Những xu hướng mới trong dạy tích hợp liên môn
Dạy học liên môn giúp học sinh nắm sâu kiến thức tự nhiên
GD&TĐ – Dạy học tích hợp, liên môn xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu bài học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
PGS.TS Mai Văn Hưng – Chủ nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – cho rằng: Để dạy học tích hợp liên môn có hiệu quả cần hiểu rõ bản chất của liên môn và tích hợp; những điều kiện cần và đủ, những yếu tố liên quan đến quá trình tương tác giữa các môn học cũng như tính độc lập tương đối của chúng trong một chỉnh thể thống nhất.
Dạy học tích hợp liên môn là cần thiết
Khẳng định dạy học tích hợp liên môn là tất yếu, PGS.TS Mai Văn Hưng lý giải: Trong quá trình phát triển loài người, con người nguyên thủy cũng như muôn loài động vật bậc cao đã khám phá tự nhiên một cách bản năng và khám phá xã hội qua giao tiếp.
Video đang HOT
Khi đó không có môn học, nhưng thực chất là các hoạt động khám phá ấy vốn bao gồm tất cả các môn như hiện nay. Do vậy, ngày nay, để khám phá tiếp thế giới, chúng ra cũng không nằm ngoài con đường của tổ tiên xưa.
Ngoài ra, dạy học tích hợp, liên môn xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu bài học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Thay vì chỉ đề cao mục tiêu kiến thức như trước đây, sẽ coi trọng hơn nữa mục tiêu về kĩ năng và thái độ với mục đích giúp người học sau khi học xong bài học phải giải quyết được các vấn đề trong thực tiễn, bao gồm cả tự nhiên và xã hội, thông qua việc vận dụng kiến thức tổng hợp, liên quan đến nhiều môn học. Vì thế, dạy học cần phải tăng cường theo hướng tích hợp, liên môn.
Bên cạnh đó, trong thực tế khi soạn bài, giáo viên thường quan tâm nhiều đến các nội dung và phương pháp chuyển tải nội kiến thức cho học sinh mà ít quan tâm đến việc học của học sinh. Việc học là để thích ứng với môi trường sống, mà để thích ứng, con người cần phải vận dụng các kiến thức tổng hợp, bởi thế, bài học đương nhiên cần phải tích hợp liên môn.
Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, ngày nay, nhiều nước trên thế giới coi tích hợp liên môn là một quan điểm cơ bản trong việc triển khai chương trình môn học từ tiểu học đến THCS và THPT. Một xu hướng khá phổ biến là tích hợp các môn học truyền thống Vật lý, Hóa học, Sinh học tạo thành môn học mới thông qua tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn.
Ngoài ra, còn có một xu hướng khác, đó là thực hiện quan điểm tích hợp nhưng không tạo ra môn học mới. Đại diện cho xu hướng này là Cộng hòa liên bang Đức, Hà Lan, Thụy Điển. Một nghiên cứu về khảo sát chương trình khoảng 20 nước của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, 100% các nước đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp. Tiêu biểu như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Úc, Pháp, Anh, Hoa Kì, Canada, Philippines…
Một số nước đã đưa dự án vào chương trình giáo dục phổ thông, qua đó thực hiện tích hợp xuyên môn, đưa học sinh vào môi trường thực tiễn thông qua việc học sinh xác định chủ đề dự án, lập kế hoạch, thực hiện và tổng hợp kết quả dự án. Các chủ đề trong học theo dự án chủ yếu liên quan đến việc học và đời sống hàng ngày của học sinh, có thể nằm trong các môn học tích hợp hoặc nằm ngoài chương trình.
“Gần đây, các tổ chức quốc tế đưa dạy học dự án vào Việt Nam, nhưng chỉ trong khuôn khổ của dự án đó, trong phạm vi hẹp và thường ở hoạt động ngoài giờ học.
Còn đối với chương trình ở các môn học, cơ bản mới nêu được chuẩn về kiến thức, chuẩn về kỹ năng chung ở cấp THCS; đã nêu được các kỹ năng tiến trình khoa học như thu thập thông tin, xử lý thông tin, dự đoán và rút ra kết luận, tiến hành thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học; tìm hiểu và điều tra trong môn Sinh học; giải bài tập Vật lý, Hóa học, Sinh học, vận dụng kiến thức để giải thích một số hiện tượng trong tự nhiên.” – PGS.TS Mai Văn Hưng cho hay.
Từ nội dung kiến thức sinh động đến chương trình đổi mới
Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, sự thành công của tích hợp liên môn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, các kiến thức trong mỗi nội dung hoặc mỗi chủ đề liên môn, tích hợp cần có tính thực tiễn, sinh động, hấp dẫn với học sinh, từ đó hình thành động cơ, hứng thú và sự đam mê khi học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Cũng qua đó, việc ghi nhớ kiến thức không còn máy móc mà là một sự đương nhiên của quy trình tư duy.
Thứ hai, các chủ đề tích hợp, liên môn cần được bố cục logic về nội dung và hợp lý về trình tự, giúp cho học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau. Đồng thời, các nội dung này được dùng để hiểu nội dung khác cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn.
Thứ ba, trong quá trình học bộ môn, mỗi giáo viên do vẫn thường xuyên phải dạy những kiến thức có liên quan đến các môn học khác, vì vậy đã có sự am hiểu về những kiến thức liên môn liên quan đến và các kiến thức tổng hợp.
Một giáo viên không đơn thuần chỉ hiểu bộ môn mình giảng dạy mà phải tham khảo, học thêm các môn liên quan, càng sâu rộng càng tốt. Điều này còn liên quan đến việc đổi mới cách đào tạo giáo viên, bồi dưỡng giáo viên. Nên đưa dạy học tích hợp liên môn vào chương trình dạy học ở đại học.
Thứ tư, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động của học sinh cả ở trong và ngoài lớp học. Vì vậy, giáo viên các bộ môn liên quan có điều kiện và chủ động hơn trong sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong dạy học.
Cuối cùng là chương trình và sách giáo khoa phải được đổi mới, từ việc xác định thành phần cơ cấu nội dung, cách cấu trúc nội dung của chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng và sách giáo khoa phải được thể hiện theo quan điểm tích hợp, trong đó ngoài việc thể hiện từng lĩnh vực chuyên ngành, cần có kết nối các lĩnh vực với nhau theo hướng tích hợp.
Theo GD&TĐ