Nỗi lo của thủ khoa ĐH Nông lâm trước ngày nhập học
Gia đình khó khăn, Nguyễn Huỳnh Nhật Dương toàn mượn sách cũ của các anh chị trong xóm để học. Vất vả nhưng Dương vẫn học giỏi và vừa đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm TPHCM. Nhưng Dương đang lo không biết xoay xở thế nào để có tiền lên Sài thành nhập học…
Mơ ước trở thành kỹ sư nông học
Tin em Nguyễn Hùng Nhật Dương đỗ thủ khoa Trường ĐH Nông lâm TPHCM với 27 điểm nhanh chóng lan tỏa khắp ấp Tân Xã, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Lần theo con đường làng gập ghềnh đá sỏi dài hơn 4 km, chúng tôi tìm đến nhà của em Dương. Trò chuyện với Dương và bố mẹ em mới biết Dương sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, không ruộng đất canh tác. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của cô Huỳnh Thị Thơi – mẹ em Dương, hiện là giáo viên Trường tiểu học Tân Thành 2 (Gò Công Đông, Tiền Giang).
Còn cha em Dương là chú Nguyễn Văn Cảnh trước đây cũng là giáo viên nhưng từ năm 2006, chú Cảnh mắc phải chứng bệnh ruột thừa và ruột thòng nên giảm khả năng lao động đến 61%. Từ đó, chú Cảnh chỉ ở nhà chăm việc học hành cho con cái và làm những việc như trồng rau màu quanh nhà.
Trước tình cảnh khó khăn của gia đình, bốn anh em Dương tự bảo nhau cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày để giảm gánh nặng cho mẹ. Thậm chí sách để học anh em Dương cũng đi mượn sách cũ của các anh chị học lớp trên ở cùng xóm.
Dương còn tranh thủ những lúc rảnh rỗi đến phụ việc cho mấy người bà con trong xóm lấy tiền mua thêm vở cho hai em. Phần Dương thì dùng tập vở được thưởng để học cho cả năm.
Được biết, ngay từ học cấp 2, Dương đã học giỏi các môn học tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa, Sinh. Dương từng dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích (lớp 9); giải nhì cấp tỉnh, giải khuyến khích cấp quốc gia môn Sinh học…
Khi được về bí quyết học tập, chàng tân thủ khoa vui vẻ cho biết: “Em đã bắt đầu say mê các môn tự nhiên từ nhỏ. Đến khi học cấp 2, cấp 3 em càng yêu thích hơn, nhất là môn Sinh học. Ngoài giờ học chính khóa ở lớp, em còn tìm hiểu nghiên cứu thêm từ sách giáo khoa, thường xuyên xem các chương trình truyền hình Thế giới loài vật và tìm thông tin trên mạng Internet. Đặc biệt em rất thích nghiên cứu tìm hiểu về các loại giống, cây trồng và em học bằng niềm đam mê và long nhiệt huyết vì em muốn trở thành kỹ sư nông học”.
Tận dụng diện tích nhỏ quanh nhà, Dương sưu tầm các loại giống “độc” rồi xới đất ươm trồng. Kết quả, Dương đã trồng thành công nhiều loại cây ăn trái hiện đang phát triển xanh tươi như: mủ trôm, khế, nhãn, ổi không hạt…
Video đang HOT
Nguyễn Huỳnh Nhật Dương (áo trắng) bên bố và hai em.
Nỗi lo trước ngày nhập học
Trái ngược với niềm vui của bà con họ hàng, cô Huỳnh Thị Thơi trầm ngâm khi chúng tôi hỏi chuyện. Cô Thơi bùi ngùi bày tỏ: “Trong mấy năm qua, tôi có đủ sức để lo cho 4 đứa con ăn học là cũng nhờ bà con, đồng nghiệp tiếp giúp, nhưng mỗi năm gánh nặng cơm áo, gạo tiền, sách vở… của các cháu cứ tăng dần lên! Giờ đây cùng lúc 3 anh em nó nhập học (1 cháu học lớp 9 và một cháu học lớp 11), nhất là sắp tới phải lo chi phí cho cháu Dương chuẩn bị lên thành phố nhập học. Thú thật tôi cũng đang lo và chẳng dám cho cháu biết, sợ cháu nản chí”.
Thấu hiểu gia đình hiện đang khó khăn nên khi chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch sắp tới, Nhật Dương cho biết: “Em chỉ lo khoản chi phí ban đầu như đóng học phí, tiền thuê trọ, sách vở… Đến khi em lên đó ổn định rồi em sẽ tìm một công việc bán thời gian để làm tự trang trải sinh hoạt. Vì chỉ có cách này em mới hoàn thành được ước mơ của mình và cũng giúp mẹ bớt vất vả hơn”.
