Nỗ lực ‘Trường học cầu vồng’
Vì một môi trường học đường bình đẳng, không bạo hành, không kỳ thị LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới)… là mục đích của những người nỗ lực xây dựng chương trình ‘Trường học cầu vồng’.
Nước mắt, nụ cười của người trong cuộc
Khi phát hiện Teddy (tên thật là Nguyễn Đăng Khoa), đứa con trai duy nhất và là cháu đích tôn của dòng họ, “bị bệnh đồng tính”, bà Đinh Thị Yến Ly (từng công tác tại Viện Sinh thái học miền Nam trực thuộc Viện Khoa học – Công nghệ VN) sốc dữ dội. Bà đã gây áp lực mạnh với con, rồi đưa con đi nhiều nơi và thử nhiều biện pháp nhằm “chữa bệnh” cho con trở lại “người bình thường”.
Trong quá trình đó, bà chợt nhận ra con mình cũng đau khổ, dằn vặt không kém gì mình. Sau 5 năm trời sống trong căng thẳng, bà Ly mới dần chấp nhận giới tính thật của con mình. Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội Phụ huynh, người thân của giới LGBT. Còn con bà đang công tác tại phòng đối ngoại của một trường ĐH ở TP.HCM.
May mắn không phải chịu đựng những bi kịch như trên, Alex Trương (tên trên giấy tờ là Trương Quỳnh Như), một người chuyển giới từ nữ sang nam, quản lý dự án trang thông tin dành cho người chuyển giới và đa dạng giới VN Gender Galaxy, cho biết: “Mình công khai với gia đình vào cuối năm 2013. Ba mẹ mình đã quen giúp con cái thể hiện chính kiến, còn mình thì nghĩ rằng ba mẹ có quyền biết sự thật. Lúc đầu, như nhiều phụ huynh khác, ba mẹ cũng trải qua một giai đoạn tranh luận bởi những bài báo tiêu cực về LGBT. Cột mốc là có lần ba mẹ hỏi: Vậy con có nghĩ cho hạnh phúc của ba mẹ hay không? Mình nói: Cái con cần là ba mẹ ở bên con, tin vào con, đây là hạnh phúc của con. Dần dà hai bên cởi mở hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn…”.
Đó là hai trong số những câu chuyện “người thật, việc thật” được chia sẻ gần đây với đông đảo sinh viên ngành y, khi chương trình “Trường học cầu vồng” đến Trường ĐH Y Dược TP.HCM thông qua hai buổi tọa đàm mang tên “Đa diện”. Những giọt nước mắt lăn theo ký ức đắng cay trong quá khứ cùng nụ cười hạnh phúc với hiện tại của những người trong cuộc là nhân tố chính tạo nên sự lôi cuốn, gần gũi và thuyết phục của chương trình.
Làm sao để không kỳ thị LGBT ?
Một sinh viên đặt câu hỏi: “Khi tiếp xúc với người LGBT, chúng ta nên làm gì để họ không cảm thấy bị kỳ thị?”.
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM, lưu ý: “Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không nên dùng những từ ngữ mà có vẻ như những người LGBT bị thiệt thòi. Chẳng hạn như: Thằng đó đẹp trai mà nó bị đồng tính. Tránh dùng những từ “bóng”, “lại cái” hay “pê đê”… vì đây là những từ cực kỳ nặng nề và gây tổn thương lớn. Cũng đừng tỏ ra đau xót và thương hại họ, hay thậm chí tôn sùng họ thành anh hùng, bởi đều vô tình khiến cho người LGBT dễ bị xa lánh”.
Đứng ở góc độ khác, thạc sĩ Ngô Minh Uy cho rằng: “Nhiều người trong chúng ta sống không hài hòa được với người khác, dẫn đến việc kỳ thị. Điều này cần có sự can thiệp của truyền thông để tác động mạnh đến xã hội. Còn đối với những người LGBT, nếu xã hội có kỳ thị thì mình vẫn nên bình tĩnh. Đừng thấy người khác bàn tán là mình thu mình lại, vì như thế sẽ không trụ được”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Như, chuyên trách mảng chương trình “Trường học cầu vồng” của Trung tâm ICS (Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại VN), cho biết chương trình đã và đang thực hiện tại hơn 10 trường ĐH, THPT tại TP.HCM và Cần Thơ. “Chương trình là nơi cập nhật kiến thức khoa học về LGBT và sự đa dạng tính dục, giải đáp, làm rõ các định kiến, hiểu lầm thường gặp về người LGBT. Đây còn là nơi giãi bày, chia sẻ của những bạn LGBT về những vấn đề sát sườn như chuyện đồng phục đối với các bạn chuyển giới hay chuyện nhà vệ sinh…”, Quỳnh Như khẳng định.
Anh Tô Trường Duy, Ban điều hành Trung tâm truyền thông tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản thuộc Trường ĐH Y Dược TP.HCM (đơn vị đồng tổ chức hai buổi tọa đàm “Đa diện” nói trên), cho hay nhiều sinh viên ngành y rất quan tâm đến chương trình “Trường học cầu vồng”. Theo anh, để mô hình này hiệu quả hơn nữa, cần phổ biến kiến thức về cộng đồng LGBT để mọi người hiểu xu hướng tính dục là một hiện tượng tự nhiên và bình thường. Mặt khác, chính những bạn thuộc cộng đồng LGBT đang theo học tại các trường cần tự phấn đấu nhiều hơn, vượt qua mặc cảm và định kiến xã hội, chủ động hòa nhập và thể hiện mình là những người tốt, có ích cho xã hội như bao người khác.
Theo TNO