Những tiết học đổi gió – học trò bỗng thành thầy
Có tiết học cô trò cùng đi nhặt ve chai làm từ thiện, ngồi trên sông lấy cảm hứng làm văn, hay lớp học sôi động khi trò đứng lớp…
Học sinh dẫn dắt lớp học
Ở Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM), học sinh lớp 6 lại hào hứng với tiết học không có thầy, cô giáo đứng lớp. Đó là một tiết học chuyên đề môn Vật lý của thầy Phạm Thành Trung, giáo viên nhà trường.
Tiết học này đã đạt giải Ba về Tổ chức dạy học tích cực môn Vật lý THCS toàn quốc. Được xem lại hình ảnh lớp học, ai cũng ngạc nhiên vì những học sinh lớp 6 tự dẫn dắt, đứng lớp và hướng dẫn cùng nhau làm bài tập.
Mở đầu tiết học là màn hoạt cảnh do chính các bạn thực hiện, đóng vai hỏi đáp lẫn nhau. Qua những câu hỏi đáp, học sinh còn lại hiểu thêm về kiến thức chỉ số đo của con người. Sau màn hoạt cảnh là học sinh phân công dẫn dắt trò chơi, hỏi đáp, tổ chức ôn tập đo chỉ số khối cơ thể cho nhau, rút ra kết quả…
Tiết học do học sinh đứng lớp
Bùi Phương Uyên, học sinh tham gia với vai trò dẫn dắt lớp học, chia sẻ: “Vốn rất thích làm giáo viên nên khi được dẫn dắt lớp học mình rất thích. Khi mới bước lên bục giảng mình thấy hơi run run nhưng mấy phút sau lại quen”.
Qua tiết học này, Uyên cho biết mình học được nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa và biết áp dụng những gì được học vào thực tế. “Cũng nhờ tiết học này, mình hiểu được làm giáo viên phải vất vả như thế nào để làm học trò hiểu bài, thu hút, hấp dẫn học trò”, Uyên nói thêm.
Video đang HOT
Đảm nhận dạy bộ môn Vật lý, thầy Trung cho biết: “Môn Vật lý khá nhiều lý thuyết nên tôi muốn tạo cho các em tham gia tiết học thực hành sôi động do chính các em dẫn dắt. Từ đó các em sẽ yêu thích môn vật lý và hiểu những ứng dụng thực tế của môn học này vào cuộc sống”.
Chủ đề được thầy Trung lựa chọn cho tiết học là Khảo sát chỉ số sức khỏe BMI như một tiết học chuyên đề. Tiết học này, thầy Trung chỉ giữ vai trò hướng dẫn các bạn tìm tài liệu, lên kịch bản lớp học, giúp học sinh làm hoạt cảnh và tham gia tiết học như… một “người khách”.
Thầy Trung chia sẻ: “Tôi hết sức bất ngờ khi học sinh có thể tự mình tìm tài liệu, tự tin tổ chức lớp học, đưa ra những công thức tính toán mà các em sưu tầm được,… Chính các em đã tạo cho lớp học thêm sinh động chứ không phải ai khác. Bản thân mình cũng học được nhiều điều từ các em”.
Cô trò cùng lượm ve chai làm từ thiện
Vào thời gian cuối những tiết học môn hóa, cô Lưu Hạnh Dung và học trò Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thường ngồi lại với nhau, kể về những chuyện cô gặp trong cuộc sống cho học trò nghe.
Cô Dung trên bục giảng
Những câu chuyện về số phận nghèo, người neo đơn, những em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống hay những chuyến đi từ thiện của cô giáo… trong lớp học biến thành những chuyến đi thực tế theo nhu cầu của học trò.
“Những lúc học xong căng thẳng quá, cô Dung thường kể cho tụi mình nghe nhiều chuyện cô gặp cho bớt căng thẳng. Từ những câu chuyện cô kể rất sinh động và ý nghĩa, tụi mình đã đề nghị cô cho tham gia thực tế”, Trần Hoàng Nguyên, học sinh lớp 11 kể lại.
