Những trường đại học có khu thể thao hoành tráng
Những ngôi trường này có hẳn khu thể thao hiện đại để phục vụ nhu cầu của sinh viên.
Đại học Tôn Đức Thắng
Tuy không phải là một trường đại học lớn và nổi tiếng về cơ sở vật chất nhưng đại học Tôn Đức Thắnglại có khu liên hợp thể thao rất hiện đại. Khu thể thao này hiện là sân chơi thể thao lớn nhất trong các trường đại học và phổ thông tại TP.HCM, với diện tích 3 ha và có đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ các môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh…
Bên cạnh đó, khu liên hợp thể thao còn có hệ thống chăm sóc y tế và kinh doanh dịch vụ rất chuyên nghiệp và hiện đại.
Với điều kiện cơ sở vật chất tốt như vậy nên không khó hiểu khi khu liên hợp thể thao này thu hút được rất nhiều sinh viên đến tham gia rèn luyện sức khỏe. Được biết sinh viên trường chỉ phải đóng 100.000 đồng/tháng để đăng kí giờ chơi.
Bể bơi hiện đại là nơi thường xuyên diễn ra các giải thi đấu cấp trường (ảnh: tdt.edu.vn)
Đại học RMIT – TP.HCM
Là một trong những trường đại học “giàu có” và mức học phí cũng như cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất Việt Nam nên không khó hiểu khi trường RMIT cũng đầu tư xây dựng khu thể thao hoành tráng dành cho sinh viên.
Nhà thi đấu của trường RMIT có tên Sportshall gây ấn tượng bởi diện tích rộng, có thể đáp ứng được nhiều môn thể thao khác nhau.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng y tế và dịch vụ cũng được xây dựng đạt tiêu chuẩn cao. Mặc dù có tới 14 CLB thể thao đang hoạt động trong trường, nhưng với nhà thi đấu lớn như thế này, sinh viên RMIT hoàn toàn thoải mái tham gia chơi thể thao ở đây mà không sợ quá tải. Sinh viên RMIT có thể chơi thể thao ở nhà thi đấu Sportshall miễn phí.
Bể bơi hiện đại của trường RMIT
Video đang HOT
Bộ môn Yoga (ảnh: rmit.edu.vn)
Đại học Bách khoa TP.HCM
Là một trong những trường rất đông sinh viên nam, phong trào thể dục thể thao phát triển rất mạnh nên trường Đại học Bách khoa TP.HCM cũng đầu tư xây dựng khu thể thao, nhà thi đấu khủng.
Nhà thi đấu khép kín của trường Bách khoa đặt tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức với diện tích rất rộng rãi, thoải mái và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của sinh viên trong trường. Bên cạnh đó, sinh viên các trường khác trong khu vực cũng thường xuyên tìm đến nhà thi đấu này để chơi thể thao hoặc tổ chức các giải đấu nhỏ.
Nhà thi đấu đại học Bách khoa TP.HCM
Đại học Thăng Long Hà Nội
Đại học Thăng Long là một trong những trường có hệ thống thể thao sành điệu bậc nhất. Trường Thăng Long đã đầu tư xây dựng khu thể thao – thể chất rất hiện đại và thực sự là niềm mơ ước của nhiều sinh viên trường khác.
Khu thể thao – thể chất trường Thăng Long có thể đáp ứng nhu cầu của sinh viên ở nhiều môn thể thao khác nhau như bóng đá, bóng rổ… Đặc biệt, trường còn đầu tư xây dựng hẳn một phòng tập thể hình với điều kiện hiện đại không kém các phòng tập chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe của sinh viên
Sân bóng rổ
Phòng tập gym (Ảnh: Tri thức)
Theo TTVN
Tôi không biết phải bắt đầu lại như thế nào...
Tôi và Yên có hôn phối từ nhỏ. Nói "hôn phối" cho nó hoành tráng chứ thật ra chỉ là lời hứa của hai người bạn nối khố: "Nếu vợ tui đẻ con gái thì mình kết làm sui gia". "Ừ, còn nếu cô ấy đẻ con trai thì tụi nó kết nghĩa huynh đệ".
