Nỗi niềm chàng sinh viên nghỉ học nuôi mẹ tâm thần
Cha mất vì bệnh hiểm nghèo, em trai mất do tai nạn đuối nước. Tin mẹ phải nhập viện vì bệnh thần kinh, chàng sinh viên năm 2 Trần Quang Tâm, Trường ĐH Nông lâm TPHCM khăn gói tức tốc rời trường lớp bắt xe đò lên đường về quê để chăm sóc mẹ.
Chúng tôi gặp Trần Quang Tâm tại khoa 1, bệnh viện Tâm Thần Bình Định (TP Quy Nhơn – Bình Định), đúng ngày Tâm phải lên đường vào TPHCM để tựu trường nhưng em vẫn ở nhà để chăm sóc mẹ. Trước mắt chúng tôi, một chàng trai dáng vẻ hiền khô đang nhẹ nhàng lấy khăn lau từng giọt mồ hôi trên gương mặt người mẹ ốm yếu đang bất động trên giường bệnh vì bệnh rối loạn thần kinh.
Nhà Tâm ở tổ 1, thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài (Phù Cát, Bình Định). Em sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, cha mẹ phải kiếm từng bữa ăn. Mẹ Tâm – bà Nguyễn Thị Thanh (49 tuổi) là người vợ sau. Trước đó, ông Trần Quang Trung (62 tuổi) có 4 người con với người vợ đầu.
Sau khi lấy bà Thanh, ông Trung có thêm 3 người con, Tâm là anh đầu, sau là em trai và em gái út tên Trần Thị Tại, học lớp 3A Trường tiểu học số 1 Cát Tài.
Trần Quang Tâm phải nghỉ học để chăm sóc mẹ bị rối loạn thần kinh đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Bình Định.
Cuộc sống nơi quê nghèo, gia đình lại đông anh em, cha mẹ Tâm lam lũ làm việc lo cho các con ăn học, lo cơm gạo từng ngày khiến cuộc sống vốn đã khó lại chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, có khó khăn đến mấy vợ chồng bà Thanh ông Trung luôn cố gắng không để cho các con phải chịu đói khổ.
Năm 2009, Tâm thi đậu vào trường ĐH Nông lâm TPHCM chuyên ngành Lâm nghiệp. Xác định con đường tương lai, ngay từ khi vào Sài Gòn học, Tâm đã cố gắng vừa học vừa làm thêm đủ thứ việc từ bưng bê cà phê, chạy bàn… đến bán hàng trong siêu thị để lấy tiền trang trải cho cuộc sống.
“Nhìn cha mẹ khổ cực khổ, nhiều khi phải nhịn đói để nuôi anh em ăn học, có lúc em đã nghĩ đến nghĩ học, đi làm thuê phụ giúp cha mẹ rồi lo cho các em ăn học. Nhưng rồi nghĩ đến mong ước của cha mẹ nên em tự động viên mình gắng lên”.
Video đang HOT
Tưởng như cuộc sống cứ bình yên tới ngày Tâm ra trường, nào ngờ tai họa lần lượt ập xuống. Bố em vừa qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo di căn cột sống.
Bố mất khiến cuộc sống 3 anh em với người mẹ thường xuyên ốm đau khiến Tâm nhiều lần muốn nghỉ học. Để mẹ bớt thêm gánh nặng, người em trai kế Tâm phải nghỉ học đi làm phụ hồ. Nhưng rồi cuối tháng 5/2012, người em trai qua đời trong một tai nạn đuối nước thương tâm.
Bố và con trai mất, cuộc sống thêm khó khiến bà Thanh thường xuyên đau bệnh, mới đây bà Thanh phải nhập viện Thần kinh Bình Định vì chứng rối loạn tâm thần.
Chị Nguyễn Thị Hường – điều dưỡng viên bệnh viện Tâm thần Bình Định cho biết: “Ngày mới nhập viện, chị Thanh không nhận ra ai hết, cả cậu con trai và đứa con gái. Ăn uống không ăn, tuy nhiên đến sau hơn 10 điều trị tình hình bệnh tình đã có tiến triển, đã ăn được cơm…”.
“Do phải lo tiền học năm tới nên hè em phải ở lại làm thêm thì nghe tin mẹ bị bệnh phải nhập viện. Ở nhà chỉ còn em gái 9 tuổi chẳng thể chăm sóc mẹ nên em xin nghỉ việc về quê chăm sóc mẹ. Hôm nay là ngày đầu tiên đi học nhưng mẹ bệnh nên em không thể tiếp tục vào học được, ai sẽ chăm sóc, tiền đâu mà đóng viện phí. Em dự định xin bảo lưu kết quả năm nay để có thời gian vừa chăm sóc mẹ vừa làm thêm sang năm học tiếp”.
