Nở rộ lớp học ‘cải thiện điểm’ cho sinh viên
Khi chương trình chính khóa kết thúc, sinh viên ở nhiều trường ĐH “rủ” nhau đi đăng kí “ học kì 3″ đông như trẩy hội. Các lớp này được mở vào hè (từ cuối tháng 6 tới tháng 8) để sinh viên có điều kiện cải thiện điểm, học vớt, trả nợ môn hoặc “chạy” tín chỉ.
Tiền tăng vèo vèo vẫn… ok
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù học phí cho “khóa học đặc biệt” này đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi học phí các môn chính khóa (trung bình từ 170.000 đồng/tín chỉ) nhưng các lớp học kì 3 lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi, mỗi lớp khoảng 70- 80 sinh viên trở lên.
Lớp học kì 3 tại trường ĐH K. (Thanh Xuân, Hà Nội)
Bởi, các sinh viên ở khối kỹ thuật thường “ngại” học những môn đại cương như: Triết, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Còn các môn cơ sở như: Cơ học cơ sở, Toán đại cương, thủy lực thì điểm lúc nào cũng lẹt đẹt.
Vậy nên các lớp học cải thiện những môn này năm nào cũng đông nghịt.
Đức Anh – sinh viên năm 3, ĐH K. Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Hầu hết sinh viên trường mình đều “chết” các môn đại cương vì dài dòng, khó nhớ nên có khi 2/3 lớp đi học lại là chuyện bình thường.”
Còn sinh viên của các trường khối xã hội lại “đau đầu” với tiếng Anh, Toán cao cấp, hay môn Thống kê nên đa phần học kì ba là thời gian để “vớt vát” lại điểm. Lê Linh – lớp Triết, Trường ĐH N.V, Hà Nội chia sẻ: “Muốn ra trường có tấm bằng đẹp thì phải chịu khó đi học cải thiện, học phí đắt một chút nhưng điểm tổng kết lại cao”.
Video đang HOT
Lịch học kì 3 dày đặc hơn lịch học chính khóa
Một số bạn muốn ra trường sớm hơn nên đã chọn giải pháp “học ngày cày đêm” chương trình học kì 3 để “chạy” tín chỉ. “ Học vượt vừa vất vả lại tốn tiền, tốn thời gian nhưng được ra trường sớm. Muốn nhanh thì phải chấp nhận thôi!” – Hoàng Nga sinh viên ĐH B.K, Hà Nội tâm sự.
Đã vào học kỳ 3 ắt được điểm cao?
Việc đăng kí học kì ba để cải thiện điểm, trả nợ môn, hay học vượt xuất phát từ nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên được hỏi đều cho rằng đã bỏ ra nhiều tiền để học thì chắc chắn sẽ được điểm cao nên chỉ đi học để điểm danh hoặc chiếu lệ. Thậm chí có những người từng học lại sáu lần vẫn không qua được một môn.
Như trường hợp của Nguyễn Nam (ĐH C.N, Hà Nội), vì nghĩ học lại kiểu gì cũng sẽ qua nên Nam đi học như đi chơi. Ngồi trong giờ không ngủ thì Nam lại lôi điện thoại ra đánh điện tử tới khi hết giờ thì về. Bởi vậy, sáu lần thi là sáu lần trượt, học hết bốn năm ĐH mà Nam vẫn chưa cầm nổi tấm bằng tốt nghiệp vì nợ quá nhiều môn.
Một số sinh viên ở lại trường để học hè cũng tranh thủ đi làm thêm để có “đồng ra đồng vào”.
Nhưng nhiều người có cùng suy nghĩ như Nam, coi nhẹ chuyện học “cải thiện” bởi cho rằng các thầy thường cho đề dễ, coi thi dễ, chấm dễ. Vì mải kiếm tiền nên nhiều bạn bỏ bê học hành, cuối cùng “cải thiện” đâu chẳng thấy, chỉ thấy càng học càng thụt lùi.
Cũng có những trường hợp lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý lớp học kì 3 ở nhiều trường ĐH nên đã thuê người học hộ, thi hộ để điểm cao hơn còn bản thân thì “gồng mình” đi làm thêm khắp nơi để lấy tiền trả công cho người học.
Lớp học kì 3 tại trường ĐH K. (Thanh Xuân, Hà Nội)
Như Mai Chi (ĐH N.V, Hà Nội) biết mình không có khả năng học tiếng Anh, dù có học “cải thiện” hàng trăm lần nữa cũng vẫn thế nên tìm cách thuê người học để thi kéo điểm.
Mỗi buổi học hộ có giá 50.000 đồng, riêng ngày thi mức giá tăng lên 400.000 đồng. Bởi vậy, thay vì phải lên lớp học hè, Chi “chạy ngược chạy xuôi” làm thêm để trả tiền học hộ.
Dù biết việc tranh thủ thời gian hè để học thêm học kì 3 nhằm cải thiện điểm, trả nợ môn, học vớt cũng là điều kiện để sinh viên “gỡ” điểm cho những môn “khó nuốt”. Thế nhưng việc học đó đã “cải thiện” năng lực của sinh viên một cách thực sự chưa? Hay chỉ là những điểm số ảo và ý thức học tập của sinh viên không được chấn chỉnh?
