Những thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất cả nước
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 vừa kết thúc, theo báo cáo của các Sở GD&ĐT địa phương thì Bình Định là tỉnh có thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất cả nước với 58.5 điểm (chưa kể điểm ưu tiên) là em Lê Thị Thùy Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Diêu.
Sở GD&ĐT Bình Định cho biết: Năm nay tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh đạt tỷ lệ 96,84%. Trong đó, 157 học sinh tốt nghiệp loại giỏi, 2.215 thí sinh tốt nghiệp loại khá.
Cả tỉnh có 5 trường THPT có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100% là: THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Quốc học Quy Nhơn, THPT số 1 An Nhơn, THPT Nguyễn Trân và THPT Trần Cao Vân. Trường có tỉ lệ đỗ thấp nhất là Trường phổ thông dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh, đạt tỉ lệ 50,85%.
Thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là em Lê Thị Thùy Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước) với tổng điểm 6 môn thi đạt 58,5 điểm (Ngữ văn 9,5; Vật lý 10; Địa lý 9,5; Sinh học 10; Toán 10; Tiếng Anh 9,5).
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố có 97,79% HS THPT đỗ tốt nghiệp; bổ túc THPT là 97,10%. So với năm 2010, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả hai hệ đều tăng, trong đó hệ THPT tăng hơn 3%, hệ bổ túc THPT tăng hơn 12%.
Video đang HOT
Trong tổng số 245 trường THPT Hà Nội có HS tham gia dự thi, có 139 trường đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 99%; 49 trường đỗ 100% trong đó có nhiều trường THPT ngoài công lập.
Trong số HS đạt tốt ngiệp loại giỏi, Hà Nội có 3 em đỗ thủ khoa với số điểm 57,5 điểm (chưa kể điểm cộng ưu tiên), đó là: Ngô Trà Mi (trường chuyên Hà Nội -Amsterdam), Trịnh Thanh Hải (trường THPT chuyên Đại học Sư phạm), Vũ Mai Trang (trường THPT Chuyên ngoại ngữ).
Ngoài ra còn có 7 HS cùng đạt 57 điểm của các trường: THPT Chu Văn An, Chuyên Nguyễn Huệ, chuyên Hà Nội -Amsterdam, Chuyên ngoại ngữ, chuyên ĐH KHTN và chuyên ĐHSP (2HS).
Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2011, theo đó, kết quả tốt nghiệp hệ giáo dục phổ thông đạt 96,67%, tăng 2,08% so với năm 2010; hệ bổ túc đạt 76,20%, tăng 21,44% so với năm 2010.
TP.HCM có 34 trường có tỷ lệ đậu 100%. Thủ khoa hệ giáo dục phổ thông là em Huỳnh Ngọc Hoàng Lan (học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền) và em Nguyễn Thị Hiền (Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến), cùng đạt 57 điểm. Thủ khoa hệ bổ túc có 3 thí sinh cùng đạt 54,5 điểm.
Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, tỉ lệ thí sinh hệ THPT đỗ tốt nghiệp khóa 2011 của Đà Nẵng là 97,2% trong tổng số 11.216 thí sinh dự thi, tăng 0,5% so năm 2010. Hệ THPT (GDTX) có 79,9% trong tổng số 1.774 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp; tăng 24,61% so với năm 2010.
Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp 2011 thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Trúc Giang (học sinh lớp 12C2, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) với tổng điểm 6 môn thi là 56,5 điểm, chưa kể điểm khuyến khích, ưu tiên.
Đà Nẵng có 119 thí sinh đỗ tốt nghiệp loại giỏi và 813 thí sinh loại khá. Ở hệ GDTX, Đà Nẵng có 01 thí sinh đỗ tốt nghiệp loại giỏi và 7 thí sinh đạt loại khá. Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và trường THPT Phan Châu Trinh cùng dẫn đầu về tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%.
Nam Định có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất cả nước với 99,89% ở hệ trung học phổ thông, 99,92% ở hệ giáo dục thường xuyên.
