‘Nở rộ’ các chiêu thức lừa đảo tài chính online
Theo kết quả chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân do Tập đoàn Bkav thực hiện tháng 12/2022, khoảng 3/4 người dùng nhận được cuộc gọi lừa đảo tài chính online, hơn một nửa người dùng nhận được tin nhắn lừa đảo.
Các chuyên gia của Bkav khuyến cáo, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến trong năm 2023 khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỷ đồng.
Theo kết quả thống kê của Bkav, cứ 4 người dùng Việt Nam thì có đến 3 người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online và hơn nửa số người dùng Việt Nam bị làm phiền bởi các tin nhắn này. Nhờ sự cải thiện về nhận thức an ninh mạng của người dùng, số người thực hiện theo yêu cầu trong tin nhắn giả mạo chỉ dừng ở mức 5,7%.
Các chuyên gia cảnh báo lừa đảo tài chính online sẽ tiếp tục “bùng nổ” trong năm 2023. Ảnh minh họa
Tuy vậy, với chiến lược “rải thảm” của hacker cùng các chiêu trò ngày càng tinh vi, chỉ cần người dùng sơ sảy một chút là có thể trở thành nạn nhân. Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ việc mất 2,1 tỷ đồng trong tài khoản do lừa đảo nâng cấp SIM ở TP.HCM hay vụ việc mất hơn 5,5 tỷ đồng sau khi nghe điện thoại và làm theo yêu cầu của kẻ giả mạo công an ở Hà Nội.
Video đang HOT
Ngoài hai hình thức kể trên, kẻ xấu còn “chế biến” nhiều kịch bản để lừa người dùng vào bẫy như dụ dỗ nạp tiền làm “nhiệm vụ online”, giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo cơ quan chức năng báo vi phạm giao thông; đặc biệt hình thức gửi tin nhắn SMS Brandname giả mạo từ các tổ chức ngân hàng, tài chính cũng được hacker chuộng dùng trong năm 2022.
Để tránh trở thành nạn nhân của các chiến dịch lừa đảo này, các chuyên gia của Bkav khuyến cáo người dùng nên xác minh thông tin tại trang chính thống của tổ chức; không vội vàng thực hiện giao dịch qua các địa chỉ, số điện thoại hoặc email nhận được từ chính tin nhắn Brandname đó.
Còn theo ghi nhận của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ( NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo quacanhbao.ncsc.gov.vn. Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến được các đối tượng lừa đảo thường sử dụng như nhắn tin, gọi điện hoặc thông qua các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu việc làm tại nhà, tuyển giúp việc theo giờ, tuyển người giao hàng nhưng phải chuyển trước một khoản tiền phí nhằm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặt cọc, môi giới ban đầu mà người dân chuyển cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng dịch vụ VoIP mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu khai báo thông tin tài khoản, mật khẩu ngân hàng trên trang thông tin giả mạo, từ đó thu thập thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Ngoài ra, các đối tượng còn thực hiện hành vi tấn công mạng, chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè; giả mạo thông tin, tài khoản, hộp thư điện tử của các công ty, doanh nghiệp, sau đó thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến nhằm lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng để rút tiền.
Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trực tuyến, các chuyên gia của NCSC khuyến nghị người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để nhận biết những dấu hiệu lừa đảo; nâng cao kiến thức và mức độ nhận diện để tránh trở thành nạn nhân bằng việc xem các video kể về quá trình bị lừa đảo của một số youtuber nổi tiếng hoặc các tình huống được xây dựng trên câu chuyện có thật. Ngoài ra, người dân cũng có thể truy cập websitehttps://congcu.khonggianmang.vn/ dauhieuluadao để thực hiện các bài kiểm tra mức độ nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến.
Đặc biệt, nếu nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến các hình thức lừa đảo, người dân có thể chủ động cảnh báo tại: canhbao.ncsc.gov.vn; đồng thời có thể tìm kiếm và kiểm tra các trang web lừa đảo, trục lợi tài chính qua “Danh sách đen” tại tinnhiemmang.vn.
Dự báo về tình hình an ninh mạng năm 2023, các chuyên gia của Bkav cho rằng, trong năm tới, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỷ đồng. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, hacker sẽ ngày càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi. Nguồn lợi tài chính hấp dẫn cũng sẽ khiến mã độc mã hóa tống tiền tiếp tục nở rộ trong năm tới; chiến dịch tấn công ransomware nhắm vào máy chủ chứa dữ liệu kế toán được ghi nhận từ tháng 4/2022 đã xâm nhập 1.355 máy chủ vẫn tiếp diễn; tấn công APT nhằm mục đích gián điệp sẽ gia tăng trong năm 2023…
Trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh mạng, Bkav khuyến nghị các cơ quan, tổ chức cần tiếp tục tuân thủ và đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai theo Chỉ thị 14/2018/CT-TTg “Về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại” và 14/2019/CT-TTg “Về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao năng lực và hiệu quả đảm bảo an toàn an ninh mạng Việt Nam.
Nở rộ các tổ chức tội phạm mạng khắp châu Phi
Các cơ quan điều tra lo ngại nhiều băng nhóm lừa đảo có tổ chức đang mở rộng khắp vùng cận Sahara châu Phi, tận dụng các cơ hội mới do đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu để thu về những khoản tiền trái phép khổng lồ.
Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng tội phạm mạng ở châu Phi là do tốc độ sử dụng Internet tăng nhanh theo sau hậu quả của đại dịch Covid-19
Mảnh đất màu mỡ của tội phạm
Cơ quan Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) cho rằng, các vụ lừa đảo trực tuyến như gian lận ngân hàng và thẻ tín dụng hiện là mối đe dọa trực tuyến phổ biến và cấp bách nhất ở châu Phi. Các nhà phân tích tại Interpol cho biết, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng liên tục về số lượng các cuộc tấn công mạng, trong đó số vụ nhắm vào các nền tảng ngân hàng trực tuyến tăng gấp đôi.
Vào đầu tháng 11-2022, một chiến dịch do Interpol điều phối tại 14 quốc gia đã nhắm vào mối đe dọa từ tội phạm mạng xuyên lục địa. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 70 kẻ lừa đảo bị cáo buộc có liên quan đến mạng lưới tội phạm Nigeria có tên "Rìu Đen" ở Nam Phi, Nigeria và Bờ Biển Ngà cũng như ở châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ. Lực lượng chức năng đã chặn được khoảng 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng cùng ít nhất 50 tài sản khác. "Chúng tôi đang đối phó với một mạng lưới quốc tế có tổ chức cao" - ông Rory Corcoran, quyền Giám đốc Trung tâm chống tham nhũng và tội phạm tài chính mới của Interpol cho biết.
Băng đảng "Rìu Đen" khét tiếng ở Nigeria vốn nổi lên từ phong trào sinh viên ở thành phố Benin vào những năm 1970 nhưng sau đó đã phát triển thành một mạng lưới tội phạm lừa đảo toàn cầu. Vào năm 2013, ban lãnh đạo "Rìu Đen" chính thức lập trung tâm khu vực ở Nam Phi. Dấu vết dẫn đến vụ bắt giữ vào tháng trước bắt đầu ở Ireland, khi cảnh sát địa phương thu hồi điện thoại và các thiết bị khác thuộc về những kẻ lừa đảo có mối liên hệ với tổ chức ở Tây Phi. Theo điều tra, tiền thu được tổ chức tội phạm "Rìu Đen" tái đầu tư vào các hình thức tội phạm khác như ép buộc phụ nữ trẻ Tây Phi hành nghề mại dâm ở châu Âu, mua vũ khí hoặc buôn lậu methamphetamine. Sự hồi sinh của du lịch hàng không sau đại dịch đã cho phép những kẻ lừa đảo di chuyển trở lại giữa các trung tâm hoạt động chính. Trong số đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ lâu đã trở thành điểm đến ưa thích của những kẻ lừa đảo Tây Phi. Dubai là căn cứ yêu thích của Ramon Abbas - một người Nigeria hào hoa, phô trương lối sống xa hoa khi rửa hàng triệu USD bị đánh cắp. Đầu tháng này, Abbas đã bị Tòa án liên bang Mỹ kết án hơn 11 năm tù và nộp 1,7 triệu USD tiền bồi thường.
Triệt hạ những chiếc vòi bạch tuộc
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Interpol tin rằng, Kenya cũng là một trung tâm quan trọng cho các kế hoạch tống tiền kỹ thuật số, trong khi Nam Phi là căn cứ chính cho bọn tội phạm có tổ chức hoạt động trên khắp lục địa. Một mạng lưới thứ hai của Nigeria (được gọi là Air Lords) cũng được báo cáo là đang hoạt động ở Nam Phi. Nhiều vụ lừa đảo trên mạng ở châu Phi liên quan đến việc sử dụng các trang web và ứng dụng hẹn hò trực tuyến để lôi kéo nạn nhân vào các mối "tình ảo" nhằm chiếm đoạt tiền hoặc thông tin cá nhân, tài chính. Một đường dây lừa đảo bằng hình thức "người yêu qua mạng" lớn đã bị phá vào tháng 10-2021 khi 7 thành viên của "Rìu Đen" và một kẻ chủ mưu bị bắt ở Cape Town trong một chiến dịch chung giữa FBI, Interpol và cảnh sát Nam Phi. Những kẻ này bị buộc tội điều hành một tập đoàn lừa đảo được cho là đã đánh cắp 4 triệu USD từ khoảng 100 nạn nhân ở Mỹ trong hơn một thập kỷ.
Các chuyên gia cho rằng, tội phạm mạng gia tăng ở châu Phi là do việc sử dụng Internet tăng nhanh và lực lượng cảnh sát cũng như hệ thống tư pháp suy yếu do kinh tế suy thoái. "Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa trên toàn thế giới, nhưng khi cuộc sống ngày càng chuyển sang trực tuyến, tội phạm mạng đã lợi dụng cơ hội này để tấn công cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng. Các quốc gia trên khắp châu Phi đã nổi lên như một mục tiêu yêu thích của tội phạm mạng" - Giáo sư Landry Signé, thành viên cao cấp tại Viện Brookings nhận định.
Ông Gareth Newham, người đứng đầu bộ phận tư pháp và phòng chống bạo lực tại Viện Nghiên cứu an ninh ở Pretoria cho rằng: "Kết quả hiện tại là sự kết hợp giữa các cơ hội rửa tiền và sự yếu kém trong cơ quan quản lý, thực thi pháp luật. Tội phạm có tổ chức đã thực sự bùng phát trong thập kỷ qua ở Nam Phi, đặc biệt là trong 5 năm qua".
Nở rộ lừa đảo tài chính trên mạng xã hội ở châu Âu, người dân "nhắm mắt chuyển và mất tiền" Những lời chào mời đầu tư tài chính trên mạng xã hội đang gây hậu quả nghiêm trọng tới mức, nhiều nước châu Âu đang phải dùng luật để điều chỉnh. Đã có nhiều vụ lừa đảo tài chính trên mạng xã hội bị phát giác, nhiều nạn nhân mất tiền do tin theo những "người có ảnh hưởng trên mạng xã hội",...