“Nở rộ” lớp học kỳ 3 của sinh viên đại học
Khi chương trình chính khóa kết thúc, sinh viên ở nhiều trường ĐH “rủ” nhau đi đăng kí học kì 3 đông như trẩy hội. Các lớp học kì ba được tổ chức vào dịp hè (từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 8 ) để các sinh viên có điều kiện cải thiện điểm, học vớt, trả nợ môn hoặc “chạy” tín chỉ.
Tiền tăng vèo vèo vẫn… ok!
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù học phí cho “khóa học đặc biệt” này đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi học phí các môn chính khóa (trung bình từ 170.000 đồng/tín chỉ) nhưng các lớp học kì 3 lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi, mỗi lớp khoảng 70- 80 sinh viên trở lên.
Bởi, các sinh viên ở khối kỹ thuật thường “ngại” học những môn đại cương như: Triết, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Còn các môn cơ sở như: Cơ học cơ sở, Toán đại cương, thủy lực thì điểm lúc nào cũng lẹt đẹt.
Vậy nên các lớp học cải thiện những môn này năm nào cũng đông nghịt.
Đức Anh – sinh viên năm 3, ĐH K. Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Hầu hết sinh viên trường mình đều “chết” các môn đại cương vì dài dòng, khó nhớ nên có khi 2/3 lớp đi học lại là chuyện bình thường.”
Còn sinh viên của các trường khối xã hội lại “đau đầu” với tiếng Anh, Toán cao cấp, hay môn Thống kê nên đa phần học kì ba là thời gian để “vớt vát” lại điểm. Lê Linh – lớp Triết, Trường ĐH N.V, Hà Nội chia sẻ: “Muốn ra trường có tấm bằng đẹp thì phải chịu khó đi học cải thiện, học phí đắt một chút nhưng điểm tổng kết lại cao”.
Lịch học kì 3 dày đặc hơn lịch học chính khóa
Một số bạn muốn ra trường sớm hơn nên đã chọn giải pháp “học ngày cày đêm” chương trình học kì 3 để “chạy” tín chỉ. “Học vượt vừa vất vả lại tốn tiền, tốn thời gian nhưng được ra trường sớm. Muốn nhanh thì phải chấp nhận thôi!” – Hoàng Nga sinh viên ĐH B.K, Hà Nội tâm sự.
Đã vào học kỳ 3 ắt được điểm cao?
Việc đăng kí học kì ba để cải thiện điểm, trả nợ môn, hay học vượt xuất phát từ nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên được hỏi đều cho rằng đã bỏ ra nhiều tiền để học thì chắc chắn sẽ được điểm cao nên chỉ đi học để điểm danh hoặc chiếu lệ. Thậm chí có những người từng học lại sáu lần vẫn không qua được một môn.
Như trường hợp của Nguyễn Nam (ĐH C.N, Hà Nội), vì nghĩ học lại kiểu gì cũng sẽ qua nên Nam đi học như đi chơi. Ngồi trong giờ không ngủ thì Nam lại lôi điện thoại ra đánh điện tử tới khi hết giờ thì về. Bởi vậy, sáu lần thi là sáu lần trượt, học hết bốn năm ĐH mà Nam vẫn chưa cầm nổi tấm bằng tốt nghiệp vì nợ quá nhiều môn.
Video đang HOT
Một số sinh viên ở lại trường để học hè cũng tranh thủ đi làm thêm để có “đồng ra đồng vào”.
Nhưng nhiều người có cùng suy nghĩ như Nam, coi nhẹ chuyện học “cải thiện” bởi cho rằng các thầy thường cho đề dễ, coi thi dễ, chấm dễ. Vì mải kiếm tiền nên nhiều bạn bỏ bê học hành, cuối cùng “cải thiện” đâu chẳng thấy, chỉ thấy càng học càng thụt lùi.
Cũng có những trường hợp lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý lớp học kì 3 ở nhiều trường ĐH nên đã thuê người học hộ, thi hộ để điểm cao hơn còn bản thân thì “gồng mình” đi làm thêm khắp nơi để lấy tiền trả công cho người học
Lớp học kì 3 tại trường ĐH K. (Thanh Xuân, Hà Nội)
Như Mai Chi (*) (ĐH N.V, Hà Nội) biết mình không có khả năng học tiếng Anh, dù có học “cải thiện” hàng trăm lần nữa cũng vẫn thế nên tìm cách thuê người học để thi kéo điểm.
Mỗi buổi học hộ có giá 50.000 đồng, riêng ngày thi mức giá tăng lên 400.000 đồng. Bởi vậy, thay vì phải lên lớp học hè, Chi “chạy ngược chạy xuôi” làm thêm để trả tiền học hộ.
Dù biết việc tranh thủ thời gian hè để học thêm học kì 3 nhằm cải thiện điểm, trả nợ môn, học vớt cũng là điều kiện để sinh viên “gỡ” điểm cho những môn “khó nuốt”.
Thế nhưng việc học đó đã “cải thiện” năng lực của sinh viên một cách thực sự chưa? Hay chỉ là những điểm số ảo và ý thức học tập của sinh viên không được chấn chỉnh?
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo BĐVN
7 điểm trừ cần tránh khi chuẩn bị thành tân sinh viên
Một số điểm trừ gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và học hành của sinh viên chúng mình, cùng check nhé!
Điểm trừ 1: Mải mê làm thêm
Không phản đối chuyện bạn làm thêm, rõ ràng là "trường đời" cung cấp rất nhiều thứ mà trường học không thể có. Nhưng việc mải mê làm thêm đến bỏ quên cả học hành lại là chuyện cần phải quan tâm đấy.
Nghĩ xem, tất cả mọi công việc bạn làm đều là để trang trải chi phí cho học hành, mà để kết quả dẫn tới là thi rớt, thi lại hay thậm chí là bị đình chỉ vì không kham nổi chương trình trên lớp thì có đáng không. Do đó, phải lượng sức mình trước khi thích thú chạy theo tiền bạc, cuối cùng thì học hành đàng hoàng mới là nhiệm vụ chính của sinh viên cơ mà, phải không?
Điểm trừ 2: Ngại hỏi
"Có ai cần hỏi điều gì không?". Giảng viên lặp lại lần thứ ba, cả giảng đường im phăng phắc. Chuông reo, tan học và ra về. Nhưng có bao nhiêu người trong đám đông ấy nắm trọn vẹn được bài học?
Ngại hỏi đã trở thành một thói quen cố hữu của sinh viên. Lý do thì từ chuyện không muốn làm gián đoạn bài giảng, không muốn gây sự chú ý của giáo viên, cho đến ngại hỏi chỉ là vì...ngại hỏi.
Đương nhiên là bạn cần tập trung vào bài giảng và nên tự mình tìm tòi trước khi đặt ra câu hỏi cho giáo viên. Nhưng nếu cứ bỏ qua những thắc mắc của mình sẽ khiến kiến thức bị hổng kha khá đấy.
Điểm trừ 3: Thức khuya và ham ngủ
Là sinh viên, dường như bạn khá tự do và có rất nhiều việc để làm, từ học hành nghiên cứu cho đến xem phim, game và chat chit. Thế nên chuyện thức khuya không phải là chuyện lạ. Và dẫn tới hoặc là đến lớp với cái đầu lơ mơ gà mờ, hoặc là... bỏ tiết luôn để ở nhà ngủ. Không khó khi bắt gặp hình ảnh các dãy phòng trọ đóng cửa im ỉm, 9, 10 giờ mà các sinh viên vẫn nằm như mèo lười.
Nếu có nhiều việc không thể giải quyết xong, hãy gác lại để dành vào sáng sớm hôm sau và tập cho mình một chế độ sinh hoạt thông minh điều độ bạn nhé.
Điểm trừ 4: Không tự tin
Bạn sẽ phản biện rằng sinh viên ngày nay là một thế hệ rất rất thông minh và đầy tự tin đấy.
Nhưng số lượng nổi bật bạn nhìn thấy là ít ỏi, tớ đang nói đến một thành phần đông đúc khác: Là những cá nhân chấp nhận mình "hòa tan" cả vào tập thể, chưa một lần dám nêu ra ý kiến riêng của bản thân dù rằng họ có rất nhiều ý tưởng. Là những sinh viên không bao giờ dám đưa tay phát biểu dẫu họ biết câu trả lời, thậm chí không dám mặc một cái áo màu nổi bật vì sợ mình bị để ý.
Nhớ nè bạn, liệu có ai nhìn thấy bạn giữa đám đông không khi mà chính bạn cứ luôn thu mình bé lại?
Điểm trừ 5: Lười...
Sinh viên lười thuộc dạng cố hữu. Lười đến thư viện nghiên cứu, lười suy nghĩ, lười phát biểu, lười sáng tạo, cho đến cả chuyện lười làm bài, lười học bài, lười chép bài, thậm chí là chuyện lười đến lớp.
Tất cả những..."danh mục lười" được liệt kê trên đều liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện học hành của bạn. Do đó nếu muốn cải thiện tình hình điểm số thì nhanh nhanh chữa bệnh lười đi nhé!
Điểm trừ 6: Giờ cao su
Khỏi phải bàn chuyện giờ cao su của sinh viên. Các tiết học liên tục bị gián đoạn vì những sinh viên đi trễ. Buổi họp lớp bị trễ vì ...rất nhiều người đến trễ. Công việc học hành cũng theo đó mà trì trệ vì những suy nghĩ kiểu như "Đến sớm làm gì mất công chờ người khác", "Ôi dào, trễ 5,10 phút thì chết ai!"
Những suy nghĩ cổ hủ sẽ...kéo chân bạn chậm lại khỏi guồng quay của thế giới hội nhập đấy. Học cách làm việc nghiêm túc và công nghiệp nào.Và nếu bạn cũng biết là giờ dây thun không tốt, thì hãy thay đổi từ hôm nay đi nhé!
Điểm trừ 7: Yêu là cả cuộc sống
Làm sinh viên nghĩa là bạn đã đủ trưởng thành để biết cách yêu thương một người nào đó. Nhưng tình yêu không phải là tất cả cuộc sống để bạn bỏ mặc công việc, học hành, gia đình bè bạn mà lao theo.
Hạnh phúc thì không nói, nhưng có biết bao nhiêu hệ lụy từ việc yêu không lý trí và gặp cảnh tan vỡ. Nhẹ thì buồn chán, bỏ ăn bỏ học và mất niềm tin, nặng thì để mặc đời mình ...trôi vô định. Chưa kể đến đủ thứ chuyện từ sống thử, nạo phá thai cho đến các vụ án vì tình. Vì vậy, hãy tỉnh táo để biết thế nào là yêu thương đúng nghĩa, và có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình bạn nhé.
Hãy là những sinh viên thế hệ mới năng động, đừng để những điểm trừ kéo chân bạn chậm lại đấy!
Theo Pháp Luật XH
Báo động về chất lượng nhân lực ngành giáo dục Vừa qua, Diễn đàn Dân trí nêu lên chủ đề trao đổi về công việc và đời sống của nhà giáo thu hút được nhiều ý kiến tham gia. Thực tiễn nhiều năm gần đây cho thấy ngành sư phạm ngày càng giảm sức hấp dẫn và không còn thu hút được những HS giỏi. Một vị là Phó Chủ tịch UBND huyện...