Nỗi lo về Huawei giảm bớt, chứng khoán Mỹ tăng điểm
Cổ phiếu công nghệ giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm nới trừng phạt công ty Trung Quốc Huawei. Động thái của Washington giúp giải tỏa bớt nỗi lo của giới đầu tư về sức ép đối với lợi nhuận tương lai của các công ty công nghệ.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Trong phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu các hãng sản xuất con chip, trong đó có nhiều hãng là nhà cung cấp của Huawei, bị bán tháo do ảnh hưởng của lệnh cấm mà Mỹ đưa ra đối với Huawei vào tuần trước. Tuy nhiên, vào cuối ngày thứ Hai, Chính phủ Mỹ cấp cho Huawei một giấy phép tạm thời để tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ cho tới ngày 19/8.
Nhờ đó, áp lực bán đối với cổ phiếu con chip cũng dịu đi trong phiên ngày thứ Ba. Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index, một thước đo giá cổ phiếu con chip tăng 2,1%, kết thúc chuỗi ba phiên giảm trước đó.
Cổ phiếu của các nhà cung cấp Mỹ lớn của Huawei, gồm Intel, Qualcomm, Xilin và Broadcom đồng loạt tăng từ 1-4,6%.
Toàn nhóm công nghệ tăng 1,2%, trở thành cú huých tăng điểm mạnh nhất của chỉ số S&P 500.
Video đang HOT
“Nhóm này đã khốn đốn mấy ngày qua, nhưng phiên này áp lực đã giải tỏa”, chiến lược gia Keith Lerner thuộc SunTrust Advisory Services nhận định. “Vụ Huawei đã phủ một đám mây lớn lên ngành công nghệ. Có rất nhiều công ty có mối quan hệ với Huawei”.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,77%, đạt 25.877,33 điểm. S&P 500 tăng 0,85%, đạt 2.864,36 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,08%, đạt 7.785,72 điểm.
Dù hồi phục phiên này, S&P 500 vẫn đang trên đà hoàn tất tháng giảm đầu tiên trong năm nay. Chỉ số hiện giảm khoảng 3% so với mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào hôm 1/5, do nỗi lo gia tăng về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, duy nhất chỉ có nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu giảm phiên ngày thứ Ba, với mức giảm 0,3%.
Cổ phiếu hợp Kohl’s và JC Penny sụt giảm tương ứng 12,3% và 7% sau khi hai công ty bách hóa tổng hợp báo kết quả kinh doanh quý 1 không đạt kỳ vọng.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp gần 3,6 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,3 lần.
Có tổng cộng 6,09 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên các sàn giao dịch ở Mỹ phiên này, so với mức trung bình 6,97 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Nhà đầu tư lo vụ Huawei, chứng khoán Mỹ sụt điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi các hạn chế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt ra đối với công ty Trung Quốc Huawei gây sức ép lên các cổ phiếu công nghệ và đặt ra nguy cơ thổi bùng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Sau khi Nhà Trắng đưa Huawei vào một "danh sách đen" về thương mại vào tuần trước, nhiều công ty Mỹ đã dừng hoặc cắt giảm quan hệ kinh doanh đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Alphabet, công ty mẹ của Google, đã dừng cung cấp các ứng dụng và dịch vụ độc quyền cho Huawei. Công ty sản xuất linh kiện điện thoại di động Lumentum tuyên bố đã tạm ngưng việc bán hàng cho Huawei.
Loạt công ty sản xuất con chip lớn của Mỹ, gồm Intel, Qualcomm, Xilin, và Broadcom đều dừng cung cấp cho Huawei.
Cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 giảm 1,75% trong phiên đầu tuần, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành. Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index, một thước đo giá cổ phiếu các nhà sản xuất con chip, sụt 4%, xuống mức thấp nhất 2 tháng.
Giá cổ phiếu Apple trượt 3,1%, trở thành một trong những cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất lên các chỉ số chính của Phố Wall. "Táo khuyết" chịu sức ép lớn sau khi ngân hàng HSBC cảnh báo rằng giá sản phẩm Apple có thể tăng cao sau đợt tăng thuế quan mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, gây ra những "hậu quả tiêu cực" về nhu cầu.
"Rủi ro chính trị giờ đã trở thành một rủi ro kinh doanh", nhà quản lý danh mục cấp cao Chad Morganlander thuộc Washington Crossing Advisors nhận xét. "Điều này có thể ảnh hưởng mạnh đến kỳ vọng lợi nhuận của nhiều công ty công nghệ lớn".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,33%, còn 25.679,9 điểm. S&P 500 giảm 0,67%, còn 2.840,23 điểm. Chỉ số Nasadaq giảm 1,46%, còn 7.702,38 điểm.
Sau khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực bán ra do mối lo ngày càng lớn về một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài. S&P 500 hiện đang trên đà hoàn tất tháng giảm tệ nhất kể từ đợt bán tháo hồi tháng 12 năm ngoái. Hiện chỉ số này đã mất 4% so với mức kỷ lục.
"Chiến tranh thương mại càng kéo dài lại càng leo thang", nhà quản lý danh mục Matt Watson thuộc James Investment Research nhận xét. "Chúng tôi sẽ không mua nhiều cổ phiếu vào thời điểm này".
Trong số những cổ phiếu tăng phiên này, có Sprint tăng 18,8% và T-Mobile tăng 3,9%. Hai cổ phiếu này tăng mạnh sau khi Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Ajit Pai ủng hộ việc sáp nhập hai nhà mạng viễn thông.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,03 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,81 lần.
Có tổng cộng 6,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,01 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Nỗi lo thương mại gia tăng, chứng khoán Mỹ giảm điểm Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi căng thẳng thương mại tiếp diễn kéo tụt cổ phiếu công nghiệp và công nghệ. Trong đó, chỉ số Dow Jones đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong 3 năm. Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York,...