Nỗi lòng ‘biết tỏ cùng ai’ của thầy cô dạy Sử
Theo dự đoán, kỳ thi tốt nghiệp năm nay, sẽ có rất ít thí sinh lựa chọn môn Sử. Điều này đã khiến nhiều thầy cô tâm huyết với môn học này chạnh lòng.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014, theo đó thí sinh chỉ còn phải thi 4 môn. Ngoài Văn và Toán là 2 môn bắt buộc, 2 môn còn lại thí sinh được tự do lựa chọn trong các môn gồm: Vật lý, Sinh học, Hóa học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.
Đây là tin vui đối với nhiều sĩ tử bởi gánh nặng thi tốt nghiệp đã được giảm nhẹ hơn so với các năm trước nhưng lại là tin buồn đối với các thầy cô giáo dạy Sử. Bởi ai cũng hiểu được rằng khi Lịch sử chỉ là một môn thi tự chọn thì chắc chắn… sẽ không có nhiều sĩ tử “dám” lựa chọn thi môn học vốn từ lâu đã không được yêu thích này. Theo chia sẻ mới đây của thầy giáo Văn Như Cương thì học sinh tại trường Lương Thế Vinh Hà Nội đã đăng ký xong môn thi tự chọn và… không có học sinh nào lựa chọn thi môn Sử.
Trải lòng về điều này, thầy giáo-ThS Trần Trung Hiếu – giáo viên dạy Sử của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Bộ GD&ĐT quyết định 4 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 trong đó Lịch Sử không phải là môn thi bắt buộc, đối với giáo viên Sử bậc học THPT thì đó là một thông tin không vui. Vì vị thế, vai trò của bộ môn này vẫn không được đánh giá đúng mức trong các môn học ở trường phổ thông. Dù đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học Lịch Sử, nhưng rốt cuộc, môn Sử vẫn không phải là môn thi bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi thật sự cảm thấy buồn!”
Thầy Trần Trung Hiếu
Thầy Hiếu cho biết thêm: “Chắc chắn sẽ không có nhiều học sinh lựa chọn thi môn Sử vì từ lâu nay, đây là một môn thi mà học sinh rất “ngán”, sợ những kiến thức phải học với những số liệu, ngày tháng năm… phức tạp, khó nhớ. Đó là điều đáng buồn hơn đối với những giáo viên dạy Sử như tôi.
Tựu trung lại, Lịch Sử vẫn là môn học quan trọng nhưng lại không được chú trọng đúng mức. Đáng lo nhất là điều này đã tạo nên một thói quen “mặc định” trong tư duy của thế hệ trẻ về kiểu “ứng thí”, không thi thì không học ngay từ khi còn ở bậc phổ thông”.
Cô Trịnh Thị Hường – giáo viên dạy Sử nhiều kinh nghiệm của trường THPT Chuyên Lam Sơn cũng tiết lộ, ở trường chuyên Lam Sơn mà cô đang giảng dạy, thì chính các em học sinh chọn thi ĐH khối C cũng đang băn khoăn không biết lựa chọn thi Sử hay không. Theo tâm sự của nhiều em, thì các em muốn lựa chọn môn thi trắc nghiệm như Lý, Sinh hay tiếng Anh vì không phải tập trung học nhiều nhưng vẫn có khả năng được điểm cao. Không phải các em không yêu môn Sử mà vì môn Sử vốn có khối lượng kiến thức khá khổng lồ, nhiều sự kiện, dữ liệu khó nhớ, lại là môn thi tự luận nên các em phải dồn sức học nhiều mà chưa chắc điểm đã cao.
Video đang HOT
Cô giáo Trịnh Thị Hường
Cũng theo tâm sự của cô Hường, sau khi biết tin Bộ Giáo dục quyết định phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó Sử chỉ là môn tự chọn, cô cũng cảm thấy hơi buồn. Các giáo viên dạy Sử như cô đã ngậm ngùi nói đùa với nhau rằng: “Bộ Giáo dục đã… bắn một viên đại bác vào môn Sử”
Như vậy, với việc duy trì phương án tuyển sinh như trên bắt đầu từ năm nay thì không khó để dự đoán sẽ không còn nhiều học sinh chú trọng học môn Sử, trừ một bộ phận rất nhỏ các học sinh lựa chọn thi ĐH khối C. Bởi học sinh hiện nay rất… thực tế, không thi thì không học! Điều này liệu có làm môn Sử bị quay lưng và lịch sử dân tộc có bị rơi vào quên lãng? Đây là câu hỏi mà không ít người tâm huyết với lịch sử đang băn khoăn, trăn trở.
Theo TTVN
Hiếm học sinh chọn thi môn sử
Thăm dò ở một số trường THPT về việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh đã cho kết quả đúng như dự đoán và khảo sát của Báo Thanh Niên vào đầu năm nay: môn sử ít học sinh lựa chọn nhất.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) trong giờ học sử. Đây là môn dự đoán rất ít học sinh chọn thi tốt nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đến thời điểm này, dù Sở GD-ĐT Hà Nội và TP.HCM chưa yêu cầu các trường cho học sinh (HS) thử đăng ký môn thi tự chọn nhưng một số trường đã bắt đầu làm việc này để thăm dò nguyện vọng của HS và có kế hoạch ôn thi phù hợp.
Ghi nhận của Thanh Niên ở một số trường THPT cho thấy, dù không rơi vào tình trạng "trắng" HS chọn sử như Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhưng cũng chưa thấy ở trường nào môn sử không về cuối trong số môn HS đăng ký dự thi.