Theo VNN
Học sinh không có... hè
Từ nhiều năm nay, nhiều học sinh, nhất là các em ở thành phố, không hề có mùa hè, bởi quãng thời gian nghỉ ngơi này đã trở thành học kỳ... III.
Nhiều phụ huynh quan niệm: để con nghỉ học lâu sẽ quên kiến thức; nhưng cũng có phụ huynh buộc phải cho con đi học vì... ở nhà mà không ai trông. Ngay trong tháng 6, các trường tiểu học, trung học cơ sở của TP HCM đã khai giảng các lớp ôn tập hè với lịch học dày kín. Một số trường còn mở các lớp bán trú với 5 ngày/tuần.
Học hè khiến các em học sinh thêm mệt mỏi.
Năm nào cũng học thêm Nguyễn Duy Nguyên (nhà ở quận 10, TP HCM), học sinh (HS) lớp 4, than thở chỉ được nghỉ hè đúng một tuần. Từ ngày 1.6 là bước vào "học kỳ III" với 5 ngày/tuần học thêm tiếng Việt, toán và Anh. 2 ngày còn lại phải đi học võ và bơi. Cậu bé cũng buồn bã: "Nghỉ hè nhưng con cũng chỉ được chơi điện tử 2 giờ/tuần. Mà con đâu có học dở, các môn tiếng Việt, toán và Anh văn hầu hết là được điểm 10. Vậy mà mẹ con còn bắt học thêm. Từ hồi đi học tới giờ, con chưa được nghỉ hè". Nguyên không phải là trường hợp hiếm gặp.
Theo khảo sát, hầu hết các trường tiểu học và THCS tại TP HCM đều tổ chức các lớp học hè cho HS, trong đó có một số trường không thông báo lịch học từ thứ 2 - thứ 7, không ít trường mở các lớp bán trú.
Tại Trường tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), Tô Vĩnh Diện (quận Bình Thạnh)... chương trình học hè tổ chức cho HS lớp 1 - lớp 5, khai giảng ngày 28.6 và kết thúc ngày 13.8. HS sẽ được ôn lại kiến thức cũ và dạy thêm các môn năng khiếu, như: nhạc, họa, Anh vănh, vi tính... Nếu học bán trú thì HS sẽ học 5 ngày/tuần.
Tại Trường tiểu học Trần Quang Diệu, chúng tôi gặp chị Thu Vân (quận 3) đang tìm hiểu thông tin để đăng ký cho con đi học để chuẩn bị vào lớp 1. Tháng 9 này con gái chị vào lớp 1 của Trường Nguyễn Đình Chính nhưng trường này không tổ chức lớp học hè. Chị nói: "Hỏi kinh nghiệm của nhiều phụ huynh, ai cũng khuyên nên cho trẻ học trước để khỏi bỡ ngỡ. Vả lại, để con ở nhà không ai trông, nên đăng ký cho đi học bán trú ở đây từ ngày 20/6".
Các trường cũng cho rằng, vì nhu cầu rất đông của phụ huynh nên các trường đành phải mở các lớp học hè và tổ chức các lớp bán trú. Lệ phí học hè là do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận nên mức đóng góp ở mỗi trường cũng khác nhau.
Không học hè thì đi đâu?
Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận 11) thì than thở: "Hơn nửa tháng qua, tôi cho con đi luyện chữ đẹp, học Anh văn vào các buổi sáng thứ 2, 4, 6; học năng khiếu vào sáng thứ 3, 5, và chủ nhật. Các buổi còn lại phải mang con gửi ông bà rồi chú bác... nhà nào có người ở nhà là mang qua gửi". Hiện nay, bé Mai Anh, con gái của chị học bán trú ở trường; hai ngày cuối tuần đi luyện chữ đẹp ở quận 1. Chị Hà khẳng định: "Không cho học hè là không theo kịp các bạn khác trong lớp!".
Dù các nhà quản lý và chuyên gia tâm lý nhiều lần khuyến cáo không nên biến những kỳ nghỉ hè thành "học kỳ III" căng thẳng nhưng nhiều phụ huynh vẫn ép con học hè để biết trước chương trình cho "bằng bạn bằng bè". Cũng không ít phụ huynh cho con đi học hè chỉ để có chỗ gửi con chứ không quan tâm đến chương trình học. Gần đây, trước trào lưu học kỹ năng sống, một số phụ huynh cũng đã quan tâm tới việc cho con cái đi học các khóa này.
Chuyên viên tâm lý Ngô Thành Thuận, Đài 1080 TP HCM, nhận xét hiện nay khá đông phụ huynh cho trẻ học trước chương trình mà không quan tâm tới việc ảnh hưởng tâm lý trẻ. Một khi trẻ đã học trước chương trình thì khi vào năm học sẽ có tâm lý chán nản, không tập trung học, hoặc ngồi nói chuyện riêng.
Theo Đất Việt
Những truyện cười hay nhất mùa thi 2010 "Tơ lai trươt rôi câu a! Bây giơ tơ không biêt phai bao vơi bô me như thê nao". "Câu cư noi la: Con đa thi lai, không co gi mơi". - Bố ơi! Bố cho tiền con mua vé số ạ! - Bố cấm con. Mới học lớp 3 mà đã bày đặt chơi đỏ đen hả? - Dạ! Cô giáo bảo...