Ninh Bình: Chuyển Trường Tiểu học Kim Đồng để đảm bảo an toàn cho thầy và trò
Trường Tiểu học Kim Đồng ( thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh) được xây dựng và đưa vào sử dụng hơn nửa thế kỷ, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn trường học, UBND huyện Yên Khánh đã chỉ đạo chính quyền thị trấn Yên Ninh, Trường Tiểu học Kim Đồng chuyển địa điểm trường tới một cơ sở khác. Đã nhiều lần các cấp, các ngành hữu quan tuyên truyền, giải thích về việc cần thiết phải chuyển trụ sở trường Tiểu học, tuy nhiên, một số phụ huynh sống ở gần ngôi trường cũ có con em theo học đã phản đối và kiến nghị đến nhiều cơ quan chuyên môn.
Ngày 5/9, hàng chục học sinh không được phụ huynh cho đến trường dự Lễ khai giảng năm học 2020 – 2021 của Trường Tiểu học Kim Đồng. Lý giải nguyên nhân, một số phụ huynh cho biết, do cơ sở mới ở xa, không đảm bảo thời gian đưa đón, nên không muốn cho con học ở đó. Họ vẫn muốn con em họ vẫn được học ở ngôi trường cũ.
Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh, Ninh Bình) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Có mặt tại trụ sở cũ của Trường Tiểu học Kim Đồng ở phố Thị Lân (thị trấn Yên Ninh), chúng tôi mới thấy được sự xuống cấp nghiêm trọng của các dãy phòng học tại đây. Tại dãy nhà ngay phía cổng trường các phòng học đều cũ kỹ, ẩm thấp, hôi hám, từng mảng vữa bong tróc nham nhở.
Trên trần các hành lang từng lớp vữa và bê tông đã bị bong ra, lộ ra hệ thống cốt thép hoen rỉ bên trong. Dãy nhà hai tầng này được sử dụng làm phòng học cho 4 lớp học và một phòng chức năng. Nhiều năm qua, cô và trò đều nơm nớp lo sợ vì phải học trong phòng học xuống cấp. Hai dãy nhà dọc theo khuôn viên nhà trường được lợp mái ngói cũng ở vào tình trạng tương tự.
Dễ nhận thấy nhất là hệ thống cửa ra vào, cửa sổ đều mục nát, vữa trát tường bong tróc từng mảng lớn. Chỉ có dãy nhà hai tầng phía sau cùng và hệ thống sân chơi của các cháu ở phía sau dãy nhà này là còn có thể tạm sử dụng.
Tuy vậy, khi tiếp xúc với các phóng viên nhiều phụ huynh học sinh vẫn bày tỏ thái độ bức xúc và không đồng tình với việc nhà trường chuyển trụ sở đến cơ sở mới.
Chị Mai Thị Dương (phố Thị Lân, thị trấn Yên Ninh) có con học tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Chí nói rằng từ trước tới nay, con em trong khu vực này đều học cơ sở cũ, trong khi trường mới thì rất xa mà cơ sở vật chất không hơn là bao, trong trường còn có một cái ao sâu, lan can trên tầng hai thì rất thấp nên phụ huynh không yên tâm.
Cùng quan điểm với chị Dương, anh Nguyễn Văn Lợi, có con học lớp 2A, Trường Tiểu học Kim Đồng, nêu rõ, việc chuyển trường không được đưa ra tại cuộc họp phụ huynh. Anh tha thiết muốn giữ ngôi trường cũ cho các cháu theo học. Khi được hỏi có yên tâm không khi cho con em học trong ngôi trường xuống cấp thì nhiều phụ huynh nói là họ sẽ đóng tiền để tu sửa, nhưng không ai đưa ra phương án đóng như nào, mức đóng bao nhiêu, ai thu tiền để tu sửa.
Tuy nhiên, hai ý kiến kể trên chỉ là đại diện cho một bộ phận rất nhỏ trong tổng số các phụ huynh của gần 600 học sinh trong trường.
Được biết, trụ sở cũ Trường Tiểu học Kim Đồng được xây dựng đã hơn nửa thế kỷ, đây là một cơ sở giáo dục cũ, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn cho giáo viên và học sinh. Trước thực tế này, UBND huyện Yên Khánh đã có chủ trương tạm thời chuyển trụ sở Trường Tiểu học Kim Đồng sang trụ sở cũ của Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn được sáp nhập với Trường Trung học Cơ sở thị trấn Yên Ninh thành Trường Trung học Cơ sở chất lượng cao. Vào đợt cao điểm của dịch COVID-19, theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, UBND huyện Yên Khánh đã tu sửa Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn thành nơi dự phòng cách ly tập trung, ngôi trường trở nên khang trang, hiện đại hơn.
Ông Nguyễn Hồng Cẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, cho biết, ngôi trường được xây dựng từ những năm 1960 với một dãy nhà hai tầng, sau này nhiều lần được nâng cấp, xây dựng thêm nhiều phòng học khác, dãy nhà được xây gần đây nhất cũng lên tới hơn chục năm.
Video đang HOT
Tất cả đều xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo cho việc dạy và học của cô trò nhà trường. Nhận được chủ trương của UBND huyện Yên Khánh và kế hoạch của UBND thị trấn Yên Ninh, nhiều lần, nhà trường đã thông báo tới các phụ huynh về việc chuyển trụ sở trường học.
Gần đây nhất, ngày 25/8, Hội đồng sư phạm nhà trường đã họp với đại diện cha mẹ học sinh các lớp để thông báo về việc chuyển trường cho các cháu, không phải không có thông báo cho cha mẹ học sinh. Ông Cẩm cũng cho biết, việc phản ánh học sinh phải đi học xa nhà cũng hoàn toàn không chính xác, bởi học sinh xa nhất là ở phố Cầu Rào cũng cách trường chỉ hơn 2 km.
Phòng học tại ngôi trường mới khang trang hơn.
Ngôi trường mới thuộc trục đường chính của thị trấn, nằm cách ngôi trường cũ không xa, ngoài cổng trường treo bảng tên Trường Tiểu học Kim Đồng rất khang trang. Bên trong khuôn viên trường đang được các nhóm thợ gấp rút hoàn thiện các công việc chỉnh trang trường lớp học. Ngay sau cánh cổng trường, một nhóm thợ đang hàn những tấm lưới B40 thành hàng rào để rào quanh một chiếc hồ trong khuôn viên nhà trường với chiều cao hơn 2m để đảm bảo an toàn cho các cháu.
Lan can trên tầng 2 của dãy phòng học và hệ thống tay vịn cầu thang cũng sẽ được lắp đặt cao hơn và kiên cố trong những ngày tới. Toàn bộ các dãy nhà đều được sơn lại màu vàng nổi bật, các phòng học đều được kê đầy đủ bàn ghế học sinh và giáo viên; khu vệ sinh cho học sinh cũng được chính quyền địa phương đầu tư cải tạo mới.
Ông Cẩm cho rằng tập thể giáo viên nhà trường hết sức yên tâm khi được chuyển sang dạy học ở ngôi trường này, tuy không phải là trường được xây mới hoàn toàn nhưng vẫn đảm bảo an toàn hơn khi dạy và học tại trụ sở trường cũ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Tuyên, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh cho biết, chủ trương của huyện Yên Khánh về việc chuyển trường đã có từ một năm nay. Việc chuyển trường phù hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, chỉ một nhóm cha mẹ học sinh không đồng tình với việc chuyển trường và ý kiến lên nhiều cấp chính quyền.
UBND thị trấn Yên Ninh cũng đã tiếp thu, tổng hợp ý kiến của cha mẹ học sinh và nhiều lần giải thích tại các buổi tiếp công dân tại UBND thị trấn, UBND huyện và tại Ban tiếp công dân UBND tỉnh Ninh Bình.
Ông Tuyên cũng cho biết, việc chuyển trụ sở trường học là phù hợp với tình hình thực tế, cũng là điều kiện để mở rộng quy mô trường lớp, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo tình hình hiện nay.
UBND thị trấn đang phối hợp với các ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho số ít cha mẹ học sinh còn chưa đồng lòng, không để một số ít phụ huynh học sinh có ý kiến làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của địa phương.
Ngôi trường mới khang trang hơn.
Một lãnh đạo UBND huyện Yên Khánh cho biết, việc chuyển trụ sở Trường Tiểu học Kim Đồng chỉ là giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn trường học, bởi theo Quyết định số 1370/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh đến năm 2030 có hướng điều chỉnh Trường Tiểu học Kim Đồng sang vị trí mới tại khu trung tâm, đảm bảo quy mô diện tích xây dựng phát triển là trường điểm của huyện.
