Nỗi niềm của những giáo viên gửi tuổi thanh xuân nơi biên giới
Tại điểm trường Bạch Đàn, cuộc sống của các nữ giáo viên cắm bản vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Vào mùa mưa, đường vào bản thường xuyên sạt lở, chia cắt nhưng họ vẫn quyết tâm bán bản, đưa con chữ đến cho các em học sinh Bru-Vân Kiều.
Giữa tháng 11, chúng tôi có dịp đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy nằm trên địa bàn biên giới xã Lâm Thủy, cách thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng hơn 80km.
Trường có 327 em học sinh (hầu hết là người đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều) theo học tại bốn điểm trường, gồm: Điểm trường trung tâm ở bản Xà Khía và ba điểm trường lẻ ở các bản Bạch Đàn, Eo Bù-Chút Mút và bản Tân Ly. Trong đó, điểm trường tại bản Bạch Đàn là điểm trường khó khăn nhất.
Những ngày mưa, cô Phạm Thị Liên phải đi từng nhà vận động phụ huynh, đưa các em học sinh đến điểm trường. Ảnh: BT
Nhật ký tuổi thanh xuân!
Nằm cách điểm trường trung tâm khoảng 10km đường rừng núi, đường đi vào bản Bạch Đàn vẫn khó khăn như ngày nào. Những con dốc sỏi dựng đứng lầy lội sau cơn mưa, cách một đoạn lại có vài điểm đất đá “âm ỉ” sạt lở hay khe suối cắt ngang như muốn níu chân chúng tôi vào bản.
Đến nơi, tận mắt chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của các nữ giáo viên nơi đây càng khiến chúng tôi cảm phục hơn ý chí và sự hi sinh thầm lặng mà họ dành cho các thế hệ học trò.
Tại điểm trường bản Bạch Đàn, hiện có tất cả 18 em học sinh gồm: 6 học sinh lớp 1 và 12 học sinh lớp 2. Hai nữ giáo viên được phân công cắm bản là cô Phạm Thị Liên (SN 1988, trú tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) và cô Hoàng Thị Thúy Vân (SN 1991, trú tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Những con dốc sỏi dựng đứng, sình lầy sau cơn mưa. Ảnh: BT
Với cô Phạm Thị Liên, đây là năm thứ 11 mà cô gắn bó với các em học sinh Bru-Vân Kiều trong vai trò giáo viên cắm bản.
Giữa bốn bề rừng xanh vùng biên viễn, cô đã gửi hết tuổi thanh xuân của bản thân vào các thế hệ học trò, cùng không ít kỉ niệm về những lần bị ngã xe hay người lấm lem bùn sỏi.
“Năm 2011, tôi đến với các bản làng và các em học sinh theo học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy, đến nay cũng đã 11 năm. So với các điểm trường khác thì bản Bạch Đàn là điểm trường khó khăn nhất, bởi vào mùa mưa đường sá đi lại rất khó khăn. Chúng tôi phải thường xuyên vượt qua những đoạn đường sạt lở, bùn lầy rất nguy hiểm mới có thể đến với điểm trường. Nhiều lần đi ra đi vào bị ngã xe, lấm lem bùn đất, nhưng đi nhiều, ngã nhiều rồi cũng quen”, cô Phạm Thị Liên tâm sự.
Video đang HOT
Cô Hoàng Thị Thúy Vân ân cần dạy dỗ các em học sinh Bru-Vân Kiều ở điểm trường Bạch Đàn. Ảnh: BT
Cũng tại điểm trường bản Bạch Đàn, cô Hoàng Thị Thúy Vân đến nay đã ngót nghét gần bảy năm gửi tuổi thanh xuân cho các cô cậu học trò ở miền biên giới Lâm Thủy.
Vượt qua những khó khăn, nỗi niềm để thực hiện nhiệm vụ “trồng người” cao cả, cô Vân cùng đồng nghiệp vẫn đang ngày đêm miệt mài bám bản, bám lớp dạy con chữ cho các em học sinh Bru-Vân Kiều.
