Nỗ lực vượt bậc của một sinh viên khuyết tật
Bị khuyết tật nặng bẩm sinh, chàng sinh viên ngành Kiến trúc Nguyễn Hoàng Phúc vẫn từng ngày vươn lên làm chủ tương lai, ra sức hiện thực hóa mục tiêu “ làm đẹp cuộc sống” bằng chính đôi bàn tay vốn không được lành lặn của mình.
Nguyễn Hoàng Phúc vẫn đang vượt qua mọi trở ngại của bản thân để có kết quả học tập tốt Ảnh: NGÔ TÙNG
Nguyễn Hoàng Phúc (18 tuổi, quê thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Ngay năm đầu đời, ba mẹ Phúc đã phải đưa Phúc từ quê nhà vào TPHCM để phẫu thuật ban đầu cho đôi chân bị cụt, mất hẳn bàn chân và xương chân. Còn hai bàn tay trái, phải cũng bị khuyết đi, bên một ngón, bên ba ngón.
Hoàng Phúc cho biết, do chịu khuyết tật bẩm sinh nặng, Phúc phải mang chân giả từ lúc tập đi cho đến nay. Cũng bởi gia cảnh khó khăn, Phúc phải viết thư kêu gọi các nhà hảo tâm để có kinh phí thay chân giả mới theo từng giai đoạn phát triển của cơ chân, có giai đoạn phải thay mỗi năm một lần.
Cuộc đời càng khắc nghiệt với cậu học trò khi vào năm học lớp 4, Phúc phát hiện khả năng nghe của tai trái rất kém. Tới lớp 7, Phúc mới được tiếp tục thăm khám, lúc đó mới biết nguyên nhân là do tai trái đã chết tế bào màng nhĩ. Đó cũng là lúc cậu chẳng thể nghe được gì từ bên trái. Khả năng ghi nhớ của Phúc cũng giảm sút.
Hành trình học tập, sinh hoạt hằng ngày của cậu học trò thiếu may mắn gặp chông gai và thử thách gấp bội so với bạn bè đồng trang lứa.
Video đang HOT
Ước mơ “ làm đẹp cho đời”
Nguyễn Hoàng Phúc mới đây đã đỗ thủ khoa vào ngành Kiến trúc của khoa Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Chỉ sau mấy tháng theo học chuyên ngành Kiến trúc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Phúc đã bắt đầu thu nhận được những khái niệm mới và mong ước được tham gia phát triển đô thị văn minh hơn.
“Khi tôi dần tiếp cận nhiều kiến thức cùng những chia sẻ, truyền đạt từ các giáo sư, chuyên gia nước ngoài liên quan đến ngành học, tôi phần nào thấy được “sự bất ổn” của hệ thống hạ tầng đô thị (về xây dựng, giao thông) ở một đô thị hiện đại như TPHCM. Tôi nhận ra mình cần chung tay góp sức thay đổi thực tại này, dù bắt đầu chỉ là những thay đổi về mặt tư duy. Kiến trúc sư là người thổi hồn vào từng ngôi nhà, tòa nhà cho đến cả đô thị rộng lớn. Tôi muốn nỗ lực, phấn đấu của mình không chỉ giúp xây dựng riêng cho gia đình một mái ấm vững chắc, mà còn mang đến cho xã hội những công trình độc đáo”, Hoàng Phúc bày tỏ.
Xác định sẽ nỗ lực gấp đôi, gấp ba những bạn khác ngay ở những tháng đầu quãng đời sinh viên, Nguyễn Hoàng Phúc miệt mài học tập. “Vì sức khỏe không đảm bảo để có thể kiếm một công việc làm thêm, tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để lấy học bổng; đồng thời tiếp tục tích lũy, trau đồi kiến thức chuyên môn để có thể hỗ trợ, cộng tác với thầy cô trong một số dự án nhằm kiếm thêm nguồn trang trải cuộc sống và thực hiện ước mơ mà mình đã lên kế hoạch”, Phúc bộc bạch.
Không muốn làm phiền người khác
Những ngày vào đại học, rời khỏi vòng tay chăm sóc của gia đình, Nguyễn Hoàng Phúc phải tự lo liệu chuyện ăn học, đi lại… Đối với Phúc, di chuyển một vài trăm mét cũng cần đến sự nỗ lực. Không ít lần, cậu sinh viên năm nhất suýt ngã nhào khi phải đứng trên xe suốt cả đoạn đường dài. Một lần, vì muốn hòa nhập với bạn bè nhiều hơn, Phúc nhiệt tình tham gia các hoạt động dã ngoại. “Hệ quả” là đôi chân bị tróc lở da, thâm tím và rỉ máu khiến Phúc phải nghỉ học cả tuần liền.
Phúc chia sẻ, vì biết hoàn cảnh thiệt thòi của cậu nên thầy cô, bạn bè, tổ chức Đoàn ở trường đã quan tâm, hỗ trợ cậu trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày. “Được nhiều người quan tâm, giúp đỡ làm tôi có thêm động lực và niềm tin. Nhưng trên hết, tôi muốn tự mình vươn lên, không để làm phiền hay dựa dẫm người khác”, Phúc khảng khái.
Chương trình “Nâng bước Thủ khoa 2019″ đã lựa chọn được 50 tân sinh viên thủ khoa đủ điều kiện được nhận học bổng . Lễ trao giải và các hoạt động nhân sự kiện này sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 16 và 17/12/2019. Mỗi suất học bổng trị giá hơn 12 triệu đồng gồm 10 triệu đồng tiền mặt và hiện vật.
