Nỗi buồn hiu hắt của nhà vô địch đi bán bánh mì
Từng giành huy chương vàng trong thế vận hội SEA Games ( ASEAN Para Games) dành cho người khuyết tật nhưng cuộc đời thực của nữ vận động viên Nhữ Thị Khoa lại khá trắc trở, gian truân.
Nhữ Thị Khoa
Sau tấm huy chương, bước xuống khỏi bục danh dự, chị lại về với đời thường bên gánh bánh mì, thúng trái cây bán ven hè phố, kiếm từng đồng tiền lẻ sinh sống qua ngày. Dù trải qua bao nắng mưa, vất vả của cuộc mưu sinh, nụ cười tươi như bông hoa trên môi chị vẫn chưa bao giờ tắt.
Cái duyên đến đường vinh quang
“Bánh vừa đưa về đấy, hôm nay bác lấy mấy chiếc ạ?”. “Cho cô chục chiếc đi con gái”… Đó là không khí vui vẻ mà tôi “chộp” được ở quầy hàng của chị Khoa. Sự cởi mở, nhiệt tình của chị không chỉ khiến nhiều người quý mến, mà còn là cơ hội để Khoa bán được nhiều hàng hơn. Từ năm 2007, ngoài bánh mì, Khoa cũng mua thêm mấy loại hoa quả bán thêm theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Nhìn dáng vẻ bề ngoài hiền lành, với nụ cười tươi rói ấy, ít người nghĩ đời chị chất chồng giông bão và phải nuốt nước mắt để vươn lên.
Sinh năm 1971 tại Ứng Hòa (Hà Nội), Khoa bị bại liệt từ năm lên ba và từ đó sống cuộc đời bất hạnh, gắn chặt với chiếc xe lăn. Năm 22 tuổi, không chấp nhận ăn bám gia đình, cô gái nhỏ bé ấy đã tìm ra Hà Nội quyết mưu sinh bằng nghề bán bánh mì. Những người bạn “màn trời chiếu đất” đã dẫn Khoa vào nghề, tạo mối quan hệ để chị có thể tồn tại mà không bị ai bắt nạt. “Em thuê trọ ở ngay lò bánh mì khu phố Thanh Nhàn và mang bánh đi bán. Họ giao hàng, bán xong mới về trả tiền vốn, tiền lãi em chắt chiu cất đi. Lúc đầu em nghĩ mình khó trụ nổi, nhưng có điều may là chủ lò bánh hết sức giúp đỡ, em đã vững tin hơn”, Khoa tâm sự.
Với chiếc xe lăn chậm chạp, Khoa đã rong ruổi ở rất nhiều con phố rồi giữa chiều mỏi mệt chị lại tìm về góc phố, đoạn ngã ba Trần Xuân Soạn – Lò Đúc vừa nghỉ vừa bán. Những chiếc bánh mì đã tiếp thêm nghị lực cho một người không chịu khuất phục số phận. Hỏi, vì sao lại chọn góc phố này. Khoa nói rằng, nhiều chỗ có đông người qua lại, nhưng đều “có chủ”, đây là địa điểm mà chị đã “ngắm” được sau nhiều ngày đi qua. Lâu dần thành quen, khách đến với Khoa tăng lên. Chừng bốn năm thì chị trú chân luôn góc phố này, không đi rong nữa.
Và cũng chính tại góc phố nhỏ đó, Khoa đã có được cơ hội thắp sáng ước mơ. Năm 1991, Khoa được một người tên Chính ghé vào mua bánh mì, thấy hoàn cảnh của chị cảm động, anh giới thiệu đang tập luyện thể thao ở CLB Khúc Hạo dành cho người khuyết tật và vận động Khoa cùng đi. Nghe thì có vẻ khó khăn nhưng đó là cơ hội mở ra cho rất nhiều người khuyết tật. Suy đi tính lại, Khoa quyết định xin đi tập, để nếu không được thi đấu thì cũng được sức khỏe. Việc sắp xếp thời gian để vừa tập, vừa bán không hề đơn giản cộng thêm việc đi lại khó khăn. Từ chỗ trọ đến số 1 Lê Hồng Phong không quá xa, nhưng chị phải đi từ lúc 4g để kịp tập trung lúc 5g30. Cô gái nặng 33 cân bán bánh mì đã mạnh dạn giao lưu, nhập cuộc cùng những người bạn khác.