Có tới 38/54 trường trung học phổ thông của Nam Định có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Có 4 thí sinh đồng thủ khoa với điểm thi đạt 55,5 điểm.
Theo BĐVN
"Thỏa thuận" cho điểm không chỉ ở môn Văn
Theo một số giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2011, lãnh đạo ngành giáo dục 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã ngồi lại thống nhất cách chấm điểm cho các thí sinh theo hướng "mở" không chỉ môn ngữ văn mà còn nhiều môn khác.
Vớt môn toán
Theo một giáo viên dạy toán ở Hậu Giang, có tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT vừa rồi: Lãnh đạo 11 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã ngồi lại thống nhất với nhau chấm điểm cho các thí sinh theo hướng "mở", để đạt tỷ lệ cao như các vùng miền khác.
Theo hướng dẫn của các biên bản này (hệ THPT và GDTX), việc chấm điểm "thoáng" hơn so với đáp án mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Cụ thể, như câu 1.a) chỉ cần ghi hàm số luôn nghịch biến cho 0,25đ; các đường tiệm cận không cần giải thích hay vẽ đồ thị chỉ cần tương đối đúng dạng (không cần qua 2 điểm đặc biệt...). Hay như ở câu b, biên bản này hướng dẫn: Nếu chỉ kết luận đúng mà không ghi bước tính y vẫn cho điểm tối đa. Hoặc như câu 3 (hình học), chỉ cần ghi góc SCA = 450 (không cần giải thích) cho 0,25đ. Hướng dẫn trên còn mở ngoặc giải thích: Hoặc chỉ cần ngoặc trên hình góc C và hình sai vẫn chấm, hay không hình thì chấm phần tính diện tích và thể tích. Theo giáo viên trên, ở các câu còn lại cũng vậy, văn bản hướng dẫn chấm điểm "mở" tối đa để thí sinh có điểm.
Học sinh trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp
"Đi đêm" vì học sinh trật tủ nhiều quá?Giáo viên một trường THPT ở Cà Mau bức xúc: "Tôi cũng rất bất ngờ trước bản "thỏa thuận" này của các sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL. Nếu như vậy, thì mãi không đánh giá được kết quả học tập của các em. Nhìn biên bản "thỏa thuận" cho rằng ĐBSCL là vùng trũng nên mới thế, tôi càng đau lòng hơn. Theo chủ quan của tôi, sở dĩ có họp và bản "đi đêm" này là vì đề văn năm nay, học sinh trật tủ nhiều quá (thay vì câu 2 điểm là văn học nước ngoài, năm nay lại là văn học Việt Nam) nên mấy "sếp" sợ học sinh mình mất điểm. Nhưng khi cuộc họp diễn ra, thì cả 4 môn tự luận đều có biên bản chấm "thoáng" hết. Trước khi chấm thi, chúng tôi được tổ trưởng phát cho xem biên bản thỏa thuận, nhưng sau đó đã thu lại hết".
Ở cuối văn bản hướng dẫn có dấu hoa thị chú ý: "Nếu làm 9,5 điểm thì xét lại những phần vớt".
Một giáo viên dạy toán khác ở TP Cần Thơ thì cho rằng: biên bản thống nhất trên đúng là theo hướng "mở" để học sinh có điểm. Khi tham gia chấm thi, vị giáo viên này cũng được làm công tác tư tưởng "nếu trong khi làm bài, thí sinh lập luận không được chặt chẽ thì cũng nên châm chước". Nhưng, hướng dẫn trên chỉ là cụ thể hóa đáp án của Bộ GD-ĐT và có cơ sở hợp lý, hoàn toàn không sai so với biểu điểm của Bộ cũng như phương pháp dạy.
Về vấn đề giải toán hình học mà không có hình hay hình sai vẫn chấm thì vị giáo viên này cho biết: Ngay cả biểu điểm của Bộ cũng không nói tới vấn đề này. Tuy nhiên, trước đây theo đúng phương pháp sư phạm thì giải toán hình học mà không có hình thì bài không được chấm.