Nguyên cho rằng vì học sinh thì không có tiền nên cả lớp đã nhờ cô hướng dẫn đi nhặt ve chai kiếm tiền làm từ thiện thay vì xin tiền của ba mẹ. Bày tỏ cảm giác khi trao quà đến tay người nghèo, Nguyên nói: “Mình rất vui và tự hào vì món quà là thành quả sức lao động của mình bỏ ra và vì nhìn thấy niềm vui của họ khi nhận món quà đó”.
Để chuyến đi thành công, cô Dung cho biết đã hướng dẫn học trò phân công công việc, cách gõ cửa, xin ve chai từng nhà. Ngay cả cách đi tặng quà cho người nghèo cô cũng phải lưu ý học trò để người nhận được vui. “Ngày đi xin ve chai mưa dữ lắm, học trò sợ tôi bệnh nên kêu tôi ngồi một chỗ sắp xếp ve chai, các em thì đội áo mưa đi xin. Tôi rất cảm động khi các em tỏ ra hăng hái, đoàn kết, yêu thương nhau trong quá trình làm. Các em đã tự biết cách tổ chức, lên kế hoạch và hỗ trợ nhau”, cô Dung tâm sự.
Làm văn trên sông
Mỗi năm một lần, vào tháng 10, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) được ra tận sông Sài Gòn, ngồi trên thuyền để học viết văn.
Các bạn được ngồi trên thuyền lớn, người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền… nhìn ra sông, lấy cảm hứng để làm bài tập: Mô tả con sông quê em. Tiết học này có tên gọi là “tiết học 2 trong 1″, một tiết học Sử tại Bến Nhà Rồng và một tiết học tập làm văn trên sông.
Học sinh ngồi trên thuyền thảo luận ý tưởng cho bài văn
Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết tiết học này đã được thực hiện cho học sinh khối lớp 5 được 4 – 5 năm nay. “Hiện nay, thực trạng học sinh làm theo văn mẫu cũng vì các em không có ý để viết bằng lời văn của mình. Muốn học sinh có ý thì bản thân các em phải được chứng kiến thực tế. Đó là lý do nhà trường đã tổ chức những chuyến đi thực tế này”, cô Điệp nói thêm.
Theo cô Điệp, khi đi thực tế, học sinh được cô giáo gợi ý và hướng dẫn để định hướng nhưng mỗi trẻ lại có cách suy nghĩ khác nhau. Những bạn ngồi phía trước thuyền sẽ mô tả nước, lục bình, ánh sáng… khác với những bạn ngồi cuối thuyền.
Không chỉ môn Văn, với môn tự nhiên xã hội học sinh thường được đến thảo cầm viên để tìm hiểu thực tế. Hay như tiết học về môi trường ở ruộng lúa cùng nông dân… Đó cũng là cách nhiều trường tiểu học ở TP.HCM “đổi gió” cho học sinh ngoài những tiết học có phần “khô khan” trong lớp học.
Theo thanh niên
Tăng tiết vì quá tải?
Sở GD&ĐT chưa cho tăng tiết đại trà. Nhà trường lách bằng cách chia lớp theo phân loại học sinh để khi có thanh tra thì báo cáo là phụ đạo, bồi dưỡng.
Bộ GD&ĐT nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trái quy định dưới hình thức tăng tiết có thu tiền. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đều thực hiện tăng tiết ngay từ đầu năm học với các môn Văn, Toán, ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh. Nhiều trường nói thẳng: Tăng tiết ngay từ đầu năm học để giáo viên có thời gian hướng dẫn học sinh làm bài tập. Mỗi môn học chính như Văn, Toán, ngoại ngữ... tăng 1-3 tiết ngay từ đầu năm học. Và các trường bắt đầu tăng tiết mạnh khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp THPT.
Không giải quyết hết bài tập!
Lý do các trường giải thích cho việc tổ chức tăng tiết là chương trình học hiện nay quá nặng, thời gian bố trí tiết giảng chưa phù hợp, giáo viên dạy lý thuyết đã hết giờ còn thời gian đâu làm thực hành, thí nghiệm, giải bài tập... Các giờ tăng tiết trên lớp chủ yếu là giải các dạng bài tập đã học lý thuyết trên lớp. Chương trình phân phối của Bộ cũng ít tiết bài tập nên nhà trường phải tăng tiết phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Hiệu trưởng một trường THPT cho hay: Nhu cầu của phụ huynh muốn cho con học thêm rất nhiều, bản thân học sinh cũng cần thấy việc học tăng tiết là có lợi cho mình khi trên lớp giáo viên không đủ thời gian hướng dẫn giải bài tập các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Các trường tổ chức tăng tiết sẽ chia lớp phân loại học sinh yếu, trung bình, khá, giỏi để khi có thanh tra thì trường sẽ báo cáo là... phụ đạo, bồi dưỡng!
Một giờ học tăng tiết môn Lý của học sinh Trường THPT Marie Curie
Thầy Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho hay: Qua thăm dò, phụ huynh cũng thống nhất cho con học tăng tiết dưới dạng giải bài tập nhiều ngay sau khi học bài học trên lớp. Chưa kể một số trường học sinh đông, phòng học ít nên việc tăng tiết ở buổi thứ hai để giáo viên có điều kiện hướng dẫn học trò của mình làm tốt bài tập hơn.
Không chỉ trường THPT có tăng tiết, ngay cả các trường THCS, đặc biệt là học sinh cuối cấp (lớp 9), nhà trường cũng thực hiện tăng tiết, có thu phí, cho học sinh để chuẩn bị kiến thức thi vào lớp 10.
Tăng tiết = Tăng chất lượng?
Việc tăng tiết được các trường thực hiện chủ yếu ở buổi học thứ hai mặc dù tiêu chí của buổi học thứ hai chủ yếu dành cho hoạt động vui chơi, ngoại khóa.
Khảo sát một nhóm học sinh tại Trường THPT Marie Curie, quận 3, hầu hết đều cho biết ngoài việc học thêm tại trung tâm văn hóa ngoài giờ, các em đều học tăng tiết các môn Toán, Văn, Anh văn, Hóa, Lý tại trường vào buổi chiều (buổi học thứ hai). Em Tuấn Anh, học sinh lớp 12, cho biết: Năm nay là năm thi nên nhà trường có tổ chức tăng tiết các môn như Văn, Toán, Anh văn, mỗi tuần tăng ba ngày, mỗi môn học tăng 2-3 tiết (tùy môn), học phí khoảng 100.000 đồng/tháng/môn.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, nhìn nhận khi thực hiện tăng tiết, chất lượng học tập có tăng lên rõ rệt. "Tôi thấy việc học tăng tiết mang lại hiệu quả nhất định, chất lượng học sinh được nâng lên" - thầy Việt chia sẻ.
Phụ huynh cũng đồng thuận. "Đi họp phụ huynh có hỏi vụ học tăng tiết thì giáo viên chủ nhiệm giải thích là chương trình quá dài, giáo viên bộ môn không có thời gian giải bài tập trong giờ học chính khóa nên nhà trường tổ chức tăng tiết, mỗi môn học chính tăng 1-2 tiết/tuần. Vậy cũng chấp nhận được" - anh Bùi Anh Khánh, phụ huynh học sinh ở Tân Phú, nói.
Theo Pháp luật Tp.HCM
5 tiết học 'không thể không yêu' ở trường Ams Bất kỳ ngôi trường nào cũng sở hữu những tiết học không thể cool hơn và trường Ams cũng không ngoại lệ. Là một ngôi trường nổi danh với thành tích học tập thuộc "hàng khủng", điều kiện cơ sở vật chất có 1 không 2 nhưng không vì thế mà các mặt khác của trường Ams kém hấp dẫn. Minh chứng rõ...