Nhiều lần bị ngã, tay phồng rộp, tứa máu do tập môn đua xe lăn đã không làm Khoa nản lòng. Không ít buổi sớm trên đường đi tập, mưa xối xả ngập bánh xe lăn, Khoa cũng vượt qua. Vinh quang đã đến với chị. Năm 2003 Khoa được tham gia giải tiền Para Games và giành được 3 HCV; chị tiếp tục giành được 5 HCV trong ASEAN Para Games 2 (2003). Tiền Para Games 3 chị cũng giành ba HCV. Sau đó mang về 5 HCV (3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) trong ASEAN Para Games 3 (2005) tổ chức tại Philippines. Những khoảnh khắc vinh quang của chị vẫn trở đi trở lại trong trí nhớ, dù các kỳ ASEAN Para Games đã lùi xa, để chị có thêm niềm vui sống.
Chưa nếm hạnh phúc đã thấy đắng lòng
Video đang HOT
Chỉ với những tấm huy chương thôi vẫn chưa đủ làm nên cuộc đời của Khoa. Những năm tháng tất tưởi mưu sinh, chị tích lũy được một số tiền cộng với tiền thưởng, năm 2005 chị đã dồn được gần 300 triệu đồng mua hơn 20m2 đất và dựng ngôi nhà nhỏ ở khu vực phố Kim Ngưu. Đây là điều nhiều người ngoại tỉnh mơ ước. Nhưng đó chưa phải là “bến đỗ” cuối cùng của chị. Chị đã quen một người đàn ông tên Nguyễn Văn Lô, quê ở Hưng Yên, nuôi hy vọng và đi đến hôn nhân.
ai người quen nhau do nhiều lần Lô bán hoa quả rong, có ghé lại quầy chị Khoa mua bánh mì. Năm 2006 hai người làm đám cưới. Khoa từng nghĩ người đàn ông này sẽ bù đắp cho những thiếu thốn của chị, ai ngờ lại lừa dối, làm chị tổn thương. Hy vọng rồi thất vọng, hóa ra người đàn ông ấy đã có gia đình riêng, hiện đang ở Lạng Sơn. Dẫu thế, chị Khoa đã có con và đành chấp nhận với cuộc sống hiện tại.
Khoa cùng con gái
Anh Lô ít hơn chị Khoa năm tuổi, là người đàn ông khỏe mạnh bình thường, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn và tính đến nay đã có 20 năm bán hoa quả ở Hà Nội. Giờ anh không giấu ai chuyện mình đã có gia đình riêng. Anh cũng không phủ nhận trách nhiệm với bé Chi, là con của hai người. Lô nói: “Tôi không hề lợi dụng Khoa. Khi có tình cảm với Khoa, tôi không biết cô ấy đã mua đất và xây nhà. Cưới nhau xong tôi cũng mới biết Khoa chơi thể thao và có huy chương”.
Quầy hàng của chị Khoa ở góc phố đã quen với người dân khu vực gần 20 năm qua. Trước đây cán bộ phường từng nhắc nhở, sau thấy hoàn cảnh, họ chấp nhận để chị ở đó kiếm cơm. Cứ 4 giờ sáng anh Lô ra chợ Long Biên mua hoa quả, mang ra quầy để 7 giờ Khoa có mặt tại đó ngồi bán. Chị có chiếc xe lăn cũ, gãy khung vẫn thường dùng ngồi, làm trụ quầy hàng và treo lên đó đủ thứ đồ. Do mang đi mang lại cồng kềnh, anh chị đã “giam” nó bằng cách đổ bê-tông cố định ở một vị trí, tránh bị người thu gom đồng nát “nẫng” mất.
Tuy thế, một người đàn ông vẫn chủ yếu “bám” vào sự năng động của chị, trông chờ tất tần tật vào quầy hàng, lại còn đèo bòng thêm vợ con anh ta ở Lạng Sơn cũng khiến cho Khoa mệt nhoài mà chưa tìm được cách giải quyết ổn thỏa.
Hỏi đến chuyện tế nhị này, Khoa rơm rớm nước mắt: “Khó giải quyết lắm các anh ạ. Hai đứa cãi nhau chán rồi, nước mắt chan chứa, đập phá cả đồ đạc rồi, vẫn thế. Em bảo, hoặc là anh sống với tôi, hoặc là anh sống với vợ cũ. Nếu sống với tôi, con anh tôi sẽ nuôi từ A đến Z, cho ăn học tử tế”. Hỏi chồng chị nói sao? Khoa trả lời: “Chồng em bảo, không bỏ được em nhưng cũng không bỏ được vợ cũ. Vợ cũ nghe tin chồng có vợ mới phát điên. Bao nhiêu thuốc thang mới khỏi. Bây giờ bỏ, lại phát điên. Các anh ơi em chỉ muốn yên ổn để nuôi con. Em muốn để dành cho con em ít vốn, khi con em lớn lên. Nhưng em không biết làm thế nào. Đồng tiền khó nhọc em kiếm ra phải chia năm sẻ bảy…”.
Mưu sinh vất vả, lại chịu cảnh một bến chông chênh hai thuyền mà số phận đẩy đưa, đã có lúc Khoa nghĩ tất cả vì con nên đành phải cắn răng chịu đựng. Được cái anh Lô, chồng chị cũng chịu khó. Ngoài giúp vợ, có ai thuê chở hàng cũng nhanh chóng đi để kiếm thêm.
Hà Nội cuối tuần sụt sùi mưa. Khách đông hơn ngày thường. Chị Khoa vừa chăm con gái vừa bán hàng. Anh Lô lo việc xếp hoa quả, đưa đồ cho khách… Cuộc sống mưu sinh với đủ thứ lo toan buộc cả hai người cùng cố gắng. “Buôn bán ngày càng khó khăn. Trước đây mỗi ngày em bán được 200 chiếc bánh mì, giờ chỉ được vài chục chiếc đã là may. Nếu không bán kèm hoa quả thì làm sao có tiền sống. Không biết em sẽ còn gặp phải trắc trở gì, còn lúc này em sống tàm tạm”, chị Khoa cho biết. Tạm biệt tôi, chị lại cười thật tươi.
Theo VNE
Cô gái 'thể thao vàng' bán hoa quả nuôi con gái nhỏ
Từng đoạt 10 HC vàng trong các kỳ đại hội thể thao dành cho người khuyết tật, Nhữ Thị Khoa trở về đời thường mưu sinh bằng cách bán bánh mì, hoa quả để nuôi con gái 7 tuổi.
Khoa ngồi lọt thỏm trong góc trên chiếc xe lăn cũ kỹ, xung quanh xếp đầy xoài, hồng, cam, bưởi... Trên bánh lái màu xanh của xe lăn còn ba chiếc bánh mì để chào khách. Sạp hoa quả của chị nằm ở nơi giao nhau giữa phố Trần Xuân Soạn - Lò Đúc (Hà Nội) tấp nập người qua lại.
Có khách mua hàng, chị nhoài người nhặt những quả hồng rồi đặt lên cân. Thi thoảng chị phải nhờ khách tự lấy những quả dưa, quả bưởi để xa tầm tay với. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam năm nào từng đi thi đấu ở Philippines, Hy Lạp, giờ thu mình lại nơi góc phố với thùng bánh mì và sạp hoa quả. Nhiều năm qua, nơi đây trở thành mái nhà thứ hai của chị.
