Nỗi lo thi trượt các môn khoa học xã hội
Trong số 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay có 3 môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội là Ngữ văn, Ngoại ngữ, Địa lý. Đối với các học sinh học “lệch” và bấy lâu nay vẫn hờ hững, học đối phó với các môn xã hội gặp không ít khó khăn.
Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức mà học sinh đã được học. Nếu việc dạy và học có chất lượng ở tất cả các môn theo số tiết phân phối trong chương trình và các trường tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn ôn tập của Bộ GD&ĐT đã ban hành thì không có gì phải băn khoăn, lo lắng. Mặc dù vậy, có một thực tế là ở nhiều trường THPT hiện nay, số học sinh theo khối C đang có chiều hướng giảm rõ rệt. Thay vào đó xu hướng theo học các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên đang ngày càng tăng.
Theo ý kiến lý giải của nhiều học sinh vì học các môn khoa học tự nhiên có nhiều khối thi, ngành thi, trường thi, cơ hội tìm việc làm sau khi rời giảng đường đại học cũng sẽ lớn hơn, kéo theo nguồn thu nhập cũng sẽ cao hơn…
Qua tìm hiểu ở một số trường THPT được biết, số học sinh theo học chương trình nâng cao các môn khoa học xã hội là rất ít, mỗi khối thường chỉ “vớt vát” được một lớp. Ở nhiều trường, học sinh chủ yếu theo học chương trình cơ bản nhưng đều đăng ký học tự chọn các môn tự nhiên.
Trong số phần lớn học sinh đã lựa chọn khối thi thuộc các môn khoa học tự nhiên đều có tâm lý “thi gì học nấy ” và chỉ chú trọng cho kỳ thi đại học. Nhiều học sinh đã tỏ ra lạnh nhạt với các môn khoa học xã hội. Tình trạng học lệch, học tủ diễn ra khá phổ biến.
Đáng lo là hiện tượng này xuất hiện ngay ở các lớp đầu cấp THPT, từ lớp 10, 11 tình trạng phân hóa và “phân biệt đối xử ” đối với các môn khoa học xã hội đã diễn ra, biểu hiện của tình trạng này là: học sinh không có động lực và hứng thú trong tiết học các môn xã hội; trong giờ học thiếu tập trung, việc chuẩn bị bài, soạn bài cũng mang tính đối phó bởi đã có sẵn các loại sách tham khảo, học sinh chỉ việc chép theo. Do học đối phó, không chú tâm thu nhận kiến thức, trong các tiết kiểm tra, những học sinh “học lệch” thường tìm đủ mọi cách quay cóp, sử dụng tài liệu, nếu giáo viên coi thi chặt thi đành nộp … giấy trắng.
Video đang HOT
Trước thời điểm Bộ GD&ĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp, không ít học sinh lớp 12 đã “đoán già đoán non ” sẽ không có môn Địa lý trong danh sách các môn thi vì môn Địa lý cũng đã thi năm 2010. Cộng vào đó là tâm lý muốn “dồn sức” cho kỳ thi đại học nên tỏ ra sao nhãng trong việc học các môn xã hội. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh sách các môn thi tốt nghiệp mới “giật mình” thì “lỗ hổng” trong kiến thức các môn xã hội đã khá lớn. Việc phát sinh tâm lý băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
Như vậy, thời gian từ nay cho đến khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra không còn nhiều, các trường THPT cần nhanh chóng triển khai việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức các môn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Đặc biệt cần dành một khoảng thời gian thích đáng để phụ đạo, bù đắp lượng kiến thức các môn khoa học xã hội bị thiếu hụt ở những học sinh bấy lâu nay vẫn học tủ, học “lệch”, thiên về các môn tự nhiên.
Việc ôn tập, dạy phụ đạo cho học sinh cần được giao cho những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết đảm nhận. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, đề thi các môn xã hội nếu được ra theo hướng tư duy khái quát, tổng hợp sẽ giúp học sinh dễ có điểm hơn. Ngược lại, nếu đề thi ra theo kiểu học thuộc lòng với khối lượng kiến thức lớn sẽ gây khó khăn cho học sinh.
Đối với học sinh lớp 12, nhất là những học sinh bấy lâu nay vẫn học lệch, xem nhẹ các môn xã hội cần xác định: hiện đang là khoảng thời gian “nước rút”, phải có thái độ thực sự nghiêm túc trong việc củng cố lại kiến thức ở các môn khoa học xã hội. Dù khoảng thời gian còn lại là không nhiều nhưng nếu dành thời gian thích đáng và có phương pháp ôn tập phù hợp thì nắm được những kiến thức cơ bản nhất trong chương trình làm “vốn” chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới không phải là điều quá khó khăn. Với những học sinh lơ là các môn khoa học xã hội bấy lâu nay, lại không nỗ lực ôn tập mà chỉ trông chờ vào “vận may” nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng cầm trên tay giấy báo dự thi đại học mà không thể dự thi bởi không qua được “cửa” của kỳ thi tốt nghiệp đang đến rất gần.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí-Nỗi lo thi tốt nghiệp THPT về các môn khoa học xã hội là có thật, nhất là môn học bị coi thường và không ngờ lại có mặt trong kỳ thi năm nay là môn Địa lý.
Tâm lý ít quan tâm học các môn xã hội ngay từ lớp đầu cấp THPT dẫn tới tình trạng có nhiều lỗ hổng kiến thức về các môn này. Đến nay, dù đã muộn, chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp, những học sinh lớp 12 cần dành thời gian cho việc ôn tập các môn học xã hội, nhất là môn địa lý. Vì thời gian còn ít, phương pháp ôn tập có ý nghĩa quyết định kết quả ôn tập. Cần tranh thủ cơ hội để nghe thầy giáo tổng kết môn học cũng như hướng dẫn cách ôn tập để nắm được những vấn đề cơ bản và những kiến thức chủ yếu nhất của môn học trước khi dự thi tốt nghiệp.
Đây là công việc trước mắt các em học sinh lớp 12 cần tập trung học tập và phấn đấu, bởi chỉ có tốt nghiệp THPT mới có quyền tham dự các kỳ thi đại học và cao đẳng.
Theo Dân Trí
Xã hội sẽ ra sao nếu khối C ngày càng thưa vắng?
Nếu chúng ta vẫn thích tư duy theo kiểu đi tắt đón đầu, các ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, sẽ tiếp tục gặp khó.
Trong phân nhóm các ngành khoa học, khối ngành khoa học xã hội và nhân văn được xếp vào loại khoa học cơ bản cùng với toán học và vật lý học. Cần khẳng định rằng một đất nước mà thiếu nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu cơ bản kém thì sẽ mãi ở trong tình trạng phụ thuộc vào công nghệ và tư duy của nước khác. Và tất nhiên khó có thể tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao nên giá trị tăng thêm cũng thấp và tạo nên sự lệ thuộc về văn hóa.
Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào ĐHQG TP.HCM theo từng khối thi
từ năm 2008-2011 - TS Lê Thị Thanh Mai
Nhìn vào tổng thể hoạt động kinh tế nước ta hiện tại, chúng ta thấy phần lớn tập trung vào các hoạt động dịch vụ như tài chính, du lịch, khai thác tài nguyên thiên nhiên hơn là công nghệ. Hoặc nếu có, đó là công nghệ thấp như công nghệ lắp ráp, chế biến thực phẩm... Chính vì đa số hoạt động kinh tế là những ngành nghề như thế nên đương nhiên nhu cầu nhân lực về khoa học cơ bản rất thấp, vì thế việc người theo học các khoa học cơ bản như khoa học xã hội và nhân văn khó kiếm được đất dụng võ cũng là điều không quá khó hiểu.
Mặt khác xét về đời sống kinh tế của người dân nói chung, mức sống vẫn còn thấp, còn đối diện với nhiều bất trắc mặc dù chúng ta đã bắt đầu vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Do đời sống kinh tế thấp nên người học luôn nhìn đại học như một cần câu thoát nghèo, vì thế họ chủ yếu tìm những ngành học dễ có việc làm, có thu nhập nhanh vì phần lớn người học và gia đình Việt chúng ta vẫn xem học đại học để thoát nghèo, học đại học để không khổ như cha mẹ chứ không phải vì đam mê nghiên cứu.
Do đó việc khối khoa học xã hội và nhân văn ít người học không phải là lỗi của bản thân học sinh mà do sự hoạch định của Nhà nước. Nếu chúng ta vẫn thích đi tắt đón đầu thì các khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, vẫn tiếp tục gặp khó. Như đã nói, nếu các khoa học này không được chú trọng thì cái bẫy thu nhập trung bình mà gần đây được cảnh báo nhiều sẽ dần trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Không thể kéo dài
Giáo dục luôn phải vận động đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội. Không thể kéo dài sự tồn tại một cách èo uột các môn học, ngành học khoa học xã hội ở các trường học như hiện nay vì người dạy không hứng thú dạy, người học không thích học. Cả hai không cộng tác với nhau mà chỉ đơn phương làm cho xong việc.
TẠ QUANG SUM
(hiệu trưởng Trường thpt Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa)
Xã hội sẽ ra sao?
Xã hội sẽ ra sao, một khi các giá trị nhân văn bị coi nhẹ, giá trị kinh tế lấn át các giá trị phi kinh tế? Đích của phát triển là vì con người, cho con người. Con người vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực của sự phát triển xã hội. Sự thiên lệch quá mức trong đăng ký khối thi cho thấy chúng ta đã coi nhẹ việc giáo dục những giá trị nhân văn, ít chú ý đến các chiều cạnh phát triển con người mà lại nặng đề cao giá trị kinh tế, kỹ thuật. PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH
(Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội)
Theo Tuổi Trẻ
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Mở rộng khối thi, nhiều cơ hội cho thí sinh Tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang thực hiện theo khối thi. Quan niệm lâu nay cho rằng, khối ngành khoa học xã hội chỉ nên thi khối C, D, khối ngành khoa học tự nhiên là khối A, B. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến việc lựa chọn ngành học, trường học của thí sinh. Trong những năm...