Niềm vui đi học sau đợt nghỉ tránh dịch Covid-19
Con đi học vào 2 tháng hè nắng nóng, bố mẹ vất vả đưa đón, con đi học cũng sẽ mệt mỏi hơn. Nhưng khi con đến trường thì phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều…
Ảnh minh họa
Sau hai tháng nghỉ chống dịch Covid 19, con và các bạn đã quay lại trường lớp học tập. Kết thúc những ngày cô trò và cả nhà cùng học qua Zoom buổi tối với không ít khó khăn khi mạng chập chờn, con vừa học vừa nghịch, bố mẹ liên tục nhắc nhở.
Con đi học được thầy cô giảng bài trực tiếp, được gặp gỡ với các bạn, những giờ học, giờ chơi sôi nổi thật là vui.
Con đi học vào 2 tháng hè nắng nóng, bố mẹ vất vả đưa đón, con đi học cũng sẽ mệt mỏi hơn. Nhưng con đến trường để học với thầy cô, tìm hiểu kiến thức trong những trang sách còn dang dở, phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Cha mẹ không còn phải căn ke gọi điện về giục con học vào giờ đi làm hay hớt hải vội vàng lo cơm nước từ sớm để con học buổi tối nữa. Lịch học của các con ổn định, giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình trở về quỹ đạo vốn có, đó là cảm xúc chung của phụ huynh. Các thầy cô trở lại trường lớp, dạy dỗ học trò, kịp thời nhắc nhở động viên các em tiến bộ.
Niềm vui đi học thể hiện rõ rệt khi con tôi chăm chỉ học bài hơn. Cô giao vở Tập viết, vở Chính tả về nhà để con chép lại những bài trong kì nghỉ, con miệt mài viết để kịp hoàn thành nộp cho cô giáo. Con học đến khi nào mệt thì xin mẹ đi chơi một lúc rồi về. Con nhờ mẹ xoa tay, xoa lưng cho con đỡ mỏi.
Con nói: “Mẹ cổ vũ con đi, con sắp viết xong rồi!”. Có lẽ từ khi con đi học, tôi mới thấy con say sưa và tự giác học như vậy. Con tự hô khẩu hiệu cố gắng một cách ngộ nghĩnh. Con viết sai mấy chữ là lấy tay che vì sợ mẹ mắng. Tôi khen con chăm chỉ, cố gắng học thì sai mấy chữ, mấy dòng không sao hết.
Vậy là con cười vui hớn hở, hẹn bạn nửa tiếng nữa sẽ ra sân chơi. Tôi trò chuyện với con, những ngày đi học này có thể con sẽ phải học tăng thêm một chút để kịp chương trình.
Chiều tan học, con ôm cặp tới chỗ mẹ chờ đón và rối rít khoe con được điểm cao bài kiểm tra giữa kỳ, cô giáo khen con và một số bạn trước lớp. Con nhớ như in lời cô khen: “Con làm bài tốt, tự mình làm không hỏi bạn xung quanh”. Con kể cho mẹ nghe với giọng điệu tự hào, thích thú.
Video đang HOT
Con bé nhỏ, hay ốm, lại nhút nhát nên tôi để con học hành thoải mái, không áp lực thành tích. Con không đạt học sinh xuất sắc, mẹ vẫn động viên khen ngợi, miễn là con cố gắng chăm chỉ học bài. Hôm nay con rất vui vì đạt điểm cao, mẹ thưởng cho con một gói bim bim, con cười sung sướng. Con nói, đợi bố đi làm về, con khoe với bố chắc là bố vui lắm!
Trẻ con rất thích được khen ngợi, cổ vũ. Tôi thấy rõ nhất là lần học Zoom, cô giáo tiếng Anh và cô giáo Mỹ thuật khen các bạn hoàn thành bài tốt, đọc tên con mà con reo lên vui sướng: “Hôm nay con được cô đọc tên mẹ ạ, lâu lắm con mới được cô đọc tên”… Lời khen của thầy cô khích lệ tinh thần các con rất nhiều.
Trước đây, con lười học tiếng Anh thì nay mẹ giao bài viết lại từ mới, đọc theo đĩa nghe trên máy tính, con chịu khó hơn hẳn. Mẹ cùng con tra Google dịch để hiểu hết đoạn hội thoại trong sách giáo khoa và học phát âm ra sao, ôn lại bài cũ để con ghi nhớ. Những lúc học cùng con như thế, tôi bật cười khi con dạy cho mẹ phát âm lại, mẹ nói sai, không giống cô giáo trên lớp.
Niềm vui đi học của con là được đến trường học bài mới, được tha hồ chạy nhảy nô đùa trên sân trường, là tự tay con quàng khăn đỏ đúng kiểu thắt khăn, tháo khăn dễ dàng.
