Những tuyệt phẩm xuất sắc nhất CES 2014
CES năm nay không phải là kỳ triển lãm điên rồ, bất ngờ hay phấn khích nhất trong lịch sử, nhưng nó không hề thiếu những sản phẩm đáng nhớ, độc đáo và ấn tượng.
Sony Xperia Z1 Compact
Dưới đây là những chiến binh nổi bật nhất của từng hạng mục, theo bình chọn của The Verge.
1. Smartphone đỉnh nhất : Sony Z1 Compact
Một chiếc điện thoại mà người dùng đã đòi hỏi từ lâu: nhỏ gọn nhưng không hy sinh về cấu hình và tính năng chút nào. Nói cách khác, nhỏ nhắn theo đúng chuẩn mực hiện đại. Z1 Compact được đánh giá là smartphone xuất sắc nhất của Sony tính tới thời điểm này và điểm trừ duy nhất của nó so với phiên bản cỡ lớn Z1 chỉ là pin nhỏ hơn. Bù lại, nó lại được trang bị màn hình IPS mới nhất. So với các smartphone đầu bảng như iPhone và Galaxy S4, Z1 Compact không hề thua kém chút nào.
2. Máy tính bảng đỉnh nhất: Lenovo ThinkPad 8
Lenovo đã khiến giới công nghệ tại CES 2014 bất ngờ với mẫu máy tính bảng Windows 8.1 hoàn toàn mới này. Chỉ vài tháng sau lần thử nghiệm đầu tiên với máy tính bảng Windows cỡ nhỏ, Lenovo đã tạo ra một sản phẩm gần như không thể chê được, kết hợp cấu hình ấn tượng với kết cấu máy cũng chắc chắn không kém. Nếu như loạt tablet Windows 8-inch đầu tiên tỏ ra quá đuối so với iPad hay tablet Android thì ThinkPad 8 chính là câu trả lời xứng đáng cho iPad Mini Retina. Với khả năng kết nối với hàng loạt phụ kiện USB, màn hình, bàn phím và chuột rời, đây là một sự lựa chọn rất hay cho những ai vừa muốn sự cơ động, vừa muốn sức mạnh của Windows. Giá bán của nó cũng rất hợp lý, chỉ có 399 USD.
3: Dịch vụ game đỉnh nhất: PlayStation Now
Sony đã hứa hẹn từ trước về việc sẽ bắn game PS3 tới các thiết bị PlayStation thông qua đám mây, nhưng việc dịch vụ này cũng tương thích với cả TV, smartphone và máy tính bảng vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Các tựa game được trình diễn tại CES chạy “nuột” một cách đầy ấn tượng.
Video đang HOT
4. TV xuất sắc nhất: Vizio 4K TV
Mẫu TV 4K dân dụng đầu tiên của Vizio có giá khởi điểm chỉ 999 USD và dự kiến xuất xưởng từ cuối năm nay. Mức giá này có thể coi là một cột mốc quan trọng để công nghệ TV siêu phân giải gõ cửa các hộ gia đình phổ thông trong năm 2014, thay vì những sản phẩm có giá bán trên trời mà Samsung hay LG trình diễn. Tất nhiên, công nghệ của các ông lớn hào nhoáng hơn, nhưng có lẽ họ vẫn cần xem lại chính sách định giá của mình trước sự tấn công của các thương hiệu TV giá rẻ.
5. Đồng hồ thông minh đỉnh nhất: Pebble watch
Là tâm điểm của CES 2014 ngay từ những ngày đầu tiên, thiết kế của Pebble gây ấn tượng nhờ chất liệu kết hợp giữa da và kim loại sang trọng, lịch sự. Các phím bấm được cải tiến cho phép điều khiển thiết bị dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Có thể nói, Pebble Steel đã tiến hóa thành công từ một thiết bị “dùng được” đơn thuần thành một vật dụng thời trang đẹp mắt. Đây cũng là mẫu smartwatch duy nhất được các chuyên gia công nghệ khuyên mua tại thời điểm này.
6. Xu hướng đáng dõi theo nhất: Ô tô kết nối
Ô tô và công nghệ ô tô ngày càng giữ một vai trò quan trọng tại CES. Năm nay, những chiếc xe nối mạng Internet xuất hiện ở gần như mọi ngóc ngách của Las Vegas khiến cho Sảnh bắc của Las Vegas Convention Center trông giống như đang tổ chức một triển lãm ô tô quốc tế hơn là triển lãm điện tử tiêu dùng. Ford thậm chí còn trình diễn phiên bản mới nhất của một trong những dòng xe biểu tượng, quan trọng nhất của hãng – the Mustang – tại CES 2014.
7. Bất ngờ lớn nhất: TV uốn cong
Rất nhiều sản phẩm trình diễn tại CES đứng chênh vênh ở ranh giới giữa mô hình mẫu bất khả thi với sản ph ẩm thực tế. Năm nay, có thể kể đến mẫu TV biến hình từ màn hình phẳng thành cong chỉ với một nút bấm của Samsung.
8. Thất vọng lớn nhất: Các thiết bị đeo được (wearable)
Dù có rất nhiều sản phẩm wearable được các hãng công bố tại triển lãm năm nay nhưng không một thiết bị nào thực sự bật hẳn lên. Chức năng của chúng na ná nhau và kiểu dáng cũng như thể được đúc từ cùng một khuôn.
9. Sự tái xuất ấn tượng nhất: WebOS
5 năm trước, hệ điều hành webOS chính là câu chuyện nổi bật nhất của CES 2009 trước khi số phận của nó trở nên chìm nổi, long đong, lận đận y như trong phim. HP đã bán đứt nền tảng này cho LG theo kiểu “bỏ của chạy lấy người”. Thật bất ngờ khi LG đã hồi sinh webOS và sử dụng hệ điều hành này để tạo ra những giao diện TV thông minh thực sự ấn tượng. LG cho biết một nửa số TV xuất xưởng năm nay của hãng sẽ cài webOS nên chẳng bao lâu nữa, số TV webOS mà LG bán được còn nhiều hơn cả số smartphone webOS của Palm.
Theo VNE
Sony "ngang tàng" đang nỗ lực tìm lại thời hoàng kim
Tiến những bước chậm mà chắc song phảng phất chút ngang tàng, tự tin, Sony muốn lấy lại vị trí dẫn đầu của những ngày hoàng kim từ tay Apple.
Trong suốt những năm 1990, Sony từng là thương hiệu công nghệ cao cấp nhất, thống trị toàn thế giới bằng thiết kế sáng tạo và sản phẩm đỉnh cao. Tuy nhiên, thập kỷ vừa qua không hề đáng nhớ với hãng điện tử Nhật Bản.
Tập đoàn Nhật Bản đánh mất ngôi vương về tay Apple sau một loạt quyết định và chiến lược lạ lùng thay vì cấp tiến. Vì thế, khi ông Kazuo Hirai nắm quyền điều hành năm 2012, việc ông bắt tay làm đầu tiên là ổn định lại con tàu. Hai năm sau, Kaz vẫn đang từng bước lấp lỗ hổng và sẵn sàng trở lại tốp đầu.
Dưới triều đại Hirai, Sony đi những bước chậm mà chắc. Một Sony Ericsson trúc trắc đã biến thành một Sony Mobile Communications nổi tiếng và có lãi. Máy ảnh không gương lật giúp Sony có vị trí dẫn đầu ngành ảnh, ngày càng nhiều người chơi ảnh chuyển sang dòng Alpha (NEX) thay vì máy ảnh ống rời DSLR mà Canon, Nikon từng thống trị. Gần nhất, hệ máy chơi game PlayStation 4 qua mặt đối thủ Xbox One của Microsoft về doanh số.
PlayStation Now và truyền hình đám mây
Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2014, Hirai cùng Sony cũng về nếp cũ: dẫn đầu thay vì theo đuôi hãng khác, tiến về phía trước thay vì chắp vá mọi thứ. Thông báo lớn nhất của Sony tại đây chính là PlayStation Now, cuộc cách mạng phương thức chơi game và thống nhất danh mục sản phẩm rộng lớn của hãng về một mối. PlayStation Now cho phép phát các trò chơi trực tiếp đến tivi, máy tính bảng, smartphone và máy chơi game. Như vậy, người dùng có thể tiếp cận trò chơi từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, bất kể là thiết bị nào. Nó trở nên vô cùng giá trị khi muốn mở rộng vòng đời của máy chơi game PlayStation Vista hay biến thư viện trò chơi thành điểm thu hút cho hệ thiết bị Xperia.
