Nơi lòng tốt lan tỏa
Chương trình tiếp sức mùa thi được xem là nơi lòng tốt lan tỏa khi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Không chỉ các sinh viên tình nguyện mà cho đến các bác xe ôm, người chủ nhà trọ, cô hàng nước…
Nhiều câu chuyện cảm động về tiếp sức trong mùa thi vừa rồi được kể lại tại lễ tổng kết chương trình tiếp sức mùa thi (TSMT) 2012 diễn ra vào chiều 21/7 tại TPHCM.
Gần 700 đại biểu đại diện cho các bạn sinh viên tình nguyện, tình nguyện viên tham gia chiến dịch trong cả nước có mặt tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM không kìm được xúc động khi giao lưu với những tình nguyện viên là xe ôm, chủ nhà trọ, cô hàng nước… góp sức nhỏ của mình hỗ trợ thí sinh về thành phố dự thi.
Vợ chồng chú Thạch Ngọc Khanh và cô Võ Thị Nguyệt (giữa) nhiều năm nay chạy xe ôm, mở quán nước phục vụ thí sinh tại bến xe miền Đông.
Vợ chồng chú Thạch Ngọc Khanh, cô Võ Thị Nguyệt đã nhiều năm nay là tình nguyện tích cực hỗ trợ thí sinh tại bến xe miền Đông. Quán nước của cô Nguyệt ở cạnh bến xe là nơi trú chân, nghỉ ngơi, gửi đồ đạc và uống nước miễn phí, giá rẻ cho thí sinh, người nhà khi vừa đặt chân xuống bến xe.
Trước đây, cô Nguyệt cũng đã có 15 năm chạy xe ôm cùng chồng tích cực hỗ trợ thí sinh trong việc đi lại. Cảm kích tấm lòng của đôi vợ chồng nghèo, ban quản lý bến xe miền Đông đã tạo điều kiện cho cô Nguyệt mở quán nước ở khu vực bến xe. Cũng quá “mê” các bạn sinh viên mà cô Nguyệt đặt luôn tên quán nước của mình là quán Sinh Viên.
“Mỗi năm khi mùa thi đến, các bạn SVTN lại gọi “Má Nguyệt ơi, hỗ trợ chúng con nhé!” là tôi háo hức, chờ đợi từng ngày. Sinh viên chính là tương lai của đất nước, mình không có tiền thì hỗ trợ bằng sức”, cô Nguyệt chia sẻ.
Video đang HOT
SVTN phân luồng, hỗ trợ thí sinh trong đợt 1 thi ĐH năm 2012.
Đồng lòng cùng vợ, nhiều năm nay, khi mùa thi về, chú Thạch Ngọc Khanh lại lên cùng cấp danh sách đội xe ôm có thể chạy miễn phí, giá trẻ cho các bạn SVTN để hỗ trợ thí sinh. Nhiều quãng đường hàng chục cây số, chú Khanh chỉ lấy tượng trưng 10 – 15.000 đồng. Thậm chí, không chỉ chở miễn phí cho học trò nghèo, nhiều khi chú còn đi mua, xin cơm cho các thí sinh.
Chỗ ở không hề rộng rãi, chỉ đủ cho hai mẹ con, nhưng 12 năm nay, cô Võ Thị Như Hòa vẫn đón hàng trăm lượt thí sinh đến ở trọ. “Nhà mình chật chội nhưng vẫn có chỗ cho thí sinh vì nhờ trong nhà không có vật dụng gì. Tôi là người mẹ, hiểu rằng nuôi con rất vất vả nên giúp được phụ huynh tiết kiệm được đồng nào thì tốt đồng đó, còn dành tiền cho con ăn học”, cô Hòa tâm tư.
Năm nào các bạn SVTN liên lạc để đặt chỗ muộn, cô Hòa lập tức chủ động gọi điện hỏi han: “ Sao năm nay chậm thế con ơi, má nóng lòng lắm rồi!”.