Tôi nghe má kể lại, hôm đó cha tôi và chú Minh, ba của Yên cũng uống mấy chén rượu để giao thề. Chừng một tuần lễ sau thì vợ chú Minh sinh con gái. Hôm đầy tháng bé Yên, hai nhà nhắc lại lời hẹn ước, cha tôi mừng đầy tháng "con dâu tương lai" bằng một chiếc lắc bạc và lời hứa: "Mai mốt cha má mần ăn khấm khá, sẽ mua cho con lắc vàng một cây". Năm đó tôi 5 tuổi, còn Yên mới... đầy tháng.
Câu chuyện trà dư tửu hậu đó khiến hai nhà thêm thân thiết hơn. Thế nhưng, trong mắt tôi, Yên chỉ là một cô em gái không hơn, không kém bởi tôi không thích cái nước da bánh mật của em, càng không thích cái tính nhút nhát, rụt rè; ăn không dám ăn, nói không dám nói của em.
Trong trí tưởng tượng của tôi, người yêu của mình phải là một cô gái trắng trẻo, môi son, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, dáng liễu thướt tha đài các. Người ấy phải thông minh, duyên dáng, học cao hiểu rộng, hơi xa cách một tí... Đó là tôi bị ảnh hưởng của mấy nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn và nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trong thực tế, tôi đã có một người như vậy. Ấy là khi tôi rời quê lên Sài Gòn học đại học.
Cô bạn tôi là tiểu thư của một gia đình thuộc dòng dõi hoàng tộc nhưng giờ đã xuống dốc. Tuy vậy, những nét đài các, quý tộc thì vẫn còn nguyên vẹn. Tôi nghĩ mình cầu được ước thấy. Lần đầu tiên tôi dẫn Diệp Châu về nhà chơi, mấy người ở xóm cứ trầm trồ khen ngợi: "Con gái nhà ai mà xinh đẹp quá chừng". Thế nhưng cha má tôi lại không bằng lòng. Tối đó má gọi tôi ra sau nhà: "Bạn bè chơi với nhau thì được chớ không có yêu đương gì nghe chưa. Cha má còn lời hứa với bên nhà chú Minh, không thể nuốt lời". "Chuyện đùa vui thôi mà má. Đời này là đời nào rồi mà còn hôn ước với hôn sự?"- tôi nhăn mặt. "Con nói vậy nghe sao được? Chú Minh mất rồi, nhà bên đó chỉ còn mấy mẹ con hẩm hút... Nếu người ta giàu có thì không nói làm gì, bây giờ người ta khó khăn, mình càng phải giữ lời. Má không có chê cô bạn của con nhưng ở đời, lời nói gói vàng; cha má đã nói ra rồi, làm sao lấy lại được?".
Năm đó tôi 21 tuổi, đang học năm thứ ba Đại học Ngân hàng. Còn Yên mới 16 tuổi. Nghe tôi về, hôm sau, Yên bưng sang nhà tôi một mâm bánh bèo nhân tôm đậu xanh. Em chào tôi và Diệp Châu: "Mẹ em nói anh thích bánh bèo nên biểu em làm đem qua cho anh".
Mấy lần trước, Yên làm bánh bèo cho tôi ăn, không bao giờ có câu "mẹ em nói" mà là "em biết anh thích nên làm cho anh ăn". Thú thật là tôi chưa bao giờ ăn bánh bèo ở đâu ngon như bánh Yên làm. Có lẽ vì em biết tính tôi, khi làm nhân bánh, thường để riêng một dĩa thật nhiều tôm, nhiều đậu xanh. Những cái bánh bèo trắng muốt làm nền cho màu đỏ của tôm, màu vàng của đậu xanh, chỉ cần nhìn thấy đã ứa nước miếng. Nhìn Yên múc nước mắm, cẩn thận chan vào đĩa bánh bèo cho tôi, bất giác tôi bỗng thấy một niềm thương cảm trào dâng trong lòng. 16 tuổi, hẳn là cô bé cũng đã nghĩ ngợi về chuyện tình yêu. Thế nhưng khi biết tôi về cùng một người con gái khác, em đã lẳng lặng đứng sang một bên...