Ông Lê Tuấn Bính – Trưởng thôn Vĩnh Thành xác nhận: “Hoàn cảnh gia đình cháu Tâm thuộc diện hộ nghèo của thôn, hoàn cảnh rất khó khăn, bố và em trai mất, mẹ thì bị tâm thần phải nhập viện. Hội Phụ nữ thôn có quyên góp được 1 triệu ủng hộ cho chị Thanh đi chữa bệnh, đó là tình làng nghĩa xóm chứ về thôn cũng không có ngân sách có thể giúp đỡ gia đình được. Đại diện thôn, tôi rất mong các cơ quan đoàn thể, nhà hảo tâm giúp đỡ hoàn cảnh nhà chị Thanh để cháu hai anh em cháu Tâm tiếp tục được đến trường”.
Doãn Công
Theo dân trí
"Thầy giáo tương lai" học giỏi để đền đáp công ơn mẹ
Những ngày cuối năm khi học kỳ 1 kết thúc, nhiều bạn bè về quê nghỉ xả hơi sau một học kỳ vất vả thì cậu SV Đặng Văn Hùng (SN 1992, học năm 2, ngành SP Ngữ văn - ĐH Cần Thơ) cặm cụi đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho học kỳ tới.
Chúng tôi gặp Hùng khi em đang chạy bàn cho một quán cà phê ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), người nhễ nhãi mồ hôi bởi khách vào quán khá đông nên em phải làm việc luôn tay.
Tranh thủ được một khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, trò chuyện với Hùng, chúng tôi được biết em quê ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, một trong những huyện ngoại thành nghèo của TP Cần Thơ. Sau những e dè ban đầu, Hùng cởi mở hơn, nhẹ nhàng sẻ chia về hoàn cảnh của mình. Điều đầu tiên mà Hùng thổ lộ với chúng tôi chỉ gọn lỏn một câu: "Cho đến lúc này em chỉ mới gặp mặt cha của em 1-2 lần gì đó thôi anh à !". Chúng tôi không hiểu sao Hùng lại nói điều này trước tiên và khi nhìn vào ánh mắt của em, chúng tôi thấy có chuyện gì đó xót xa lắm về người cha của em. Một câu thổ lộ của cậu sinh viên 19 tuổi thật sự khiến chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng.
"Thầy giáo tương lai" Đặng Văn Hùng: "Em cố gắng học giỏi để đền đáp công ơn mẹ"
Hùng chia sẻ, nghe mẹ kể lại là lúc mẹ sống bên nhà chồng nhưng do cuộc sống khó khăn nên mẹ của Hùng (năm nay đã 60 tuổi) dắt díu 3 đứa con (1 gái, 2 trai) về lại bên ngoại sống. Về đây, ngoại cho một mảnh đất nhỏ đủ cất tạm mái nhà để che mưa, tránh nắng. Để nuôi các con, mẹ của Hùng lãnh quần áo về may kiếm thu nhập rau cháo qua ngày. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị của Hùng lấy chồng sớm; còn người anh học hết lớp 5 rồi cũng nghỉ để phụ mẹ mưu sinh. Hùng là con út nên được ưu tiên cho đi học đến nơi đến chốn.
Nhắc đến những ngày tháng đi học, Hùng bộc bạch: "Những năm học cấp 2, cấp 3, có đôi lúc thiếu thốn, mẹ chạy hết chỗ này đến chỗ kia mượn tiền cho em đi học nhưng không ai cho vì sợ mẹ không có tiền trả lại. Lúc đó, em thấy thương mẹ lắm nhưng em không biết phải làm gì hơn, chỉ có thể nghe lời mẹ là phải cố gắng học thật giỏi mà thôi. Từ đó em quyết tâm dù có thế nào đi chăng nữa, em cũng học cho giỏi để không phụ lòng mẹ".
Chính những lúc khốn khó như thế nên Hùng càng biết quý trọng đồng tiền cũng như càng yêu thương mẹ hơn. Hùng chú tâm vào học tập để mẹ vui lòng. Rồi những năm học phổ thông, Hùng luôn đạt danh hiệu là học sinh khá, giỏi. Năm học lớp 12, Hùng còn được chọn đi thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố. Hùng cho biết, dù không đạt giải cao nhưng em rất vui vì học hỏi được thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2010, Hùng chọn thi ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường ĐH Cần Thơ) và trúng tuyển vào trường với số điểm khá cao, 22,5 điểm. Số điểm cũng đưa Hùng trở thành thủ khoa của ngành này vào năm đó. Hùng cho biết, em rất thích làm giáo viên nên em chọn thi ngành Sư phạm với mong muốn sau này sẽ đi dạy chữ, truyền đạt kiến thức cho trẻ nhỏ.
Đậu ĐH là niềm vui lớn nhưng khi bước vào giảng đường ĐH, gánh nặng chi phí lại càng lớn hơn với gia đình Hùng. Với mẹ em, từ ngày Hùng khăn gói lên TP học là từ ngày đó từng đường kim mũi chỉ của cái quần, cái áo cũng bắt đầu nhanh hơn để kịp gửi thêm cho Hùng những chi phí trang trải cuộc sống và học tập của đời sinh viên. Biết được nỗi vất vả của mẹ, Hùng tằn tiện trong chi tiêu và tập trung vào việc học như những năm phổ thông để mong có kết quả tốt nhất dù có lúc thiếu cái này, không có cái kia.
Năm học thứ nhất, dù đã cố gắng nhưng học kỳ 1, Hùng chỉ đạt kết quả học lực khá. Hùng cho biết, do lên ĐH, phương pháp học khác xa so với phổ thông nên thời gian đầu em không "bắt kịp" nên kết quả không như ý muốn. Vì lẽ đó và không bằng lòng với kết quả này, sang học kỳ 2, Hùng cố gắng hơn và kết quả rất khả quan là cuối năm học, em đạt danh hiệu sinh viên giỏi của trường. Một kết quả làm mẹ Hùng rất vui.
Bảng điểm tổng kết học kỳ 1 (2011-2012) với kết quả xuất sắc của Hùng.
Sang năm thứ 2 ĐH cũng là thời điểm hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, mẹ không còn mạnh khỏe để làm nên kinh tế gia đình bắt đầu eo hẹp. Hùng cho biết, mắt của mẹ không còn sáng rõ nữa nên công việc nhận may đồ chậm đi, điều đó cũng có nghĩa thu nhập giảm đáng kể và tiền gửi cho con cũng ít dần. Thế nhưng, mẹ của Hùng không chịu nỗi cảnh con trai đi học ĐH kham khổ nên bà quyết định gửi nhà lại nhờ hàng xóm trông giúp rồi lên TPHCM ở với anh của Hùng đang làm công nhân tại đây. Tại TPHCM, mẹ Hùng xin vào giúp việc cho một số quán ăn để kiếm tiền gửi về cho con ăn học.
Chia sẻ với nỗi vất vả của mẹ, ngoài việc học giỏi để có tiền học bổng của trường thì Hùng cũng xin đi làm thêm bên ngoài. Hùng cho biết, em xin được một chân chạy bàn ở một quán cà phê trong nội ô quận Ninh Kiều, làm từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm mỗi ngày, hàng tháng cũng kiếm trên 600.000 đồng để dành dùm chi phí cho bản thân mình. Kiếm được số tiền làm thêm này và số tiền học bổng phần nào đó, Hùng cũng góp phần làm giảm áp lực mưu sinh cho mẹ ở Sài thành.
Vừa học, vừa làm với bao nhiêu khó khăn vất vả, song kết quả học tập của Hùng lại ngày càng cao hơn. Hùng khoe với chúng tôi, học kỳ 1 năm học này em đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Hùng đưa bảng điểm cho chúng tôi xem, một bảng điểm khiến nhiều sinh viên khác phải ước mong.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh (cố vấn học tập lớp của Hùng) không giấu được niềm vui của mình trước kết quả học tập của cậu học trò vượt khó này. Cô Hạnh bày tỏ: "Qua những gì tôi nhìn thấy, quả thật em Hùng là một sinh viên cần cù trong học tập, chịu khó trong cuộc sống, siêng năng trong công việc của mình. Em vừa học, vừa làm Bí thư Chi Đoàn lớp, vừa làm thêm bên ngoài nhưng em biết sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt là điều đáng khâm phục".
Chia sẻ ước mong với chúng tôi, Hùng cho biết, dự định tương lai là em sẽ học xong ĐH với kết quả cao. Sau đó em xin đi dạy rồi có điều kiện sẽ tiếp tục học cao hơn để trao dồi kiến thức cho mình. Chàng giáo viên tương lai cũng chia sẻ mong muốn là sức khỏe của mẹ được tốt. "Mẹ là động lực lớn nhất để em học giỏi và vì tất cả điều này, em mong mẹ sống thật lâu để em được đền đáp công ơn của mẹ" - Hùng tâm sự.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Tân sinh viên từ ngôi nhà côi cút Mẹ của Trần Hoàng Minh mất lúc Minh còn nhỏ. Khi Minh lớn lên, đi học luôn phải nhịn ăn sáng vì không có tiền, chỉ được ăn hai bữa nên thân hình nhỏ bé, còi cọc, thỉnh thoảng bị xỉu. Minh vào trường nội trú tỉnh. Ngôi nhà càng đìu hiu, vì cha phải đi làm thuê xa nhà. Nhưng đó cũng...