Lòng tốt không ngừng lan tỏa qua các chương trình TSMT.
Bên cạnh đó cần kể để hàng ngàn SVTN đã dành thời gian ngày hè quý báu có thể làm thêm kiếm tiền hay nghỉ ngơi để tiếp sức cho thế hệ đàn em. Mỗi SVTN là một câu chuyện, một tấm gương cũng như đủ tình huốn có thể gặp phải nhưng họ tìm được niềm vui chung khi chia sẻ được khó khăn cho thí sinh và người nhà về dự thi.
Chương trình TSMT 2012 với thông điệp “Hãy tự tin. Chúng tôi đi cùng bạn” có lẽ là một trong những chiến dịch tình nguyện đón nhận nhiều tấm lòng nhất. Lòng tốt vẫn không ngừng lan tỏa qua mỗi năm, tăng về số lượng lẫn chất lượng tiếp sức.
Một số kết quả của chương trình Tiếp sức mùa thi 2012: – 670.733 thí sinh và người nhà được hỗ trợ. – 17.530 thanh niên, SVTN được tổ chức thành 997 đội tham gia TSMT 2012 trên 12 tỉnh thành trong cả nước. – 47.414 chỗ trọ miễn phí, 210.960 chỗ trọ giá rẻ được giới thiệu đến thí sinh và phụ huynh. – 301.156 cẩm nang tư vấn và 667.888 bản đồ được phát miễn phí. – 111.012 suất ăn miễn phí được cung cấp cho thí sinh, phụ huynh trong cả mùa thi.
Hoài Nam
Theo dân trí
'Bắt lỗi' sinh viên tình nguyện mùa tuyển sinh
Chỉ sai đường, sai trường, sai quận, chưa nhạy bén, chính xác trong công việc tiếp sức mùa thi, nhiều chiến sĩ áo xanh tình nguyện vô tình "làm khó" sĩ tử cùng người nhà khi lai kinh ứng thí.
Để trở thành "chiến sĩ", sinh viên phải trải qua các buổi tập huấn về kĩ năng tìm nhà trọ giá rẻ, kĩ năng hỗ trợ sĩ tử và người nhà trong việc tìm đường đến điểm thi. Tuy nhiên không ít trong số đó vẫn tỏ ra thiếu kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là vào những thời khắc "dầu sôi lửa bỏng" nhất. Trải qua đợt thi đầu tiên, nhiều sĩ tử đã được một phen hoảng hồn vì sự cố mang tên "chỉ đường" của các chiến sĩ.
Ngồi trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 6m2 ở đường Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức, khuôn mặt cô Bình (quê Kon Tum) vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố con trai trễ thi. Cô kể, sáng 4/7, hai mẹ con cô ra khu vực ĐH Sư phạm kĩ thuật để đón xe buýt đến điểm thi trường ĐH Bách Khoa (Q.10). Một phần vì không có bà con ở thành phố, phần khác lại không rành đường sá nên cô hỏi các em tiếp sức mùa thi ở khu vực này.
Nhiệt tình, năng nổ có thừa, song đôi khi các sinh viên tình nguyện chưa nhạy bén, chính xác và nắm vững thông tin lại làm khó cho sĩ tử cùng người nhà. Ảnh minh họa.
Một trong số đó hướng dẫn cô đi xe buýt số 50 để đến điểm thi. Chờ hơn 30 phút không thấy xe, cô hỏi lại cho chắc chắn thì được một em khác khẳng định: "Chỉ có xe số 50 mới tới trường ĐH Bách Khoa, cô ráng chờ thêm chút nữa". Sốt ruột, cô Bình hỏi thêm một xe ôm gần đó thì được biết xe số 50 không hoạt động trong hè nên phải đi xe số 8 mới đến được điểm thi. Biết là đã nhầm, cô phải thuê xe ôm với giá 150.000 đồng để đưa cháu tới điểm thi cho nhanh. Nhưng cuối cùng cũng trễ 15 phút.
