Những thầy giáo quân hàm xanh ở đồn biên phòng
Chứng kiến sự thiếu khát con chữ của đồng bào vùng biên, hải đảo, nhiều chiến sĩ đồn biên phòng tự nhận thêm nhiệm vụ dạy học.
Ngày 13/11, Huỳnh Hoàng Tam (23 tuổi, Long An) lần đầu tiên được tới Hà Nội gặp mặt Chủ tịch nước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Em là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng được tuyên dương vì những cống hiến cho giáo dục. Chàng binh nhất chia sẻ rất xúc động.
Binh nhất Huỳnh Hoàng Tam, đồn biên phòng Tuyên Bình, Long An. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tháng 2/2016, Huỳnh Hoàng Tam nhập ngũ, được phân công về đồn biên phòng Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An). Nơi đây có nhiều Việt kiều từ Biển Hồ (Campuchia) về nước, không quốc tịch hay giấy tờ tùy thân, sống nghèo khổ trên ghe, trong những lều lá dột nát. Hầu hết trẻ con mù chữ, phải sớm mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Là đảng viên duy nhất trong đội ngũ chiến sĩ của đồn biên phòng Tuyên Bình, Hoàng Tam được giao phụ trách lớp học tình thương. Đều đặn mỗi tối, Tam khoác bộ quân phục xanh đứng trên bục giảng bài cho 31 học sinh lớp 1.
“Cảm giác ngày đầu làm thầy giáo rất lạ lẫm. Em đã lên mạng tìm hiểu về nghiệp vụ sư phạm, nhờ thầy cô giáo ở trường tiểu học gần đồn biên phòng chỉ dẫn, nhưng khi thực sự đứng lớp lại chẳng biết làm thế nào để tập trung sự chú ý của học sinh”, Tam kể.
Lớp tình thương của đồn biên phòng Tuyên Bình mượn phòng của trường tiểu học trong xã nên có điện, nước khang trang. Bút vở của học trò đều do cán bộ chiến sĩ của đồn huy động tổ chức xã hội tài trợ và tự trích lương. Được hỗ trợ, nhưng trẻ vùng biên là lao động chính trong gia đình nên thường xuyên nghỉ học. “Thầy giáo quân hàm xanh” phải đến từng nhà vận động, đưa 26 trẻ trở lại lớp.
“Các em ban đầu chưa hiểu ý nghĩa của việc học con chữ nên bỏ lớp, nhưng bây giờ dù trời tối, mưa vẫn đến trường”, Tam tự hào kể. Chiến sĩ trẻ mỉm cười nhớ lại những ngày thầy và trò cùng vui cười học hát. Mùa 20/11 đầu tiên, Tam được học sinh tặng hoa, chúc mừng.
Video đang HOT
Ở vùng địa đầu Tổ quốc – Cao Bằng, thượng úy Chu Thanh Xuân (30 tuổi) 6 năm nay cũng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào Dao. Khi công tác tại đồn biên phòng Xuân Trường (huyện Bảo Lạc), anh Xuân đã vận động 90% trẻ em xã Xà Phìn tiếp tục học lên lớp 6. Toàn bộ người dân hai xã mà đồn biên phòng phụ trách được phổ cập giáo dục, nhờ học lớp xóa mù chữ của thầy Xuân.
Thượng úy Chu Thanh Xuân, đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, Cao Bằng. Ảnh: Quỳnh Trang.
Khi chuyển công tác tới đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng, Cao Bằng), thượng úy Xuân tiếp tục “gieo cái chữ” cho đồng bào dân tộc. Anh nhận nuôi hai học sinh người Dao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại đồn. Hàng ngày ngoài việc chuyên môn, anh hướng dẫn các em cách lao động, hỗ trợ học tập. Sau ba năm ở cùng thầy, những học trò này từ học lực trung bình yếu đã vươn lên mức khá và dẫn đầu lớp với 7,9 điểm tổng kết.
Là một trong hai cán bộ lớn tuổi nhất được vinh danh, trung tá Mai Văn Sơn (50 tuổi, Đồn Biên phòng Hải Vân, Đà Nẵng) có 26 năm dạy học xóa mù chữ cho hàng nghìn người dân.
Năm 1992, tốt nghiệp Trung cấp biên phòng, anh Sơn được điều về công tác tại Đồn biên phòng 256 (Quảng Nam – Đà nẵng), giữ chức vụ Đội phó Đội vận động quần chúng. Người dân ở đây chủ yếu sống trên thuyền, lênh đênh đi đánh cá. Để phổ cập giáo dục được rộng nhất cho bà con, đội phó Sơn nhiều hôm dạy học ngay trên thuyền, khi học trò nhất quyết không đến trường.
Ở đồn Biên phòng Hải Vân (Đà Nẵng), để người dân có thêm thời gian tới lớp học xóa mù chữ, thầy giáo Sơn cùng đồng đội thay nhau vá lưới, gặt lúa, dọn nhà giúp bà con. “Lớp xóa mù đủ độ tuổi, chúng tôi không có nghiệp vụ sư phạm nên nhiều khi lóng ngóng. Học trò thì chân tay quen cầm cày, cầm cuốc nên lúc đầu ngồi yên tập viết chữ gặp nhiều khó khăn”, trung tá Sơn kể.