Hiện có nhiều luồng dư luận khác nhau về những hướng dẫn chấm thi TN THPT 4 môn tự luận ở các tỉnh ĐBSCL. Song điều làm nhiều người băn khoăn là dòng ghi chú: "Nếu làm 9,5 điểm thì xét lại những phần vớt". Như vậy, số thí sinh được "vớt" là bao nhiêu trong đợt thi vừa qua?
Địa phương nói: "Bộ GD-ĐT cho phép"
Theo ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, việc này Bộ GD-ĐT đồng ý cho các tỉnh trao đổi với nhau để đi đến thống nhất cách chấm môn ngữ văn theo hướng mở nhưng vẫn bám sát đáp án, biểu điểm của Bộ. PV hỏi: "Bộ GD-ĐT có cho phép các sở họp lại và cùng ký vào biên bản thỏa thuận hay không?". Ông Khiếm trả lời: "Bộ GD-ĐT cho phép anh em họp bàn để thống nhất cách chấm theo hướng mở. Bộ cho phép đàng hoàng, không có gì là lén lút, giấu giếm cả. Bộ có cho phép anh em mới dám làm!".
Nói về kết quả đỗ tốt nghiệp quá cao, ông Khiếm cho rằng: "Không có điều gì là bất thường cả. Anh em khu vực ĐBSCL họp bàn thống nhất cách chấm theo hướng mở và được Bộ đồng ý, hoàn toàn không có chuyện các tỉnh tự họp bàn để rồi làm khác với hướng dẫn của Bộ!".
Trao đổi với PV, cán bộ của Sở GD-ĐT Cà Mau (có tham gia cuộc họp) nói: "Đúng là có chuyện này. Đáp án trên cơ sở thống nhất của vùng, nhưng dựa vào đáp án của Bộ GD-ĐT, không khác đi. Nhưng có sự thống nhất cách chấm trong vùng, để tránh trường hợp như những năm trước, tỉnh thì cao quá, tỉnh thấp quá, mà có dư luận là chấm không đều tay".
Chiều 18-6, bà Lâm Thị Sang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Bạc Liêu, cho biết về biên bản thống nhất đáp án môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của 13 hội đồng chấm thi thuộc khu vực ĐBSCL là được các tỉnh, thành thảo luận, nghiên cứu từ đáp án của Bộ GD-ĐT hướng dẫn đã triển khai cho các hội đồng chấm thi. Từ đó, các tỉnh đã thống nhất quan điểm, chi tiết các đáp án môn ngữ văn.
Bộ GD-ĐT không cho phép địa phương tự xây dựng hướng dẫn chấm thiHơn 10 giờ đêm hôm qua (18-6), Bộ GD-ĐT đã có thông cáo báo chí để thông tin chính thức về sự việc trên. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho biết: đã có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT trong vùng đồng bằng sông Cửu Long báo cáo về sự việc trên. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo quy chế. Bộ GD-ĐT đã ban hành và chỉ đạo thống nhất đáp án và biểu điểm trong toàn quốc, không cho phép các hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác với hướng dẫn chấm thi của Bộ.
Bộ GD-ĐT còn cho hay: Trước đó, ngày 5-5-2011 Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp gửi công văn đề nghị Bộ cho tổ chức cuộc họp gồm một số đại diện các hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để "thảo luận hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi". Xét thấy nội dung cuộc họp trên là không trái với các quy định của quy chế thi, Bộ đã có công văn đồng ý cho tổ chức cuộc họp và nêu rõ "phải tổ chức cuộc họp theo tinh thần gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ chấm thi theo quy định".
Theo BĐVN
Bàng hoàng chấm thi tốt nghiệp ở ĐBSCL Để đạt điểm thi môn ngữ văn cao, các chuyên viên bộ môn ngữ văn của 11 sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL đã có cuộc họp vào ngày 5-6 tại TP Cần Thơ, ra "Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn". Thực chất đây là thỏa thuận để "nâng cao chất lượng"...