Ngoài việc chỉ đường sai, nhiều chiến sĩ tình nguyện còn vấp phải một lỗi cơ bản khác là chưa thuộc sơ đồ khu vực thi. Bởi thế, nhiều trường hợp dù chiến sĩ rất "nhiệt tình" dẫn đường chỉ lối nhưng cũng không nhận được bất kì một lời cảm ơn nào từ phụ huynh.
Khánh Vân (SV trường ĐH KHXH&NV) cho hay: "Đợt rồi mình đưa em đi thi ở điểm thi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, có một bạn tình nguyện đưa mình và em gái đến tận phòng thi. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu "chiến sĩ" này không chỉ sai khu vực thi. Theo sơ đồ thi và những gì Vân biết, thì em gái thi ở khu B, nhưng chiến sĩ này lại khăng khăng là khu A. Lòng vòng một hồi và không tìm ra bất cứ phòng thi nào tương ứng như trên giấy báo, chiến sĩ này mới buông một câu: "Xin lỗi, mình nhầm" làm hai chị em mình phải vắt chân mà chạy qua tìm phòng bên khu B. "Nếu mình là người không nhanh nhạy thì rất có thể đã bị trễ thi", Vân kể.
Không đến mức bị trễ thi, nhưng nhiều phụ huynh và sĩ tử đã phải đau đầu không kém vì bị chiến sĩ chỉ sai trường dẫn đến tốn kém về cả tiền bạc lẫn công sức.
Bác Thanh (quê Lâm Đồng) cho biết: "Vừa xuống bến xe Miền Đông, tôi được các em tình nguyện hướng dẫn nhiệt tình về việc tìm đường đến khu vục thi. Nhưng cũng không vì thế mà tránh được sai sót". Theo thông tin ghi trên giấy báo, con trai bác Thanh vào ĐH Ngân hàng tại Hội đồng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7). Tuy nhiên, sau khi xem xét thông tin thì các chiến sĩ tình nguyện lại khăng khăng: "Q.7 không có Trường THPT Lê Thánh Tôn mà chỉ có Trường THCS Lê Thánh Tôn". Sau một hồi đôi co, bác Thanh quyết định gọi cho tổng đài 1080 để xác minh lại địa chỉ và nhận được câu trả lời trùng khớp với thông tin ghi trên giấy báo thi.
Một số trường hợp dù biết sai nhưng chiến sĩ vẫn "cãi bướng" với người nhà sĩ tử. Cô Bốn (quê Đồng Nai) chia sẻ, con cô thi ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Q.4, trong giấy báo cũng ghi rõ ràng như vậy. Thế nhưng các chiến sĩ tại bến xe Miền Tây lại khẳng định ĐH Nguyễn Tất Thành nằm ở Q.7 khiến cô và con gái phải một phen lao đao trong việc đi tìm trường. Đó là chưa kể đến việc phải tốn cả trăm ngàn để chi cho xe ôm trong việc đi lại.
Dù đã được trải qua những đợt xét duyệt khá kĩ càng nhưng nhiều chiến sĩ "Tiếp sức mùa thi" vẫn chưa thật sự nhạy bén và chính xác trong công việc tình nguyện. Đó là chưa kể đến những chiến sĩ mới chập chững xong năm thứ nhất đại học. Vấn đề đường sá chưa thông thạo và nhiều lúc còn mơ hồ trong việc hướng dẫn tìm đường, tìm trường cho các bậc phụ huynh.
Theo Vietnamnet
10 năm cho sĩ tử ở trọ, ăn cơm miễn phí Nhà cô Hòa đạt "chuẩn" nghèo nhưng đến mùa thi là cưu mang miễn phí 5-7 sĩ tử, phụ huynh chú Anh thì ngoài chỗ ở, còn lo cơm nước, tối đến "lùa" 20 sĩ tử học bài. Những ngày này, hàng trăm ngàn sĩ tử đã đổ về thành phố để chuẩn bị bước vào đợt 1 của kỳ thi ĐH, CĐ...