Niềm vui của giáo viên mầm non là giúp trẻ sáng tạo, hạnh phúc hơn
“Để giúp các con hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn mỗi ngày, ngoài việc gần gũi, yêu thương các con, bản thân giáo viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức cho mình”, đó là chia sẻ của cô giáo Vũ Hoàng Linh Chi, giáo viên trường mầm non Thành phố, TP.HCM với PV báo Người Đưa Tin.
Lấy trẻ làm trung tâm
Là giáo viên duy nhất trong trường đạt giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng dành cho những giáo viên có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, yêu nghề, có nhiều thành tích nổi bật… cô Vũ Hoàng Linh Chi, giáo viên lớp Chồi 1, trường mầm non Thành phố, thuộc sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, rất bất ngờ và hạnh phúc khi biết tin mình được giải thưởng này.
Cô Linh Chi chia sẻ rằng, sau khi ra trường, cô được phân về dạy tại ngôi trường mầm non Thành phố từ 1985 đến nay. Suốt 34 năm dạy học, cô chứng kiến bao sự đổi thay của trường, của ngành giáo dục.
Để giúp trẻ luôn vui vẻ, hạnh phúc, khơi lên sự sáng tạo ngay từ những năm đầu đời, cô Chi cho biết, bản thân mình cũng phải liên tục cập nhật kiến thức mới, phương pháp dạy trẻ mới.
Chia sẻ với PV, cô Linh Chi cho biết, với giáo viên mầm non, việc quan trọng là giúp đứa trẻ được hạnh phúc hơn, sáng tạo hơn từng ngày. Đó cũng là đóng góp thầm lặng của nhiều nhà giáo nói chung, với giáo viên mầm non nói riêng.
Muốn thế, giáo viên phải làm cho trẻ tập trung cao khi mình dạy trẻ, kể chuyện cho trẻ nghe. Mỗi trẻ có một tính cách, một sở thích khác nhau, mức độ tiếp thu khác nhau…
Nên giáo viên cần sâu sát trẻ mới sớm phát hiện được những sự khác biệt trong mỗi trẻ, từ đó hướng cho trẻ theo đuổi đam mê của mình.
Cô Chi chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu để ý, giáo viên rất dễ phát hiện mỗi một trẻ có đam mê khác nhau. Trong lớp, tôi thường phân chia nhiều trò chơi khác nhau để khơi nguồn sáng tạo cho trẻ.
Chẳng hạn, có trẻ thích chơi trò chơi nấu ăn, trẻ thì thích chơi xếp hình, trẻ thì thích vẽ, cũng có trẻ thích thú với những con số, hình học nên cho tham gia trò chơi tại góc Toán học….”.
Cô Linh Chi cùng các trẻ trước lớp học mình phụ trách
Kể với PV, cô Chi cho biết, thật sự đến thời điểm này, cô không nhớ hết những giấy khen mà mình được các cấp từ bộ GD&ĐT đến UBND TP.HCM rồi sở GD&ĐT TP.HCM, quận, trường khen thưởng.
Với cô, việc quan trọng nhất là làm sao cho đứa trẻ đến trường được hạnh phúc chứ không phải là thành tích qua giấy tờ.
Video đang HOT
“Tôi muốn dùng tất cả tâm huyết của mình để chăm trẻ được tốt nhất, đứa trẻ được hạnh phúc nhất. Tôi không ngờ mình may mắn được các cấp khen tặng nhiều giấy khen như vậy.
Với cuộc đời một nhà giáo, được ghi nhận nhiều đóng góp cho ngành tôi rất vui mừng, xúc động, nhất là thông tin được nằm trong TOP 50 nhà giáo tiêu biểu, đạt giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục thành phố”, cô Chi tiết lộ.
Những sáng kiến của cô Chi được công nhận, khen thưởng có thể kể ra như : “Một số biện pháp giúp trẻ tập trung” từ năm học 2013-2014, “Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn trường mầm non Thành phố”….
Hàng loạt bằng khen như: Bằng khen của Bộ GD&ĐT 2005-2006, Bằng khen Liên đoàn Lao động Thành Phố năm 2017, Bằng khen UBND TP.HCM.
Nhận xét về cô Linh Chi, bà Lại Thị Nguyên Nhung, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Thành phố cho biết: “Hàng chục năm gắn bó với trường, cô Linh Chi đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người tại ngôi trường này.
Bằng chứng là cô đã đạt hàng loạt thành tích, được khen thưởng từ cấp Bộ đến trường. Là giáo viên, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc của một nhà giáo đã khó, cô Chi còn là cán bộ công đoàn tiêu biểu của trường, được Liên đoàn Lao động thành phố khen tặng.