Theo tinh thần của Quyết định này, trong tương lai không xa, con em thị trấn Yên Ninh sẽ được học tập trong ngôi trường được xây dựng hoàn toàn mới.
Giải pháp khắc phục tình trạng "ngồi nhầm lớp" ở một trường làng
Sợ thành tích nhà trường bị ảnh hưởng, ngại bị dư luận đánh giá chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhà trường "có vấn đề" nên mới có nhiều học sinh phải thi lại, lưu ban..
Nếu để việc "ngồi nhầm lớp" ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề dẫn tới tình trạng "ngồi nhầm chỗ" trong tương lai (ảnh minh họa)
"sợ" học sinh lưu ban nhiều
Chúng ta ai cũng biết, tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" có thể gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực cả về trước mắt lẫn lâu dài.
Việc học sinh (HS) "ngồi nhầm lớp" mà vẫn được đẩy lên lớp trên thì học sinh đó càng không tiếp thu được gì, còn làm ảnh hưởng xấu đến các bạn trong lớp, làm triệt tiêu dần ý chí phấn đấu, nỗ lực cố gắng chung của lớp, gây ra tình trạng khó xử đối với giáo viên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này. Ngoài nguyên nhân chủ quan là do năng lực tiếp thu kiến thức bị hạn chế của bản thân học sinh, còn có những nguyên nhân quan trọng khác từ phía nhà trường và gia đình.
Về phía nhà trường, có thể nhận thấy chính căn bệnh thành tích đã khiến cho tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp không những không được khắc phục, chấm dứt triệt để mà còn có chiều hướng gia tăng, lan rộng.
Các thông tư đánh giá xếp loại học sinh đều nêu rõ những học sinh không đạt yêu cầu về hạnh kiểm và học lực thì rèn luyện thêm trong hè để thi lại.
Nhưng trên thực tế, không ít trường học hiện nay còn "sợ" học sinh lưu ban nhiều vì nhiều lý do: lo số học sinh lưu ban sẽ bỏ học, lo HS lưu ban thì phải dạy lại là gánh nặng đối với GV, ngại với phụ huynh HS.
Nhiều nơi đã đề ra tiêu chí phổ cập giáo dục như là một điều kiện "cứng" để xếp loại và lấy thành tích báo cáo lên cấp trên. Không ít hiệu trưởng "bật đèn xanh" cho giáo viên làm đẹp bài thi cho những học sinh có học lực dưới mức trung bình để không có học sinh phải lưu ban, thi lại để nâng cao chất lượng phổ cập.
Trong các nguyên nhân trên còn nguyên nhân chưa nói đến đó là sợ thành tích nhà trường bị ảnh hưởng, ngại bị dư luận đánh giá chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhà trường "có vấn đề" nên mới có nhiều học sinh phải thi lại, lưu ban... Có thể nói cho dù viện bất cứ lý do nào, thì rõ ràng để tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" là không thể chấp nhận được.
Bằng lương tâm nghề nghiệp hãy đánh giá chính xác học sinh
Năm học 2017-2018, tôi được điều động về giữ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng thuộc Thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Trong những năm gần đây tỉ lệ lên lớp luôn đạt 100%.
Với cương vị hiệu trưởng, ngoài việc phân tích tác hại của việc HS ngồi nhầm lớp tôi cũng khẳng định trước hội đồng không vì một lý do gì áp lực, không sợ thi đua của nhà trường... bằng lương tâm nghề nghiệp chúng ta hãy đánh giá HS một cách chính xác.
Bằng các ví dụ cụ thể như hiện tượng HS ngồi nhầm lớp ở trường tiểu học Lịch Hội Thượng A tỉnh Sóc Trăng và một số trường trên toàn quốc tôi dẫn chứng nhiều lần để GV "ngấm", coi đây là việc phải làm.