Sau lần đó, tôi ngại nên ít về thăm nhà; có về thì cũng đi ngay, tránh gặp mặt Yên. Tôi nghe má tôi nói học xong lớp 12, Yên thi vào Đại học Sư phạm Cần Thơ. Tôi thầm cầu mong ở đó, em gặp được một người con trai khác để có thể quên đi câu chuyện cổ tích của chúng tôi. Dù sao thì tôi cũng thấy áy náy trong lòng vì chưa có lần nào thẳng thắn nói với em.
Tôi định bụng sẽ tìm một dịp nào đó để nói rõ cho em mọi chuyện. Thế nhưng chuyện học hành, sau đó là công việc cứ cuốn hút khiến tôi không có dịp nào gặp lại em. Có lần má tôi nói: "Nếu con muốn cưới người khác thì con hãy tự lo liệu. Cha má không có mặt mũi nào khi nuốt lời với người đã khuất. Cha con buồn tới nỗi sinh bệnh rồi".
Đó cũng là một phần lý do tôi chần chừ chưa muốn tổ chức cưới dù gia đình Diệp Châu cứ hối thúc. Thậm chí, có lần mẹ nàng còn dọa: "Cháu mà không nói gia đình bước tới, hai bác gả con Châu cho người khác ráng chịu nghen".
Tôi cứ tưởng họ nói đùa, không ngờ có lần tôi đến chơi, gặp một người đàn ông lạ ở đó. Họ giới thiệu với tôi: "Đây là anh Tuấn, cháu nội cụ Tú, ngày xưa là bạn đồng môn với ông Nội con Châu". Tuấn đang định cư ở Mỹ, trước đây tôi có loáng thoáng nghe Diệp Châu nhắc nhưng không để ý.
Hôm đó khi người nhà Diệp Châu dọn cơm lên, tôi đứng dậy cáo từ. Không có ai giữ tôi lại ăn cơm như những lần trước, kể cả người yêu tôi. Khi tiễn tôi ra cổng, nàng bảo: "Hôm nào em sẽ nói chuyện với anh". Tôi nắm tay Diệp Châu, nhìn thẳng vào mắt nàng: "Hãy nói thật với anh, em có yêu anh không?". Câu hỏi tưởng rất dễ vì ít ra chúng tôi cũng đã có 6-7 năm biết nhau, yêu nhau. Thế mà bây giờ nó khiến người yêu tôi bối rối đến không trả lời được: "Để hôm nào em nói... Anh về đi".
Tôi ra về với một tâm trạng trống rỗng. Tôi tắt điện thoại, chẳng còn thiết đến chuyện gì. Tôi chờ người yêu tôi nếu gọi điện không được sẽ đến công ty hay đến nhà trọ để tìm tôi. Thế nhưng suốt một tuần lễ, chẳng có điều gì xảy ra. Một nỗi chán chường khiến tôi chẳng còn sức lực để làm việc. Cuối cùng không chịu đựng nỗi, tôi mở máy điện thoại gọi cho người yêu. Nàng cho biết đang về thăm họ hàng ở Huế. Tôi hỏi nàng đi với ai, sau một chút ngập ngừng, nàng bảo: "Em đi với anh Tuấn".
Tôi hiểu rồi.
Chẳng biết tại sao lúc đó tôi bỗng nhớ nhà kinh khủng. Tôi thèm được ngồi bên cạnh má, được nhìn má đi tới đi lui trong chái bếp, được hít thở mùi khói bếp lan tỏa xung quanh, được ăn những miếng cơm cháy với nước mắm tóp mỡ của má, được nghe má kể chuyện ngày xưa có hai gia đình nghèo khó sống cạnh nhau... Chỉ vậy thôi mà tôi chảy nước mắt. Hóa ra những khi đau khổ nhất, người ta hay bám víu vào kỷ niệm. Tôi quyết định xin nghỉ phép về với má...
Vừa thấy tôi, má đã tíu tít: "Mấy bữa nay má cũng trông con quá trời. Hôm qua con Yên về, nó ghé thăm má và còn hứa bữa nay đổ bánh bèo cho cha má ăn. Trời ơi, mày thiệt là có lộc ăn nghen con". Tự dưng tôi thấy trong lòng nhẹ đi rất nhiều. Tôi quăng ba lô xuống ghế, thắp nhang bàn thờ ông bà rồi nói với cha tôi đang ngồi uống nước trà ngoài hàng ba: "Con qua thăm thiếm Minh với mấy đứa nhỏ, cha má đừng chờ cơm con".
Con đường tuổi thơ tôi vẫn như ngày xưa. Từ nhà tôi qua nhà cô bạn thuở nhỏ vẫn rợp bóng những cây còng xum xuê lá. Nhớ hồi xưa, Yên hay lượm trái còng về lấy hột rang cho tôi ăn. Tôi có cảm giác mùi thơm hăng hắc của hạt còng vẫn còn đâu đây...
Trông thấy tôi, Yên tròn xoe mắt. Tôi cũng giật mình. Lâu lắm rồi không gặp, tôi không hình dung em bây giờ lại khác như vậy. Điều bất ngờ là bây giờ, người lúng túng lại là tôi. Mẹ em trông thấy tôi thì mừng rỡ: "Trời ơi, con đi đâu mà biệt tăm, biệt dạng vậy? Thiếm với con Yên nhắc con hoài. Hồi nãy đổ bánh bèo, nó cũng nhắc con".
Trưa hôm đó, tôi lại được ăn những cái bánh bèo mà lần cuối cùng được ăn cách nay đã gần một chục năm. Tôi có cảm giác chưa bao giờ được ăn những cái bánh ngon đến tê dại như vậy. Yên bảo tôi: "Lâu lắm rồi em mới được làm bánh cho anh ăn". Chỉ nói được vậy rồi em cúi mặt không cho tôi thấy nỗi buồn chất chứa trong lòng suốt bao nhiêu năm qua.
Tối đó, má tôi đưa cho tôi cái hộp: "Chiếc lắc của con Yên hồi đầy tháng. Biết con có người khác, mẹ nó không muốn làm mình khó xử nên đã đem trả lại. Thiệt, má không biết ăn nói làm sao với người ta. Con cứ cất làm kỷ niệm". Tôi nhìn chiếc lắc bé xíu, chợt nhớ câu chuyện má kể. Bất giác tôi lấy lòng cồn cào thật khó tả.
Tôi quay về Sài Gòn với tâm trạng khác hẳn. Tôi không còn trông chờ điện thoại của Diệp Châu, không còn háo hức nhắn tin cho nàng, không muốn đến công ty tìm nàng những khi "nhớ quá không chịu nổi"...
Đúng hơn là giờ đây tôi lại có tâm trạng ấy với một người khác. Tôi bắt đầu thấy nhớ người con gái ở quê nhà, người đã có hôn phối với tôi từ khi mới lọt lòng. Tôi nhớ lời em nói hôm chia tay: "Em cứ nghĩ anh không còn thích ăn bánh bèo nữa nên lâu lắm mới làm".
Không đúng, tôi vẫn thích cả bánh, cả người làm bánh, nhưng bây giờ ngượng quá không biết phải nói gì. Thật không ngờ một gã đàn ông đã ba mươi tuổi như tôi lại trở nên ngô nghê như vậy... Tôi biết chắc là em vẫn chờ đợi tôi suốt bao nhiêu năm qua nhưng nếu được trở lại ngày xưa, tôi không biết phải bắt đầu như thế nào...
Theo VNE
Thế giới mừng đón năm mới 2014 Năm mới đang lần lượt gõ cửa các thành phố trên khắp thế giới. Tại Auckland, New Zealand, người dân đã được thưởng thức màn pháo hoa hoành tráng, tạm biệt năm 2013 và đón chào năm 2014. Như thường lệ, màn đếm ngược và pháo hoa tại Auckland luôn được coi là dấu hiệu khởi đầu cho một năm mới. Tiếp đó,...