Sony thể hiện đầy đủ tham vọng với PlayStation Now song còn cả con đường gập ghềnh phía trước để mở rộng dịch vụ. Trong ngắn hạn, PlayStation Now chỉ dành riêng cho thị trường Mỹ và Sony đang đi những bước cẩn trọng để đưa dịch vụ lên mạng. Có thể, đây là sự khác biệt rõ nhất giữa Sony của Hirai và công ty của cựu Tổng Giám đốc Howard Stringer: một Sony cũ luôn thúc đẩy mọi thứ quá nhanh, trong khi Sony mới muốn cân bằng mọi thứ.
Không chỉ phát trò chơi đến mọi thiết bị, Sony còn muốn cung cấp dịch vụ truyền hình đám mây toàn diện dựa trên nền dịch vụ Entertainment Network sẵn có. Tuy nhiên, dịch vụ này còn nhiều câu hỏi cần giải đáp hơn PlayStation Now. Nếu Sony có thể tìm ra cách thống nhất mọi tài sản giải trí dưới một dịch vụ duy nhất, chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Xperia Z1 Compact
Nói về nỗ lực của Hirai về thương hiệu "One Sony", phải nhắc đến dòng sản phẩm Xperia. Ngôn ngữ thiết kế từng thay đổi thất thường trong quá khứ đã trở nên vững chắc hơn và phổ biến trên mọi thiết bị, kể cả trong dòng phụ kiện. Tầm quan trọng của Z1 Compact dễ bị xem nhẹ song thiết bị 4.3 inch này một lần nữa cho thấy Sony đang đi theo con đường ngược lại với số đông. Mọi nhà sản xuất Android khác đều chế tạo sản phẩm cao cấp kích thước lớn tầm 5 inch, còn Sony lại đối đầu trực diện với iPhone.
Z1 Compact vừa là một thành tựu về mặt công nghệ, vừa thể hiện sự tự tin của Sony khi không cần phải lớn hơn hay lòe loẹt hơn iPhone mà vẫn cung cấp được điện thoại tốt hơn. Việc nâng cấp màn hình lên IPS cũng chứng tỏ Sony nhận thức rõ điểm yếu của mình là gì và khắc phục nó.
Life Space UX
Ngoài ra, sự tồn tại của mô hình không gian sống thông minh Life Space UX càng khắc họa rõ nét khía cạnh lan truyền cảm hứng của Sony. Hòa trộn công nghệ tiêu dùng và không gian sống gia đình làm một thực thể khó tách rời, đó là tầm nhìn tương lai mà chúng ta từng nghe thấy và nhìn thấy trước đó. Những bức tường, cửa kính trở thành màn hình, đồ nội thất chuyển hóa thành thiết bị có tính tương tác. Điều khác biệt ở Life Space chính là Sony sẵn sàng đưa mọi thứ thành hiện thức bằng máy chiếu Ultra Short Throw Projector vào mùa hè 2014.
Ngoài loạt thông báo đáng chú ý tại CES, Sony tiếp tục xúc tiến nỗ lực khác. Công ty muốn trở thành người tiên phong trong lĩnh vực video 4K và hiện có hơn 140 tựa chương trình độ nét cao; hợp tác nội dung cùng YouTube, Netflix; hay máy quay phim cầm tay 4K. Nỗ lực máy ảnh của Sony có bước tiến mới vào cuối năm 2013 với dòng máy ảnh không gương lật Alpha 7 và 7R cũng như A5000 tại CES, tiếp tục xu hướng giản hóa yêu cầu vật lý để có kết quả hình ảnh đẹp mắt.
"Công thức" cho cuộc hồi sinh của Sony pha trộn giữa sự thận trọng và nét ngang tàng. Không thể phủ nhận lòng dũng cảm và tham vọng ở những sản phẩm, dịch vụ của công ty song chúng đều nằm trong kế hoạch dài hơi và kiên nhẫn. Có thể quá sớm để nói rằng Sony của thời hoàng kim đang quay trở lại, tuy nhiên hãng công nghệ Nhật chắc chắn đã làm được quá nhiều điều khiến chúng ta một lần nữa "phải lòng".
Theo ICT News/Theverge
Sony gửi thông điệp sẽ quay lại thời hoàng kim Sony cho thấy họ đã sẵn sàng để lấy lại ánh hoàng kim của mình ở thập kỉ trước, vốn đã bị đánh mất do các quyết định sai lầm và sự khắc nghiệt của thị trường. Nhân dịp trao giải Quả cầu vàng mới đây, Sony vừa tung ra một đoạn quảng cáo với bức thông điệp rằng hãng đã sẵn sàng...