Ngay đầu năm học nhà trường kiểm tra khảo sát phân loại học lực của học sinh trung thực, chính xác. Để khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp nếu chỉ từ phía thầy cô, nhà trường thực hiện thì chưa đủ. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Hội phụ huynh học sinh cần tích cực vào cuộc và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tận gốc tình trạng này. Vì vậy, sau khi đã đánh giá thực chất và có được danh sách học sinh yếu kém, nhà trường đã tổ chức cuộc họp, trao đổi, bàn bạc giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh những học sinh có học lực yếu kém để có biện pháp phối hợp, theo dõi, đôn đốc, giúp học sinh tiến bộ. Động viên họ đưa số học sinh này vào các lớp học phụ đạo nhằm bù đắp lại lượng kiến thức mà học sinh bị hổng.
"Hổng đâu bù đấy"
Với phương châm "hổng đâu bù đấy", sau một học kỳ nhiều HS đã tiến bộ trả về đúng vị trí các em đang học. Có nhiều phụ huynh rất phấn khởi coi như nhà trường đã tháo gỡ cho họ một vướng mắc mà bấy lâu nay họ không biết làm thế nào vì có những phụ huynh muốn con em mình lưu ban cũng vần "bị lên lớp", một số phụ huynh đã đến cảm ơn thầy hiệu trưởng.
Đối với giáo viên, tôi yêu cầu cần tăng cường đi sâu, đi sát từng đối tượng học sinh học lực yếu kém, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cải thiện tình hình đối với từng đối tượng cụ thể.
Bởi trong số những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh có học lực yếu kém có không ít nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố khách quan tác động: hoàn cảnh gia đình, môi trường sống...
Cuối mỗi học kỳ nhà trường kiểm định 100% số học sinh, coi và chấm chéo nghiêm túc, hiệu trưởng thường xuyên trao đổi và nắm tình hình, sự tiến bộ của từng HS yếu.
Những HS phải thi lại và rèn luyện trong hè, nhà trường động viên họ tích cực cùng GV bồi dưỡng đồng thời cũng phân tích tác hại của việc ngồi nhầm lớp ảnh hưởng như thế nào với HS trong tương lai nên họ nhiệt tình ủng hộ.
Cũng có phụ huynh ngại cho HS lưu ban vì họ ngại với mọi người và tốn kém tiền bạc nhưng trước những phân tích tác hại như vậy họ vui vẻ thậm chí có những phụ huynh xin cho con ở lại lớp.
Cuối hè sau khi thi lại toàn trường có 7 HS lưu ban. Việc 7 HS lưu ban này như một luồng gió mới thổi vào sự nhận thức GV đó là không có bệnh thành tích trong đánh giá HS và phụ huynh phải xác định rằng nếu học sinh không đạt chuẩn thì phải ở lại lớp là đương nhiên. Và cách làm như vây tiếp tục được duy trì, đến cuối năm học 2018-2019 có 5 HS lưu ban.
Năm học 2019-2020 sắp kết thúc, năm học này do dịch bệnh học sinh phải nghỉ nhiều, nội dung chương trình đã được giảm tải. Khi học sinh đi học trở lại nhà trường đã tích cực ôn tập và phụ đạo cho học sinh để các em không bị hổng kiến thức.
Song phải đánh giá đúng trình độ và năng lực của từng học sinh để cho lên lớp một cách chính xác đó là quan điểm của trương. Với tình hình học sinh thực tế chắc chắn rằng sẽ có môt số HS lưu ban.
Hiện tượng học sinh không đạt chuẩn lên lớp đã xuất hiện từ lâu, mặc dầu vậy, đây là một hiện tượng cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.
Chỉ khi bệnh thành tích được ngăn chặn cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của ngành giáo dục, sự quyết tâm đồng lòng tất cả vì học sinh của từng cơ sở giáo dục, từng thầy giáo, cô giáo, sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" mới có hi vọng bị đẩy lùi.
Nếu để việc "ngồi nhầm lớp" ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề dẫn tới tình trạng "ngồi nhầm chỗ" trong tương lai.
Cảm động thầy cô trường tiểu học đến tận nhà học sinh giao bài tập Để giúp học sinh được củng cố kiến thức, tăng cường khả năng tự học, trường tiểu học Kim Đồng ( Yên Khánh- Ninh Bình) đã chỉ đạo giáo viên pho to bài tập rồi giao tận nhà để học sinh làm bài tập. Ông Nguyễn Hồng Cẩm, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng- Yên Khánh- Ninh Bình cho biết: " Dịch...