Nỗi khổ mua sắm ngày Tết
Quỹ thời gian eo hẹp nhưng phải chuẩn bị đủ thứ cho Tết khiến bà nội trợ “chạy sô” vã mồ hôi. Xếp hàng, chờ đợi hàng giờ đồng hồ, thậm chí chen lấn mới giành được loại tươi ngon là nỗi khổ của người cầm tiền mua sắm Tết.
Làm việc đến hết ngày 27 Tết mới được nghỉ, chị Quyên, quận Phú Nhuận, tranh thủ đi siêu thị vào buổi tối. Bà nội trợ này cho biết: “Đến được siêu thị thì mệt lả người, chọn xong quà lại vướng cảnh xếp hàng chờ tính tiền làm tôi căng thẳng vô cùng. Đã thế mọi người lại tranh nhau được tính tiền trước khiến không khí thêm nặng nề”.
Chị Quyên kể lại, các két tính tiền siêu thị hoạt động hết công suất, khách đứng chờ xếp thành hàng dài, âm thanh rẹt rẹt của máy in hóa đơn không dứt. Một vị khách đột ngột chen ngang ở phía trên giành tính tiền trước với lý do đã xếp hàng từ rất sớm, chỉ vào trong lấy thêm đồ nên mới ra sau. Tuy nhiên, một số người trong đám đông nhao nhao phản đối, tiếng cãi nhau không ngớt. “Tôi đau đầu kinh khủng khi phải chứng kiến cảnh này, chỉ mong nhanh chóng được thoát ra. Đã sớm biết mua sắm Tết rất vất vả nhưng không có cách nào tránh được”, chị chia sẻ.
Một số siêu thị tăng thời gian hoạt động, thậm chí mở cửa suốt đêm để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm. Ảnh minh họa: Hà Mai
Khệ nệ 2 túi hàng mua từ siêu thị, bà Thanh ở quận 10 than, vào được bãi giữ xe mất hơn 15 phút, tới quầy giữ đồ không cách nào len lên trên để gửi túi xách, lại phải xếp hàng chờ đợi. Bên trong siêu thị, gian hàng nào cũng chật kín. Người, xe đẩy thường xuyên va phải nhau. Lối đi giữa các gian hàng vốn đã hẹp, những ngày này càng bị ách tắc hơn khi lưu lượng người mua sắm quá đông. Khu vực thử đồ xếp cả hàng dài nên nhiều người cứ ước chừng rồi chọn chứ không vào phòng thử như ngày thường. Tới lúc thanh toán, hàng chục quầy tính tiền cũng không thể giải tỏa nhanh dòng người xếp hàng chờ đợi. Kết quả, chỉ mới mua những hàng hóa cơ bản nhất để đón Tết như: bánh mứt, thực phẩm chế biến… mà bà Thanh đã mất hơn 3 tiếng đồng hồ.
Video đang HOT
Nếu vào siêu thị ngán nhất cảnh xếp hàng tính tiền thì đi chợ Tết cũng không hề nhẹ nhàng.
“Sáng 28 Tết, chợ đông nghịt người, chỗ nào cũng đông đúc, thậm chí phải chen lấn nhau mới mua được hàng”, chị Hằng, quận 10, than thở. Những người bán quen cũng không niềm nở, hỏi han tận tình như bình thường và không có chuyện mặc cả trong những ngày này. Chị kể, ngày thường, không cần nói họ cũng bỏ vào một ít hành, rau thơm, quả ớt nhưng hôm nay xin thêm, họ kể lể nào là giá cả đắt đỏ, không cho được. Đi cả 3 người, mỗi người phụ trách mua vài thứ nhưng phải mất tới 4 tiếng đồng hồ, gia đình chị mới thoát khỏi dòng người mua sắm dày đặc ở chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10.
Ngoài ra, do chợ đông nên xe không thể vào bên trong như thường lệ. Nhiều điểm giữ xe tự phát mọc lên, hét 5.000-7.000 đồng một chiếc trong khi ngày thường có 3.000 đồng kèm theo lời giải thích “Tết mà”.
Không chỉ siêu thị, dòng người mua sắm đổ về các chợ khiến việc sắm sửa ngày Tết không hề nhẹ nhàng. Ảnh: B.H.
Chị Thơm, ngụ quận Bình Thạnh, đi chợ Bà Chiểu sáng 28 Tết cho hay: “Chợ đông gấp nhiều lần ngày thường, di chuyển từ sạp này qua sạp kia rất khó khăn vì phải chen chúc khiến tôi hoa cả mắt. Chỉ mua trái cây, hoa, rau tươi, giò lụa, trứng thế mà mất cả buổi sáng trong khi ngày thường chỉ cần 15-20 phút là xong”.
Nhà ở gần chợ Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, đồng thời cũng là tiểu thương trong chợ này, chị Nguyễn Thy Ngàn chia sẻ, đi chợ Tết từ ngày 28 đến 30 tháng Chạp rất khổ sở vì phải chen lấn, giành nhau chọn hàng ngon. Đây là những thời khắc mua sắm cuối cùng của năm, ai cũng đổ xô tranh thủ mua hàng để chuẩn bị mâm cao cỗ đầy cúng ông bà. Bởi lẽ, đến trưa 30 Tết (năm nay là 29 Tết) chợ đóng cửa để vệ sinh, kết thúc một năm hoạt động. Sau thời điểm này chợ sẽ vắng lặng nghỉ Tết, không còn nhiều hàng hóa để chọn nữa.
Chị Ngàn phân tích, ngày thường nhà giàu có tiền thường đi chợ vào sáng sớm để mua đồ tươi ngon. Nhà nghèo hầu bao hạn hẹp lại ghé chợ xế trưa và chiều muộn vì lúc đó hàng hóa không còn loại nhất, chỉ còn lại hàng thứ phẩm, giá cả cũng mềm hơn. Tuy nhiên tâm lý mua sắm Tết của bất cứ bà nội trợ nào cũng giống nhau là tranh thủ đi sớm để chọn được hàng tốt. Bà đi chợ ông lại tháp tùng, xếp thành hàng dài dẫn đến việc chợ bị quá tải, không có lối đi, không đủ chỗ gửi xe, dễ bị kẻ gian móc túi, mất cắp.
Vị tiểu thương này kể, có một khách hàng đi chợ không gửi được xe gắn máy vì bãi xe quá tải, cứ dựng một bên chọn hàng. Đến khi mua xong, ngoảnh lại thì xe không cánh mà bay. “Đi chợ Tết mất nhiều thời gian, công sức đã đành nếu không cẩn thận có khi còn mất cả tài sản vì lúc này chợ quá đông, có nhiều kẻ gian trà trộn lợi dụng khách hàng sơ hở là lấy cắp”, chị Ngàn khuyến cáo.
“Vã mồ hôi mới mua được mấy bó hoa chưng Tết”, chị Nhung, quận 5 chia sẻ. E ngại chợ hoa Hồ Thị Kỷ sẽ đông đúc sáng 28 Tết, nên tối 27 âm lịch chị tranh thủ chọn trước. Tuy nhiên, gần 22h, khu vực trước chợ hoa kẹt cứng, xe máy nhích từng chút một và không còn chỗ trống nào trên lề đường để đậu xe. Bên trong, người người chen nhau lựa hoa. Nhân viên bán hàng chỉ kịp nói giá, gói hàng và tính tiền cho khách, chứ không có thời gian để giải thích thêm bất kỳ thắc mắc nào. “Đông quá, tôi cũng chẳng muốn nán để lấy mấy đồng lẻ thối lại, miễn sao chọn được những bông hoa đẹp, rạng rỡ, hợp ý mình nhất để lấy lộc đầu năm”, chị nói.
Theo VNExpress
1001 nỗi khổ của nghề lái xe taxi- Kỳ3: Tôi đi lái xe taxi
Đặt vấn đề với người bạn vào nghề taxi đã hơn 4 năm, cậu ta bảo với tôi: Được thôi, nhưng nói trước là không phù hiệu, không chứng chỉ, hãng tôi chưa mua điểm đỗ... nên rách việc lắm đấy. Tôi gật đầu, rồi ôm vô-lăng ra đường .
Khi hỏi chuyện cánh tài xế taxi, họ bảo tôi: Không phải cứ ôm vô-lăng ra đường là có tiền đâu! Mở mắt ra là cả triệu bạc có nguy cơ ra khỏi túi, chưa tính đến hàng trăm mối lo. Không tin cứ thử làm tài xế mà xem. Sẵn có bằng lái xe và tính "liều", tôi tặc lưỡi...
Trước hết phải có xe đã gắn "mào" (biển hiệu taxi). Đặt vấn đề với người bạn vào nghề taxi đã hơn 4 năm, cậu ta bảo với tôi: Được thôi, nhưng nói trước là không phù hiệu, không chứng chỉ, hãng tôi chưa mua điểm đỗ... nên rách việc lắm đấy. Tôi gật đầu, rồi ôm vô-lăng ra đường.
Vị khách nữ đầu tiên
Đường phố Hà Nội ngày chủ nhật bớt căng thẳng hơn nhưng rơi đúng vào ngày Tết Trung thu nên cũng chẳng kém phần ngột ngạt. 8g rưỡi sáng, ngã tư Minh Khai - Đại La - Bạch Mai - Trương Định đông nghẹt xe với cộ. Xe của tôi cũng bon chen nhích từng mét. Dòng xe máy ngồn ngộn, đèo theo sau các cháu thiếu nhi đi mua quà trung thu, với nào đèn ông sao, bóng bay, rồi đèn lồng... cầm trên tay, khiến đường xá càng thêm đông đúc. "Reng", xe va vào đồ hàng sắt của một xe máy phía trước. Lập tức một ánh mắt đỏ ngàu ném về phía tôi "đường đông thế này còn đòi lách, mù à!". Tôi cười gượng. Con xe Morning nhìn vẫn đỏm dáng thế mà côn số đã nhão nhoẹt. Tôi lẩm bẩm "đúng là xe chạy taxi".
Thoát đường Đại La, tôi chạy rẽ vào đường Trần Đại Nghĩa, sát khu ĐH KTQĐ. Đứng gần 20 phút chẳng có ma nào vẫy, tôi vòng ra Đại Cồ Việt, rẽ qua đường Kim Liên Mới. Hàng dài taxi đỗ kín hai bên đường, biết chẳng có cơ hội cho mình, tôi chạy thẳng ra phố Nguyễn Lương Bằng. Đến ngã tư Khâm Thiên - La Thành, tôi đi làn rẽ phải vào phố Khâm Thiên, thấy bóng dáng mấy CSGT trước mặt, tôi chột dạ cho xe chạy thẳng đường Tôn Đức Thắng. Nhìn gương chiếu hậu, một chiếc xe đi ngay sau xe tôi bị tuýt. Tôi mỉm cười, nghĩ "mình phục mình quá".
Chạy đến đoạn Văn Miếu, một phụ nữ trạc 30, khá xinh xắn dáng dấp công chức đứng vẫy xe. "Có khách rồi" - tôi cười thầm và cho xe tấp vào lề đón khách. "Anh cho sang Đông Anh" - khách yêu cầu. Tôi cho xe chạy thẳng lên đường Chu Văn An rẽ Lê Hồng Phong định bụng đi ra Lê Trực rồi rẽ Kim Mã xuống Cầu Giấy. "Anh đi đường này xa, không khéo còn tắc đường" - nữ khách nhắc. Quả thật, xe chạy đến phố Lê Trực thì tắc đường, vị khách lại nửa đùa nửa thật: "Đấy, em bảo rồi. Lại định "câu" tiền cước nhau đấy à?". "Dạ không! Đi đường này là gần nhất, chỉ ùn ứ tí thôi" - tôi từ tốn.
Khoảng 20 phút, xe thoát ra đường Kim Mã. Tiết trời tháng 8 khá mát, điều hòa trên xe cũng bật nấc khá cao, mà người tôi vẫn lấm tấm mồ hôi. Vị khách cất tiếng: "Khiếp! Anh nhiều mồ hôi thế!". Nói rồi chị kéo khóa túi xách lấy chiếc khăn ướt đưa cho tôi, nói: "Anh lau đi". Tôi cảm ơn và nghĩ bụng: Nghề này cũng thú vị đấy chứ! Xe chạy đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai thì dừng đèn đỏ. Có lẽ thấy tôi căng thẳng, bộ dạng cũng khác cánh tài xế taxi, nữ khách cất lời: "Anh vào nghề lâu chưa?". "Dạ, em cũng mới chạy ít ngày". "Thảo nào!" - nữ khách bỏ lửng câu nói. "Sao hả chị?" - tôi ngô nghê hỏi lại. "Nãy em nói để "nắn gân" mà thấy anh trả lời thật quá em biết anh mới vào nghề. Em làm bên KCN Thăng Long, ngồi taxi đi làm thường xuyên. Trước hay bị mấy anh taxi chạy lòng vòng để "câu" tiền nên rút kinh nghiệm cứ lên xe là "nắn gân" trước, phòng hơn chống". "Nhưng mình nhớ đường, bảo lái xe đi đường nào họ phải đi đường đó chứ!" - tôi lại vờ ngây ngô. Được thể, chị khách tiếp lời: "Không đâu anh ơi! Lái xe taxi kỳ cựu người ta nhiều chiêu lắm. Sau này anh cũng thế thôi!".
Một ngày làm tài xế taxi cùng chiếc xe này, tôi mới biết cuộc mưu sinh của các lái xe taxi
không hề đơn giản
Vạn sự khởi đầu nan!
Hí hửng với cuốc xe đầu tiên, đi đến đường Phạm Văn Đồng, tôi tạt xe vào lề đường châm điếu thuốc tự thưởng. Định bụng sẽ cho xe chạy về kiếm khách ở Bến xe Mỹ Đình, châm xong điếu thuốc, tôi cho xe chạy tiếp. Hàng dài xe nối đuôi nhau trên đường. Đoạn đường này các xế hay bị bắt lỗi đi sai làn nên phần lớn đi rất rụt rè. Vừa đi vừa ngó nghiêng, nếu thấy bóng dáng CSGT, TTGT làm nhiệm vụ là các xe không dám ngóc đầu. Đi đến đoạn trước cổng Công viên Hòa Bình, một xe Lexus 7 chỗ đi "liều", thế là hai xe bốn chỗ khác bám đuôi. Sốt ruột, tôi cũng liều bám theo. Thoát qua đám xe tải chậm rãi bò phía trước, chợt tôi giật mình, phía trước có CSGT. "Dính rồi" - tôi bấm bụng, nhưng nhanh chóng cho xe tạt vào nấp sau chiếc xe tải to uỳnh. "Két, xì" - chiếc xe phía sau tôi phanh gấp, bấm còi inh ỏi. "Xe thì thiếu đủ thứ để "hành nghề": Không phù hiệu, không chứng chỉ hành nghề... Nhỡ bị giam xe thì khốn, phải đi cẩn thận" - tôi thở phào. Như dự đoán, hai xe biển trắng đi sau chiếc xe Lexus bị tuýt lỗi đi sai làn đường.
Tới bến xe Mỹ Đình, tôi cho xe tấp sát, đỗ trước của Cục Đăng kiểm Việt Nam châm tiếp điếu thuốc lấy lại bình tĩnh sau khi vừa "thoát nạn" lần 2. Đang châm điếu thuốc, một người đàn ông mặc trang phục của trật tự bến cầm cây gậy ra gõ nhẹ cửa kính, nhắc: "Xe này đi đi không TTGT đến, lại ăn phạt bây giờ". Tôi ngoan ngoãn cho xe chạy lên cửa bến. Nhóm khách 3 nam thanh niên và 2 nữ đứng vẫy xe. Tưởng vẫy xe tôi, tôi lao lên. Nhưng chưa kịp đi lên, thì một xe 7 chỗ hãng taxi CP đằng sau đã lao vụt lên. Thì ra họ vẫy xe 7 chỗ, chứ xe 4 chỗ trong bến đầy rẫy. "Nhanh thật" - tiếc nuối nhưng tôi vẫn bấm bụng thầm khâm phục cánh xế có "trình" cướp khách.
Đang cho xe chạy chậm chậm trước cửa bến Mỹ Đình may vớ được khách thì bị trật tự bến trỏ gậy ra hiệu bắt đi. Thấy bảo bến này phức tạp, đi cho lành. Nghĩ thế, tôi cho xe chạy vào Khu đô thị Mỹ Đình. Cổ họng khát khô, tấp vào một quán định làm cốc trà đá, sợ đỗ lòng đường bị phạt, tôi ngang nhiên cho xe lao lên vỉa hè, sát quán nước. Vừa xuống xe, một thanh niên mặc áo bảo vệ ra nhắc nhở: "Ở đây không được đỗ xe anh ơi!". "Mình vào uống cốc nước rồi đi luôn" - tôi giải thích. "Nhưng không được đỗ ở đây. Có cho anh đỗ rồi tí anh bị phạt lại khổ anh thôi" - tay bảo vệ vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết. Chẳng cách nào khác, tôi lại cho xe chạy tiếp, vừa đi tìm quán, vừa ấm ức. Trong cái rủi lại có cái may, đang chầm chậm tìm quán uống nước, bỗng có tiếng gọi: "Taxi". Nhìn sang bên đường, trong căn hộ sang trọng, người đàn ông trung niên dẫn một bà già và đứa cháu nhỏ tay xách nách mang những túi ni-lông, chắc là bánh kẹo và đồ chơi trung thu. "Cậu đưa hai bà cháu về Ba La, gần bến xe Yên Nghĩa. Bao nhiêu tiền?" - người đàn ông dặn dò và hỏi giá. "Tí tính cước theo đồng hồ mới biết anh ạ" - tôi lễ phép. Người đàn ông rút ví lấy tờ 200 nghìn đưa đứa nhỏ, dặn: "Tí con nhìn đồng hồ xem hết bao nhiêu tiền thì trả chú".
Đưa hai bà cháu về tới quê ăn Tết Trung thu, thì đã là 5g rưỡi chiều. Đi đến gần cổng trường Đại học Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi thì điện thoại đổ chuông. Cậu bạn gọi đòi xe: "Ông về đến đâu rồi, chuẩn bị mang xe về tôi đi làm". "Lúc nữa đi, nay tôi đang may mắn" - tôi nấn ná. "Thế từ sáng kiếm được bao nhiêu rồi?" - giọng cậu bạn hạ thấp. "Nay tránh được mấy lỗi, chắc cũng đủ trả ông tiền xăng. Để tôi làm thêm tí, tối anh em kiếm chầu bia hơi" - tôi khẩn khoản. Cậu bạn nghiêm giọng: "Thôi, đang giờ cao điểm, ông đi loạng quạng mà nó nhốt xe tôi thì vợ con tôi chết". Tôi ậm ừ.
Gần 6g rưỡi tối mới thoát khỏi đường Nguyễn Trãi. Quyết định kiếm thêm chầu bia, tôi cho xe chạy thẳng đường Tây Sơn, lên khu phố cổ với hy vọng ngày Tết Trung thu trên đó sẽ có nhiều khách. Vớ vẩn lại vớ được khách Tây, chở xem thế nào. Trời nhá nhem tối, từng hàng xe cộ vẫn ngồn ngộn, chen nhau nhích từng mét. Vất vả lắm xe tôi mới bò lên đến phố Hàng Bông. Đi gần một ngày, tôi dần quen côn, số xe nên đi cũng thấy ngon lành hơn buổi sáng. Xe rẽ vào phố Hàng Đường đến khu chợ Đồng Xuân rồi rẽ qua Hàng Khoai - Hàng Mã - Hàng Lược - Lương Văn Can. Người đi chơi, sắm đồ trung thu đông nghẹt. Nằm ách trên phố Hàng Mã gần một giờ đồng hồ tôi mới thoát ra đến phố Lương Văn Can nhưng chẳng có ma nào đi taxi cả. "Chết rồi, hết xăng. Ở đây lấy đâu cây xăng" - tôi nhìn đồng hồ xăng, lo lắng. Thoát khỏi phố Lương Văn Can tôi cho xe chạy vòng lên Hàng Khay, qua Tràng Tiền lên Trần Nhật Duật bơm xăng.
Vẫn quyết kiếm bữa bia tôi lại tính toán "đi làm" tiếp. Bệnh viện là dễ kiếm khách nhất. Mà giờ này chỉ bệnh viện nào hay có cấp cứu bất thường thì sẽ có khách đi đêm. Nghĩ thế, tôi chạy qua Bệnh viện Việt Đức. Vừa đứng được khoảng 10 phút, câu bạn lại gọi điện, giọng gắt gỏng: "Ông mang ngay xe về tôi đi làm không đêm rồi". Biết không thể kiếm bữa bia, tôi đánh xe về trả cậu bạn. Vừa về, cậu bạn đi một vòng quanh xe, kiểm tra rồi bảo: "Ông về tới đây là may rồi". "Tôi lái cũng "lụa" mà ông, nay thoát mấy phát không bị phạt" - tôi tỏ vẻ đắc trí rồi giải trình về lộ trình hành nghề hôm nay và chốt thu nhập: "Tổng cộng được 470 nghìn. Nãy đổ tạm 300 tiền xăng". Nghe xong, cậu đốp ngay: "Lái taxi mà đi như ông có mà ăn cám. Ông biết sáng tôi đổ bao nhiêu tiền xăng không?". Cậu bỏ lửng câu trả lời, rồi nói tiếp: "Ông lái taxi mà đi không biết tính lộ trình, nên đi hay không đi vào phố nào, ở đâu thì có khách, xăng thì cứ như ông sản xuất được...". Giảng giải một hồi, cậu chốt lại: "Nói chung là còn phải trả giá nhiều mới ôm vô-lăng kiếm tiền được. Thích thì đêm nay đi với tôi, cho học khối thứ hay".
Theo PLXH
1001 nỗi khổ của nghề lái xe taxi, Kỳ2: "Ra đường sợ nhất Thanh tra" Ôm vô-lăng, biết bao điều mà cánh xế taxi phải lo, nhưng hỏi họ lo nhất điều gì, họ bảo sợ nhiều thứ lắm: Nhưng sợ nhất là gặp... thanh tra giao thông, cái sợ thứ hai là sợ bị... cướp!. Cướp - chuyện cơm bữa Vẫn biết vất vả, nguy hiểm và phải đối phó với hàng trăm mối lo trên những...