Ninh Bình: Triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong trường học
Để triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình đã yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS triển khai thực hiện một số nội dung.
(Ảnh minh họa)
Nghiêm túc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874 của Bộ TT&TT đến toàn thể CB, GV, NV, HS phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của đơn vị trường học.
Trong đó chú trọng đến việc bảo đảm môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho “người yếu thế” trong xã hội khi sử dụng mạng xã hội.
Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
Nên sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan để đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Video đang HOT
Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hoá tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh, văn hóa.
"Thước đo" văn hóa từ quy tắc ứng xử trong trường học
Kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; triển khai thực chất Bộ quy tắc ứng xử trong trường học... là những nội dung ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục chú trọng trong năm học 2021 - 2022.
Các bé Trường Mầm non Tứ Liên vui trải nghiệm.
Đó cũng được coi là "thước đo" xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh tích cực...
Học ứng xử từ những điều nhỏ nhất
Trước đây, tại Trường Mầm non Tứ Liên (quận Tây Hồ), nhiều phụ huynh mặc cả đồ ngủ nhàu nhĩ, đồ tập thể dục để đưa đón con đi học. Những năm học gần đây, sau khi được phổ biến, thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, cha mẹ học sinh đã chú ý đến trang phục của mình khi đến không gian sư phạm.
Cô Trần Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Quy tắc ứng xử cần được thực hiện từ những điều nhỏ nhất, bắt đầu từ người lớn là cha mẹ học sinh, cô giáo rồi tác động tích cực đến trẻ nhỏ. Trang phục, hành vi, lời nói của cha mẹ, thầy cô chuẩn mực sẽ là tấm gương sáng để con trẻ noi theo, đồng thời tạo dựng được môi trường giáo dục văn hóa, mục tiêu mà bộ quy tắc ứng xử trường học hướng tới.
Giờ đây, đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố điều dễ nhận thấy là học sinh đều lễ phép. Dù không biết khách đến trường là ai nhưng trong giờ ra chơi tại sân trường, nhìn thấy người lạ, các em đều chào hỏi. Không chỉ học sinh, ngay cả bảo vệ, nhân viên, hay giáo viên trong trường đều tỏ ra thân thiện.
Quan hệ giữa thầy và trò trở nên gần gũi, thấu hiểu và sẻ chia. Học sinh đã tích cực, chủ động tương tác với thầy cô giáo để trao đổi bài vở. Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh cũng ngày một cải thiện, hướng đến mục tiêu chung là giáo dục, rèn luyện học sinh theo chuẩn mực văn hóa, văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa) nhìn nhận: Bộ quy tắc ứng xử trong trường học được tiếp nhận một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện chính là tiền đề để thay đổi việc học và hỗ trợ tốt cho kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc. Thay đổi được nếp ứng xử và nhận thức tích cực cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh...
Trường THPT Trương Định (quận Hai Bà Trưng) trước đây có hiện tượng học sinh hút thuốc lá, vi phạm luật giao thông, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực... Nhưng từ khi triển khai Bộ quy tắc ứng xử trường học và đưa Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh vào giảng dạy, các hiện tượng nói trên đã giảm hẳn. Theo thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng nhà trường, cách ứng xử của các em đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, với người tham gia giao thông... chuẩn mực hơn.
Học sinh Trường Tiểu học Long Biên học đạo đức, lối sống. Ảnh: TG
Biến quy tắc thành thói quen
Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Võ (huyện Chương Mỹ) luôn lấy phương châm xây dựng trường học "Chất lượng - An toàn - Hạnh phúc" là đích đến trong hoạt động quản lý giáo dục của mình.
Cô cùng ban giám hiệu đề ra nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong công tác giáo dục của nhà trường với sự dẫn lối của Bộ quy tắc ứng xử trong trường học như: Xây dựng "Trường học thân thiện - Học sinh tích cực" gắn với trường học hạnh phúc; xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, cha mẹ học sinh đồng hành với nhà trường...
Cô Hằng chia sẻ: Mọi quy tắc, quy định hay quy chế được thực hiện đều xuất phát từ sự tôn trọng và dân chủ. Nhiều năm qua, nhà trường luôn nói không với bạo lực học đường. Học sinh được bày tỏ, thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Giáo viên được khích lệ, động viên kịp thời, thể hiện tính dân chủ trong mọi công việc, cởi mở đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm trên tinh thần xây dựng tích cực...
Cho rằng khi ngôi trường, thầy cô trở nên gần gũi, thân quen với học sinh và cha mẹ học sinh thì công tác giáo dục, đào tạo có gặp khó khăn gì cũng có thể vượt qua, cô Đồng Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Biên (quận Long Biên) cùng tập thể sư phạm tổ chức sáng tạo các hoạt động "Xây dựng nét đẹp văn hóa của giáo viên và học sinh".
Từ mô hình này, 100% giáo viên có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thực hiện nghiêm túc thời gian làm việc, quy chế chuyên môn, tác phong làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả. Nét đẹp văn hóa ứng xử giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với phụ huynh và giáo viên với học sinh không chỉ thể hiện rõ nét trong công việc mà còn lan tỏa đến cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt tại địa phương và nhận được phản hồi tích cực từ cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó, 100% học sinh có sự chuyển biến rõ nét trong văn hóa chào hỏi, ứng xử hàng ngày, tạo được cảm giác thân thiện, gần gũi; văn hóa giao thông được lan tỏa và đã trở thành nét văn hóa đẹp của nhà trường...
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trong quy tắc ứng xử trong trường học nhất thiết phải đề cao giá trị tôn trọng. Giáo viên tôn trọng học sinh, cho học sinh quyền được lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, học trò cũng phải tạo điều kiện để người thầy làm việc, phát huy sáng tạo của mình. Chỉ khi nhà trường thực sự dân chủ, ứng xử trên nguyên tắc biết lắng nghe, tôn trọng nhau mới có thể xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh tích cực và giáo dục đi đúng định hướng học thực, kết quả thực.
Trong nhà trường có 4 mối quan hệ cốt lõi liên quan mật thiết đến những vấn đề xã hội, đó là quan hệ giữa trò và trò, thầy và thầy, thầy và trò, nhà trường và cộng đồng... Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cần được xây dựng trên các mối quan hệ cốt lõi này. Trong đó, ở mối quan hệ được cho là then chốt, nền tảng nhất, đóng vai trò xương sống trong nhà trường, đó là quan hệ thầy - trò. Khi xây dựng Bộ quy tắc cần được chú trọng đặc biệt, để mỗi tiêu chí đặt ra mang tính hài hòa, cần thiết và khả thi. - PGS. TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục
Lùm xùm ứng xử thầy trò trong học trực tuyến: Bộ GD-ĐT nói gì? Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên xung quanh một số vụ việc lùm xùm trong ứng xử giữa giáo viên và người học trực tuyến thời gian qua, đồng thời nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề...