Những thay đổi lớn trong Đạo luật quốc phòng mới NDAA của Mỹ
NDAA 2019 đặt nền móng cho những thay đổi về quy trình, tổ chức và chiến lược của Mỹ nhằm “cạnh tranh lâu dài với Nga và Trung Quốc”.
Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2019 vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua ngày 13/8 là một phiên bản đã được dung hòa giữa những ý kiến trái chiều tại Thượng viện và Hạ viện và đem tới nhiều tin tốt lành cho quân đội Mỹ.
Tổng thống Donald Trump vừa thành luật Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Trong một số vấn đề, Quốc hội Mỹ đã khôn ngoan chọn cách tiếp cận có cân nhắc hơn khi yêu cầu phải có những báo cáo phân tích về các hoạt động theo chỉ thị được đề xuất để đảm bảo quá trình ra quyết định sáng suốt hơn trước những thay đổi về chính sách và tổ chức của một Bộ Quốc phòng nay được chỉ đạo sâu sát hơn từ Quốc hội.
Nhìn chung, đạo luật này trao cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan trong quân đội Mỹ một số thẩm quyền mới đáng kể nhằm hỗ trợ việc tái xây dựng lực lượng vũ trang.
Thái độ cứng rắn với Trung Quốc và Nga
NDAA 2019 bao gồm một số điều khoản cho thấy thái độ cứng rắn của Quốc hội Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Điều này một phần được thúc đẩy bởi Chiến lược Quốc phòng (NDS) mới mà theo đó tập trung vào cuộc cạnh tranh lâu dài với Nga và Trung Quốc, phần khác dựa trên những quan ngại rằng Tổng thống Donald Trump có thể quá khoan nhượng với Nga.
Đạo luật này ủng hộ việc loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận chung thường niên cùng với các đồng minh và đối tác mang tên Vành đai Thái Bình Dương ( RIMPAC )
Đạo luật này cũng cấm sử dụng Viện Khổng Tử của Trung Quốc để đào tạo ngôn ngữ và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn với Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc coi là một tỉnh của nước này.
NDAA 2019 yêu cầu có báo cáo hàng năm về Trung Quốc lên Quốc hội Mỹ, bao gồm các hoạt động do thám của Bắc Kinh , tình trạng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng như những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ảnh hưởng tới các công dân Mỹ.
Video đang HOT
Đối với Nga, NDAA tiếp tục giới hạn hợp tác quân sự với Moscow, cấm bất cứ sự ghi nhận nào về việc Crimea sáp nhập Nga và nêu bật mối quan ngại về việc vi phạm hiệp ước, thể hiện quan điểm của Quốc hội về việc cần tăng cường các biện pháp phòng thủ trước Nga.
Bất chấp những câu hỏi về nỗ lực ngoại giao cá nhân của Tổng thống Donald Trump, Đạo luật nhận được sự đồng thuận của 2 đảng và 2 viện Quốc hội này nhấn mạnh rằng Nga và Trung Quốc là “đối thủ lâu dài” của Mỹ và rằng Washington phải hành động một cách hợp lý và nhất quán.
7 thay đổi chủ chốt
1. Đánh giá lại vai trò và sứ mệnh: Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá lại những vai trò và sứ mệnh được bộ này ưu tiên cao nhất theo chiến lược quốc phòng mới và phải tối ưu hóa hiệu quả của các lực lượng chung. Yêu cầu có thêm những báo cáo này được cho là rất thấu đáo và sẽ đưa ra những phân tích sâu sắc cần thiết cho việc cung cấp nguồn lực phù hợp nhất để phát triển một lực lượng chung sẵn sàng nhất cho các cuộc cạnh tranh chiến lược và những tình huống ưu tiên an ninh quốc gia Mỹ.
2. Tăng lương quân nhân: NDAA 2019 cho phép tăng 2,6% tiền chi trả cho thành viên lực lượng vũ trang Mỹ. Đây là mức tăng lớn nhất trong gần 1 thập kỷ qua và điều này là cần thiết để quân đội Mỹ có thể tiếp tục thu hút những người tài trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Hiện chỉ có 29% người Mỹ ở độ tuổi từ 19-24 đáp ứng tiêu chuẩn nhập ngũ. Giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục như hiện nay (3,8% trong tháng 5/2018), quân đội Mỹ đối mặt với thách thức rất lớn trong việc thu hút được những người thực sự tài giỏi và sẵn sàng phục vụ cho đất nước.
3. Tăng quy mô quân đội: NDAA 2019 hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Bộ Quốc phòng về việc tăng đội quân thường trực thêm 24.100 người trong năm 2019, giúp phát triển quân đội Mỹ sau nhiều năm cắt giảm nhân sự vì ngân sách eo hẹp.
4. Cải thiện độ sẵn sàng của Hải quân: NDAA 2019 có hàng loạt cải cách theo chỉ đạo của Quốc hội nhằm cải thiện độ an toàn và sẵn sàng của các tàu chiến trên bề mặt của Hải quân Mỹ so với Đạo luật Tăng cường chiến đấu trên bề mặt năm 2018 (SWEA).
5. “Trọng tài, không trọng tuổi”: Quốc hội Mỹ đã cho phép Lầu Năm Góc cập nhật luật quản lý văn phòng để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa và mở rộng quy mô quân đội, đảm bảo phát triển và thăng tiến cho những người có tài. Trong những thay đổi quan trọng đó có việc coi trọng biểu biện của quân nhân trong công việc hơn là thâm niên tuổi tác, đồng thời đưa ra nhiều lựa chọn thăng tiến.
6. Thắt chặt đầu tư nước ngoài: NDAA 2019 trao cho Ủy ban về Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) thẩm quyền lớn hơn để xem xét các khoản đầu tư không thụ động vào những cơ sở hạ tầng quan trọng, những đầu tư có thể làm hại dữ liệu cá nhân nhạy cảm và các hình thức chuyển giao khác có thể phá vỡ bảo mật quốc gia.
7. ZTE và những nguy cơ an ninh mạng: Đạo luật cấm chính phủ liên bang mua hoặc gia hạn hợp đồng với bất cứ thể chế nào sử dụng thiết bị, hệ thống hoặc dịch vụ viễn thông của 2 công ty Trung Quốc là Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Hưng ( ZTE ) và Tập đoàn Công nghệ Huawei.
Lầu Năm Góc thực sự nhận được gì?
NDAA 2019 bao gồm 616,9 tỷ ngân sách cơ bản cho Lầu Năm Góc, 69 tỷ cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài và 21,9 tỷ cho chương trình vũ khí hạt nhân hợp tác với Bộ Năng lượng Mỹ.
NDAA 2019 cho phép Lầu Năm góc chi 7,6 tỷ USD cho 77 chiếc F-35 Joint Strike Fighters của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin. Máy bay do thám thế hệ thứ năm này được sản xuất tại cơ sở của Lockheed martin ở Fort Worth, Texas. Đến nay, đây là hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất của lầu năm góc.
Đạo luật quốc phòng mới của Mỹ cấm chuyển giao những chiếc F-35 này cho 1 đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại về việc Ankara muốn mua một hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga và điều đó có thể làm lộ bí mật công nghệ của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đối tác của chương trình phát triển F-35 và Ankara đang mong nhận được 2 máy bay đầu tiên với tham vọng xây dựng 1 phi đội 100 chiếc.
NDAA 2019 cũng cho phép chi tới 85 triệu USD cho những chiếc trực thăng “Diều hâu đen” UH-60M Black Hawk. Những chiếc trực thăng này được sản xuất bởi Sikorsky, một đơn vị thành viên của Lockheed Martin, tại một cơ sở ở Stratford, Connecticut.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng mô tả “Diều hâu đen” là “cỗ máy chiến đấu” và là “những chiếc trực thăng hiện đại nhất trên thế giới”.
Quốc hội Mỹ cũng đồng ý mua một chiếc máy bay ném bom do thám tầm xa B-21 mới cho lực lượng không quân. Siêu máy bay ném bom thế hệ mới của Mỹ được đặt tên là “Raider” và được sản xuất bởi Northrop Grumman.