“Những năm đầu cắm bản, khung cảnh rừng núi thăm thẳm bao quanh trước mắt khác xa với những gì tôi mường tượng về một ngôi trường khang trang, đủ đầy tiện nghi khi còn ngồi trên giảng đường đại học. So với bản Eo Bù-Chút Mút, bản Tân Ly thì giảng dạy ở bản Bạch Đàn khó khăn hơn nhiều, nhất là vào mùa mưa.
Vì mùa này hay bị sạt lở, những dòng suối cuồn cuộn khiến tôi thực sự chẳng dám sang bờ bên kia. Nhưng rồi vượt qua tất cả những khó khăn thiếu thốn đó, chị em chúng tôi luôn động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ ‘trồng người’”, cô Vân bộc bạch.
Điểm trường Bạch Đàn hiện có 18 học sinh và hai giáo viên cắm bản. Ảnh: BT
Vì điều kiện đường sá đi lại khó khăn và quãng đường về nhà xa hơn 100km nên cô Liên, cô Vân thường xuyên phải ở lại tại điểm trường. Căn phòng học giảng dạy các em ban ngày cũng chính là nơi mà các giáo viên sinh hoạt, ăn ngủ sau mỗi buổi chiều muộn.
“Với những giáo viên cắm bản như chúng tôi thì chuyện ăn ở đều “tự cung tự cấp”. Bữa cơm hàng ngày, đôi khi được các phụ huynh ở bản giúp cho con cá, nắm rau rừng mà quý hơn cả. Mỗi lần vượt rừng ra điểm trường trung tâm, chúng tôi đều tranh thủ mua gạo, mắm muối để dự trữ. Còn chỗ ngủ thì dùng tạm một góc của phòng học để nghỉ ngơi vì nhà ai cũng xa tận cả trăm cây số”, cô Liên nói.
Một đoạn đường nối vào điểm trường Bạch Đàn. Ảnh: BT
Nỗi niềm của người cô, người mẹ
Đều là người ở địa phương khác đến công tác nên những bữa cơm sum vầy cùng gia đình sau mỗi ngày làm việc đối với cô Liên và cô Vân luôn một điều xa xỉ. Để sứ mệnh “gieo chữ” cho các em học sinh nơi đây được trọn vẹn, các cô đã không ít lần phải gạt đi những giọt nước mắt nhớ nhà, thương con.
“Chồng tôi hiện cũng đang công tác tại điểm trường trung tâm Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy. Do điều kiện công tác xa nên chúng tôi cũng ít có điều kiện về thăm nhà thường xuyên, hai con nhỏ đều phải trông cậy và bà nội đỡ đần từ khi con còn đỏ hỏn. Từ điểm trường Bạch Đàn về nhà hơn 100km nên vợ chồng chúng tôi cũng chỉ sắp xếp về vào ngày cuối tuần. Còn vào mùa mưa, đường sá sình lầy và sạt lở thì có khi hơn cả tháng mới được gặp các con. Nhiều lúc nhớ cũng chỉ biết ngắm con qua điện thoại”, cô Phạm Thị Liên tâm sự.
Tranh thủ ngày cuối tuần, vợ chồng cô Phạm Thị Liên vượt hơn 100km từ trường về nhà để thăm con. Ảnh: BT
Tương tự, đứa con đầu lòng của cô Hoàng Thị Thúy Vân năm nay cũng vừa bước vào lớp 1. Điểm trường Bạch Đàn cách nhà vợ chồng cô Vân hơn 70km nên cô cũng ít khi có dịp gần con, việc chăm sóc, dạy dỗ dường như “khoán” hết cho chồng và ông bà nội.
“Công tác xa nhà mà mỗi lần gọi về cho ông bà, nghe tiếng khóc ngặt nghẽo của con đúng thực sự tôi chỉ mong sớm đến hè để được ở gần với con. Chứ ở đây thiếu thốn trăm bề, nhiều khi muốn gọi video để ngắm con cũng khó vì sóng chập chờn. Nhưng dần dần với sự động viên, khích lệ của gia đình cùng tình cảm dành cho các em học sinh nơi đây nên tôi cũng dần làm quen”, cô Vân tâm sự.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các giáo viên cắm bản nơi đây vẫn luôn quyết tâm bám trụ để thực hiện sứ mệnh “trồng người”. Ảnh: BT
“Bạch Đàn là một bản có điều kiện kinh tế rất khó khăn và thường xuyên xảy ra sạt lở gây chia cắt bản. Nên điều mà chúng tôi quan tâm nhất vẫn là mong muốn những đoạn đường xung yếu vào bản sẽ sớm được giải phóng, xây dựng để tạo điều kiện cho các giáo viên, học sinh đi lại, tránh những rủi ro vào mùa mưa bão.
Ngoài ra, nhà trường cũng rất mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện xây dựng một nhà ở nội trú cho các giáo viên cắm bản nơi đây.” thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy mong mỏi.
13 năm dạy những đứa trẻ 'đặc biệt' làm điều bình thường
Cùng làm nghề giáo nhưng thay vì dạy dỗ những học trò với nhiều thành tích, 13 năm nay cô Thủy hàng ngày đến lớp để dạy học trò làm những điều bình thường như bao người.
Nghề giáo được gọi là nghề đặc biệt vì thế người làm nghề không đơn giản chỉ mặc đẹp trên bục giảng trong những bộ sơ mi hay tà áo dài thướt tha mà hơn hết phải cần tình yêu thương thực sự đối với học trò.
Thấm nhuần tính chất quan trọng của nghề giáo, 13 năm qua cô giáo Phan Thị Thanh Thủy đã trọn hiến tuổi xuân của mình cho việc dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt.
Cô Phan Thị Thanh Thủy suốt 13 năm dành trọn tình yêu thương cho những đứa trẻ đặc biệt
Tốt nghiệp ngành du lịch trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế, chị Phan Thị Thanh Thủy (1982) đã quyết định về làm tình nguyện viên ở trường chuyên biệt tương lai Huế từ năm 2003.
Tại đây, nhìn thấy sự quan tâm của thầy cô đối với những học trò đặc biệt, không biết từ lúc nào chị đã cam tâm tình nguyện gắn bó cuộc đời mình bên những đứa trẻ tự kỷ.
Lần đầu tiếp xúc những đứa trẻ đặc biệt chị Thủy đã phải học hỏi, trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới mà chị chưa được học trên giảng đường. May mắn nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô ở trường chuyên biệt Tương Lai Huế nên vào năm 2009 chị đã bắt đầu dạy những đứa trẻ đầu tiên.
Để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn dạy trẻ, chi Thủy đã học thêm nhiều chứng chỉ đặc biệt, nghiệp vụ cần thiết. Sau khi hoàn thành, năm 2019 chị Thủy đã đứng ra thành lậpTrung tâm trợ giúp xã hội An Tuệ ở phường Phú Thượng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghề dạy học vốn mang những đặc thù, với trẻ tự kỷ người giáo viên lại cần nhiều hơn những nét khác biệt và đặc thù trong giảng dạy. Nói về công việc của mình, cô Thủy chia sẻ, các em có hội chứng tự kỷ sẽ có những đặc điểm riêng không giống ai. Nếu muốn gắn bó với nghề ngoài việc phải nắm chuyên môn tốt thì sự nhiệt huyết, chân thành và kiên nhẫn là điều không thể thiếu. Bởi nếu không có lòng kiên nhẫn và tình thương yêu thật sự thì rất khó để làm công việc này.
Ngoài những lần phải "vật lộn" với chính học sinh của mình để tránh bị thương, nữ giáo viên này cũng không ít lần được sống trong hạnh phúc đến rơi nước mắt khi chứng kiến học trò của mình làm được những điều quá đỗi bình thường như ngồi ghế, khoanh tay, đọc số đếm...
Với một giáo viên nữ việc dạy trẻ bình thường đã vất vả, các cô giáo dạy trẻ tự kỷ không chỉ có khó khăn mà còn muôn vàn áp lực.
"Sợ nhất là những em đã lớn tuổi, khi đó các em có sức khỏe nên việc cô bị tấn công rất dễ xảy ra. Có lần, mình bị một cậu bé 10 tuổi vật ngã xuống nhà, không biết làm sao thể thoát ra được. Nhiều cô khác thấy vậy phải chạy tới ứng cứu nhưng chẳng dễ gì, ai cũng bị trầy xước hết", cô Thủy kể.
Muốn dạy trẻ tự kỷ thì phải có lòng kiên nhẫn và tình yêu thương thật sự
Ấy vậy mà người phụ nữ đó đã có đến 13 năm gắn bó với nghề dạy trẻ tự kỷ. Cô Thủy không giấu cảm xúc khi cho biết, công việc nhiều áp lực nên nhiều lúc không tránh khỏi mệt mỏi và stress nhưng mỗi ngày qua đi, nhìn thấy học sinh tiến bộ là lại có thêm động lực để gắn bó với nghề.
"Thật hạnh phúc khi thấy học sinh của mình làm được những điều đơn giản như ngồi yên vào ghế 5 - 10 phút, bật ra những ngôn ngữ nói đầu tiên hay tự cầm muỗng xúc cơm ăn..., đó là niềm vui tuy giản đơn nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa", cô Thủy nói.
Hơn 13 năm trong nghề với bao nhiêu kỷ niệm, cô Thủy cũng có nhiều nỗi niềm mà chỉ những ai đã từng trải qua nghề dạy trẻ tự kỷ mới thực sự thấu hiểu. Nhìn những món quà, lẵng hoa... hay chí ít là lời chúc mừng ngày lễ 20/11 mà đồng nghiệp mình nhận được, cô Thủy cười: "Rồi cũng quen cả thôi".
Ấy thế nhưng vẫn có những nồi buồn từ sâu thẳm mà cô Thủy cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm trợ giúp xã hội An Tuệ chỉ biết động viên nhau. Học trò của họ là những đứa trẻ đặc biệt nên ngày lễ với họ cũng là những cảm nhận rất đặc biệt. Nữ giáo viên này vẫn đùa với đồng nghiệp "bọn mình là người lái đò thầm lặng".
Ngoài những buổi học ở Trung tâm, các em còn được tham gia các buổi học ngoại khóa và nhiều kỹ năng sống khác
Hiện Trung tâm An Tuệ đang dạy cho hơn 30 em chia thành 3 lớp, trong đó đa số các em không có khả năng hòa nhập. Các cháu sẽ được học theo giờ cá nhân (1 cô - 1 trò) và các giờ hoạt động chung của nhóm. Ngoài những buổi học ở Trung tâm, cô Thủy và các thành viên cũng thường xuyên tổ chức các buổi giả ngoại và hướng dẫn cho các em học thêm nhiều kĩ năng sống khác.
Chia sẽ thêm về việc dạy trẻ tự kỷ, cô Thủy bày tỏ, mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, đội ngũ giáo viên của trung tâm luôn nỗ lực, tận tâm đồng hành cùng các cháu. Mong mỏi nhất của các thầy cô là nhận được sự phối hợp, đồng hành từ gia đình để giúp trẻ tiến bộ nhanh.
Trường THPT Hàn Thuyên hướng nghiệp về xu hướng nghề Công tác hướng nghiệp được Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) chú trọng để giúp học sinh lựa chọn môi trường học tập, nghề phù hợp trong tương lai. Diễn giả Lê Anh Tuấn trao đổi, giao lưu và định hướng chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với khả năng từng đối tượng học sinh. Hướng nghiệp ngay khi nhập học...