Nơi mưu sinh của "cô gái vàng" Nhữ Thị Khoa sau khi giã từ sự nghiệp thể thao. Ảnh: Hoàng Phương.
Tranh thủ lúc vắng khách, Khoa sắp xếp lại bánh mì trong thùng. Chị cho hay, trước đây bán được cả trăm cái mỗi ngày, giờ chỉ được vài chục do cạnh tranh nhiều hơn. Trông chờ vào thùng bánh mì không đủ sống, chị phải mua hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên bán thêm mới tạm trang trải.
Năm 2005, dành dụm sau cả chục năm bán bánh mì và tiền thưởng từ những lần thi đấu, chị Khoa mua được miếng đất, cất một ngôi nhà nhỏ trên phố Kim Ngưu. Trở về cuộc sống bình lặng sau đường đua, còn bao tâm sức chị dành cả cho cô con gái mang họ mẹ, Nhữ Thị Yến Chi.
Không muốn tâm sự nhiều về chuyện riêng tư, chị Khoa đầy tự hào khi nói về con. Yến Chi năm nay 7 tuổi nhưng mới vào lớp Một. Cô bé gầy còm đi học về là sà vào lòng mẹ đòi bế. Để con ăn lót dạ và uống hộp sữa đợi đi học thêm buổi tối, chị tranh thủ lật từng trang vở của con. Khuôn mặt người mẹ giãn ra, mỉm cười khi thấy Chi viết chữ ngày càng khá. Rồi chị ôm con, hít hà hỏi trưa nay ăn được mấy bát cơm, ở lớp có ngoan không.
Bận bán hàng cả ngày không đón con được, chị phải để Yến Chi học bán trú ở trường Tiểu học Minh Khai, chiều lại nhờ người đón về. Có ngày không nhờ được ai, chị đành để sạp hoa quả lại cho mấy bà bạn hàng nước trông rồi tất tả lăn chiếc xe ba bánh đi đón con về. Nhiều hôm mẹ đến muộn, Yến Chi tan học cứ tha thẩn chơi ngoài sân trường, ghế đá.
Nữ vận động viên khuyết tật kiểm tra lại vở học bài của con gái. Ảnh: Hoàng Phương.
Yến Chi ra đời phải sinh mổ, chỉ nặng 2 kg. Mẹ đẻ chị từ Ứng Hòa xuống chăm con và cháu ngoại hàng năm trời. Khi con gái cứng cáp, hai mẹ con dựa vào nhau và sạp hàng hoa quả để sống. Sinh con đã khó, nuôi Chi lớn lại càng vất vả, chỉ cần thay đổi thời tiết là cô bé ốm liên miên. Bù lại, cô con gái nhỏ rất thương và biết nghe lời mẹ. Nhiều lúc bận bán hàng mà con gái quấn quýt quá, chị nói với con: "Con không ngoan là mẹ không yêu đâu". Cô bé nghe mẹ nói thế, vội ôm lấy cổ chị rồi ngồi yên cho mẹ bán hàng. Nhiều hôm thấy mẹ mệt, con gái bảo chị đi nghỉ rồi tự học bài, học xong lên nằm với mẹ.
Vuốt mái tóc tơ của cô con gái bé bỏng, giọng chị xót xa: "Mẹ bận đi bán hàng cả ngày, ít thời gian chăm sóc nên con gái mới ốm yếu thế này". Chị nói, con gái là tất cả tài sản đối với chị. Yến Chi cũng chính là lý do để chị quyết định giã từ sự nghiệp thể thao, trở về thiên chức làm mẹ để chăm sóc con được tốt hơn.