Quốc hội Mỹ đã thông qua tới 1,56 tỷ USD cho 3 tàu chiến duyên hải mặc dù Hải quân chỉ yêu cầu 1 chiếc. Đạo luật NDAA cũng cho phép mua tàu sân bay lớp Ford thứ tư cùng 6 tàu phá băng và 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Columbia.
Tổng cộng, NDAA vừa được thông qua đã cho phép mua tới 13 tàu chiến mới trong năm tài chính tiếp theo.
Bên cạnh đó, NDAA cũng cho phép Lầu Năm Góc chi tới 225,3 triệu USD cho xe chiến đấu Stryker A1 và ủng hộ những nỗ lực hiện đại hóa đội xe thiết giáp chiến đấu của quân đội Mỹ, bao gồm 135 xe tăng M1 Abrams, 60 xe chiến đấu Bradley, 197 xe thiết giáp đa nhiệm, 38 xe cải tiến và 3,390 xe tác chiến hạng nhẹ.
Đạo luật quốc phòng mới đã thêm 140 triệu USD cho cơ quan phòng thủ tên lửa để phát triển các dự án quan trọng về năng lượng và không gian cũng như năng lực phòng thủ bằng vũ khí siêu thanh.
Những nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm tích hợp tên lửa Patriot với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ( THAAD ) cũng nhận được 284 triệu USD.
Tuy nhiên, theo ông Tom Callender, nhà nghiên cứu cấp cao về các chương trình quốc phòng tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Viện nghiên cứu Davis về An ninh quốc gia và Chính sách Ngoại giao, NDAA 2019 mới chỉ là một nửa chặng đường. Quốc hội Mỹ vẫn phải thông qua một dự luật chi tiêu nữa về những ưu tiên giải ngân cụ thể của Lầu Năm Góc.
Theo Dantri/ Diệu Hương
IS công bố video đầu tiên về Su-22 của Syria bị Israel bắn rơi
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ngày 25/7 bất ngờ đăng tải một đoạn video và các hình ảnh được cho là cận cảnh xác máy bay chiến đấu Su-22 của Syria bị Israel bắn rơi một ngày trước đó.
Xác máy bay được cho là Su-22 của Syria bị Israel bắn rơi hôm 24/7. (Ảnh: Haaretz)
Trong đoạn video kéo dài 1 phút này, các mảnh vỡ của máy bay được cho là Su-22 của Syria bị bắn rơi vương vãi trên mặt đất và thậm chí vẫn còn đang bốc cháy tại một vị trí chưa được xác định ở khu vực Yarmouk, tây nam Syria.
Ngoài đoạn video trên, tổ chức khủng bố IS cũng công bố những hình ảnh hiện trường xác máy bay Su-22 và thi thể được cho là của một trong hai phi công.
Máy bay Su-22 của quân đội Syria bị 2 khẩu đội tên lửa Patriot của Israel bắn rơi hôm 24/7 sau khi máy bay này bị cáo buộc xâm phạm không phận ở khu vực cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Một phi công Su-22 đã thiệt mạng, song chưa rõ số phận của phi công còn lại.
Quân đội Syria đã lên tiếng chỉ trích hành động này của Israel, khẳng định rằng máy bay chiến đấu Su-22 không hề xâm phạm khu vực phi quân sự theo thỏa thuận năm 1974 giữa hai nước.
Vụ bắn rơi Su-22 tiếp tục khiến quan hệ Israel-Syria leo thang căng thẳng trong bối cảnh Israel bị cáo buộc đứng sau hàng loạt các cuộc tấn công sang biên giới Syria nhằm vào lực lượng của Iran ở đây.
Minh Phương
Theo Dantri/ AlmasdarNews
Israel bắn rơi máy bay chiến đấu Syria, một phi công thiệt mạng Hai tên lửa Patriot của Israel hôm nay đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Sukhoi của Syria, khiến một phi công thiệt mạng. Tên lửa Patriot rời bệ phóng (Ảnh: Times of Israel) Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), hai tên lửa Patriot của nước này đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Sukhoi của Syria sau khi phát...