Phải tích cực giao tiếp với phụ huynh
Suốt hàng chục năm gắn bó với nghề, cô Chi cho biết, cũng không ít lần đụng chạm với những phụ huynh khó tính, có con bị “hội chứng con cưng” (thường quậy phá, tự kỷ -PV). Họ nóng nảy, bức xúc vì con họ không được quan tâm đúng mức.
Nhưng theo cô Chi, những tình huống đó, cô giáo cần bình tĩnh, chờ phụ huynh tĩnh tâm lại, giải thích cho phụ huynh nghe, hiểu ra vấn đề, từ đó đưa giải pháp tốt nhất cho đứa trẻ.
Cô Hà Thị Kim Dung cho rằng để giúp trẻ sáng tạo cần tạo cho trẻ nhiều hoạt động vui chơi khác nhau
Cô Chi tiết lộ: “Có những phụ huynh biết con mình có biểu hiện tự kỷ, cho rằng con mình không được cô giáo quan tâm chu đáo nên mới tự ti, ít tiếp xúc với bạn bè trong lớp… Thậm chí có phụ huynh lớn tiếng với cả cô giáo của trẻ.
Nhưng với kinh nghiệm của một giáo viên mầm non hàng chục năm, cô Chi luôn tìm cách giải quyết tốt nhất cho đứa trẻ, chờ phụ huynh bình tâm lại, sau đó chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị “hội chứng con cưng”, rồi yêu cầu gia đình cùng phối hợp cô giáo để chăm sóc trẻ tốt hơn.
Còn cô Hà Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường mầm non quận 11, TP.HCM thì cho rằng, việc trẻ bị “hội chứng con cưng” ngày nay chắc chắn gia đình phải phối hợp với nhà trường, giáo viên thì mới chăm sóc tốt hơn cho trẻ.
Cô Dung chia sẻ rằng, những năm qua, trường luôn tích cực đầu tư cho trẻ các nhóm đồ chơi mang tính sáng tạo khác nhau, nhằm thu hút trẻ tham gia các hoạt động trên nhà trường.
Đồng thời, để có thể chăm sóc một số ít trẻ bị hội chứng con cưng hiệu quả, trường luôn tổ chức các buổi tập huấn thêm về nghiệp vụ cho giáo viên.
“Chính vì việc phát huy tính sáng tạo cho trẻ nói chung thông qua việc nâng cao phương pháp giảng dạy, không ngừng đổi mới sự sáng tạo cho trẻ nên trường liên tục đạt nhiều thành tích của ngành giáo dục trong nhiều năm qua.
Và, mới đây, bản thân tôi đạt giải thưởng Võ Trường Toản, dành cho những nhà giáo tâm huyết, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục thành phố khiến tôi rất xúc động và vui”, cô Dung chia sẻ.
Cô Vũ Hoàng Linh Chi và cô Hà Thị Kim Dung là 2 trong số 40 giáo viên vừa đạt giải thưởng Võ Trường Toản. Trao đổi với PV, đại diện sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Giải thưởng Võ Trường Toản được sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hàng năm để ghi nhận những thành tích xuất sắc, những đóng góp, cống hiến cho những nhà giáo tiêu biểu trên địa bàn thành phố, từ cấp mầm non đến trung học. Năm nay, Sở chọn ra 40 gương giáo viên tiêu biểu, 10 cán bộ quản lý tiêu biểu đạt giải thưởng này để tôn vinh ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11″.
Nguyễn Lành
Theo nguoiduatin
Đôi mắt học trò soi sáng lương tâm nghề giáo
Nghề giáo nhiều niềm vui và cũng lắm thăng trầm, có những băn khoăn, trăn trở bên trang giáo án nhưng ánh mắt học trò thân thương đã giúp giáo viên giữ trọn ngọn lửa nghề
Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên mầm non Trường Mầm non 1 (quận 5, TP HCM), là một trong những gương mặt tiêu biểu của TP HCM nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. Suốt 14 năm công tác, thầy Bình đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của trường, của ngành giáo dục TP, liên tục đổi mới phương thức dạy học cho trẻ.
Thầy Nguyễn Phương Bình trong giờ dạy trẻ tại Trường Mầm non 1 (quận 5, TP HCM)
Người "cha hiền" của trẻ mầm non
Thầy Bình chia sẻ khi quyết định theo học sư phạm mầm non, gia đình không chấp nhận, bạn bè bất ngờ, nhiều lần khuyên thầy nên đổi ngành. Với tâm niệm khi bước vào trường, việc chăm sóc trẻ là quan trọng nhất, thầy Bình đã "một mình cân cả thế giới", bỏ qua định kiến rằng nghề mầm non chỉ có nữ là phù hợp. "Có nhiều lần chính mình cũng bị sốc với nghề mình chọn, cứ tưởng không vượt qua được nhưng mỗi lần tiếp xúc với trẻ, những câu nói, hành động yêu thương của trẻ làm mình như được sống lại, mạnh mẽ hơn và quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng" - thầy Bình giãi bày.
