‘Nới lỏng’ quy định về sử dụng điện thoại trong giờ học: Cần định hướng học sinh đúng mục đích
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, có nhiều nội dung mới phù hợp với xu thế phát triển.
Đáng chú ý, tại mục 4, Điều 37 về “các hành vi học sinh không được làm” có nội dung “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, nếu được giáo viên cho phép và phục vụ mục đích học tập, học sinh được phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Quy định này đã “nới lỏng” việc sử dụng điện thoại trong giờ học so với trước.
‘Nới lỏng’ quy định về sử dụng điện thoại trong giờ học. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đã nhận được sự quan tâm lớn của xã hội và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, phục vụ học tập, nhà trường cần có quy chế rõ ràng để kiểm soát và định hướng học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, giúp nâng cao hiệu quả học tập. Nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy học sinh lạm dụng sử dụng điện thoại mà sao nhãng việc học.
Là phụ huynh của 2 học sinh, chị Nguyễn Thị Phượng (quận Thủ Đức) cho rằng, các em thường rất hào hứng, thậm chí rất dễ “nghiện” điện thoại, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Trong giờ học, những vấn đề chưa biết, chưa hiểu, thay vì tập trung suy nghĩ thì các em lập tức tra cứu thông tin trên mạng, dẫn đến lười tư duy và trở nên thụ động.
Hay thay vì tập trung nghe cô giảng bài thì các em lại sử dụng điện thoại để nhắn tin, nói chuyện với nhau và không phải lúc nào giáo viên cũng có thể kiểm soát tốt việc này. “Cần thiết thay đổi phương pháp dạy và học cho phù hợp với thời đại, tuy nhiên phương pháp đó phải tránh tạo ra sự thụ động cho học sinh. Là mẹ có 2 con khá “nghiện” điện thoại, tôi thực sự lo lắng khi nhà trường cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp học” – chị Phượng bày tỏ.
Ủng hộ việc sử dụng thiết bị thông minh vào hoạt động dạy và học, thầy Lê Quang Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương (Quận 5) cho rằng, phải có định hướng để học sinh sử dụng, khai thác hiệu quả các tiện ích của thiết bị vào việc học. Thực tế, lứa tuổi học sinh dễ bị lôi cuốn vào game, mạng xã hội, dễ bị sao nhãng việc học.
Video đang HOT
Thông tư 32 cũng quy định rõ chỉ khi nào thầy, cô giáo cho phép, học sinh mới được sử dụng điện thoại trong giờ học, phục vụ cho việc học tập, do vậy giáo viên kiểm soát việc này cũng không khó khăn. Điều quan trọng là học sinh phải biết tự kiểm soát, sử dụng điện thoại đúng mục đích mới mang lại hiệu quả cho việc học tập của mình.
“Muốn sử dụng thiết bị thông minh, chúng ta phải làm chủ thiết bị, chứ không phải ngược lại. Thiết bị thông minh không phải để tra cứu kiến thức cơ bản, bởi các kiến thức này đều đã có trong sách giáo khoa. Các thiết bị thông minh nên được sử dụng để khai thác, tìm kiếm thông tin, kiến thức nâng cao, chuyên sâu phục vụ cho việc thực hiện dự án học tập hay hoạt động làm việc nhóm của học sinh” – thầy Lê Quang Huy chia sẻ.
Theo cô Lê Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn An Ninh (Quận 10), thời gian qua, nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, giờ học. Tuy nhiên, với một số môn cần thiết, như tiếng Anh, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu có sự cho phép của giáo viên, giúp nâng cao hiệu quả dạy và học.
Từ kinh nghiệm thực tế, điều quan trọng nhất là học sinh phải biết tự kiểm soát việc sử dụng điện thoại vào mục đích tích cực. Vì vậy, nhà trường cần giúp học sinh trang bị các kỹ năng cần thiết, như quản lý bản thân, để các em hiểu được điều gì nên làm và không nên làm. Cùng với đó, giáo viên cần hướng dẫn, định hướng để học sinh sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh tra cứu thông tin một cách hiệu quả. Giáo viên cũng cần tự nâng cao kỹ năng quản lý trong giờ học, để có thể kiểm soát, hỗ trợ học sinh tốt nhất.
Ở góc độ quản lý, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước khi Thông tư 32 được ban hành, ngành Giáo dục thành phố cũng không cấm học sinh sử dụng điện thoại hay trang thiết bị nói chung phục vụ việc dạy và học trong giờ học.
Việc cho phép sử dụng, quản lý và phát huy hiệu quả của việc sử dụng điện thoại trong giờ học là quyền và trách nhiệm của mỗi nhà trường, đặc biệt là mỗi thầy giáo, cô giáo. Thực tế thời gian qua, nhiều giáo viên bộ môn đã cho học sinh sử dụng điện thoại trong một số giờ học, bài học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, giáo viên phải xây dựng kế hoạch bài giảng, định hướng học sinh sử dụng các thiết bị di động để tìm kiếm, khai thác các thông tin chính thống phục vụ cho bài học.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Quy định trong Thông tư 32 là hướng “mở” phù hợp với thực tế hiện nay, giúp giáo viên, học sinh có cơ sở để sử dụng, khai thác các thiết bị di động cho việc dạy và học trong giờ học. Theo Thông tư này, việc sử dụng điện thoại trong giờ học của học sinh không phải là sử dụng tùy tiện mà phải được sự cho phép của giáo viên bộ môn và phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học.
Sử dụng điện thoại để phục vụ học tập: Nên hướng dẫn kỹ năng
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm phục vụ việc học tập khi được sự cho phép của giáo viên.
Quy định này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các biện pháp quản lý phù hợp, tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng điện thoại.
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm phục vụ việc học tập.
Bà Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm):
Giáo viên phải làm tốt việc bao quát lớp
Nếu thiếu phương pháp quản lý hiệu quả thì cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ bất lợi vì ảnh hưởng đến việc học tập. Do vậy, phải có quy định cụ thể thời gian nào học sinh được sử dụng điện thoại để tra cứu, tìm kiếm nội dung phục vụ học tập. Đơn cử, khi sử dụng điện thoại trong giờ học nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, thường từ 4 đến 6 học sinh, để giáo viên dễ dàng kiểm soát việc sử dụng điện thoại của các em. Khi thảo luận, thầy cô cũng cần quy định thời gian dùng điện thoại cụ thể, khoảng 10-15 phút, nhằm hạn chế việc các em rảnh rỗi, làm việc riêng. Khi hết thời gian, các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, đồng thời cất điện thoại. Nhà trường cũng cần xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học. Bên cạnh đó, giáo viên phải làm tốt việc bao quát lớp, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, từ đó giúp các em dần hình thành thói quen tốt.
Ông Nguyễn Khắc Thuật, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa):
Cần xây dựng quy định cụ thể về việc học sinh được sử dụng điện thoại
Thực tế cho thấy, từ khi có dịch Covid-19, học sinh phải làm quen với phương pháp học trực tuyến. Do đó, theo tôi việc sử dụng điện thoại thông minh phục vụ học tập là rất hữu ích. Tuy nhiên, cũng còn nhiều học sinh chưa ý thức, vẫn dùng điện thoại để vào mạng xã hội, chơi điện tử trong giờ học, do vậy, cần phải có phương pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát học sinh, đồng thời phổ biến kỹ năng sử dụng điện thoại, ứng dụng công nghệ vào việc học tập cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường, phụ huynh thường xuyên cảnh báo về việc lạm dụng điện thoại sẽ nguy hại như thế nào cả về thể chất lẫn tinh thần đối với giới trẻ. Theo tôi, căn cứ vào Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành, các nhà trường cần xây dựng những nội quy, quy định cụ thể về việc học sinh được sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học một cách hiệu quả nhất.
Bà Hoàng Thị Mận, giáo viên tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy):
Phù hợp xu hướng dạy và học mới
Chiếc điện thoại thông minh sẽ là công cụ học tập hữu hiệu, giúp các em tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức từ các bài giảng, sách giáo khoa; giúp học sinh ghi âm lại các bài giảng trên lớp, chụp lại các bài kiểm tra để rút kinh nghiệm hoặc tự kiểm tra trình độ... Do đó, thực hiện Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, bản thân giáo viên phải tự trau dồi, cập nhật và mở rộng kiến thức; tăng cường tương tác giữa thầy và trò trong giờ học. Theo tôi, nếu quản lý bằng cách bố trí hộp cất giữ điện thoại trong từng lớp học, tạo cho các em thói quen mỗi khi đến lớp đưa điện thoại về chế độ im lặng, cất vào đúng nơi quy định, chỉ sử dụng khi giáo viên cho phép... thì việc sử dụng điện thoại chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp xu hướng dạy và học mới.
Bà Hoàng Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên):
Hướng dẫn học sinh tìm kiếm, sàng lọc kiến thức khi sử dụng điện thoại
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới, trong đó một nội dung quan trọng là thay đổi phương pháp dạy và học, từ truyền thụ kiến thức sang giáo viên dạy học sinh cách học. Theo đó, quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ góp phần thực hiện tốt những đổi mới này. Song, bên cạnh những mặt lợi, điện thoại thông minh rất dễ "gây nghiện" cho người sử dụng, nhất là lứa tuổi học sinh. Do đó, chúng tôi rất mong các nhà trường có biện pháp quản lý hiệu quả việc học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học. Đồng thời tăng cường hướng dẫn học sinh tìm kiếm, sàng lọc, kiến thức tìm được trên mạng, cách phòng, chống tin giả ra sao, bảo vệ những thông tin riêng tư của mình trên thế giới ảo như thế nào... Khi việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường được Ban Giám hiệu, các giáo viên quan tâm, chú trọng để bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích thì phụ huynh không có gì đáng phải lo lắng.
Cho học sinh dùng điện thoại: Cần hướng dẫn cụ thể hơn Với quy định mới cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng, phải có hướng dẫn cụ thể hơn, nếu không sẽ làm khó các trường. Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học, thầy cô khó kiểm soát? Tin tưởng mới giao điện thoại cho con Điều 37,...