Được biết, không chỉ đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm TPHCM với 27 điểm, Dương còn đỗ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM với 24,5 điểm.
Trước khi chia tay chúng tôi, Dương cho biết: “Em quyết định chọn học ngành Nông học Trường ĐH Nông lâm TPHCM là muốn đóng góp một phần công sức của mình vào lĩnh vực phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong tương lai”.
Theo Dân Trí
Hai chàng thủ khoa gieo ước mơ trên những phím đàn
Cùng quê ở xứ Nghệ, cùng là thủ khoa của Học viện Âm nhạc Huế, cùng đến giảng đường với muôn vàn nỗi lo của cuộc sống trọ học xa nhà của sinh viên nghèo, thế nhưng chưa bao giờ họ đầu hàng trước những khó khăn...
Làm thêm để có tiền luyện thi
Chúng tôi gặp Lê Công Cảnh, chàng tân sinh viên vừa tròn 20 tuổi của lớp Đại học Sư phạm 1A, Học viện Âm nhạc Huế tại phòng trọ nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, TP Huế khi cơn lũ chỉ vừa rút. Dấu vết cơn lũ còn in trên những tờ giấy dán tường trong căn phòng chưa đầy 6m2 của Cảnh.
Quê ở xóm Biên Quản, Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An, Cảnh là con đầu trong một gia đình nghèo có đến 8 anh chị em, cả nhà sống dựa vào 1 mẫu ruộng. Ngoài việc đồng áng, bố Cảnh còn phải đi tìm việc làm thêm như phụ hồ, khuân vác...để kiếm tiền trang trải cho gia đình và nuôi anh em Cảnh ăn học. Gia đình khó khăn, em thứ hai của Cảnh bỏ học, lên thành phố tìm việc làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Cảnh tâm sự: "Mình chọn ngành Sư phạm của Học viện Âm nhạc Huế vì chi phí học tập ở đây rẻ hơn so với các thành phố khác, mà lại được miễn học phí. Chứ nếu học ở chỗ khác, bố mẹ mình chắc không thể lo cho anh em mình ăn học".
Lê Công Cảnh đỗ thủ khoa ngành Sư phạm âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế năm 2010 với 33 điểm.
Năm đầu thi đại học, Cảnh thi khối N của Học viện Âm Nhạc Huế, nhưng do chưa được đào tạo bất kì trường lớp nào, nên khi thi năng khiếu, Cảnh không đủ điểm đỗ. Vậy là Cảnh xin lên thành phố đi làm thêm gần 4 tháng, dành dụm toàn bộ số tiền đi làm để vào Huế tìm lớp luyện thi.
Năm nay, khi nhận được tin đỗ thủ khoa Học viện Âm nhạc Huế, chưa dứt niềm vui thì nỗi lo về việc trang trải chi phí học hành đã vây lấy chàng tân sinh viên nghèo.
"Lúc mới nhập học, gia đình phải vay nóng của hàng xóm để mình vào Huế. Bây giờ vẫn phải đang chờ tiền hỗ trợ vốn vay cho sinh viên để trả. Họ hàng, bà con cũng không ai giúp được gì, trong khi mấy đứa em ở nhà vẫn đang đi học", Cảnh cho biết.
"7 năm, chưa vuột học bổng kì nào"
Thoạt đầu mới gặp, thật khó có thể tin được chàng thanh niên có khuôn mặt khá nghệ sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, sinh viên lớp đại học 3, chuyên ngành Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế lại là một phụ hồ với gần 7 năm kinh nghiệm. Thì ra đó là công việc ngoài giờ lên lớp để chàng sinh viên đến từ thôn Đông Sơn, Long Thành, Yên Thành, Nghệ An có thể tự trang trải cho việc học suốt 7 năm qua ở Học viện Âm nhạc Huế. Ở quê Nghĩa, 2 sào ruộng của bố mẹ Nghĩa chỉ đủ nuôi sống gia đình, nên cả ba anh em Nghĩa đều phải tự tìm cách trang trải cho cuộc sống của mình khi học lên đại học.
Cũng như Cảnh, Nghĩa cũng phải bươn chải tận Sài Gòn kiếm sống, dành dụm để thi lại vào Học viện Âm nhạc Huế, rồi đỗ vào lớp Trung cấp chuyên ngành Thanh nhạc. Tốt nghiệp, Nghĩa lại tiếp tục thi tuyển vào hệ Đại học chuyên ngành Thanh nhạc và đỗ thủ khoa kì thi tuyển sinh năm 2008.