Sáng sớm, đưa con gái đến trường cách nhà hơn 2 km xong, chị lại tất tả hòa vào dòng người xuôi ngược trên đường. Đến với góc phố quen thuộc, chị tự tay xếp bánh mì, hoa quả lên chiếc xe lăn đã cũ kỹ. Chiếc xe ấy Khoa mua với giá 2 triệu đồng cách đây cả chục năm. Chị không muốn bán vì đã gắn bó với nó từ lúc chị chưa bắt đầu đến khi kết thúc cả sự nghiệp thể thao. Giờ đây, nó được chị nhờ người ta đổ bê tông cố định ở đó để không bị mất cắp. Trên nóc xe có gắn một chiếc bạt nhỏ để người bán hàng tránh nắng mưa.
Cũng không biết nhờ có duyên hay góc phố này nhiều cây tỏa bóng mát mà sạp hàng của chị khá đông khách. Khoa cho hay, nhiều khách quen nhận ra chị từng xuất hiện trên báo chí, ồ lên hỏi chuyện. Chị chỉ cười đáp lại qua loa rồi tiếp tục với công việc của mình.Có nhiều người biết tiếng, lấy cái cớ mua hoa quả để xem mặt.
Nhiều người mua hàng vì hâm mộ tài năng của chị. Ảnh: Hoàng Phương.
Người phụ nữ đứng tuổi tự nhận mình là fan một thời của Nhữ Thị Khoa cho hay, đi lễ chùa, thắp hương, bà đều mua hoa quả ở hàng chị. Bà trìu mến gọi Khoa là "con bé" và bảo: "Nó thi đấu cũng hay mà buôn bán cũng giỏi, bán hàng lại thật thà, cân kéo chính xác. Nó còn nuôi con nhỏ nên ai cũng thương". Nghe lời vị khách, Khoa chỉ mỉm cười không nói gì.
Thời gian trôi qua, vẫn góc phố ấy, con người ấy, nhiều khách vào mua hàng bởi quen mặt và thích thái độ niềm nở, chiều khách của chị chứ không biết chị từng là "cô gái vàng" một thời, đi đâu cũng được vinh danh."Gần chục năm rồi, hào quang ngày ấy giờ là dĩ vãng", đôi mắt người bán hàng bỗng trở nên xa xăm.
Những tấm HC vàng tiền ParaGames, ParaGames, chị Khoa vẫn cất cẩn thận trong tủ, còn quần áo thi đấu đã cho đi hết. Chị nhớ tất cả, từ giây phút luyện tập cùng đồng đội hay khoảnh khắc khoác lên mình màu cờ sắc áo đứng trên bục vinh quang: "Quên làm sao được những gì người ta từng trải qua".
Thi thoảng, chị vẫn tới Trung tâm huấn luyện thể thao chơi và gặp gỡ những người bạn từng thi đấu cùng. Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn và đồng đội xưa nhiều lần gợi ý chị quay trở lại luyện tập. Chị từ chối, bảo vẫn còn đam mê nhưng con gái quan trọng hơn. "Đi thi đấu thì phải bỏ nhiều thời gian, công sức tập luyện. Con còn nhỏ không ai chăm sóc, đưa đón nó đi học. Giữa đam mê và gia đình, chỉ có thể chọn một". Và chị chọn con gái.
Nhiều năm buôn bán, Khoa vẫn mong ước có một cửa hàng riêng để thuận lợi cho việc buôn bán và nuôi con gái ăn học. "Chặng đường ấy còn xa lắm...", chị để dở câu nói.
Theo VNE
Cô gái vàng một thuở Nép bên ngã ba Trần Xuân Soạn - Lò Đúc (Hà Nội) có một gánh hàng hoa quả và bánh mì. Chủ nhân là một người đàn bà gầy bị khuyết tật đôi chân, nhưng trên môi luôn nở nụ cười tươi tắn mời chào khách. Chị Khoa bên những sọt hoa quả và bánh mì của mình. Ít ai biết rằng người...