóng viên tác nghiệp từ phía các hội đồng tuyển sinh và từ phía các bảo vệ tại một số trường. Có thẻ báo chí vẫn không được vào Chiều 9/7, phóng viên một số báo như Báo Đất Việt, Báo điện tử Đảng Cộng Sản, Báo điện...