Nghĩa kể rằng những tháng ngày bươn chải ở Sài Gòn, Nghĩa học được cách kiếm tiền, cách sống ở thành phố, nên suốt 7 năm học đại học, cậu sinh viên nghèo làm đủ nghề từ phục vụ bàn ở nhà hàng, đến xin phụ hồ ở những công trình những giờ rảnh rỗi. Rồi sau này là đi đàn, hát cho những dịp văn nghệ do nhà văn hóa, hay trường tổ chức. Cuối tuần, Nghĩa lại lân la đến những công trình xin làm phụ hồ. "Riết rồi có mối luôn, họ gọi điện kêu đi phụ hồ những ngày nghỉ, không phải đi tìm nữa", Nghĩa tâm sự.
Vất vả là thế, quỹ thời gian lại bị chiếm khá nhiều bởi những công việc mưu sinh, vậy mà suốt 7 năm qua, Nghĩa chưa bao giờ để vuột mất suất học bổng dành cho sinh viên giỏi nào của Học viện Âm nhạc Huế.
"Chỉ mong có cây đàn Organ"
Căn phòng trọ nhỏ nằm trên đường Phạm Đình Hổ, phường Tây Lộc cách xa Học viện Âm nhạc hơn 7 cây số. Suốt 6 năm nay, Nghĩa vẫn ngày ngày đạp xe hai buổi sáng chiều đến giảng đường, bất kể nắng mưa. "Cũng muốn tìm phòng ở gần trường cho tiện nhưng không tìm được phòng nào giá rẻ như ở đây nên phải ở trọ xa rứa đó anh", Nghĩa cười hiền.
Nguyễn Văn Nghĩa trong căn phòng trọ nhỏ cách trường hơn 7 cây số.
Trong căn phòng trống trơn, tài sản quý nhất của Nghĩa có lẽ chỉ là vài cuốn giáo trình và những chiếc đĩa nhạc mà cậu mua để phục vụ việc học. Nghĩa kể thêm, hôm trước đi phụ hồ dẫm phải đinh nên 10 ngày nay Nghĩa vẫn còn đau chân, không đi làm được. Hơn 1 năm trước, có lần Nghĩa té từ giàn dáo cao gần 6m xuống đất, phải nằm viện hơn 1 tuần, số tiền phụ hồ không đủ cho việc thuốc thang, Nghĩa phải vay mượn bạn bè, rồi không còn cách nào khác là lại đi phụ hồ kiếm tiền để trả.
"Lâu lâu mới có hội diễn, văn nghệ, mấy khi được đi làm thêm bằng những cái mà mình học đâu anh. Mà một đêm cao lắm cũng được vài chục ngàn đồng, không muốn cũng phải đi làm thêm thôi", Nghĩa cười hiền.
Bạn đọc muốn chia sẻ với hai thủ khoa trong bài viết xin liên hệ theo các số điện thoại sau: Lê Công Cảnh (số ĐT: 0986007280) và Nguyễn Văn Nghĩa (số ĐT 01648133250 email: nghianguyenminh@yahoo.com).
Chưa phải bươn chải mưu sinh như Nghĩa, nhưng Cảnh lại bị bệnh tật hành hạ. Suốt 3 tháng nay, từ khi vào Huế nhập học, Cảnh cứ bị nổi mẩn ngứa, dị ứng, trời nắng hay mưa cũng phải ăn mặc kín như bưng, đêm đến ngứa ngáy khắp người, có khi cào bật máu mà vẫn không đỡ. Đã chuyển đến 3 chỗ trọ, rồi đi khám khắp nơi mà căn bệnh của Cảnh vẫn không thuyên giảm mà có phần nặng thêm. Cảnh đã từng đi khám ở bệnh viện Trung ương Huế và được chẩn đoán là viêm da dị ứng, nhưng uống thuốc rồi điều trị mãi cũng không khỏi. "Em kiêng ăn tất cả những thứ mà bác sĩ dặn, uống rất nhiều thuốc, rứa mà đêm mô cũng mất ngủ vì ngứa ngáy, nổi mẩn khắp người", nhìn cái dáng gầy hốc hác của Cảnh mà không khỏi thương cảm.
Mỗi người một hoàn cảnh, hai chàng sinh viên nghèo đều có chung ước mơ là có một cây đàn Organ. "Học ngành này, không có đàn nên em phải chờ chực đăng kí ở trường để được mượn đàn thực hành, với mức đăng kí 240 nghìn đồng/kỳ. Nhưng với điều kiện hiện tại, có được cây đàn với em là quá xa xỉ", Nghĩa bộc bạch.
Bài, ảnh: Nguyễn Thành Công
Theo Dân Trí
Những 9X vượt khó để tỏa sáng trong học tập Đều xuất thân từ những gia đình khó khăn, có em mồ côi, có em mang bệnh thiếu tiền chữa trị, có em thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Dù vậy, tinh thần ham học tập của các em vẫn cháy sáng không ngừng. "Em ước có cái bàn để ngồi học..." Phùng Thị Mỹ Trinh (dân tộc Nùng), học sinh...