Theo Tiền phong
Ước mơ của Triều!
Trong 20 SV đến từ các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng lên nhận học bổng do Liên Đoàn Kinh tế &Hiệp hội Doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam trao chiều 27-11, Đinh Hoàng Triều (2001, quê Hội An, Quảng Nam)- SV năm nhất trường CĐ Công nghệ thông tin - để lại trong tôi cũng như nhiều người đến dự ấn tượng khá đặc biệt!
Đinh Hoàng Triều (ngồi ghế) tại lễ trao học bổng do Liên Đoàn Kinh tế &Hiệp hội Doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam trao. Ảnh: P.T
Đinh Hoàng Triều là SV khuyết tật. Em cao chưa đến 1m. Nhưng đó không phải là điều gây ấn tượng mạnh trong tôi về Triều mà chính là thái độ ứng xử lịch sự, tự tin của Triều khi không muốn ngồi lên chiếc ghế do BTC mang đến. Dẫu không nói ra, nhưng qua sắc thái biểu cảm của Triều, tôi cảm nhận, em muốn được đối xử như những bạn được nhận học bổng khác. Chỉ đến khi thấy thầy cô phải ngồi xuống để trao phần thưởng cho mình và biết mọi người muốn có một tấm hình đẹp làm lưu niệm, Triều đã lẳng lặng ngồi lên chiếc ghế...
Thấy tôi có vẻ khó khăn trong việc tìm từ tế nhị để hỏi về nguyên nhân khiến em bị khuyết tật, Triều thoải mái chia sẻ: "Nhà em ai cũng bình thường. Em nghe kể lại là, khi sinh ra, mình cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Rồi một lần em bị bệnh, sốt cao, được đưa vào bệnh viện. Sau khi tiêm thuốc nghe nói trúng gân gì đó, tay chân em sau đó tự nhiên cứ co dần lại...". Triều là con trai út trong gia đình thuộc diện bình dân, có hai chị em. 6 tháng trước, cha em bị bệnh, qua đời ở tuổi 58. Chị gái Triều hiện làm lễ tân tại một khách sạn ở Hội An. Trong suốt buổi trò chuyện, Triều rất kiệm lời, ít kể về hoàn cảnh gia đình và chưa một lần "than thân, trách phận".
Khi được hỏi, có bao giờ cảm thấy tủi thân vì không được bình thường như chị gái và các bạn bè khác, Triều hiền lành lắc đầu: "Dạ không! Từ trước đến giờ em cảm thấy bình thường, không tủi thân hay... gì gì cả. Chỉ thi thoảng, thấy mẹ vất vả chở đi học, rồi có lúc bạn đến nhà chở đi học, em mới có ước muốn được như mọi người để có thể tự mình di chuyển, không làm phiền mọi người, không phải sống phụ thuộc vào người khác. Hiện giờ ra Đà Nẵng học cao đẳng CNTT, ở ký túc xá, đi học và đi ăn, em vẫn phải nhờ bạn bè chở đi...".
Hỏi về suất học bổng trị giá 300 USD mà Triều được nhận có phải là do em đạt thành tích xuất sắc trong học tập, Triều thật thà: "Không ạ! Em học không xuất sắc gì, bình thường thôi ạ. Em nghĩ, có lẽ vì em khuyết tật nên được nhà trường ưu tiên thôi. Hồi THCS, em học khá. Lên cấp ba, do ham chơi nên em tụt xuống còn trung bình". Thấy tôi ngạc nhiên không tin bởi vẻ chỉn chu, nghiêm túc nơi em, Triều dí dỏm chia sẻ: "Thật đó cô. Bây giờ nghĩ lại lúc ham chơi đó, em thấy mình thật "hư", thật "tệ" ạ!".
Không muốn ai thương hại mình, càng không không muốn mình trở thành gánh nặng cho người khác, đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình, Triều cho biết, từ nhỏ em đã luôn có thái độ sống lạc quan, yêu đời và tự tin vào chính bản thân. "Thật ra, em chưa bao giờ nghĩ quẩn hết. Em tin bản thân mình sẽ làm được nên sống lạc quan để theo đuổi đam mê, ước mơ của mình". Đam mê và cũng là ước mơ mà Triều nói là chăm chỉ học hành để sau này trở thành lập trình viên giỏi, được nhận vào làm việc tại một Cty có uy tín ở Việt Nam trên lĩnh vực CNTT.
Chia sẻ cảm nhận về SV Đinh Hoàng Triều, PGS.TS Huỳnh Công Pháp- Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng) xúc động nhận xét: "Từ khi nhập học đến giờ, Triều được đánh giá là SV chăm chỉ. Với thể trạng sức khỏe không được như các bạn khác, trong sinh hoạt, đi lại em gặp không ít khó khăn, có một bạn thường xuyên đưa đón em đi học. Qua các thầy cô giảng dạy em, tôi được biết, trong lớp tuy học không xuất sắc nhưng Triều rất chăm chỉ, rất nghị lực và ham học hỏi".
Từ tình cảm quý mến, cảm phục về tinh thần nghị lực, niềm lạc quan, tự tin, tự trọng nơi Triều, tôi thầm cầu mong ước mơ của em sẽ thành hiện thực trong tương lai!
P.THỦY
Theo congandanang
Thi THPT quốc gia trên máy tính - cần thí điểm theo lộ trình Đề xuất của Bộ GD-ĐT về phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020 bằng cách cho thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính đã khiến nhiều nhà giáo dục lo lắng, quan tâm. Sẽ áp dụng đồng thời giữa thi trên giấy và tiến tới thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả...