Những vụ “mất tích” trong giờ bơi
Sự “ra đi” của những đôi dép
Theo thống kê không chính thức của teen tụi mình thì giày, dép đang đứng đầu trong danh sách bị “mất tích” trong giờ bơi. Thanh Đức (lớp 11A6, trường THPT Trưng Vương, Q.I, TP.HCM) kể: “Hôm đó mình để lại đôi bitis mới toanh (giá khoảng 500k) trên bờ, còn cẩn thận lấy cặp che lên. Thế nhưng khi lên bờ, lấy chiếc cặp ra thì đôi giày đã không chân mà đi.”
Tương tự, nhóm Tam Thể trường Bùi Thị Xuân đã phải cùng nhau đi chân trần về nhà vì 3 đôi giày bata của nhóm để một góc khuất tại hồ bơi đã bỗng dưng bị mất. Mới đây, chúng tớ đã giật mình khi thấy tuyên bố xanh rờn của một bạn nữ trường N. trên forum của lớp: “Con nhỏ lớp 11A8 thấy ghét, chiều nay đi học bơi giấu dép nó chơi!” Lời tuyên bố trên cho thấy tình trạng “thó” dép trong các hồ bơi đang được những đạo chích thực hiện quá dễ dàng. Và những đôi dép, giày của teen tụi mình có thể bị “mất tích” vì những lí do cứ tưởng như đùa.
Video đang HOT
“Cái gì cũng có nguy cơ bị… mất tích!”
Ở hồ bơi, cái gì cũng có nguy cơ bị mất tích. Không chỉ mất dép, nhiều bạn còn mất mắt kính, điện thoại và cả tiền bạc. Như Trang (11B1, trường THPT Nguyễn Trãi) cũng đã ngậm ngùi chia tay với chiếc di động của mình trong một giờ học bơi. Trước khi xuống hồ, Trang đã cẩn thận bỏ chiếc điện thoại vào cặp, khóa kĩ. Bơi xong, Trang mở cặp ra thì chiếc điện thoại đã biến mất tự lúc nào. Đến bây giờ, Trang vẫn còn ấm ức: “Hổng hiểu ai theo dõi mình kĩ đến thế và không biết kẻ gian đã ra tay lúc nào mà không bị ai phát hiện?”
Trường hợp của S. (trường M.C) còn đáng ngậm ngùi hơn. Đang bơi trong hồ, như có linh tính chẳng lành, S. lên bờ kiểm tra thì không thấy chiếc cặp của mình đâu nữa. Tức quá, Đ. liền mình trần trùng trục chạy khắp nơi để tìm nhưng vô vọng, chờ đến cuối buổi thì thấy có một chiếc cặp vô chủ sót lại trong đống cặp của lớp. Đ mở ra xem, chiếc cặp trống trơn. Lúc đó, chú bảo vệ hồ bơi Đ.(Q.3) chứng kiến sự việc mới buông lời: “Chắc là bị tráo cặp nữa rồi!” Chữ “nữa rồi” của chú cho biết S không phải là nạn nhân đầu tiên và chưa phải là nạn nhân cuối cùng của tình trạng bị mất cặp!
Tại hồ bơi, đồ đạc của lớp phải để cùng nhau như thế này để tránh mất mát.
Để tụi mình có thể “vui học bơi”
Mới đây, tại một hồ bơi ở quận 5 (TP.HCM), chiếc quần có chứa ví tiền, thẻ xe và giấy tờ xe của B. (lớp 12 trường K, Q.5, TP.HCM) đã “bốc hơi” từ đống quần áo chung của lớp. Tất nhiên chiếc xe B gửi ngoài bãi cũng bị dắt đi luôn.
Tâm Như (lớp 11 trường THPT Trương Vĩnh Ký, Q.11, TP.HCM): “Cách tốt nhất là teen nhà mình không nên mang những vật dụng đắt tiền theo trong giờ học bơi. Giày, dép thì tụi mình nên bỏ trong bao xốp, bỏ vào ba lô hoặc cặp táp rồi để chung với đồ đạc của bạn bè. Nhớ là đồ đạc của cả lớp phải để cùng nhau để tiện theo dõi.”
Trường Sơn (lớp trưởng 11B1, trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM): “Nếu không có thầy cô dạy thể dục hoặc thầy cô quá bận thì mỗi lớp có thể cử một đội cờ đỏ trực trong giờ bơi. Nhóm này có nhiệm vụ cắt cử người trông chừng đồ đạc cho cả lớp. Các thành viên của lớp sẽ thay phiên nhau tham gia đội trực hồ bơi này.”
Các HLV ở hồ bơi Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) cho biết: ” Ở mỗi hồ bơi đều đã trang bị những phòng giữ đồ. Các em học sinh có thể gửi đồ đạc, vật dụng nơi đây để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nếu các bạn để cặp mình trên thành hồ thì nên để chung lớp với nhau, tách riêng với các lớp khác. Khi xảy ra mất mát gì, hãy báo ngay với người lớn, đừng vì e ngại mà bỏ qua đấy!”
Theo chúng tớ thì vẫn còn một nguyên nhân sâu xa của những vụ “mất tích” này: Mỗi giờ học bơi thường có quá nhiều lớp cùng học dẫn đến tình trạng hồ bơi quá tải. Vì quá đông nên các bạn khó mà kiểm soát được đồ đạc. Nhà trường nên sắp xếp lịch bơi phù hợp và phối hợp với hồ bơi tìm biện pháp bảo vệ hiệu quả tài sản của học sinh.