Suốt 14 năm gắn bó, người "cha hiền" của các em nhỏ luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy học mới để các em có thể tiếp thu nhanh, rèn luyện kỹ năng. Những bài dạy, hoạt động không đi theo lối tư duy cũ, thầy Bình dạy trẻ tư duy từ việc chọn đồ chơi, sử dụng các vật dụng làm minh họa trực quan sinh động trong những tiết học. Bằng chính sự tận tụy, lòng yêu trẻ và nhiệt huyết với nghề bao năm qua, thầy Bình đã nhận giải nhất giáo viên giỏi cấp TP; đạt danh hiệu "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" do Công đoàn ngành Giáo dục TP trao tặng và nhiều giải thưởng khác.
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú, TP HCM), ân cần chăm sóc học trò
Vững tâm nhìn học trò tiến bộ
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú, TP HCM), là giáo viên trẻ nhất nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. Công tác trong ngành giáo dục 10 năm, với những sáng kiến, đóng góp của mình, cô đã nhận nhiều giải thưởng cấp TP, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đã có lúc muốn bỏ nghề vì áp lực nhưng mỗi khi đến lớp, nhìn ánh mắt thơ ngây, trong veo của học sinh lại thôi thúc cô phải gắn bó với nghề bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, phải mang đến kiến thức và hành trang bước vào tương lai cho học trò.
Cô Duyên nhớ lại, khi mới vào nghề, cô được nhận một lớp có học sinh bị tăng động và ở lại lớp, rất nghịch, hay đánh, bắt nạt bạn, chưa biết tôn trọng cô giáo. Cô đã rất ngỡ ngàng và loay hoay tìm cách để dạy bé, không bỏ cuộc trước khó khăn, cô đã dành thời gian gặp gia đình, gặp bác sĩ trực tiếp điều trị bé, gặp những giáo viên trước đã dạy bé, để hiểu rõ hơn về tình hình của em. Từ đó, cô nghiên cứu xây dựng phương pháp giáo dục riêng cho học trò đặc biệt của mình. Sau thời gian kiên trì, dùng nhiều phương thức phát triển tư duy, bé có thể tiếp thu và lên lớp đều đặn. Hiện bé đang học lớp 6 như các học sinh bình thường khác. Sự tiến bộ không ngờ của em đã khiến gia đình rất xúc động và biết ơn cô.
"Đôi khi, món quà tri ân người thầy không phải là chiếc phong bì dày, những bó hoa rực rỡ, những món quà đắt tiền, mà là những cử chỉ, lời nói yêu thương của học sinh, lời chúc mừng của học sinh cũ hay những lá thư viết tay dài vài trang giấy của phụ huynh gửi đến cô, đó mới thực sự là những món quà vô giá" - cô Duyên bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả viết sách lựa chọn dạy thử nghiệm sách Tiếng Việt thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông mới chuẩn bị áp dụng cho năm học tới; được mời vào nhóm giáo viên tham gia phản biện, góp ý sách giáo khoa môn Tiếng Việt; tham gia tư vấn cho các tác giả và nhà xuất bản hoàn chỉnh bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 của chương trình phổ thông mới. Dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, cô Duyên đã được chọn là giáo viên mạng lưới, là thành viên trong nhóm giáo viên cốt cán của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú với vai trò tổ trưởng...
Rèn luyện không ngừng
Sau 5 năm nỗ lực nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy bộ môn toán thông qua hoạt động nhóm, đạt Chiến sĩ thi đua cấp TP 5 năm liền, nhà giáo Nguyễn Trần Khánh Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thầy Bảo chia sẻ đứng trước những sự kiện xảy ra với ngành giáo dục, mỗi giáo viên hằng ngày phải cố gắng hơn nữa, rèn luyện không ngừng, giữ tâm sáng, chí bền. Trước những chuyển đổi của nền công nghệ 4.0, nền giáo dục phải phát triển tương xứng, vai trò của người thầy rất quan trọng, phải định hướng được học sinh nên đòi hỏi giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin trong từng bài giảng của mình, đó là yếu tố để giáo viên có niềm tin hội nhập.
Bài và ảnh: NGUYỄN THUẬN
Theo NLĐ
Giáo viên mầm non - Bài 1: Ươm mầm từ những điều bình dị Danh sách giáo viên mầm non được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019 gồm 8 thầy, cô giáo. Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên Trường Mầm non 1 (quận 5) Dù có tuổi đời, tuổi nghề và hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng mỗi thầy, cô đều là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, mến trẻ. Vượt qua...