Những thí sinh đầu tiên trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội
Ngày 10/7, ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng vào trường năm 2019.
Trong danh sách 245 thí sinh được tuyển thẳng, 188 người được tuyển thẳng theo diện đoạt giải ở kỳ thi quốc gia (13 giải nhất, 72 giải nhì, 103 giải ba), 30 em giành giải cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia, 27 thí sinh đạt các yêu cầu về chứng chỉ A-Level, SAT (vào các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế).
Những thí sinh được tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Trong đó, Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông có số lượng thí sinh được tuyển thẳng cao nhất, với 101 em.
Viện Điện và Viện Khoa học Hàng hải có số thí sinh được tuyển thẳng lần lượt là 28 và 27.
PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi sáng 14/7, ngày 15/7, nhà trường sẽ phân tích dữ liệu liên quan điểm thi ở từng môn học và tổ hợp.
Từ số lượng thí sinh đăng ký, trường sẽ phân tích dữ liệu và đưa ra dự báo điểm chuẩn.
Năm 2019, ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện 3 phương thức tuyển sinh, gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm; tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của trường (đối với các chương trình đào tạo quốc tế).
Năm nay, trường dự kiến tuyển 6.680 chỉ tiêu.
Theo Zing
Chọn kỹ năng thực hành, theo 4.0 hay đam mê?
Chọn kỹ năng thực hành, chọn theo 4.0 hay chọn... đam mê? Học sinh băn khoăn khi đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Hà Nội.
Ước tính có gần 20.000 học sinh về dự ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 tại Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ
Video đang HOT
Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Hà Nội hôm qua 17-3 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 155 gian tư vấn của trên 100 đơn vị. Khoảng 20.000 học sinh Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... đã đến tham dự.
Những câu hỏi của học sinh mang đậm hơi thở từ thực tế cuộc sống: chọn kỹ năng thực hành, chọn theo 4.0 hay chọn... đam mê?
Chú trọng thực hành
Giải đáp cho học sinh về lựa chọn "thích thực hành", TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - cho biết tại trường, thời gian đào tạo thực hành 70%, lý thuyết chỉ 30%.
Phần lý thuyết không hàn lâm, mà chỉ tập trung để sinh viên có tư duy, hiểu biết để thực hành. Các thầy cô trong khối kỹ thuật công nghệ đều cho rằng nếu các bạn trẻ đam mê những ngành thuộc khối này thì xác định sẽ phải cọ xát với các yêu cầu thực hành, ứng dụng.
PGS.TS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thêm không chỉ các trường ĐH thiên về ứng dụng mới chú trọng thực hành, mà tất cả các trường ĐH bây giờ đều phải chú trọng thực hành, gắn đào tạo với hoạt động của các doanh nghiệp, thị trường lao động.
Để đạt được điều đó thì ngay cả khi học lý thuyết cũng đã tăng cường tương tác, thảo luận để rèn các kỹ năng cho sinh viên.
"Trường ĐH Bách khoa kiên quyết chống dạy chay" - ông Tớp trao đổi và cho biết trường vừa đầu tư tới 40 tỉ đồng để nâng cấp, bổ sung cho khối thực hành thí nghiệm.
PGS-TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trường Đại học Bách Khoa, tư vấn cho các em học sinh tại ngày hội - Ảnh: CHÍ TUỆ
Một học sinh nữ băn khoăn nữ giới có nên học ngành điện tử - viễn thông không, PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ tỉ lệ nữ sinh học tại trường là 23,7% và nhà trường đang mong muốn tỉ lệ này tăng lên. Bất cứ lĩnh vực nào nữ cũng có thể tham gia, chỉ cần có năng lực, kỹ năng tốt.
PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết thêm cơ hội việc làm cho các bạn nữ sinh học kỹ thuật công nghệ rất rộng mở, vì tỉ lệ nữ học các ngành này ít hơn so với nam thì cơ hội lựa chọn lại nhiều hơn.
4.0 không tách rời đam mê
Một số học sinh muốn học "nghề 4.0" bởi nghe nói đến nhiều và vì thế tin sẽ dễ xin việc. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT, chia sẻ 4.0 là quá trình kết nối, nhưng vẫn phải có vai trò của con người để tạo ra và điều khiển nó. Vì thế cần người phải học tốt chuyên môn một chuyên ngành nào đó, để hiểu, mới tạo ra và vận hành nó.
"Mình sẽ tham gia vào đâu trong quá trình 4.0 vì 4.0 bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau" - ông Chương gợi mở.
TS Nguyễn Thanh Bình, trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng chia sẻ đặc trưng của khoa học cơ bản là phải nghiên cứu sâu lý thuyết, làm việc nhiều trong các phòng thí nghiệm.
Vì vậy, "nghề gì cũng cần đam mê, nhưng học khoa học cơ bản càng cần đam mê hơn, nếu không thì sinh viên sẽ gặp nhiều trở ngại, mệt mỏi khi phải ở lì trong phòng thí nghiệm hay núi tài liệu phải nghiên cứu" - TS Bình nhấn mạnh.
Học sinh trao đổi và đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia tư vấn - Ảnh: DANH TRỌNG
Đặt câu hỏi trực diện vào nhận định "học phải có đam mê", một học sinh nêu: "Đam mê chọn mình, chứ không phải mình chọn đam mê phải không?".
PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: nhúng mình vào một nghề và nghề đó lôi cuốn mình, cho mình đam mê là điều cũng có thể xảy ra. Nhưng ngay bây giờ, khi các em được lựa chọn thì đây là cơ hội để các em chọn nghề mình thích trước.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ thêm: "Đam mê là thứ cảm tính rất nhiều. Càng trưởng thành thì đam mê có cơ sở, chính xác hơn. Nhưng khi còn trẻ, các em cần thu thập thông tin, tìm hiểu cho kỹ dựa trên năng lực, sở trường, cả hoàn cảnh đáp ứng... để chọn một nghề phù hợp. Và từ sự phù hợp đó có thể đam mê thực sự mới xuất hiện".
Ngành mới hay truyền thống?
"Ngành kinh tế đang nóng trở lại, nhưng càng nóng thì càng lo. Vậy nên chọn ngành mới mở để đón đầu xu hướng hay cứ chọn những ngành kinh tế truyền thống cho an toàn?" - câu hỏi của một thí sinh khiến chính các thầy trong ban tư vấn cảm thấy thú vị.
"Đúng là kinh tế đang là vấn đề nóng và liên quan chặt chẽ đến định hướng nghề nghiệp. Đối với kinh tế, mỗi ngành có điểm hay riêng, nhưng ngành có thể hay với người này mà chưa chắc đã hay, phù hợp với người khác.
So sánh giữa ngành mới và ngành truyền thống cũng khó có thể đưa ra lời khuyên chắc chắn ngành nào sẽ chiếm ưu thế, sẽ thuận lợi và phù hợp với thí sinh. Điều này phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Việc chọn lựa chuyên ngành còn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện xét tuyển của từng trường" - GS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Đức Triệu - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho rằng thí sinh nên tin tưởng chọn ngành mới, vì chính các trường cũng đã có sự nghiên cứu nhu cầu thị trường trước khi mở ngành mới.
Một học sinh băn khoăn: lực học em có khả năng đậu vào những trường tốp trên nhưng luôn chỉ có khả năng đứng giữa vì những trường này còn nhiều sinh viên giỏi khác. Nếu chọn một trường khác có đầu vào thấp hơn thì có thể đứng đầu, được chọn vào lớp chất lượng cao, tài năng, được các doanh nghiệp săn đón... Vậy nên chọn hướng nào?
TS Phạm Ngọc Linh - phó trưởng khoa công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, khuyên nên chọn nơi nào điều kiện học tập tốt, giúp sinh viên có thể vượt lên để trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất. Bởi đứng giữa hay đứng đầu cũng chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài phía trước. Trên chặng đường đó, nếu không có nội lực thực sự thì sớm muộn cũng tụt hậu...
* Bà Lê Mai Lan (phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup):
Góp một phần vào việc làm có ý nghĩa
Tập đoàn Vingroup luôn nhiệt tình sát cánh để góp một phần vào việc làm có ý nghĩa trong suốt 10 năm qua, đó là chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Tôi tin rằng với sự cộng hưởng thông tin từ báo Tuổi Trẻ cùng bề dày kinh nghiệm tổ chức nhiều năm, tại rất nhiều địa phương, chương trình đã giúp học sinh, các vị phụ huynh tự tin đưa ra những lựa chọn phù hợp với sở nguyện và năng lực cá nhân. Hi vọng rằng trong vài năm tới, chúng tôi có thể gặp lại những gương mặt trẻ này ở vai trò các đối tác hoặc là đồng nghiệp tại Tập đoàn Vingroup.
* PGS.TS Lê Hải An (thứ trưởng Bộ GD-ĐT):
Cơ hội tốt để tiếp cận đầy đủ, chính xác thông tin
Nhu cầu học tập, trong đó có nhu cầu học tập ở bậc ĐH, là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, học sinh cần có được đầy đủ thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình, môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giảng viên của các trường, các chương trình đào tạo... Đây là một điểm mà trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo các trường công khai, minh bạch thông tin.
Tôi đánh giá cao Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội và chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ năm nay. Đây là một cơ hội rất tốt để thí sinh, phụ huynh tiếp cận đầy đủ và chính xác thông tin về tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019, trước khi đưa ra quyết định quan trọng cho lựa chọn của mình.
* TS Trương Anh Dũng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp):
Mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa
Các buổi tư vấn, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là ngày hết sức quan trọng đối với các em học sinh và phụ huynh học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề bước vào đời. Với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là nơi để các trường tư vấn tuyển sinh đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo. Đối với các em học sinh và gia đình là nơi để tìm hiểu lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động.
Chúng tôi luôn đánh giá cao chương trình này và mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với báo Tuổi Trẻ trong các hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp nói chung và hoạt động tuyển sinh nói riêng.
Ngày hội tại Hà Nội, chương trình tư vấn tại Kiên Giang, Cà Mau ngày 17-3 đã tạm khép lại giai đoạn 1 của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019. Các ngày hội, các buổi tư vấn do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng các trường ĐH, sở GD-ĐT và tỉnh, thành đoàn các địa phương tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Theo tuoitre
Bỗng dưng... trúng tuyển đại học! Nhiều thí sinh bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH dù không hề đăng ký xét tuyển vào trường đó. Trò lừa đảo hay liên kết ma? Vừa thi THPT quốc gia 2019 xong, L.N.G.H, thí sinh tại TP HCM, bất ngờ nhận được giấy báo nhập học có đóng dấu tròn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội,...