Nỗ lực thay đổi nhận thức về học nghề
Thông tư số 7 của Bộ LĐTBXH ban hành mới đây về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tin vui với không chỉ các trường nghề mà nhiều phụ huynh và học sinh cũng phấn khởi. Học sinh tốt nghiệp bậc THCS tới đây có thể lựa chọn học thẳng lên hệ CĐ.
Ảnh minh họa
Theo GS.TS Lê Quân- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, sau THCS học sinh có rất nhiều lựa chọn. Các em có thể tiếp tục học văn hóa theo hướng THPT nhưng cũng có thể kết hợp học văn hóa với học nghề… Hướng đi nào cũng trang bị cho các em kỹ năng và năng lực để gia nhập thị trường lao động.
Trong đó, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học TC với thời gian đào tạo là 3 năm. Ra trường vừa có bằng TC nghề và giấy chứng nhận văn hóa. Đồng thời các em cũng có thể lựa chọn học hệ liên thông CĐ với chương trình đào tạo là 4 năm, vừa học văn hóa, vừa học chương trình TC và liên thông CĐ.
Ưu điểm của lựa chọn này là khi 19 tuổi, các em có thể có bằng CĐ và gia nhập thị trường lao động, trở thành những người thợ lành nghề hoặc học tiếp lên ĐH. Xét trong bối cảnh mới, ngoài dạy chữ, học sinh còn cần phải được chú trọng trang bị kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập xã hội, kỹ năng học tập, làm việc để có thể có việc làm tốt thì những lựa chọn như trên là một hướng đi có thể cân nhắc.
Theo GS.TS Lê Quân, sắp tới Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được thông qua. Trong đó cho phép các trường TC, CĐ được tổ chức đào tạo văn hóa, cấp giấy chứng nhận trình độ văn hóa cho người học ngay trong một môi trường đạo tạo, vừa học nghề, vừa học văn hóa. Khi đó, học văn hóa sẽ trở thành nội dung song song trong chương trình dạy nghề mà không còn tách biệt như trước. Để đảm bảo rằng, người học bên cạnh kỹ năng nghề sẽ được trang bị kiến thức về văn hóa, đủ điều kiện liên thông lên các bậc học cao hơn.
Trước đó, tại Hội nghị phản biện Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức, TS Nguyễn Viết Chức- nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng đề xuất: Hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm đã lạc hậu và bất cập, cần rút xuống còn 11 năm. Điều này sẽ giúp học sinh sẽ có cơ hội việc làm và tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội sớm hơn, đồng thời giảm nhiều vật chất, tiền bạc cho Nhà nước.
Video đang HOT
Kết quả khảo sát tình hình phân luồng học sinh sau THCS năm học 2017-2018 do Bộ GDĐT công bố cho thấy, có tới 79,6% học sinh học lên THPT; 5,6% học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), 7,8% học các trường nghề và 4,6% đi làm. Như tại Hà Nội, những năm gần đây, nhiều trung tâm GDNN-GDTX chỉ tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30%.
Dẫu thế, hiện việc thay đổi nhận thức của xã hội, trong đó có các bậc phụ huynh về việc học văn hóa, học nghề… vẫn còn là bài toán khó của nhiều địa phương, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành giáo dục mà còn từ thực tế những ngành nghề này được coi trọng và trả lương xứng đáng.
Thu Hương
Theo daidoanket
Rớt lớp 10 công lập, còn cửa lên CĐ-ĐH
Từ năm 2019, học sinh hoàn thành chương trình THCS theo học nghề không chỉ được miễn học phí mà các em còn được liên thông lên CĐ dễ dàng hơn.
Vừa qua, khi Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh quy chế tuyển sinh cho phép học sinh (HS) tốt nghiệp THCS sẽ được liên thông lên hệ CĐ, nhiều phụ huynh có con đang theo học lớp 9 yên tâm hơn nếu con rớt lớp 10 công lập. Bản thân nhiều trường nghề tại TP.HCM cũng phấn chấn hơn khi thực hiện công tác tuyển sinh cũng như đổi mới đào tạo từ năm nay.
Học sinh tự tin chọn nghề
Khi biết được thông tin này, em NHH, Trường THCS Tam Bình (Thủ Đức), cho hay em học không tốt lắm nên đã có ý định học nghề từ khi học lớp 8 hoặc nếu rớt lớp 10 thì nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ. Em thích học về nấu ăn nhưng lo cha mẹ không vui. Khi em biết học nghề được liên thông lên CĐ, em tự tin hơn nhưng vẫn chưa dám nói với cha mẹ.
"Em vẫn đăng ký thi vào lớp 10 của các trường và cũng đang ôn tập ở trường để thi. Chờ thi xong, nếu rớt em sẽ nói với ba mẹ nguyện vọng học nghề của em. Nếu được, em sẽ ráng học nghề để liên thông lên CĐ, rồi lên ĐH nữa. Như thế có khi còn tốt hơn chỉ đi học và ba mẹ cũng yên tâm hơn" - H. bày tỏ.
Chờ đón con tại cổng trường, chị Hồng Thảo có con đang học lớp 9 Trường THCS Cầu Kiệu (Phú Nhuận) cho biết trước đây chị chưa bao giờ nghĩ cho con đi học nghề khi mới học hết lớp 9 vì con còn nhỏ, học nghề rồi cũng chẳng làm được gì. Tuy nhiên, vừa rồi nhà trường có tư vấn nên chị cũng đã tìm hiểu thêm các trường CĐ có đào tạo trung cấp để cân nhắc cho con học nếu con rớt các nguyện vọng vào lớp 10.
Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3 cho hay hằng năm trường hay mời các trường nghề về tư vấn hướng nghiệp cho các em nhưng ít em quan tâm, phụ huynh càng không, dù tỉ lệ HS lớp 9 của trường vào lớp 10 công lập năm nào cũng chỉ hơn 2/3. Năm nay, khi các trường CĐ đến tư vấn, các em có quan tâm hơn đến việc học nghề và liên thông lên CĐ.
"Nhiều em còn mạnh dạn đặt câu hỏi về tiền học, áp lực học song song, cũng như quá trình liên thông ra sao. Nhà trường và các trường nghề đã giải đáp nhưng các em có chọn học hay không phải chờ kết quả thi lớp 10 như thế nào" - vị này nói.
Các học sinh tại một trường CĐ ở TP.HCM trong giờ học nghề.
Trường nghề rục rịch tăng chỉ tiêu
Tại TP.HCM, mỗi năm trung bình chỉ tiêu vào trường nghề cho HS sau THCS trên toàn TP trên dưới 40.000 nhưng việc tuyển sinh rất khó khăn, nhiều trường chỉ được không quá 50%.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin điều chỉnh cho phép HS sau THCS được học nghề và học văn hóa để liên thông lên CĐ, nhiều trường đã rục rịch tìm cách thu hút thí sinh.
Là năm thứ ba thí điểm tuyển sinh HS từ THCS, Trường CĐ Lý Tự Trọng hiện có 3.500 HS đang theo học hơn 20 ngành đào tạo thuộc hệ này. Và năm nay, trường mạnh dạn dành khoảng 2.000 chỉ tiêu cho HS sau THCS học thẳng lên CĐ với 25 ngành nghề đào tạo.
Năm học 2019-2020, TP.HCM sẽ tuyển 67.249 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, số HS sẽ tốt nghiệp THCS lên tới hơn 100.000. Như vậy sẽ có hơn 30.000 HS rớt lớp 10 công lập.
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex năm nay cũng sẽ dành khoảng 400 chỉ tiêu cho bậc trung cấp sau THCS và 1.600 chỉ tiêu hệ CĐ. Theo chương trình này, HS sẽ học bốn môn văn hóa trong năm đầu, tùy theo ngành học. Trong đó, toán, văn là môn bắt buộc. Hai năm tiếp theo sẽ học chương trình trung cấp. Sau khi hoàn thành sẽ học tiếp 1-1,5 năm để lấy bằng CĐ.
Năm nay, Trường CĐ Quốc tế TP.HCM cho biết sẽ tăng tới 300 chỉ tiêu xét tuyển cho HS đã tốt nghiệp THCS với tám ngành đào tạo thay vì chỉ 70 chỉ tiêu như trước đó. Theo nhà trường, trường rất ủng hộ việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh mới này, bởi HS tốt nghiệp THCS chỉ cần tốn 3,5 năm là có được hai bằng là văn hóa và CĐ. Nếu hội tụ đủ điều kiện, các em cũng có thể liên thông lên nhiều trường ĐH tốp trên. Như vậy, không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn tạo cơ hội rất tốt cho việc học cũng như học nghề của các em.
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, thời gian tới, các trường trung cấp, CĐ được tổ chức đào tạo văn hóa, cấp giấy chứng nhận trình độ văn hóa cho người học ngay trong một môi trường đào tạo vừa học nghề vừa học văn hóa. Các em có thể theo học trung cấp với thời gian đào tạo là ba năm. Ra trường vừa có bằng trung cấp nghề và giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa (chứng nhận này có giá trị tương tự bằng tốt nghiệp THPT).
Đồng thời các em cũng có thể lựa chọn học liên thông CĐ với chương trình đào tạo là bốn năm nếu các em thi đạt yêu cầu của các trường có đào tạo hệ CĐ. Hoặc nếu các em học tốt thì vẫn có thể dự thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH mà các em có nguyện vọng học.
PHẠM ANH
Theo PLO
Vụ gian lận điểm thi: Cán bộ giáo dục nên tự rút khỏi ngành Liên quan đến vụ gian lận điểm thi, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam một bị can trong...