Nội dung sách giáo khoa không thay đổi hằng năm
Đây là khẳng định của lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam trong cuộc gặp mặt với một số cơ quan báo chí trao đổi về những vấn đề xung quanh câu chuyện sách giáo khoa (SGK), chiều 21/9.
Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Lê Hoàng Hải minh họa quy trình biên soạn SGK. (Ảnh: KT)
Tại cuộc gặp mặt, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách đã thông tin về quy trình biên soạn, biên tập, thẩm định, phê duyệt xuất bản, in và phát hành SGK.
Cụ thể gồm 6 bước: (1) Biên soạn: Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK; (2) Biên tập: NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên tập qua nhiều vòng (Biên tập, minh họa, thiết kế, chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo); (3) Dạy thí điểm: Hoàn thiện bản thảo mẫu, thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định, lãnh đạo Bộ phê duyệt -> In sách giáo khoa thí điểm -> Tổ chức dạy thí điểm ở một số trường/vùng/miền (trong 2 năm) -> Tổ chức lấy góp ý của các trường dạy thí điểm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoàn thiện sách giáo khoa thí điểm sau dạy thí điểm; (4) Thẩm định: Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (2 đến 3 vòng) -> Các tác giả phối hợp với biên tập viên, họa sĩ chỉnh sửa, hoàn thiện sau thẩm định -> In thử SGK để tập huấn giáo viên và gửi đọc góp ý của các Sở GD&ĐT, các Viện nghiên cứu, nhà khoa học… -> Hoàn thiện trình Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua và trình Bộ trưởng phê duyệt; (5) Phê duyệt: Lãnh đạo Bộ phê duyệt, kí ban hành chính thức SGK; (6) In – Phát hành: Giao NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện in, phát hành.
Theo quy trình này, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng kí ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GĐ&ĐT phê duyệt. Bất kì chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét và Bộ trưởng phê duyệt.
Do đó, ông Bách khẳng định, “nội dung sách được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách (2002 – 2008) đến nay”.
Tuy vậy, theo Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lí Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung. Ví dụ, tháng 8 năm 2008, Chính phủ đã điều chỉnh mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội bao gồm cả tỉnh Hà Tây nên phải viết lại bài Thủ đô Hà Nội trong sách Địa lý; hay năm 2006, các nhà khoa học trên thế giới xác định Diêm Vương tinh không được xem là một hành tinh, nên SGK Vật lí phải điều chỉnh kiến thức này. Tất cả các điều chỉnh trong SGK đều được Hội đồng quốc gia thẩm định xem xét và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Minh họa làm rõ hơn quy trình biên soạn SGK, cầm cuốn Hình học lớp 12 nâng cao trên tay, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Lê Hoàng Hải cho biết: “Để NXB Giáo dục Việt Nam có thể in được cuốn sách này thì năm 2002 trên bản được Hội đồng thẩm định, lãnh đạo Bộ GD&ĐT phê duyệt phải có đầy đủ chữ ký của Biên tập viên, Trưởng Ban biên tập, Chủ biên môn học, Tổng chủ biên cấp học, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Vụ Giáo dục Trung học, và ký phê duyệt của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển”.
Video đang HOT
Theo ông, 16 năm qua, nội dung bản SGK này vẫn “trung thành” với bản đã được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký duyệt.
Ông Hải thông tin thêm, ở những môn xã hội phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau như môn Ngữ văn thì số lượng chữ ký và quá trình thẩm định được kéo dài hơn rất nhiều với môn tự nhiên.
Tiếp tục minh họa cho việc nội dung SGK có thay đổi hay không, cầm cuốn SGK Tiếng Việt 1, ông Hải chia sẻ: Đây là cuốn xuất bản lần đầu năm 2002, tất cả nội dung trên từng trang của cuốn xuất bản lần đầu này và cuốn xuất bản lần thứ 16 của năm nay đều trùng khớp nhau. Tương tự, nhiều cuốn khác như: Tập viết, SGK Tiếng Việt 1 tập 2, SGK Toán 1… xuất bản lần thứ 16 đều giữ nguyên nội dung xuất bản lần đầu.
“Như vậy, SGK từ lần xuất bản đầu tiên đến bây giờ là không thay đổi nội dung, trừ một số cuốn cụ thể đã được Tổng Giám đốc Hoàng Lê Bách thông tin ở trên” – ông Hải nhấn mạnh lại.
Theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam, vì nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm nên NXB Giáo dục Việt Nam đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại SGK cũ. Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh sử dụng lại.
Cụ thể: Năm 2018 cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, thì trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản.
Trong khi đó, năm 2018, số lượng SGK được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung.
Tú Giang
Theo cpv.org.vn
Chuẩn chính tả mới: Có bao nhiêu cách viết Mát-xcơ-va?
SGK ba lớp đầu cấp tiểu học viết Mát-xcơ-va, còn lớp 4 và lớp 5 thì viết phiên âm kèm nguyên dạng Mát-xcơ-va (Moskva).
Sách giáo khoa mới sẽ có sự thống nhất về chuẩn chính tả trong cách viết tên riêng Việt Nam và tên riêng nước ngoài, cách đặt dấu thanh. Ảnh: VietNamNet
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội thảo về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới nhằm giảm tối đa tình trạng 'loạn' quy định chính tả, ít nhất là trong cơ sở giáo dục.
Trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết, điều này rất cần thiết vì hiện có nhiều quy định tương đối "vênh" nhau về chính tả.
Dự thảo quy định mới về chính tả không thay đổi nhiều. Điểm lớn nhất là thay đổi cách viết tên người, tên địa lý, thuật ngữ nước ngoài.
Cụ thể, quy định về cách viết tên người, tên địa lý Việt Nam về cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành.
Đối với tên tổ chức, đơn vị, viết hoa chữ cái đầu của mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó với những tên riêng khác. Ví dụ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội...
Những tên người, tên địa lý đã được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà quen dùng như Hắc Hải, Đại Tây Dương, Mỹ, Anh, Bắc Kinh, Đỗ Phủ, Lý Bạch... thì viết như cách viết tên người, tên địa lý tiếng Việt.
Những trường hợp còn lại sẽ có 3 hình thức xử lý: Một là viết nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York...
Hai là, chuyển tự sang chữ Latin, nếu đó là tên viết bằng các chữ ghi âm không phải chữ Latin, ví dụ: Volga, Moskva, Sankt Peterburg...
Ba là, trường hợp không chuyển tự được thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra...
Đối với những tên riêng liên quan đến nhiều nước thì dùng tên gọi phổ biến nhất hoặc một tên gọi phù hợp với ngữ cảnh cụ thể. Trường hợp tên riêng đã quen sử dụng theo một hình thức phổ biến có tính quốc tế thì giữ cách viết thông dụng, không viết như nguyên ngữ. Ví dụ, viết tên nước có thủ đô Budapest là Hungary, không viết là Magyarország.
"Việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài.
Quy định này cũng phù hợp một thực tế là theo chương trình giáo dục mới, học sinh sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3", GS Thuyết giải thích.
Theo dự kiến của Ban soạn thảo quy định về chính tả, đối với những thuật ngữ mà tiếng Việt sẵn có hoặc dịch sang tiếng Việt dễ hiểu thì sử dụng các thuật ngữ này, ví dụ: các chất vàng, bạc, đồng, chì, thiếc, nhôm; các hình tam giác, bình hành, chữ nhật,...
Đối với những thuật ngữ có tính hệ thống, có tính sản sinh cao (tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc) thì viết theo tên nguyên dạng và phổ biến trong ngành khoa học đó. "Viết như thế cũng là để người đọc tiện tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài. Hãy tưởng tượng, nếu học sinh Việt Nam chỉ quen với tên các chất hóa học dưới hình thức phiên âm thì khi tham dự các kì thi quốc tế về khoa học, các em sẽ lúng túng như thế nào", GS Thuyết phân tích.
Tuy nhiên, dự thảo có quy định riêng đối với sách giáo khoa cấp tiểu học. SGK ba lớp đầu cấp tiểu học (lớp 1, 2 và 3) sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên; ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô...
Đối với SGK lớp 4 và lớp 5, bên cạnh tên riêng được phiên âm có tên nguyên dạng hoặc chuyển tự đặt trong ngoặc đơn; ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moskva), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo), để chuẩn bị cho học sinh lên lớp trên quen với cách viết nguyên dạng tiếng nước ngoài.
Theo Đất Việt
Bộ Giáo dục xin đừng vội vàng áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới Để tránh đi vào vết xe đổ như VNEN, xin Bộ Giáo dục phải vô cùng thận trọng, cân nhắc, nó như một trận đánh lớn khi đã đánh là chắc thắng không được thất bại. Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Ảnh minh họa: vtc.vn). LTS: Là một nhà giáo tâm huyết -...