Môn lý đứng đầu
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên, Hà Nội), cho biết: "Trong tổng số 662 HS thì có 410 em chọn môn lý, 336 ngoại ngữ, 306 chọn hóa, 183 chọn địa và 67 chọn môn sinh. Môn lịch sử có 20 em". Bà Hương cho hay: "Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với việc chọn ban và khối thi ĐH của HS. HS phần lớn thi khối A, khối D và khối A1 nên những môn tự chọn để thi tốt nghiệp chính là những môn thi ĐH của các em".
Tương tự, ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông tin: "Môn có nhiều HS lựa chọn nhất là vật lý với 2/3 HS chọn, tiếp đến là môn hóa rồi đến môn ngoại ngữ, địa, sinh. Cuối cùng là môn lịch sử với khoảng hơn 10 HS".
Nhiều HS chọn môn lý cũng là điều dễ hiểu vì thí sinh thi ĐH khối A thường chiếm số lượng áp đảo. HS thi khối A ĐH thì trong kỳ thi tốt nghiệp ngoài môn toán, văn là môn bắt buộc thường chọn thêm hai môn lý, hóa.
Chọn môn theo khối thi ĐH
Tình hình ở TP.HCM cũng tương tự như Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), cho biết: "Trường phân hóa lớp theo khối thi ĐH mà HS đăng ký từ lớp 10. Hiện nhà trường có lớp khối A, B, D, A1 còn khối C không tổ chức được do lúc đó HS đăng ký rất ít, không đủ lớp. Vì vậy, khi được chọn, đương nhiên các em sẽ chọn theo khối thi ĐH, là thế mạnh của mình".
Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) cũng thống kê ý kiến gần 2.000 HS lớp 12 về môn thi tốt nghiệp. "HS đăng ký các môn theo tỷ lệ dẫn đầu là môn lý với hơn 40%, hóa và tiếng Anh khoảng 20% đến 30%, sinh 5%. Còn hai môn sử và địa thì chưa thống kê đầy đủ, nhưng 3/5 cơ sở không có HS đăng ký 2 môn này", bà Nguyễn Yên Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường, nói.
Trường THPT dân lập Trí Đức (Q.Tân Phú) có 300 HS lớp 12. Trong đó có 292 HS đăng ký môn hóa, tiếp theo là lý (167), địa (124), tiếng Anh (91), sinh (69) và lịch sử (16). Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường này, nhận xét: "Do ít HS dự thi các ngành khoa học xã hội nên các môn này ít HS đăng ký".
Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học thực hành Sư phạm (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho hay trường mới phát phiếu cho HS đăng ký vào sáng 3.3, đến hết tuần này, trường mới thu lại, nhưng nhìn chung, HS đăng ký môn tự chọn là môn thi đại học. Ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9) thông tin theo thống kê tạm thời, phần đông HS chọn môn thi tốt nghiệp trùng với các môn thi ĐH.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Q.Đống Đa (Hà Nội) nhận định nếu theo xu hướng chung thì chắc môn lịch sử sẽ là môn ít HS thi vì cả trường không HS nào theo học ban khoa học xã hội và nhân văn.
Trùng với khảo sát của Thanh Niên
Trong ba ngày 4, 6 và 7.1, Báo Thanh Niên thực hiện khảo sát 585 HS lớp 12 các trường THPT Long Trường (Q.9), Nguyễn Văn Linh (Q.8), THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3),THPT Bùi Thị Xuân và THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5). Với yêu cầu HS chọn không quá 3 trong 6 môn (lý, hóa, sinh, địa, sử, ngoại ngữ) là môn tự chọn, chúng tôi có kết quả lần lượt như sau: 23,38%, 21,87%, 15,17%, 13,67%, 9,09% và 16,8%. HS chọn môn lý nhiều nhất vì môn này nằm trong 2 khối thi A và A1 và rất nhiều trường ĐH tuyển sinh 2 khối này. Môn hóa nằm trong khối thi A và B nên cũng nhiều HS lựa chọn vì số HS thi ĐH 2 khối này hằng năm khá cao. Dù sử và địa trong khối C thi ĐH nhưng HS chọn môn sử ít hơn. Điều này một lần nữa chứng tỏ, với HS, môn sử hiện nay khó học và chưa hấp dẫn.
Khảo sát này không khác với ghi nhận ở các trường hiện nay.
Ý kiến
Môn hóa, địa dễ "ăn" điểm
"Với HS thi khối D thì lựa chọn môn hóa và môn địa lý đều dễ "ăn" điểm. Môn hóa thi theo hình thức trắc nghiệm mà mọi năm đề thi môn hóa tốt nghiệp THPT rất dễ. Còn môn địa do cho phép sử dụng atlat nên cũng không khó để đạt điểm trung bình. Trong khi đó, môn lịch sử lại thi theo hình thức tự luận, thời gian thi cũng dài hơn so với môn thi trắc nghiệm tới 30 phút".
Một HS Trường THPT Kim Liên - Hà Nội
Không phải vì ghét và dốt mà là sợ
"Sở dĩ em và các bạn không chọn môn sử không phải vì ghét hoặc dốt môn này đâu nhưng đúng là chúng em rất "sợ" cách học và thi lịch sử như hiện nay với quá nhiều sự kiện, con số quá nặng nề cần phải học thuộc. Không thi môn sử cũng có nghĩa chúng em không phải ôm sách để học thuộc và không còn nghĩ cách làm sao quay cóp được nữa".
Một HS Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội
Theo TNO
Thành lập Học viện Chính trị Công an nhân dân Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Học viện Chính trị Công an nhân dân. Sắp tới sẽ có Học viện Chính trị Công an nhân dân (Ảnh: Hồng Phú) Ngày 1/3, Thủ tướng chính phủ vừa ban hành quyết định thành lập học viện Chính trị Công an Nhân dân xét theo đề nghị của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm...