Nơi người chết được chôn cùng… rắn độc
Theo nhà sư Quo Xa Toa ở chùa Thác Rác ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh) thì một bộ phận những người Khmer theo dòng Phật giáo Nam tông quan niệm rằng, nếu khi chết đi, được chôn cất cùng một con rắn độc thì linh hồn người chết sẽ được bảo vệ, được che chở trước những thế lực tà đạo.
Quang cảnh một khu vườn mộ kỳ bí của người Khmer.
Không những vậy, người Khmer cũng quan niệm rằng, rắn độc là một loài vô cùng có ích và thân thiện bởi thực tế, rắn thần Naga 9 đầu chính là linh vật được thờ cúng rộng rãi nhất của những cư dân ở đây. Bởi những quan niệm ấy nên có chuyện lạ là khi chết, trong áo quan của người xấu số không thể thiếu sự hiện diện của…rắn độc.
Mai táng cùng rắn độc để linh hồn được bảo vệ
Vượt quãng đường hàng trăm cây số, chúng tôi tới chùa Thác Rác vào một buổi chiều cuối năm. Biên giới những ngày cuối năm lạnh lẽo. Và, sự quạnh quẽ đó càng trở nên ảm đạm khi chúng tôi được nhà sư Quo Xa Toa, 46 tuổi, một người Khmer dẫn đi thăm khu vườn… chôn xác người của cộng đồng người Khmer ở đất này.
Những ngôi mộ đó nằm thành hang dưới bóng cây dầu cổ thụ. Trời u tịch, bóng dầu phủ kín khu vườn đã khiến chúng tôi rờn rợn khi bước vào khu nghĩa địa lạ lùng này.
Nói về phong tục mai táng của dân tộc mình, vị tăng sĩ đã sinh sống hơn 30 năm trong chùa này cho biết: “Trong quan niệm của người Khmer chúng tôi, rắn thần Naga 9 đầu chính là rắn hổ mang chúa và hàng trăm con của Naga chính là thần hộ mệnh để bảo vệ loài người trước những hiểm họa, ngay cả khi người đó đã về thế giới bên kia.
Vì vậy, bất kỳ ai theo đạo Nam tông ở đây chẳng may chết đi, trước khi an táng sẽ được đặt cùng một con rắn độc, có thể là hổ mang, hổ mây, hổ hoành, hổ hèo…
Theo đó, khi gia đình nào có người thân về bên kia thế giới, họ phải tìm kiếm một con rắn càng độc, càng lớn càng tốt. Khi có con rắn rồi, họ phải nhờ các nhà sư trong chùa đến làm lễ, cầu nguyện và giết chết con rắn đó, lấy máu của nó nhỏ vào vách gỗ của chiếc quách chứa tử thi.
Sau khi làm lễ nhập quan cho người quá cố xong, mọi người mới cẩn thận đặt conrắn như một tấm bùa hộ mệnh bên cạnh. Con rắn quấn trong một lớp vải màu đỏ. Khi tất cả những nghi lễ đó xong xuôi thì người chết mới được mang đi chôn cất”.
Theo quan niệm của những người Khmer sống ở đất này thì nếu người nào khi chết được chôn theo rắn độc thì linh hồn người đó sẽ gặp những điều may mắn, sang thế giới bên kia sẽ an nhàn vì có thần rắn bảo vệ.
Những ngôi mộ có chôn rắn độc bên cạnh.
Con rắn độc chôn cùng đó theo quan niệm chính là do thần rắn Naga 9 đầu cử đi cùng người quá cố. Vì thế, trong hàng trăm những ngôi mộ nhỏ bé và cô tịch nằm im lìm dưới bóng những hàng cây kia cũng đều có những “bộ hài cốt của rắn độc” nằm cùng.
Có lẽ, chỉ nghĩ đến cảnh tượng đó thôi đã khiến chúng tôi không khỏi rùng mình kinh hãi vì những tập tục lạ lùng và có phần khác đời này của những người dân nơi đây.
Ngoài ra, trên phần mộ của những người đã chết đó còn có xây dựng, hoặc vẽ một chiếc cầu, là nơi để rắn thần Naga có thể đi về, ban phát cho những linh hồn dưới cõi âm. Đó chính là chiếc cầu Ô Thước âm – dương trong quan niệm của nhà Phật được người Khmer nơi đây cải biên cho phù hợp với nếp sống của mình.
Chia tài sản cho người chết
Ngoài việc chôn cùng rắn độc, người Khmer vùng biên giới này còn có một quan niệm nữa là… chia tài sản cho người quá cố. Theo đó, những người chết sẽ được chia cho đầy đủ các tài sản mà khi sống họ được hưởng, trừ những tài sản thuộc dạng… bất động sản như nhà cửa, đất đai.
Ngoài đồ dùng cá nhân, quần áo thì các vật dụng như cơm gạo, vàng bạc, tiền của… cũng đều được người thân mang đi chôn cùng và coi như đó là việc chia sẻ với người đã chết.
Ngày nay, tục lệ chia tài sản cho người chết ở cộng đồng người Khmer dòng Phật giáo Nam tông vẫn còn nhưng chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Theo đó, phần vì lo ngại những kẻ trộm cắp vô lương tâm sẽ đào trộm quan tài của người xấu số để trộm những tài sản có giá trị nên người ta chỉ chia cho người chết những tài sản ít giá trị, như những đồ dùng cá nhân chứ ít khi chia cho tiền, vàng bạc và những đồ quý giá.
Và, nếu gia đình nào thực sự vẫn còn giữ thói quen đó thì họ sẽ xây ngôi mộ của người thân mình một cách kiên cố, để tránh những ánh mắt dòm ngó của kẻ khác.
Miếu Ông Tà đặt cạnh một gốc cây cổ thụ, nơi đưa đón những linh hồn rắn độc giữa cõi âm.
Chính những tập tục mai táng người quá cố khác thường đã dẫn đến những khu nghĩa trang khác thường của đồng bào Khmer mà tôi đã gặp ở đất này. Nhìn bên ngoài những khu nghĩa địa đó chỉ thấy khu vườn um tùm với những cây dầu cao vút, tỏa bóng xanh mát như hàng ngàn những khu vườn khác.
Tuy nhiên, khi bước vào trong, nhiều người không khỏi lạnh sống lưng vì chẳng có cây ăn trái, chẳng có hoa thơm cỏ lạ gì mà chỉ có là hàng trăm những nấm mồ lớn nhỏ, những lọ tro cốt của tiền nhân đã yên nghỉ dưới lòng đất lạnh. Những ngôi mộ này có thể được xây theo kiểu “vườn treo” thu nhỏ, tức là có 4 hoặc 6 trụ rồi đổ bê-tông đắp bên trên, diện tích chỉ vỏn vẹn chừng 1m2. Sau đó dựng mái, lợp tôn hoặc pờ-rô-xi-măng lên trên và đựng tro cốt người thân trong đó.
Cũng nhiều gia đình thì để tro cốt người thân nằm dưới phần đất, nhà mồ đó chỉ xây để tượng trưng, để chứa hoa trái, đồ cúng, nhang nến. Nhà không có điều kiện không thể xây cất bằng bê tông kiên cố thì dựng tạm bằng những thân cây đóng cố định xuống đất.
Cá biệt, nhiều hũ tro cốt của những người đơn thân, không còn con cháu thì sẽ được gắn thẳng vào… thân cây chứ không chôn xuống đất, hay để trong những vườn treo được kiên cố bằng bê tông.
Mỗi nghĩa địa đều có miếu thờ rắn độc
Khi tôi có ý định thắp nhang cho những người quá cố ở khu vườn mộ lạ kỳ này thì nhà sư Quo Xa Toa ngăn lại. Theo vị tu hành này thì những khách thập phương, những người vô tình ghé qua, không có người thân nằm ở khu vườn mộ này thì chỉ được thắp hương ở khu miếu Ông Tà. Đó là một cái miếu nhỏ, xây kiên cố và luôn luôn xuất hiện ở tất cả các khu vườn mộ.
Miếu Ông Tà được xây dựng cạnh một gốc cây cổ thụ vươn bóng che kín khu vườn. Giải thích về điều này, vị hòa thượng có gương mặt khá từ bi tiếp lời: “Trong khi tất cả các ngôi mộ ở đây hầu hết đều có người thân đến thăm viếng những dịp đặc biệt.
Rắn thần Naga chín đầu linh thiêng của người Khmer.
Khi ấy, những con rắn độc, hậu nhân của rắn thần Naga sẽ không được ai “chăm sóc”, cô độc nằm lại một mình. Chính vì thế, theo quan niệm của người xưa, phải có ngôi miếu để linh hồn rắn độc đó trú ngụ.
Xây miếu Ông Tà dưới tán cây cổ thụ để rắn thần nương thân vì bản thân rắn thần Naga khi xuất hiện cũng luôn ở những gốc cây cổ thụ”.
Trong thời gian lưu lại chùa Thác Rác này, các hòa thượng còn kể cho tôi nghe câu chuyện những đêm trăng sáng, dưới gốc cây cổ thụ, trên đỉnh miếu Ông Tà luôn có hàng trăm linh hồn rắn bay về hội tụ cùng rắn thần Naga sau khi chúng đã hoàn thành sứ mệnh đưa những linh hồn quá cố về thế giới bên kia được viêm mãn.
Mặc dù tính xác thực của câu chuyện vẫn còn cần được kiểm chứng nhưng có một điều chắc chắn rằng, với hơn 400 nấm mồ được chôn ở khu vườn mộ của chùa thì cũng là từng ấy con rắn độc được chôn theo.
Không hiểu sao, cứ nghĩ đến đó là tôi lại có một cảm giác rùng mình, lạnh sống lưng mặc dù các nhà sư đều vui vẻ xác nhận, trong cuộc sống thường ngày, người Khmer đều cho rằng đi ra đường mà gặp rắn bò ngang qua là rất may mắn vì người đó đã được thần rắn Naga để ý, ban phước lành cho.
Theo Gia đình và Cuộc sống
Thổi kèn thôi miên rắn
Cảnh tượng giao tiếp kì lạ với rắn độc của bộ tộc người Ấn Độ khiến du khách không khỏi rợn người.
Tục thôi miên rắn này được truyền dạy cho hầu hết các cư dân trong bộ tộc phía Nam bang Gujarat, đất nước Ấn Độ từ khi họ mới 2 tuổi.
Thông thường, những người đàn ông khi tiến hành nghi lễ này họ để con rắn vào trong những chiếc rọ nhỏ hình tròn được kết bằng các nguyên liệu tự nhiên.
Bộ tộc người Ấn Độ coi rắn giống như vật thần thánh
Họ coi rắn giống như vật thần thánh của mình và bắt đầu tiến hành thổi cho chúng nghe bằng một chiếc khèn.
Để được coi là thành công và có khả năng điều khiển con rắn, biểu hiện rõ rệt nhất đó là những con rắn phải lắc lư theo tiếng khèn của người thổi.
Trong tự nhiên, hầu hết các loài rắn đều khá nhút nhát và chúng tấn công giống như một bản năng để bảo vệ chính mình.
Tục thôi miên rắn được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố rất khắt khe như cách ngồi tạo khoảng cách với con rắn như thế nào cho phù hợp.
Những kinh nghiệm này được truyền dạy từ đời này qua đời khác và mỗi người đều có nghệ thuật thôi miên riêng để không bị những chú rắn độc đó tấn công.
Theo Đất việt
Những tục lệ chào năm mới có '1-0-2' Ở nhiều nước, khoảnh khắc giao thừa trở nên linh thiêng với nhiều tục lệ và truyền thống thú vị. Năm mới đến, cả nhân loại cùng hy vọng về những điều tốt đẹp hơn sẽ tới. Những gì chúng ta làm vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thường được cho là sẽ quyết định may mắn trong...