Trải qua nhiều năm, trong số học trò của thầy giáo Sơn, có người đã đỗ đại học, người giữ chức vụ cao. 20/11 hàng năm, học sinh cũ vẫn về đồn biên phòng tặng hoa, quà, có khi chỉ là mớ rau, nải chuối. Với chú bộ đội được người dân gọi bằng “thầy” ấy, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.
Theo VNE
Thầy giáo Anh bỏ nghề chỉ sau một học kỳ vì quá căng thẳng
Tuần thứ ba đi dạy, Eddie căng thẳng đến mức liên tục khóc với mẹ, hoang mang không biết nên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hay không.
Eddie Ledsham (Wallasey, Merseyside, Anh) vừa tốt nghiệp sư phạm, đi làm chỉ một học kỳ và quyết định bỏ nghề trong nước mắt, theo Liverpool Echo ngày 5/11.
Trước đó, anh được các giảng viên tại trường đại học cảnh báo rằng năm đầu tiên đi dạy sẽ vô cùng khó khăn. Tìm được công việc dạy học sinh tám tuổi ở Wirral, Eddie nhanh chóng gặp khủng hoảng do số giờ làm việc nhiều không tưởng và những mục tiêu phi thực tế.
Eddie quyết định bỏ nghề giáo chỉ sau một học kỳ đi dạy.
Trường chỉ có một lớp dành cho học sinh độ tuổi này, có nghĩa Eddie phải lên kế hoạch cho mọi bài giảng một mình, không có đồng nghiệp cùng san sẻ công việc trong năm như ở các trường khác. Mặc dù đã học cách chuẩn bị giáo án, Eddie cho rằng kiến thức đó không phục vụ được cho công việc thực tế.
"Tại trường, chúng tôi được dạy rằng mỗi bài học tương ứng với giáo án dài ba trang A4. Tuy nhiên, bạn hãy thử nghĩ đến việc tôi phải soạn nội dung cho bảy bài học mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần. Đó là việc quá sức", Eddie nói.
Thầy giáo trẻ sống cùng bố và thường về nhà lúc 18h30. Dù là người tan làm sau cùng, anh thức dậy lúc 5h30 mỗi sáng để chấm điểm hoặc hoàn thiện giáo án trước khi ngày mới bắt đầu.
Thay vì kết thân với các thầy cô khác trong giờ ăn trưa, Eddie phải ở lại lớp để đuổi kịp công việc. Anh mô tả cảm giác bị cô lập khi đi làm: "Hầu hết giáo viên ở trường chỉ nói chuyện với tôi khi thông báo lỗi sai nào đó, và thường không ai chú ý nếu tôi làm đúng".
Trong suốt tuần thứ ba đi dạy, anh thường đến nhà mẹ, khóc và hoang mang: "Con không biết liệu mình có thể làm được không".
Khối lượng công việc của giáo viên gây khủng hoảng cho chàng trai 22 tuổi.
Được mẹ động viên, Eddie quyết định tiếp tục cố gắng để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, anh cảm thấy khó tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.
"Thậm chí lúc trên tàu đến trường hoặc về nhà, tôi cũng cảm thấy tội lỗi vì đang không làm việc. Nếu đi xem bóng đá với bạn bè, tôi phải nhanh chóng ra về khi trận đấu kết thúc vì việc vẫn còn dang dở. Khi gặp bạn gái, tôi ngồi chấm bài của học sinh trong khi cô ấy nấu ăn", Eddie tâm sự.
Chàng trai 22 tuổi yêu trẻ con nhưng áp lực khi nhận thấy những kỳ vọng lớn lao đối với nghề giáo. Eddie nghĩ sinh viên sư phạm cần được trải nghiệm việc giảng dạy nhiều hơn trước khi lấy bằng, bởi anh dường như chưa hề chuẩn bị kỹ tâm lý để đối mặt.
Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEU) vừa tiếp tục kêu gọi tăng lương cho giáo viên nhằm đảm bảo mức sống, khắc phục tình trạng thiếu nhân sự trong ngành giáo dục. Tiến sĩ Mary Bousted, tổng thư ký NEU cho biết khủng hoảng đang lan rộng, với quá ít người tham gia vào đội ngũ giảng dạy và con số bỏ nghề ngày càng gia tăng.
"Chúng tôi biết khối lượng công việc là yếu tố lớn nhất khiến giáo viên muốn bỏ nghề. Chính phủ cần nghiêm túc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này", bà nói.
Theo VNE
Thầy Văn Như Cương trong ký ức học trò "Về trường Lương Thế Vinh có thầy Văn Như Cương như về nhà có người ông, cảm giác rất ấm áp", một học sinh chia sẻ. Là học sinh trường THPT Lương Thế Vinh khóa 2005-2008, Nguyễn Kim Chi (27 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ hình ảnh thầy giáo cao lớn với bộ râu dài, tóc bạc phơ, mùa đông mặc áo vest...