Niềm vui của con có khi chỉ đơn giản là mẹ chở đi học một đoạn đường, có chị đi ngang qua nhắc con quên đi dép quai hậu, mẹ vội quay về nhà cho con thay dép.
Các bạn trong xóm thỉnh thoảng chạy đến hỏi nhau bài tập, đố một bài toán khó, kể chuyện rôm rả khi ở lớp có bạn ngủ gật, quên bài hay nghịch ngợm bị cô nhắc nhở.
Con đi học vào mùa nắng cũng là mùa hoa phượng vĩ nở đỏ thắm, hoa bằng lăng tím ngắt sân trường. Con đi học có mệt mỏi hơn nhưng con vẫn cười tươi vui vẻ đến trường mỗi ngày!
Vì sao giáo dục STEAM & STREAM hữu ích?
Được giáo dục STEAM & STREAM từ nhỏ, sinh viên Mỹ không ngần ngại đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề, làm việc nhóm rất hiệu quả...
TS Ellie Phuong D. Nguyen, giáo sư bậc 1 Đại học bang Oklahoma, Mỹ chia sẻ góc nhìn về giáo dục STEAM & STREAM và đề xuất giải pháp cải thiện lĩnh vực này ở bậc phổ thông của Việt Nam.
Hiện nay có xu hướng đưa các phương pháp giáo dục STEM & STEAM (Science-Technology-Engineering-Art-Mathematics) của Mỹ vào cải tiến chất lượng dạy và học ở cấp phổ thông. Đó cũng là dấu hiệu tốt cho giáo dục Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay.
Một phần quan trọng trong phương pháp giáo dục theo định hướng STEM & STEAM là học sinh không chỉ được dạy kiến thức mỗi môn học mà còn được dạy cách học thế nào cho hiệu quả, cách đặt câu hỏi và phản biện hay tranh luận, học cách thiết kế thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết khoa học của mình và được khuyến khích để sáng tạo ra cái mới.
Và gần đây nhất là xu hướng giáo dục STREAM ở Mỹ, thêm chữ R trong Reading (đọc) vào STEAM, nói ngắn gọn là khuyến khích học sinh không chỉ đọc kiến thức trong sách giáo khoa mà còn đọc qua nhiều sách khác cùng chủ đề và phù hợp lứa tuổi để tăng cường khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn, được triển khai từ rất sớm.
Con mình từ lúc học mẫu giáo và giờ là lớp 1 ở Mỹ ngày nào cũng học về khoa học và xã hội thông qua rất nhiều sách truyện cô đọc trên lớp và mượn ở thư viện về nhà cho cùng một chủ đề phù hợp. Trẻ có thể tranh luận rôm rả trên Zoom lúc chia nhóm nhỏ để học vào chiều thứ ba và năm ngoài buổi học chung với cả lớp vào sáng thứ hai, tư, sáu hàng tuần và 30 phút mỗingày trong thời kỳ Covid-19.
Phần lớn sinh viên mình dạy đều lớn lên tại Mỹ nên ít nhiều được đào tạo từ mô hình STEM ở phổ thông. Vì từ năm 2001, việc đưa STEM vào giáo trình học (STEM-focused curriculum) đã xuất hiện ở nhiều bang của Mỹ thông qua tài trợ của National Science Foundation. Nhưng phải đến thời của Tổng thống Obama thì giáo dục STEM trên toàn nước Mỹ mới được đầu tư phát triển mạnh và chú trọng nhiều hơn thông qua chiến dịch "Educate to Innovate" vào năm 2009 nhằm tạo động lực cảm hứng và thu hút học sinh giỏi vào khoa học công nghệ STEM.
TS Ellie Phuong D. Nguyen, giáo sư bậc 1 Đại học bang Oklahoma. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hướng nghiên cứu về giáo dục của mình tập trung ở bậc đại học, nơi có thể xem là tiếp nhận thành quả đào tạo từ cấp phổ thông để chuyển giao lên cấp tiếp theo. Mình muốn rút ra các quan sát, cảm nhận theo kinh nghiệm cá nhân về các điểm nổi bật của sinh viên lớn lên tại Mỹ nơi mình đang làm công tác nghiên cứu và giảng dạy hơn 5 năm qua ở cả trường công chuyên về nghiên cứu và trường tư chuyên về giáo dục khai phóng (Liberal Arts College). Mình dạy Sinh hóa cũng nằm trong các môn thuộc nhóm STEM.
Điểm yếu của sinh viên Mỹ nhìn chung kỹ năng toán và giải hóa (đặc thù cho môn sinh hóa) không mạnh bằng sinh viên Việt Nam, nhưng lại biết nhiều công cụ tính toán để hỗ trợ. Điểm mạnh của sinh viên Mỹ thể hiện ở các mặt sau:
- Rất tự tin để tranh luận trong lớp, nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng khác biệt và đôi khi là hài hước trong lúc tranh luận. Đó là biểu hiện của tư duy phản biện (critical thinking) được đào tạo từ bé.
- Khi cần giải quyết vấn đề (problem solving) thì không ngần ngại đưa ra rất nhiều giải pháp kể cả nghe qua hơi ngớ ngẩn, nhưng sau đó qua tranh luận sẽ bổ sung, hoàn thiện dần, vì được dạy cách học không ngại mắc lỗi, hay thử và sai để tìm ra giải pháp tối ưu.
- Làm việc nhóm (team work) khá hiệu quả vì quen với chia nhóm hợp tác từ bé và các ý tưởng sáng tạo không bị nhóm vùi dập mà thường sẽ đóng góp để cải thiện hoặc bổ sung lẫn nhau. Các tố chất lãnh đạo cũng được phát huy trong lúc làm việc nhóm.
- Không ngại đề xuất các cải tiến cho việc học với giáo viên vì ý thức rất rõ đó là quyền lợi của mình và phần lớn giáo viên cũng khuyến khích đóng góp phản hồi này để hoàn thiện hơn việc dạy.
Đây cũng là điểm nổi bật hơn thường thấy ở sinh viên Mỹ nếu so sánh với du học sinh mới sang từ Việt Nam hay các nước khác nơi tinh thần STEM & STEAM chưa phổ biến nhiều. Nhưng sau một vài học kỳ thì sinh viên quốc tế giỏi có sự thích nghi cao và cầu tiến đều dần học được ít nhiều các tố chất này để phát huy trong các năm học sau.
Sinh viên Việt Nam vẫn có các điểm mạnh hơn so với sinh viên Mỹ dù không trải qua giáo dục STEM ở phổ thông, và có các điểm mạnh sau ngoài tính cần cù chịu khó. Đó là khả năng chịu áp lực cao và vượt khó tốt, có thể sẵn sàng lấy nhiều tín chỉ trong một học kỳ để tốt nghiệp sớm, tiết kiệm chi phí (vì từ 12 đến 18 tín chỉ là cùng giá tiền), học thi mười mấy tiếng một ngày để đạt điểm cao, vừa học vừa kết hợp đi làm thêm ngoài giờ học để trang trải học phí.
Sinh viên Việt Nam ham học hỏi kiến thức và văn hóa mới để hòa nhập và phát huy khả năng của mình trong môi trường đầy cạnh tranh; nếu tăng thêm tính chia sẻ và đoàn kết thì sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Giáo dục phổ thông ở Việt Nam đã và đang làm tốt mảng đào tạo về kỹ năng toán và giải lý, hóa trên giấy (chứ chưa hẳn là thực hành) nên sinh viên Việt Nam đi du học ngành STEM ở Mỹ thành công rất nhiều. Nhưng để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hơn nữa thì cần chú trọng mảng STEAM & STREAM để thêm chữ "Arts & Reading" (nghệ thuật & đọc) vào giáo trình giảng dạy.
Các giải pháp cụ thể nên là:
- Dạy học sinh học thông qua mô hình và thực hành làm cho các môn khoa học, kỹ thuật có vẻ khô khan thành sống động và hấp dẫn.
- Tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với thực tế và khoa học thực nghiệm thay vì chỉ qua sách vở.
- Dạy học sinh tư duy phân tích, tổng hợp thông qua thói quen đọc nhiều và nghiên cứu đưa ra giả thuyết, thiết kế thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết của mình.
- Khuyến khích học sinh sáng tạo từ cái đơn giản ở cấp lớp bé và phát huy dần ở cấp lớn hơn, giảm bớt việc đánh giá qua học thuộc.
- Tạo thói quen học tư duy phản biện tranh luận tích cực, quen cách làm việc nhóm để học cách hợp tác và phát huy thế mạnh của từng thành viên, cũng như khả năng lãnh đạo nhóm.
Hy vọng sẽ có nhiều tổ chức giáo dục ở Việt Nam phát triển ứng dụng STEAM & STREAM vào giáo trình phổ thông để giúp học sinh nâng cao, phát triển hơn nữa các tố chất sáng tạo, hợp tác, lãnh đạo và phản biện tích cực.
TS Ellie Phuong D. Nguyen
Từ lời cảnh báo phần mềm Zoom, 'lời giải' nào cho dạy trực tuyến? Câu chuyện 500.000 tài khoản đã bị rò rỉ thông tin cá nhân khi sử dụng phần mềm Zoom để dạy học online, làm việc trực tuyến là lời cảnh báo không thể xem thường. Giáo viên sử dụng công nghệ tương tác trực tuyến với học sinh - Bảo Châu Thế nhưng không dùng Zoom thì giáo viên sẽ dùng phần mềm...